Sáng 28-6 (giờ Hà Nội), Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã bế mạc tại TP Tô-rôn-tô (Ca-na-đa) với việc thông qua Tuyên bố chung của các lãnh đạo G-20. Theo đó, các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí cần thực hiện những bước tiếp theo nhằm  bảo đảm tăng trưởng kinh tế, khôi phục việc làm, cải cách và tăng cường các hệ thống tài chính và tạo sự tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
 
Các nhà lãnh đạo G-20 cho rằng, mặc dù tăng trưởng đã trở lại, nhưng sự phục hồi diễn ra không đồng đều và không chắc chắn, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước vẫn cao quá mức cho phép và tác động xã hội của cuộc khủng hoảng vẫn còn tồn tại nhiều nơi. Do đó, ưu tiên cao nhất hiện nay vẫn là tăng cường sự phục hồi của nền kinh tế và các nước cần hoàn tất những kế hoạch kích thích kinh tế hiện hữu, cùng với việc tạo điều kiện đẩy mạnh sức cầu tư nhân. Những diễn tiến gần đây đã nêu bật tầm quan trọng của hoạt động tài chính công bền vững, buộc các nước đưa ra kế hoạch thực hiện ổn định ngân sách một cách đáng tin cậy, theo từng giai đoạn hợp lý và có lợi cho tăng trưởng, có xét đến sự khác biệt và phải phù hợp  hoàn cảnh quốc gia... Việc hoàn tất những cải cách đối với các tổ chức tài chính quốc tế cũng là một nhu cầu cấp bách khác.

Tuyên bố của các lãnh đạo G-20 nêu rõ các giải pháp cụ thể trong việc thực hiện khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; cải cách các lĩnh vực tài chính; các tổ chức tài chính quốc tế và phát triển; chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư; các vấn đề khác và chương trình nghị sự cho tương lai, trong đó ưu tiên cao nhất của G-20 là bảo vệ và tăng cường sự phục hồi, đặt nền móng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, đồng thời củng cố các hệ thống tài chính chống lại rủi ro.

Trước đó, các nhà lãnh đạo G-20 và các khách mời gồm Việt Nam, Ma-la-uy, Ê-ti-ô-pi-a, Tây Ban Nha và Hà Lan, các tổ chức quốc tế gồm LHQ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) đã họp phiên toàn thể về cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế và hành chính. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN), đã dẫn đầu Ðoàn đại biểu tham dự hội nghị và nêu bật những quan điểm của ASEAN về kinh tế thế giới: triển vọng và thách thức, về chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, về cải cách tài chính quốc tế.

Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc về kinh tế thế giới - triển vọng và thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các nước thành viên G-20 trong việc đối phó khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong thời gian qua, các nước ASEAN đã tương đối thành công trong việc khôi phục tăng trưởng kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế khu vực châu Á nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Các nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Ðộ, ASEAN, đã đóng góp tới 75% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2009. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tuy kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do sự phục hồi kinh tế diễn ra chưa đồng đều và rộng khắp. Những nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa được giải quyết triệt để và không loại trừ khả năng sẽ làm bùng phát thêm những cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc gia và quốc tế, ở các nước phát triển cũng như đang phát triển. Vì vậy, các nước ASEAN cho rằng, các biện pháp chính sách của G-20 cần hướng tới mục tiêu bảo đảm kinh tế thế giới phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng, đều khắp. Bên cạnh việc giải quyết những thách thức trước mắt, chúng ta cần tiếp tục quan tâm những vấn đề mang tính cốt lõi và dài hạn như xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững; giải quyết các vấn đề phát triển, bao gồm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm nước; đối phó các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và an ninh năng lượng...

Liên quan việc chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại, đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam và ASEAN quan ngại trước tiến triển chậm chạp của Vòng đàm phán Ðô-ha  và kêu gọi G-20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Vòng đàm phán Ðô-ha trong thời gian sớm nhất. ASEAN hoan nghênh G-20 đã thể hiện thái độ mạnh mẽ phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, đặc biệt thỏa thuận kéo dài thêm ba năm cam kết không gia tăng hay áp đặt các rào cản mới đối với đầu tư và thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, Việt Nam kêu gọi G-20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiệm vụ đối phó  suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ. ASEAN ủng hộ mạnh mẽ việc G-20 đưa vào chương trình nghị sự các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giảm chi phí giao dịch và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển. Thủ tướng cho rằng, các nước ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực theo hướng mở tại Ðông Á với việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) quan trọng có mức độ tự do hóa cao. Các chương trình hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ tiểu vùng Mê Công có sự tham gia của các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ,... cũng đang tiến triển tốt đẹp. Việt Nam cũng chủ động tham gia tiến trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Vừa qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán Ðối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có hai nước thành viên G-20 là Ô-xtrây-li-a và Mỹ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như Liên hiệp châu Âu (EU), Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU)... cùng G-20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung quyết tâm thúc đẩy Vòng đàm phán Ðô-ha kết thúc trong 12 tháng tới; khẳng định liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO.

Thảo luận về phiên cải cách các thể chế tài chính quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến và nỗ lực cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Việt Nam và ASEAN cũng đánh giá cao việc tăng cường nguồn lực cho các ngân hàng phát triển khu vực, cho phép các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn, kinh nghiệm và các hỗ trợ kỹ thuật khác nhằm tạo sự chủ động trong ứng phó  những bất ổn của kinh tế vĩ mô trong khu vực.

Ðể tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị IMF, WB và các thể chế tài chính khu vực tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB, cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó  biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện ứng phó  biến đổi khí hậu. Với IMF, cần hoàn thiện các công cụ cho vay phù hợp  hoàn cảnh và điều kiện của các nước chậm và đang phát triển, đặc biệt trong việc ứng phó  tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tăng cường các hoạt động hợp tác và tham vấn chính sách giữa các thể chế tài chính quốc tế với các tổ chức khu vực trong khi vẫn  bảo đảm nguyên tắc tự chủ trong điều hành kinh tế của các nước.