TCCSĐT - Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và triển khai Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới, Cần Thơ xây dựng chương trình hành động: tăng cường hơn nữa công tác phát triển văn hóa, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, làm nền tảng để tăng trưởng kinh tế bền vững.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết tốt đã tạo được bước chuyển đáng khích lệ

Sau khi Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành, Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ) đã tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện và xây dựng chương trình hành động số 123-CTr/TU với nhiệm vụ trọng tâm “xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa” trong toàn Đảng bộ. Từ đó tới nay, Cần Thơ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết Trung ương 5. Qua học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, đã nhận thức rõ được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Thấm nhuần 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải pháp lớn mà Nghị quyết Trung ương 5 đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Cụ thể:

Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều chú trọng xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam, phấn đấu đạt 5 đức tính tốt đẹp mà Nghị quyết đề ra cùng với 5 chuẩn mực của người Cần Thơ mà thành phố xây dựng cho mình: “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”. Những năm gần đây, thành phố đã lồng ghép thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Cần Thơ cũng rất chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất trong hoạt động văn hóa để sáng tác, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật, từng bước nâng cao mức hưởng thụ trong nhân dân. Hệ thống nhà văn hóa và thư viện quận, huyện, xã, phường, thị trấn được đầu tư thích đáng, hoạt động thường xuyên. Từng địa phương luôn nâng cấp, tu sửa nhà thông tin khu vực, ấp, tạo điều kiện tốt cho các buổi sinh hoạt văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố thực hiện đăng ký xây dựng 22 mô hình văn minh đô thị như tuyến đường đẹp, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, phường sạch rác,… với phương châm “Lấy hoa thơm lấn cỏ dại”. Đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt tác động tích cực đến cộng đồng, môi trường xã hội.

Năm 1998, Hội văn nghệ Cần Thơ mới có 6 phân hội với 246 hội viên, đến năm 2012 đã phát triển lên 9 hội chuyên ngành với 493 hội viên, trong đó có 153 hội viên cấp Trung ương, 155 hội viên là đảng viên, 6 hội viên là nghệ sĩ ưu tú. Với phương châm “Vì một nền văn học, nghệ thuật tiến bộ và nhân văn”, công tác phê bình văn học và nghệ thuật được phát huy và có tác dụng mạnh mẽ, đánh giá chính xác giá trị của các tác phẩm, động viên, khuyến khích kịp thời sáng tạo và hướng dẫn công chúng thưởng thức giá trị của nghệ thuật.

Song song với phát triển các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật truyền thống luôn được gìn giữ, bảo tồn. Ngành văn hóa đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức định kỳ các cuộc Liên hoan đờn ca tài tử từ cấp xã, phường đến cấp thành phố và tham dự liên hoan cấp khu vực; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng năng khiếu góp phần bổ sung một lực lượng nghệ nhân, diễn viên tham gia giúp nâng cao chất lượng các hội thi, hội diễn, hoạt động nghệ thuật, góp phần đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng.

Tính đến năm 2012, Cần Thơ đã sưu tầm được 6.312 cổ vật, hiện vật về lịch sử kháng chiến, văn hóa dân tộc Việt, Hoa, Khmer; thực hiện 12 hồ sơ xếp hạng di tích; khảo sát thống kê 558 địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử và cơ sở hoạt động cách mạng. Hệ thống di tích được quan tâm trùng tu, tôn tạo từng bước phát huy hiệu quả. Thành phố hiện có 199 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử đang sinh hoạt rất đều đặn.

Cần Thơ luôn quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Với mạng lưới đa dạng, phù hợp với từng địa bàn dân cư, đã thu hút trên 220.000 học sinh vào bậc học mầm non, phổ thông và trên 100.000 sinh viên đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào học nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học. Trong đào tạo, luôn chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, chăm sóc sức khỏe; tăng cường công tác quản lý, phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng, chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên; đẩy mạnh cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Bên cạnh đầu tư vào giáo dục, thành phố cũng đề ra nhiều mục tiêu phát triển sự nghiệp khoa học - cộng nghệ, nhất là công tác nghiên cứu khoa học; ban hành nhiều chính sách khuyến khích nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý; quan tâm đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ, ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin…

Thành ủy thường xuyên chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, gắn với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện tại, hệ thống thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố phát triển khá nhanh cả lượng lẫn chất, phục vụ ngày càng tốt hơn việc tuyên truyền nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả cổng thông tin điện tử, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, làm cầu nối thông tin giữa chính quyền với nhân dân trên địa bàn, giao ban trực tuyến trong các hội nghị của thành phố và Trung ương.

Trong bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, thành phố đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn và phát huy 14 di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt, Hoa, Khmer. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, khôi phục và phát triển các loại hình văn hoá dân gian của từng dân tộc trên địa bàn. Các lễ hội của các dân tộc ít người được quan tâm đầu tư đúng mức và ngày càng toàn diện. Thành phố phát hành tờ báo Cần Thơ bằng chữ Khmer, chương trình truyền hình phát sóng tiếng Khmer. Đây là một bước nhảy vọt, là điểm nhấn trong việc đưa thông tin nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng, đến bà con dân tộc.

Cần Thơ có khoảng 220 công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, có 11 công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo của 3 dân tộc Việt, Hoa, Khmer có niên đại từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được ngành văn hóa nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Hằng năm, thành phố đều có các cuộc khảo sát, lập dự án đầu tư từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương để chống xuống cấp di tích. Các hoạt động văn hoá theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc luôn được tôn trọng, bản sắc văn hoá luôn được bảo tồn và phát huy qua các lễ hội đua ghe Ngo, hát dù kê, múa lâm thôn, nhạc ngũ âm, hát tiều, múa lân, sư, tết Chôl chnăm thmây, lễ Sene Đôn ta... đã tạo thêm sự gắn bó, đồng thuận ngày càng tốt hơn trong đồng bào dân tộc.

Hằng năm, Cần Thơ đón tiếp nhiều đoàn nghệ thuật nước bạn Ấn Độ, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Indonesia, Australia, Mỹ đến biểu diễn giao lưu văn hóa. Nổi bật trong lĩnh vực này là tổ chức thành công Ngày hội văn hóa Khmer Nam Bộ lần thứ IV năm 2008, năm Du lịch quốc gia 2008 - 2009, Lễ hội “Du lịch - Văn hóa Mekong Nhật Bản” trong năm 2009… qua đó, có dịp tiếp cận với văn hóa của các nước; đồng thời, giới thiệu với các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng. Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm Cần Thơ đã cử trên 400 lượt cán bộ đi công tác nước ngoài như tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, dự lễ hội Việt Nam tại nước ngoài, thăm quan, học tập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thành phố rất quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa. Hiện có 85/85 phường, xã, thị trấn đều có Đội “Tuyên truyền lưu động” hoạt động thường xuyên, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; 47 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 559/601 khu vực, ấp có nhà thông tin; 8/9 thư viện quận, huyện (huyện Cờ Đỏ mới chia tách năm 2009 nên chưa có thư viện); 25 thư viện cấp xã; 43 phòng đọc sách xã, phường… Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ quản lý văn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Nguồn nhân lực phục vụ ngành văn hóa hiện nay gần 800 nhân sự tính từ cấp thành phố đến cơ sở ấp, khu vực.

Còn đó những hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những hạn chế rất cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó là, các cấp ủy đảng triển khai Nghị quyết Trung ương 5 có chiều rộng nhưng chưa thật sâu. Công tác tuyên truyền tiến hành chưa được thường xuyên, chưa tạo được khí thế sôi nổi thực hiện phong trào và phát huy hết sức đóng góp của nhân dân. Nhân sự làm công tác văn hóa ở các cấp thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều việc nên việc triển khai nghị quyết kém liên tục; một số quận, huyện, phường, xã hoạt động còn yếu, lúng túng trong chuyển đổi từ xây dựng nếp sống văn minh nông thôn, gia đình văn hoá ở nông thôn sang đô thị. Cán bộ chuyên trách thiếu, phần đông là kiêm nhiệm; sự phối hợp giữa các ngành trong chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn học - nghệ thuật chưa chặt chẽ.

Môi trường văn hóa chưa thật sự lành mạnh, các tệ nạn xã hội vẫn còn, sự xâm nhập của văn hóa phương Tây ít nhiều làm phai nhạt dần bản sắc văn hóa dân tộc. Các môn văn học, đạo đức, lịch sử, giáo dục công dân trong nhà trường vẫn còn bị xem nhẹ; các cơ sở giáo dục ngoài công lập tuy có phát triển nhưng ở quy mô nhỏ là chủ yếu; trang thiết bị dạy và học còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên còn một bộ phận chưa đạt trình độ về chuyên môn và đa số dạy hợp đồng, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo và chất lượng giáo dục.

Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đầu tư chưa đáp ứng kịp sự phát triển xã hội. Toàn thành phố chỉ có 1 rạp hát, 1 nhà biểu diễn; nhiều quận, huyện chưa xây dựng kịp cơ sở làm việc và hoạt động văn hóa, thể thao, các phương tiện, thiết bị thiếu thốn, lạc hậu kéo dài nhiều năm nhưng chậm được khắc phục. Lực lượng văn nghệ sĩ tuy nhiều về số lượng nhưng hiệu quả, chất lượng nghệ thuật chưa cao. Hoạt động lý luận phê bình văn học của thành phố chưa nổi bật; tính chiến đấu và hấp dẫn của văn học, nghệ thuật chưa cao, chưa chú trọng phát hiện, bồi dưỡng tài năng, nhất là tài năng trẻ.

Hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa còn hạn chế, trình độ năng lực về chuyên môn bất cập nên lúng túng trong thẩm định, đánh giá tác phẩm. Việc quản lý các di tích lịch sử văn hóa, văn hóa vật thể, phi vật thể chưa chặt chẽ, chưa phát huy hết tác dụng giáo dục lịch sử văn hóa với phát triển du lịch. Một số hoạt động văn hóa vẫn còn nặng về bề nổi, mang tính dàn trải, chưa đi vào chiều sâu; các cuộc hội thi, hội diễn từng lúc, từng nơi chưa đạt hiệu quả, không tương xứng với vai trò, vị trí trung tâm của thành phố.

Những bài học kinh nghiệm quý

Thứ nhất, tổ chức triển khai quán triệt nghị quyết bảo đảm chất lượng; xây dựng chương trình hành động với những giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, từng bước đưa nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ mang lại hiệu quả cao.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa sẽ giúp cho mọi người tự giác, chủ động, tích cực tham gia phong trào văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Thứ ba, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa xây với chống trong xây dựng và phát triển văn hóa ở từng địa phương, đơn vị, vừa xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ lành mạnh ở cơ sở vừa tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa. Thường xuyên kiểm tra, xử lý những hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng tới đạo đức xã hội.

Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hợp lý, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn phát triển các di sản văn hóa dân tộc, quan tâm giao lưu tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài làm phong phú văn hóa dân tộc.

Thứ năm, xây dựng, ban hành các chính sách tạo bước đột phá trong thực hiện các chính sách kinh tế trong văn hóa để thực sự gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế. Khai thác các tiềm năng kinh tế hỗ trợ phát triển văn hóa bằng những giải pháp hợp lý nhất.

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa trong thời gian tới

Phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, trong thời gian tới, Cần Thơ cần tiếp tục quán triệt sâu, rộng Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, tập trung vào một số nội dung sau:

- Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Cần Thơ phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trên cơ sở các đức tính của con người Việt Nam, phấn đấu xây dựng con người Cần Thơ đạt 5 chuẩn mực. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về văn hóa, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên.

- Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, tiếp tục đưa văn hóa về cơ sở nhằm mục tiêu xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, kích thích các hoạt động văn hoá phát triển, bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở các xã vùng sâu, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” kết hợp chặt chẽ việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật. Đẩy mạnh các hoạt động văn học, nghệ thuật; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho giới văn nghệ sĩ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ; khuyến khích sáng tạo các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao; nâng chất Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ; triển khai đề án thành lập Hội đồng lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật, Quỹ hỗ trợ sáng tác Văn học - Nghệ thuật và giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Bùi Hữu Nghĩa.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa. Nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa ở các công sở, khu dân cư…; xúc tiến xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô, triển khai đề án thành lập Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa Thiếu nhi và Quảng trường Văn hóa Thành phố.

- Đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, chú ý đến các loại hình nghệ thuật biểu diễn như ca, múa, kịch và đờn ca tài tử. Xây dựng lực lượng biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố mang tầm quốc gia; đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ “vừa hồng vừa chuyên”; khôi phục và duy trì các hội thi, hội diễn mang tính chuyên nghiệp qua Giải Cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, Tiếng hát Nông dân, Giọng hát hay Lưu Hữu Phước và các cuộc thi truyền thống văn học nghệ thuật hằng năm.

- Phát huy công tác bảo tồn, bảo tàng, khai thác tiềm năng các di tích văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục có kế hoạch sưu tầm, trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa dân tộc; triển khai có hiệu quả các đề án xây dựng các khu di tích thành phố như Di tích Lịch sử - Văn hóa Chi bộ Cờ Đỏ, Khu di tích lịch sử “Trận đánh ông Đưa”, Khu tưởng niệm mộ cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, Khu lưu niệm Châu Văn Liêm; trùng tu nâng cấp “Địa điểm chiến thắng của đội Cảm tử quân Quốc gia Tự vệ tỉnh Cần Thơ - 1945 (trận đánh Lê Bình)”.

- Phát triển sự nghiệp báo chí theo hướng hiện đại. Nâng cao chất lượng báo điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình Thành phố; tổ chức một cách hợp lý các tạp chí, tờ tin ngành, đài truyền thanh quận, huyện. Tăng cường quản lý Nhà nước của sở Thông tin và Truyền thông trên lĩnh vực báo chí, xuất bản; phối hợp với các ngành chức năng quản lý tốt các trang web, Blog cá nhân…/.