Ngày 11-11, trong phiên chất vấn tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời 3 nhóm vấn đề do các đại biểu chất vấn.

Nhóm vấn đề thứ nhất xung quanh việc giải quyết, xử lý giá vật tư cho nông nghiệp; tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả gây thiệt hại cho sản xuất; việc ngừng xuất khẩu gạo, nhập khẩu muối, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm trong khi nông dân sản xuất dư thừa, không tiêu thụ được.

Nhóm vấn đề thứ hai là các biện pháp gì để xử lý, khắc phục trình trạng chặt phá rừng, khuyến khích trồng rừng, bảo vệ rừng.

Nhóm vấn đề thứ ba là sự bị động, lúng túng trong công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt; phòng, chống dịch cho cây trồng, vật nuôi; biện pháp để khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói: “trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi, tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này”. Bộ trưởng giải trình, trong hệ thống ngành dọc, Bộ đã nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, thành lập các cơ quan chuyên trách về dự báo tại Viện chiến lược và chính sách của Bộ, cũng như Trung tâm tin học và thống kê; yêu cầu các cục trưởng chịu trách nhiệm theo dõi và dự báo tình hình sản xuất tất cả các loại nông sản trong cả nước.

Đối với những tổn thất của nông dân, Bộ sẽ tiếp thu để nghiên cứu, bởi đây là một vấn đề lớn, cần đặt trong tổng thể chung các chính sách của Nhà nước đối với nông dân và xử lýmối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Việc bồi thường cho người dân, và bồi thường như thế nào, cần được thực hiện theo đúng quy định rất cụ thể của luật pháp. Vừa qua chiểu theo các quy định của luật pháp và tùy theo thực tế vi phạm của doanh nghiệp, Bộ đã cùng với các địa phương chỉ đạo một số doanh nghiệp phải bồi thường cho nông dân.

Với mục tiêu làm sao để nông dân có lãi 40% theo tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, cần có một kế hoạch gồm nhiều nội dung kết hợp giữa điều hành sản xuất để hạ giá thành, mặt khác phải làm tốt khâu chế biến và tiêu thụ để duy trì giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, ngay cả sản xuất cũng như tiêu thụ, nhiều khi không phụ thuocọ vào ý muốn chủ quan của con người mà lại phụ thuộc vào thiên nhiên và thị trường, mà thị trường thế giới lại luôn có những biến động. Vì thế điều quan trọng là cần phải theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt để trong mọi tình huống tìm những giải pháp có lợi nhất cho nông dân. “Còn cam kết cứng thì theo tôi không thể cam kết cứng trong điều kiện biến động về cả hai phía sản xuất và thị trường”./.