NATO: Tân lãnh đạo liệu có tân chính sách?
TCCSĐT - “Không có sự mâu thuẫn nào giữa một NATO hùng mạnh và việc tiến tới các mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga”. Đó là tuyên bố của ông Gien Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) - tân Tổng Thư ký NATO ngày 06-10, khi trả lời phỏng vấn báo “Gazeta Wyborcza” tại Ba Lan.
Ông G. Xtôn-ten-bớc còn khẳng định NATO vẫn tôn trọng các cam kết quốc tế với Mát-xcơ-va (Moskva) sau Chiến tranh Lạnh về việc triển khai các hoạt động quân sự của phương Tây tại các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết. Vì thế, câu hỏi “Tân lãnh đạo NATO liệu có tân chính sách” được dư luận quan tâm.
Từ hạ giọng với Nga…
Khác với người tiền nhiệm của mình, ông G. Xtôn-ten-bớc có “thiên hướng” muốn giải hòa với Nga khi nói rằng NATO không loại trừ việc tạo quan hệ mới với Nga. Hãng Roi-tơ (Reuters) cho đây là “cành ô liu” mà lãnh đạo mới của NATO đã chìa ra đối với Nga.
Ngày 01-10, ngày làm việc chính thức đầu tiên của mình, ông G. Xtôn-ten-bớc nói: “Thông điệp chính của tôi hôm nay và nhiều năm nữa là không có sự đối nghịch nào giữa việc xây dựng một NATO hùng mạnh và nỗ lực xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga”. Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận của ông G. Xtôn-ten-bớc đối với Nga trong vấn đề U-crai-na (Ukraine) được coi là cẩn trọng và mềm dẻo hơn người tiền nhiệm, nhất là việc không sử dụng những ngôn từ mang tính thách thức với Nga, mặc dù ông vẫn kiên quyết phản đối Nga can thiệp quân sự vào U-crai-na.
Ông nói: “Chúng tôi cần phải chứng kiến những thay đổi rõ ràng trong cách hành động của Nga, một thay đổi thể hiện sự tuân thủ luật pháp quốc tế và tinh thần chịu trách nhiệm của Nga về các nghĩa vụ bắt buộc với quốc tế”. Ông nói NATO sẽ xem xét mọi đề xuất đàm phán từ phía Nga.
Ông G. Xtôn-ten-bớc cho rằng, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na đang là thách thức an ninh lớn nhất của châu Âu - Đại Tây Dương. Theo ông, lệnh ngừng bắn hiện nay ở miền Đông U-crai-na còn mong manh song nó đã đem lại một cơ hội, qua đó bày tỏ hy vọng sẽ thấy sự thay đổi rõ ràng trong hành động của Nga.
Giới phân tích cho rằng, ngay từ khi còn làm Thủ tướng Na Uy (2010), ông G. Xtôn-ten-bớc đã giải quyết “êm đẹp” một vụ tranh chấp biên giới biển ở Bắc Cực vốn kéo dài 40 năm giữa Na Uy - Nga. Vì thế, ngay sau khi ông G. Xtôn-ten-bớc được chọn làm Tổng Thư ký của NATO, Tổng thống Nga Vla-đi-mia pu-tin (Vladimir Putin) đã hoan nghênh và nói rằng, hai ông đã “có quan hệ rất tốt”.
… Đến trấn an các thành viên phía Đông
Theo hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông G. Xtôn-ten-bớc tuyên bố NATO cần luôn ở tư thế sẵn sàng đối phó với những thách thức mới. Ông cũng nhấn mạnh NATO sẽ bảo vệ tất cả các nước đồng minh của mình trước bất kỳ sự đe dọa nào. NATO đang tăng cường hiện diện tại Ba Lan và các quốc gia vùng Ban-tích (Baltic) là nhằm tăng cường an ninh của khối nhưng không vi phạm các cam kết quốc tế và cam kết với Nga.
Ông G. Xtôn-ten-bớc nhấn mạnh: “Các quốc gia ở Đông Âu không việc gì phải sợ Nga khi họ đã có NATO bảo vệ”. Ông nói: “Chúng tôi (Na Uy) là một quốc gia nhỏ với 5 triệu dân và 200 km đường biên giới với Nga, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy an toàn vì được NATO bảo đảm”. “Tôi hiểu nhu cầu của tất cả các nước đồng minh trong khối chúng ta - đặc biệt là những nước có biên giới Nga, những đồng minh ở phía Đông - là có một NATO đáng tin cậy. Nhiệm vụ của tôi là để bảo đảm tất cả đồng minh của mình cảm thấy an toàn như Na Uy đã từng có và vẫn không gặp vấn đề gì cho đến nay”.
Ông G. Xtôn-ten-bớc cho biết, liên minh này có thể triển khai quân đến bất cứ nơi nào họ muốn. Lãnh đạo NATO đã nhất trí thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh “đầu não” có thể được triển khai bất cứ lúc nào tới các điểm nóng, đặc biệt là khu vực Đông Âu nếu thấy cần thiết.
