Chiều 22-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (Điều 1), tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội thành 16 điều tương ứng với 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp. Khoản 4, Điều 4 quy định: Hiến pháp được Quốc hội thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp theo quy định tại Điều 19 của Luật này. Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc trưng cầu ý dân chỉ thực hiện khi có đủ điều kiện.

Ý kiến khác đề nghị trong các dự thảo luật không nên ghi những cụm từ “trong trường hợp cần thiết” mà cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật. Hơn nữa quyết định trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận, quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Về vấn đề này, Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho cụ thể hóa một bước các trường hợp Quốc hội xem xét quyết định việc trưng cầu ý dân, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân; cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật Trưng cầu ý dân quy định.

Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội

Về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội (Điều 21), dự thảo luật đã có các quy định để thể hiện rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên và tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội...

Bàn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng quy định trong dự thảo luật về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn chung chung, gần giống với tiêu chuẩn của cán bộ công chức. Đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định đại biểu Quốc hội phải trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân để khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước phải trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc để quyết định.

Đại biểu cũng cho rằng quy định về trình độ năng lực của đại biểu Quốc hội vẫn chưa cụ thể và đề nghị cần ghi rõ trong dự thảo là đại biểu Quốc hội phải có chính kiến, có năng lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đánh giá số lượng đại biểu Quốc hội nữ chưa đạt tỷ lệ và giảm dần đều qua các nhiệm kỳ. Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu cần bổ sung vào Điều 23 quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội mỗi giới không quá 65% để chủ động chuẩn bị ứng cử viên. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách, nữ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội trong các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá các quy định về cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội còn nặng về hành chính, quyền hạn của đại biểu Quốc hội chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định để bảo đảm tính độc lập của đại biểu Quốc hội; hạn chế tình trạng hành chính hóa của đại biểu Quốc hội cũng như thể hiện rõ tinh thần, tiêu chuẩn quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội là phải được cử tri tín nhiệm, tin tưởng.

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nội dung về đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật cần làm rõ hơn nội dung, vị trí, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và trách nhiệm tham gia các kỳ họp của Quốc hội. Nhấn mạnh cơ cấu, chất lượng của đại biểu Quốc hội có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đánh giá việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội là cần thiết. Đại biểu Quốc hội phải là người nói được tiếng nói của cử tri, của nhân dân. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội để xứng đáng là người đại diện cho nhân dân trong Quốc hội.

Đối với quy định về đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Đỗ Văn Đương có quan điểm ngoài những quy định chung, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có phẩm chất, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực cao hơn; phải từng qua thực tiễn và tinh thông nghiệp vụ về lĩnh vực chuyên trách, có kỹ năng phản biện… nếu không chất lượng thẩm tra, giám sát sẽ rất hạn chế.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng nên quy định rõ số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương, góp phần quan trọng nâng cao chức năng, hiệu quả giám sát; phản ánh kịp thời, rõ ràng hơn việc thực thi pháp luật của địa phương.

Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo luật quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội để phù hợp với điều kiện thực tế của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ cụ thể đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương hay ở địa phương sẽ tùy thuộc vào yêu cầu công tác và thực tế hoạt động của Quốc hội trong từng thời gian, từng nhiệm kỳ cụ thể.

Thể hiện rõ hơn vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội

Về Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 43), trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã thể hiện rõ hơn vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến địa phương công tác.

Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức các hoạt động của đại biểu Quốc hội, như tiếp công dân, thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương...

Đại biểu nhận xét dự thảo luật vẫn còn thiếu chức năng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu không quy định chức năng giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội là chưa phù hợp.

Đồng quan điểm với đại biểu Đồng Hữu Mạo, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng cho rằng không nên hạn chế về nhiệm vụ giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu cần có quy định Đoàn đại biểu Quốc hội cũng được ban hành các văn bản theo quy định pháp luật. Đánh giá giá trị thực tế hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương rất lớn, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề nghị cần cụ thể hóa hơn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội trong dự thảo luật.

Theo đại biểu, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhưng Điều 43 dự thảo luật quy định: “Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội” là chưa rõ. Theo đại biểu nên quy định cụ thể Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ quyền hạn như một cơ quan của Quốc hội ở địa phương…/.