Trong phiên thảo luận tổ sáng 04-11 về hai dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách tốt để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, các đại biểu quan tâm đến việc hỗ trợ phải đi đúng hướng, đúng mục đích.

Tạo đột phá

Chính sách tốt được cho rằng sẽ tạo ra đột phá để phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhận xét muốn tạo đột phá để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì cần thiết phải xây dựng được một hệ thống chính sách thuế minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng. “Có như vậy mới tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và sau đó sẽ tiến hành hậu kiểm. Nếu xây dựng phương án phức tạp ngay từ ban đầu thì sẽ khó thu hút để phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và dễ bị lỡ mất cơ hội này”, đại biểu này nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Gia Lai) đồng tình với đề xuất bổ sung quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ. Đại biểu cho rằng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là giải pháp quan trọng, giúp các ngành sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện đầu vào, chủ động lựa chọn được nhà cung cấp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, nhất là tránh được sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài là điều kiện quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trụ vững và phát triển trong hội nhập kinh tế quốc tế; đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi về thuế quan khi các hiệp định tự do thương mại đã ký kết và có hiệu lực.

Thời gian qua, để khuyến khích phát triển những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã quyết định một số chính sách ưu đãi, khuyến khích. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành kinh tế trọng điểm tại Việt Nam hiện nay rất thấp.

Đại biểu cũng ủng hộ việc để chính sách ưu đãi thuế khuyến khích đúng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên sản xuất. Qua đó, phát huy lợi thế cạnh tranh, khả năng sản xuất trong nước và tiềm năng xuất khẩu, khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu hay tham gia chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, thiết bị cho các công ty đa quốc gia.

Chính phủ đã trình Quốc hội quy định tại dự thảo Luật Các tiêu chí, nguyên tắc xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được ưu đãi thuế để áp dụng cho những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, gồm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho linh kiện điện tử, phụ tùng, cơ khí ôtô; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho dệt may, da giày là những sản phẩm phụ tùng, linh kiện, phụ kiện mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đạt được tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng danh mục thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm tính bao quát, toàn diện đối với ngành nghề, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần thiết ưu đãi, gắn với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Để bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của luật và tránh tình trạng luật khung, luật ống, đại biểu đề nghị quy định ngay trong luật danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách ưu đãi này và làm rõ hơn về tiêu chí “sản xuất được nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật”.

Mũi tên phải trúng đích

Nhìn vấn đề ở một góc độ khác, đại biểu Phạm Huy Hùng kiến nghị khi áp dụng ưu đãi thuế với doanh nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cần rà soát kỹ danh mục đối tượng trong diện được hỗ trợ và xem xét về mức độ cần thiết được ưu đãi. Như vậy, các tiêu chí về lĩnh vực sản xuất, đáp ứng hiệu quả đối với nhu cầu của xã hội cũng cần phải được tính đến thay vì chỉ nhắm vào yếu tố “doanh nghiệp có vốn tối thiểu 12 tỷ đồng”. Trong trường hợp xác định ưu tiên cho các doanh nghiệp có quy mô vốn như quy định thì cũng cần làm rõ hơn các tiêu chí hoạt động và công nghệ.

Theo đại biểu Phạm Huy Hùng, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển từ đầu tư theo chiều rộng sang chiều sâu thì cần chú trọng đặc biệt về yếu tố công nghệ, khoa học, kỹ thuật chứ không thể chỉ căn cứ vào số vốn đầu tư để xét ưu đãi. Mặt khác, thời gian ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hiện nay đang được đề xuất là 30 năm được cho là quá dài.

Đại biểu này cho rằng không nên quy định “cứng” mà nên xét theo từng dự án để có thời gian ưu đãi cụ thể và cũng chỉ nên khống chế tối đa ở mức 15 năm là hợp lý. “Vòng đời thiết bị và dự án cũng thường chỉ là 30 năm. Bản thân các nhà đầu tư tính thời gian hoàn vốn cũng chỉ khoảng từ 10-15 năm chứ ai dại gì thả vốn ra rồi đợi đến tận 30 năm”, đại biểu Phạm Huy Hùng phân tích.

Thêm một vấn đề được đại biểu cảnh báo là cần làm rõ khái niệm thế nào là dự án đặc biệt. Trên thực tế đã có rất nhiều dự án được thuyết trình là lần đầu áp dụng tại Việt Nam và Đông Nam Á nhưng thực chất lại nhập công nghệ lạc hậu của nước ngoài dù nó vẫn là “lần đầu” thật. Như vậy, các dự án này chính là lừa đảo và cần phải đánh thuế thật nặng, đồng thời có hình thức xử lý răn đe mạnh./.