Tuy nhiên, NATO cũng bác bỏ lời kêu gọi của các nước thành viên ở Đông Âu, trong đó có Ba Lan về việc triển khai thường trực hàng nghìn binh lính tới khu vực này vì sẽ tốn kém về chi phí, nhưng quan trọng hơn NATO không muốn phá vỡ thỏa thuận năm 1997 với Nga, rằng khối này sẽ không triển khai lực lượng chiến đấu thường trực ở phía Đông.
Ông G. Xtôn-ten-bớc khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ U-crai-na và cam kết, NATO sẽ triển khai quỹ hỗ trợ cho nước này trên các lĩnh vực: an ninh mạng, hậu cần, chỉ huy - kiểm soát và phục hồi cho các binh sỹ bị thương.
Tuy nhiên, NATO từng khẳng định rõ ràng rằng, họ sẽ không can thiệp quân sự vào U-crai-na, quốc gia chưa phải thành viên của họ, nhưng vẫn sẽ củng cố sức mạnh quốc phòng cho các quốc gia thành viên khác ở Đông Âu.
Ông G. Xtôn-ten-bớc đã từ chối không bày tỏ quan điểm của mình về việc U-crai-na có thể làm thành viên của NATO hay không, nhưng ông vẫn bỏ ngỏ khả năng này, và rằng “chúng ta phải chờ đợi quyết định cuối cùng từ U-crai-na rằng họ yêu cầu được làm thành viên một lần nữa”.
Về giải pháp quân sự, ông G. Xtôn-ten-bớc cho rằng: “Chúng ta vẫn có một lệnh ngừng bắn, nhưng chúng ta có quá nhiều vi phạm thỏa thuận đó” và theo ông: “có thể đến một thời điểm mà bạo lực leo thang làm cho thỏa thuận không thể đứng vững. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta có quyền võ đoán vào thời điểm lúc bây giờ”.
Và vẫn còn thách thức lẫn nhau…
Mặc dù có tín hiệu mới từ khả năng “tân lãnh đạo, tân chính sách”, nhưng giới quan sát cho rằng, từ việc đấu khẩu đến các cuộc tập trận sau khi khủng hoảng bùng phát tại U-crai-na, NATO - Nga đã có những động thái quân sự rõ rệt nhằm vào nhau trong khu vực.
Trong khi Nga thành lập khối phòng thủ tập thể (CSTO) gồm các nước Nga, Ác-mê-ni-a (Armenia), Bê-la-rút (Belarus), Ca-dắc-xtan (Kazakhstan), Cư-rơ-gư-xtan (Kyrgyzstan) và Ta-gi-ki-xtan (Tajikistan)… Mỹ cũng cử quân đội và vũ khí hạng nặng tới để trấn an các nước đồng minh trong khối NATO tại vùng Ban-tích và Ba Lan, mặc dù họ nói là không thường trực.
Ông Vla-đi-mia Dai-nét-đi-nôt (Vladimir Zainetdinov) - người phát ngôn của CSTO cho biết, Hội đồng thường trực CSTO đã quyết định thành lập lực lượng hàng không liên minh, gồm các đơn vị vận tải quân sự, không quân, cơ quan nội vụ, quân đội, an ninh, đặc nhiệm, tình báo… để giải quyết các tình huống khẩn cấp của CSTO. CSTO cũng đã thông qua dự thảo Kế hoạch hành động chung trong huấn luyện chiến đấu và tác chiến cho năm 2015, đồng thời xây dựng những cơ sở pháp lý chuẩn bị cho việc bố trí quân đội của hệ thống an ninh tập thể trên lãnh thổ các quốc gia thành viên.
Cũng trong thời gian nói trên, Mỹ cũng quyết định điều động quân đội và xe tăng tới triển khai ở ba quốc gia Ban-tích và Ba Lan gồm các đơn vị kỵ binh bay bọc thép mang tên ‘Ngựa sắt’ cùng với khoảng 700 binh sĩ, 20 xe tăng M1A1 Abram, xe bọc thép Bradley và Stryker.
Những động thái nêu trên của Oa-xinh-tơn (Washington) là nhằm thuyết phục Nga rằng: không như với U-crai-na - quốc gia không thuộc NATO, nếu như Nga muốn can thiệp vào Li-thua-nia (Lithuania), Lát-vi-a (Latvia) hay Ét-tôn-nia (Estonia) thì đó sẽ là một cuộc chiến với NATO.
Người phát ngôn quân đội Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên họ phải di chuyển các lực lượng tiếp viện bọc thép tới châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vào đầu những năm 1990. Như vậy, việc ông G. Xtôn-ten-bớc cam kết sẽ duy trì một liên minh vững chắc và ổn định với các nước láng giềng “bằng cách bắt tay với các đối tác” và tiếp tục coi mối quan hệ giữa châu Âu với Mỹ là “hòn đá tảng” của liên minh này, là bước đi đầu tiên theo hướng hòa dịu.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng quan hệ NATO - Nga khó có thể được cải thiện trong bối cảnh NATO vẫn kiên trì chiến lược “Đông tiến” nhằm vào không gian hậu Xô Viết của Nga. Vì thế, câu trả lời, NATO: Tân lãnh đạo liệu có tân chính sách” vẫn còn đang ở phía trước./.
Hội nghị cấp cao APEC nhất trí thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực  (11/11/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên