Tỏa sáng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
TCCSĐT - Cách đây tròn 60 năm, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Sự kiện lịch sử đó mở ra một thời kỳ mới vẻ vang trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Theo các điều khoản của Hiệp định và thỏa thuận giữa đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và đoàn đại biểu Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương tại Hội nghị quân sự Trung Giã, Hà Nội tiếp tục nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày. Lợi dụng tình hình đó, quân Pháp tìm mọi cách phá hoại thành phố; “hà hơi tiếp sức” cho bộ máy ngụy quyền thực hiện âm mưu làm cho Hà Nội trống rỗng, hỗn loạn trước khi chuyển giao cho ta; đồng thời làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến đối với nhân dân và quốc tế. Thực dân Pháp còn lập “Ủy ban di cư”, đưa Ngô Đình Diệm ra Hà Nội, thúc đẩy bọn tay sai thực hiện kế hoạch di chuyển tài sản, máy móc, nguyên liệu ở các công sở, xí nghiệp, kho tàng và cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam. Trong khi đó, đế quốc Mỹ lăm le hất cẳng Pháp để xâm chiếm Việt Nam và đã cấp cho thực dân Pháp nhiều phương tiện, trang bị để thực hiện những âm mưu nham hiểm nói trên.
Mặc dù quân Pháp rắp tâm phá hoại việc thực hiện hiệp định chuyển giao Hà Nội đã ký kết giữa ta và Pháp, nhưng nhân dân Hà Nội đã luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang sẵn sàng tiếp quản Thủ đô. Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị tiếp quản thành phố. Theo Nghị quyết ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong (sau này là Sư đoàn 308) làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Đại đoàn Quân Tiên phong được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản thành phố Hà Nội, trong đó có Trung đoàn Thủ đô (Trung đoàn 102). Trên đường về tiếp quản Thủ đô, một số cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn được lệnh triệu tập tới gặp Bác Hồ ở Đền Hùng (thuộc xã Hy Cương, tỉnh Phú Thọ). Tại đây, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác đã khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng; đồng thời khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử rạng rỡ dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Đó là quy luật tồn tại muôn đời của đất nước Lạc Hồng và sự trường tồn của cả dân tộc Việt Nam. Lời căn dặn của Bác là lời của núi sông nghìn năm vọng về, không chỉ dành cho Đại đoàn Quân Tiên phong, mà cho cả các lực lượng vũ trang Thủ đô, cho toàn quân và cả dân tộc ta. Đầu tháng 10-1954, từ Chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, vượt qua sông Hồng, Bác Hồ và Văn phòng Chính phủ đã đến thị trấn Sơn Tây. Tại đây, Người trực tiếp theo dõi tình hình và chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày Thủ đô được giải phóng. Người đã viết và chuẩn bị nhiều bài viết có tầm vóc lịch sử, như “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”, “Giữ gìn trật tự an ninh”, “Ổn định sinh hoạt”,... nhằm động viên đến từng giới, từng ngành, từng lứa tuổi, công chức, giáo viên, học sinh, thanh niên, công nhân, bác sĩ, bộ đội, công an, giới tu hành của các tôn giáo,... cùng nhau đoàn kết để tái thiết, xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng.
Sáng ngày 09-10-1954, các lực lượng quân đội ta theo các cửa ô chính vào tiếp quản Thủ đô do các tổ tự vệ, trinh sát công an hoạt động nội thành dẫn đường, rồi từ đó tỏa đi tiếp quản Nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. Bộ đội ta tiến đến đâu, nhân dân đổ ra hai bên đường, phất cờ hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, ngõ xóm, cờ đỏ sao vàng rực rỡ khắp các phố phường, tầng nhà. Đúng 16 giờ ngày 09-10-1954, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên, để rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm, hay theo đường bộ ra Cảng Hải Phòng, di chuyển theo đường biển vào phía Nam vĩ tuyến 17. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp quản thành phố nhanh chóng và trật tự. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban quân chính thành phố và các đơn vị quân đội từ các cửa ô mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô, từng lập nhiều chiến công oanh liệt và ra đời ở Liên khu I, vinh dự giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”, dẫn đầu đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô, trong tiếng nhạc hùng tráng, giữa rừng hoa, rừng cờ, ảnh Bác Hồ và tình cảm thắm thiết của 20 vạn nhân dân Hà Nội. Cả Hà Nội tưng bừng, hân hoan trong niềm vui giải phóng. Thủ đô Hà Nội từ đây sạch bóng quân xâm lược.
Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, còi Nhà hát Lớn thành phố nổi một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc do Ủy ban quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Trong buổi lễ chào cờ Tổ quốc, Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Trong thư Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết, nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể”. Trong niềm vui chung, Người không quên căn dặn đồng bào: “Sở dĩ Thủ đô giữ gìn được tình trạng như ngày nay là do đồng bào ta hăng hái phấn đấu. Tuy vậy, từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta”. Ngày 01-01-1955, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi, nhân dân Thủ đô Hà Nội làm lễ mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về lại Thủ đô. Kể từ đây, kinh đô Thăng Long - Hà Nội thật sự trở thành Thủ đô hòa bình bền vững của nhân dân Việt Nam anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Nhân dân cả nước hân hoan, vui mừng cùng nhân dân Thủ đô Hà Nội. Lịch sử đất nước đã sang một trang mới.
