TCCSĐT - Sáng 22-10-2014, tại thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh), Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Giá trị lịch sử và hiện thực đối với sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Hội thảo hướng tới chào mừng mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014).

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tuấn Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam; Ngô Văn Diện, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Về phía Trường Đại học Chính trị có các đồng chí: Trung tướng, PGS, TS. Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Nhà trường; Trung tướng Trần Trung Khương, Chính ủy Nhà trường cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Nhà trường.

Tham gia Hội thảo còn có 120 tác giả có bài tham luận và các cán bộ, giảng viên, học viên Trường Đại học Chính trị.

Phát biểu đề dẫn, Trung tướng, PGS, TS. Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị khẳng định: Thực tiễn cách mạng gần 70 năm qua đã cho thấy tầm vóc thời đại, ý nghĩa lịch sử to lớn của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Không chỉ đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Quân đội, Chỉ thị còn xác lập vai trò hoạt động công tác đảng, công tác chính trị thực chất là vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Do đó, Hội thảo cần làm rõ ý nghĩa lịch sử của Chỉ thị cũng như những yêu cầu đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng cơ bản của Chỉ thị vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cho Quân đội và sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới hiện nay.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng PGS, TS. Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhấn mạnh: Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một bản Chỉ thị ngắn gọn nhưng chứa đựng những tư tưởng ở tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quân sự, chính trị, về chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng quân đội cách mạng - một đội quân của dân, do dân và vì dân. Với Chỉ thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn và triệt để mối quan hệ giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ quân sự, nhất quán khẳng định chính trị quyết định quân sự, quân sự phục tùng chính trị; đó là cơ sở để coi trọng nhân tố con người trong xây dựng quân đội.

Hội thảo tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề trọng tâm: “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” - Những giá trị lý luận cơ bản; “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” - Ý nghĩa đối với công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội và “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” đối với việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội.

Trên tinh thần thẳng thắn, khách quan và tôn trọng lịch sử, các tham luận trình bày tại Hội thảo đã một lần nữa làm rõ hơn bối cảnh lịch sử ra đời và những giá trị lịch sử bền vững của Chỉ thị. Các đại biểu đều nhất trí: Kịp thời đáp ứng những đòi hỏi khách quan của lịch sử dân tộc trong những năm đầu của thập niên 40, thế kỷ XX, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là văn kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; xác lập những nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, nguyên tắc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội; đồng thời, chứa đựng những giá trị sâu sắc đối với công tác đào tạo cán bộ chính trị trong quân đội nói riêng và xây dựng quân đội về chính trị nói chung.

Kết luận Hội thảo, Ban Tổ chức khẳng định: Thực tiễn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn của Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Không chỉ có ý nghĩa soi sáng quá trình xây dựng, phát triển của quân đội trong 70 năm qua, Chỉ thị còn là “cẩm nang” quan trọng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt nam hiện nay. Tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh trong Chỉ thị nhất là tư tưởng về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội là vấn đề quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”./.