Giải quyết suy thoái toàn cầu?

17:27, ngày 12-11-2008
Dư luận trông đợi, cuộc họp giữa lãnh đạo 20 quốc gia giàu và đang phát triển (G20) cùng các chuyên gia tài chính, kinh tế hàng đầu thế giới tới đây sẽ khởi đầu cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu

Hội nghị G20 sẽ diễn ra vào ngày 15-11 tới, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), dưới sự chủ trì của Tổng thống sắp mãn nhiệm G.Bu-sơ, để bàn về một “kế hoạch hành động” cụ thể nhằm bình ổn nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, dư luận lo ngại Hội nghị có nguy cơ lặp lại các cuộc tranh luận về mô hình quản trị kinh tế, vai trò và mức đóng góp của các nước.

IMF nhận định, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng -0,3% trong cả năm 2009, tăng trưởng toàn cầu giảm xuống chỉ còn 2,2% trong năm tới. Dự báo mới về tăng trưởng kinh tế tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung euro trong năm 2009 của IMF cũng là -0,5%, thay vì tăng trưởng ở mức 0,2% trước đó.

Hội nghị G20 - bao gồm nhóm G7 cùng một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước như Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô, Nga, Ả-rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - diễn ra khi hơn 4.000 tỉ USD mà các chính phủ trên thế giới tung ra để khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính không thể bù lại số tài sản 12.000 tỉ USD bị “bốc hơi” trên các thị trường chứng khoán đang sụp đổ. Một loạt nước đã phải cầu viện tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để chống đỡ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Tình hình dường như ngày càng tồi tệ khi lòng tin của người tiêu dùng và giới kinh doanh giảm sút, mức chi tiêu giảm mạnh và đang dần lộ diện một cuộc đại suy thoái toàn cầu. Tuy các nền kinh tế đang tích cực thực hiện các biện pháp “giải cứu” như cắt giảm lãi suất ngân hàng, thông qua các kế hoạch kích thích kinh tế cả gói nhưng viễn cảnh kinh tế từ nay đến hết năm 2009 vẫn chẳng sáng sủa.

Làm thế nào để giải cứu thị trường tài chính, là vấn đề vẫn chưa thể tìm được một tiếng nói chung. Trong khi EU, đặc biệt là Pháp yêu cầu chấm dứt mô hình tự điều tiết của nền kinh tế và sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, thì Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ cương quyết bảo vệ mô hình kinh tế “thị trường tự do, doanh nghiệp tự do và thương mại tự do”, vốn được cho là nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hiện nay.

Các tranh cãi còn xoay quanh quyền quyết định của các nền kinh tế mới nổi hiện chịu ảnh hưởng từ những chính sách sai lầm của các nước phát triển, khi họ được yêu cầu đóng góp tài chính nhiều hơn cho IMF - một định chế tài chính là chủ đề cho những chỉ trích vừa qua vì kém nhạy bén và kém hiệu quả trước cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Trong bối cảnh nêu trên, Hội nghị Thượng đỉnh G20 - nhóm nước hiện nay chiếm đến 85% kinh tế thế giới - diễn ra cuối tuần này tại Oa-sinh-tơn, được coi là Hội nghị quyết định nhất. Để chuẩn bị cho Hội nghị này, tuần qua đã diễn ra một loạt hội nghị, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU và Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức EU.

Tại đó, lãnh đạo EU đã thống nhất được quan điểm chung là tăng cường vai trò cho các định chế tài chính quốc tế chủ chốt, đặc biệt là IMF và Ngân hàng Thế giới (WB); tăng cường tính minh bạch trên các thị trường tài chính và kiểm soát chặt chẽ hệ thống thanh toán; thiết lập hệ thống tốt hơn về cảnh báo sớm và đánh giá rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, những quyết sách nói trên mang tính dài hơi. Chỉ có thể kỳ vọng khiêm tốn rằng Hội nghị Thượng đỉnh G20 là điểm khởi đầu cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng và quyết định các biện pháp cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, chứ không phải là nơi chỉ tranh cãi về các khoản đóng góp hay vai trò của các nước./.