*
* *
Đồng hành cùng các lực lượng tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, các lực lượng vũ trang Thủ đô đã kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, truyền thống “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô viết nên trang sử hào hùng trong thời đại mới của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng vũ trang Thủ đô đã kiên trì trụ vững, bám dân, bám đất, xây dựng cơ sở, dựa vào dân chiến đấu và chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Nhiều trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Thủ đô đã để lại những bài học kinh nghiệm quý cho chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, góp phần tạo ra bước ngoặt quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” dành cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô thể hiện sự tiếp nối truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước trong mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta; là biểu tượng của ý chí, tinh thần xả thân vì nước, quyết tâm bảo vệ, giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô trong bước ngoặt lịch sử dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang Thủ đô vừa sản xuất, vừa tăng cường chi viện cho các chiến trường, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chiến đấu và đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, trên địa bàn Hà Nội, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa sức mạnh không lực để đánh phá hủy diệt Hà Nội, nhằm đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”. Chúng đã sử dụng 444 lần máy bay B.52, hơn 1.000 lần máy bay chiến thuật, trong đó có hàng trăm lần chiếc F111, ném khoảng 10.000 tấn bom đạn hòng đánh phá, hủy diệt Thủ đô Hà Nội. Quân và dân Hà Nội đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng, chiến đấu kiên cường, dũng cảm lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, làm tiêu tan sức mạnh của không lực Mỹ. Thủ đô Hà Nội không trở về “thời kỳ đồ đá”, mà đã trở thành “Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”. Chiến thắng vang dội của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm đã góp phần rất quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chính phủ Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân Mỹ và quân chư hầu buộc phải rút hết khỏi miền Nam.
Trong công cuộc đổi mới đất nước những năm qua, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, nâng cao sức mạnh chiến đấu, xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh, khu vực phòng thủ thành phố vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, lực lượng vũ trang Thủ đô thực sự là lực lượng nòng cốt, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả của công cuộc đổi mới đất nước; bảo vệ và góp phần kiến thiết, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm, đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Hiện nay, tình hình thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có sự phát triển năng động, nhưng tiềm ẩn không ít nhân tố gây mất ổn định, đáng chú ý là sự tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo vẫn diễn ra gay gắt. Những năm qua và thời gian tới, các thế lực thù địch ráo riết đẩy mạnh thực thi mọi thủ đoạn hòng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trong chiến lược “diễn biến hòa bình”; trong đó quân đội ta là một trọng điểm tấn công quyết liệt và hiểm độc của chúng. Qua gần 30 năm đổi mới, cách mạng Việt Nam có thế và lực mới; tuy nhiên, đất nước ta còn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn. Trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô luôn kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường chống ngoại xâm, sáng tạo trong lao động, đoàn kết, nhân ái; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; giữ vững, phát huy và làm cho truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn tỏa sáng trong toàn lực lượng vũ trang Thủ đô và trong xã hội.
Quán triệt quan điểm, đường lối, phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, lực lượng vũ trang Thủ đô ra sức thực hiện có chiều sâu Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; xây dựng lực lượng bộ đội thường trực “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân, tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; nâng cao kiến thức toàn diện; trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ thành phố vững chắc; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, chất lượng tốt cho các nhiệm vụ, góp phần làm thất bại các âm mưu và thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới đất nước và Thủ đô giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
Để tiếp tục bồi đắp và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mỗi công dân Thủ đô, một trong những biện pháp quan trọng là các cấp lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cần chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội trong thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh đã được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2013. Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh cho từng đối tượng hiện nay còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, song chúng ta không vì thế mà lơ là, chậm trễ hoặc thực hiện chiếu lệ, hình thức, đơn điệu, mà cần được tiến hành nền nếp, có chất lượng, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn của Thủ đô. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và cấp bách trong tình hình hiện nay, nhằm tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cũng như ý thức quốc phòng và an ninh cho mỗi công dân. Đó cũng là một kinh nghiệm quý báu trong xây dựng “thế trận lòng dân”, một phương thức hữu hiệu góp phần bồi đắp và làm cho truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” luôn thấm đậm vào tư tưởng, ý chí và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ, đồng thời luôn tỏa sáng trong xã hội; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho lực lượng vũ trang Thủ đô hoàn thành tốt các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trong tình hình mới, xứng đáng với tầm vóc Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hòa bình của nhân dân Việt Nam./.
Giá trị lịch sử và hiện thực của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân  (23/10/2014)
“Tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội gần giống tiêu chuẩn công chức”  (23/10/2014)
Hội nghị quán triệt Chỉ thị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ  (22/10/2014)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ  (22/10/2014)
Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần 21  (22/10/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên