TCCSĐT - Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đưa nhân dân Nga sang kỷ nguyên mới - từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Lần đầu tiên trên thế giới, xuất hiện một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Chín bảy năm nhìn lại, vẫn thấy sức sống bất diệt của Cách mạng Tháng Mười và tư tưởng của Lê-nin, nhất là về vấn đề chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ lịch sử, những kinh nghiệm đó luôn được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh của Việt Nam.

Nhờ ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười do Lê-nin lãnh đạo mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “Ngọn đuốc lý luận Mác - Lê-nin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1).

Chuẩn bị lực lượng chính trị, vũ trang để chủ động khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi trước hết nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhưng trực tiếp là sự chuẩn bị lực lượng chính trị, vũ trang để giành chính quyền khi thời cơ xuất hiện nên đã thành công mau lẹ và ít đổ máu. Sự chuẩn bị đó trước hết là, thống nhất lực lượng cách mạng của toàn dân; động viên, cổ vũ nhiệt thành lòng yêu nước của nhân dân; kiện toàn các tổ chức cứu quốc; lãnh đạo quần chúng chống khủng bố trắng và giành quyền sống hằng ngày. Thứ hai là, phát triển các tổ chức nửa quân sự và quân sự, đào tạo các cán bộ chính trị và quân sự, mua sắm vũ khí; xây dựng chiến khu, vận động binh lính địch, huấn luyện cho nhân dân làm vườn không nhà trống; phát động chiến tranh du kích và giành chính quyền địa phương…

Một là, chuẩn bị lực lượng chính trị

Ngay từ khi mới ra đời, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng; Sách lược vắn tắt của Đảng, chủ trương chuẩn bị lực lượng chính trị được khẳng định bằng việc đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân và các tổ chức đảng phái yêu nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp vô sản lãnh đạo. Sách lược xác định Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng xây dựng khối đoàn kết rộng rãi với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước và các tổ chức cách mạng, chỉ đánh đổ các lực lượng và các đảng phái phản cách mạng, phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ. Thấm nhuần quan điểm cách mạng không tự nó đến mà phải chuẩn bị giành lấy nó, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng mạnh mẽ mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sáng tạo ra hình thức tập hợp lực lượng mới, huy động quần chúng, tập dượt quần chúng, phát động phong trào quần chúng rộng rãi đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Phong trào đã “lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu người”, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám.

Chủ trương chuẩn bị lực lượng chính trị của Đảng được thực hiện phù hợp với từng điều kiện lịch sử và nhiệm vụ cách mạng cụ thể. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941, đã quyết định thành lập ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc. Ở Việt Nam, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tháng 10-1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nói rõ tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh: “Liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật, giành quyền độc lập cho xứ sở”(2). Với mục đích, tôn chỉ và tổ chức như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, một khối đoàn kết toàn dân được kiến tạo rộng rãi, vững chắc và phát triển mạnh mẽ từ Bắc đến Nam, ở miền ngược và miền xuôi, ở nông thôn và thành thị, tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại, góp phần to lớn nhanh chóng giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Chỉ tồn tại trong 10 năm, nhưng Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành xuất sắc vai trò trọng đại - là mẫu hình về chuẩn bị lực lượng chính trị để chủ động cùng lực lượng vũ trang giành chính quyền khi thời cơ đến.

Cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945 là sự chuẩn bị trực tiếp giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Đảng đã kịp thời đưa chủ trương thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định do chính sách đúng đắn của Đảng mà phong trào cách mạng ngày càng lên cao. Các khu căn cứ được thành lập. Quân giải phóng Việt Nam được tổ chức; Đảng đã phát động chiến tranh du kích chống Nhật phối hợp với cuộc chiến tranh của nhân dân thế giới chống phát xít.

Hai là, chuẩn bị lực lượng vũ trang

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng rồi từ đó xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Từ xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng rộng rãi đến xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, phối hợp lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương trên các mặt trận.

Ngay từ khi thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là “tổ chức ra đội quân công nông”. Luận cương chính trị (10-1930) của Đảng ngoài việc xác định “lập đội quân công nông”, còn đề ra nhiệm vụ “tổ chức đội tự vệ của công nông” và khi võ trang giành chính quyền là “võ trang cho công nông”.

Từ các cuộc khởi nghĩa, lực lượng vũ trang địa phương lần lượt ra đời. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) dẫn tới sự ra đời của Đội Du kích Bắc Sơn. Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) dẫn tới sự xuất hiện nhiều tổ chức vũ trang với tên chung là Quân du kích Nam Kỳ. Cuộc binh biến Đô Lương (01-1941), báo hiệu thời kỳ đấu tranh giành chính quyền bắt đầu ở cả ba miền. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941) nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”(3), vì thế chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta.

Vào những năm trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở những nơi có các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Từ lực lượng tự vệ cứu quốc lập ra các đội tự vệ chiến đấu làm hạt nhân, với trang bị đầy đủ hơn, tập luyện nhiều hơn và tổ chức chặt chẽ hơn. Việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời của lực lượng này dẫn tới sự ra đời của hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - quân chủ lực; các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, châu, huyện và các đội quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng xã, xí nghiệp, đường phố - lực lượng bán vũ trang địa phương.

Ngày 15-5-1945, lễ hợp nhất các tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức. Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân, gồm 13 đại đội. Lực lượng vũ trang địa phương được lập thành Giải phóng quân địa phương tại một số tỉnh và một số huyện tại Khu giải phóng Việt Bắc. Nhiệm vụ Khu giải phóng là mỗi xã phải tiến tới thành lập một số tiểu tổ du kích.

Từ những “đội tự vệ” đầu tiên được tổ chức ở Phú Riềng, ở Nghệ Tĩnh vào năm 1930, từ một trung đội du kích quân (Cứu quốc quân) đầu tiên ra đời ở Bắc Sơn cuối năm 1940 và từ một trung đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ở Cao Bằng cuối năm 1944 tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã chuẩn bị được một lực lượng vũ trang cách mạng khá đông và rộng rãi. Cùng với sức mạnh áp đảo về chính trị, lực lượng vũ trang đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp khởi nghĩa vũ trang của toàn dân đến thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam và Cách mạng Tháng Mười ở Nga đều là những cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tương đồng vẫn có sự khác biệt trong chuẩn bị lực lượng: đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Mười là công, nông, binh với khẩu hiệu “công, nông, binh liên hiệp”; còn đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Tám thì có sự mở rộng đáng kể thành phần, với hạt nhân là Mặt trận Việt Minh, quy tụ được tất cả các giai tầng yêu nước trong xã hội, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc hay tôn giáo...

Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cùng sử dụng bạo lực cách mạng. Bạo lực cách mạng chính là sức mạnh của quần chúng cách mạng dùng để đánh đổ chính quyền của bọn thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng. Trong Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin dựa vào lực lượng vũ trang là chủ yếu thì ở Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã có những sáng tạo độc đáo trên cơ sở kế thừa và phát huy bài học của Cách mạng Tháng Mười. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, các đội du kích, đội tự vệ và tự vệ chiến đấu nhưng khi thời cơ chín muồi, Người đã chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa với lực lượng chính trị của toàn dân (do các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh làm nòng cốt) là chủ yếu, lấy các lực lượng vũ trang làm chỗ dựa; phát huy tính chủ động sáng tạo của từng địa phương và nhanh chóng kết thúc khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Thực tế Cách mạng Tháng Tám chứng minh rằng những đội quân chính trị đông đảo của quần chúng, được lãnh đạo chặt chẽ, có khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn bằng vũ khí thô sơ của mình đã đóng vai trò quyết định trong việc đập tan chính quyền địch ở các địa phương, xây dựng thành công chính quyền cách mạng. Đây là phương thức khởi nghĩa hiếm thấy trong lịch sử cách mạng thế giới.

Chớp thời cơ, linh hoạt, sáng tạo trong khởi nghĩa giành chính quyền

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra nhanh, gọn trong 15 ngày, giành chính quyền trên phạm vi cả nước là kết quả của việc tích cực chuẩn bị lực lượng và không bỏ lỡ khi thời cơ đến.

Từ Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định thời cơ giành chính quyền sẽ tới khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc: “Ở các nước thuộc địa hết thảy dân tộc bị áp bức sẽ vùng dậy tranh đấu liều sống liều chết đế quốc xâm lược để cởi vất cái ách tôi đòi…”(4). Hội nghị cũng xác định cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh sẽ: “nung nấu cách mệnh Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách mệnh giải phóng Đông Dương nhất định sẽ quang minh rực rỡ”(5).

Thời cơ giành chính quyền là thời điểm hội tụ các điều kiện để cho cách mạng chín muồi, theo V.I. Lê-nin gồm 3 yếu tố: Khi quân thù đã khủng hoảng, dao động, chia rẽ đến cực điểm; khi các tầng lớp đứng giữa đã xao xuyến đến cực điểm, đã ngả về phe cách mạng và sẵn sàng hưởng ứng đội tiên phong; khi đội tiên phong đã hết sức sôi sục cách mạng và đã quyết tâm hy sinh đến cùng cho cách mạng.

Đánh giá và xác định đúng thời cơ, hành động mau lẹ là một nhân tố quan trọng bảo đảm cách mạng thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ, và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn, mới chắc thắng !... ”(6) ; “Lạc nước, hai xe cũng thành vô dụng, Gặp thời, một tốt có thể thành công”(7).

Trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, Đảng ta xác định thời cơ xuất hiện vào thời điểm nào trong tương lai từ xa đến gần, từ vài ba năm đến một năm rưỡi, một năm. Hoạt động của toàn Đảng, toàn dân hướng tới thời cơ được thúc đẩy mạnh mẽ với quy mô rộng lớn và khẩn trương khi thời cơ đến gần.

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh uốn nắn những nhận thức không đúng về thời cơ khởi nghĩa và đình chỉ khởi nghĩa do đảng bộ địa phương quyết định khi thời cơ chưa tới. Thường vụ Trung ương dự kiến thời cơ Tổng khởi nghĩa: “Khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật, không phải ta có thể phát động Tổng khởi nghĩa ngay tức khắc. Phải đợi cho quân Đồng minh không những bám chắc mà còn tiến được trên đất ta. Đồng thời phải chờ quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh để phía sau tương đối sơ hở; lúc đó phát động tổng khởi nghĩa mới có lợi”(8) và chỉ đạo khởi nghĩa từng phần. Sự chỉ đạo kịp thời, mau lẹ nhưng không đốt cháy giai đoạn của Ban Thường vụ Trung ương Đảng như Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã tạo nên cao trào chống Nhật trước khi Tổng khởi nghĩa. Và đây cũng là một sự chuẩn bị cần thiết, đúng mức, là tiền đề quan trọng để Tổng khởi nghĩa thành công. Không có sự chuẩn bị chủ động sẽ không có sức mạnh để giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Khi được tin Phát-xít Nhật đầu hàng, nhân dân cả nước tập hợp dưới cờ Mặt trận Việt Minh, Đảng nhận thấy thời cơ đã đến và kịp thời phát động khởi nghĩa, thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển được của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Lệnh khởi nghĩa đều chỉ rõ thời cơ giành độc lập đã đến, toàn thể đồng bào hãy đoàn kết đứng dậy đấu tranh tự giải phóng. Chỉ có thể “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, dùng bạo lực khởi nghĩa giành chính quyền, chứ không phải Nhật bại mà ta được giải phóng, được tự do. Giờ phút trọng đại của dân tộc đã điểm, cần hành động kịp thời không để lỡ thời cơ.

Gần 70 năm Cách mạng Tháng Tám và gần 100 năm Cách mạng Tháng Mười đã đi qua, những thành tựu mà Cách mạng Tháng Mười đem lại cho nhân dân Nga và nhân dân tiến bộ trên thế giới, Cách mạng Tháng Tám đem lại độc lập cho dân tộc Việt Nam tiếp tục ngời sáng trong một thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, bài học về chuẩn bị lực lượng và chớp thời cơ lịch sử trong Cách mạng Tháng Mười ở Nga, được vận dụng sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam luôn là những gợi ý sống động mà hai dân tộc Việt - Nga cần phải gìn giữ và phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và chấn hưng đất nước./.

-----------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t. 9, tr. 314

(2) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t. 7, tr. 149

(3) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.7, tr. 129

(4) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 6, tr. 515-516

(5) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 6, tr. 535

(6) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2006, t. 2, tr. 222

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, t. 3, tr. 286

(8) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t. 7, tr. 372