TCCS - Sau khi chế độ khoán nông nghiệp được áp dụng vào đầu thập kỷ 1980, kinh tế nông thôn Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách chế độ công chức ở thành thị và nông thôn. Bước đột phá quan trọng này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình đông đảo người dân Trung Quốc, đồng thời mở ra một chương mới trong cải cách chế độ tuyển dụng cán bộ của quốc gia có số dân đông nhất hành tinh.

Chế độ thi công chức ở Trung Quốc

Chế độ tuyển dụng công chức nhà nước của Trung Quốc là một chế độ quản lý nhân sự mà các cơ quan hành chính tuyển dụng những người có năng lực thực vào làm việc, đảm nhiệm các vị trí từ trưởng phòng trở xuống. Quá trình này được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bằng phương pháp thi sát hạch. Nội dung bao gồm: nguyên tắc tuyển dụng, điều kiện tư cách tuyển dụng, phương pháp và quy trình tuyển dụng, tổ chức công tác tuyển dụng...

Kỳ thi công chức của Trung Quốc được chia thành hai cấp: cấp quốc gia và cấp địa phương (tỉnh, huyện). Kỳ thi đầu tiên được tổ chức vào tháng 6-1994. Từ năm 2002, Trung Quốc quy định, thời gian thi công chức cấp quốc gia được tổ chức vào một thời gian cố định, thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào giữa tháng 10 của năm trước, thời gian thi vào 2 ngày cuối của tuần thứ 4 thuộc tháng 11 năm sau. Thời gian thi công chức từ cấp tỉnh, huyện không cố định. Thí sinh sẽ phải trải qua hai vòng thi: thi viết, phỏng vấn và trắc nghiệm tâm lý. Vòng thi viết gồm môn thi chung và môn chuyên ngành. Mục đích của vòng thi viết là kiểm tra năng lực hành chính, kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành của thí sinh. Còn vòng thi phỏng vấn và trắc nghiệm tâm lý chuyên để kiểm tra năng lực tổng hợp và tố chất cá nhân của thí sinh. Đối với vòng thi viết, thí sinh phải vượt qua phần thi trắc nghiệm, khuynh hướng năng lực nghề nghiệp và thi tự luận. Phần trắc nghiệm khuynh hướng năng lực nghề nghiệp bao gồm: suy luận, lô-gic, ngôn ngữ học, kiến thức cơ bản, tính toán số liệu... Phần thi tự luận, thí sinh được cung cấp một số tài liệu, sau đó yêu cầu thí sinh biết chắt lọc ra những vấn đề cần thiết, đưa ra phương án giải quyết và viết thành một bài nghị luận. Muốn làm tốt phần thi này, thí sinh phải có một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài, quan tâm nhiều đến thời sự và các vấn đề “nóng” trong xã hội.

Kỳ thi công chức ở Trung Quốc được ví như “nghìn quân, vạn mã chen cầu độc mộc”, bởi tỷ lệ “chọi” của kỳ thi này còn lớn hơn cả kỳ thi đại học. Thống kê cho thấy, cuối năm 2009, có 1,35 triệu người được xét đủ điều kiện tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức năm 2010 (tất cả các thí sinh tham gia thi đều đăng ký dự thi qua mạng In-tơ-net). Năm 2010, sẽ có khoảng 130 cơ quan trung ương và các đơn vị trực thuộc của Trung Quốc công khai tuyển dụng nhân sự theo Luật Công chức. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 15.000 vị trí được tuyển dụng. Điều này có nghĩa rằng, tỷ lệ “chọi” trung bình là 1/90. Một điều đáng nói là, có trên 10 vị trí tuyển dụng với tỷ lệ “chọi” lên tới 1/1.000, thậm chí cao hơn. Trong đó, vị trí “chuyên viên Phòng châu Âu” của Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Khoa học - Kỹ thuật Trung Quốc đứng đầu, số người thông qua sát hạch ở vòng ngoài lên tới 4.080 – trong khi chỉ có 1 chỉ tiêu tuyển dụng. 15 năm qua, số thí sinh đăng ký thi tuyển công chức ở Trung Quốc lại tăng theo cấp số cộng mỗi năm, về quy mô, chỉ đứng sau kỳ thi đại học, thậm chí tầm quan trọng của nó, còn lớn hơn kỳ thi đại học, bởi nó không chỉ liên quan đến vấn đề tìm việc làm của sinh viên Trung Quốc, mà xét về lâu dài còn liên quan đến công cuộc xây dựng xã hội hài hòa.

Một số điểm mới trong thi tuyển

Trung bình mỗi năm, số lượng tuyển sinh của các trường đại học ở Trung Quốc tăng thêm 700.000 sinh viên. Điều này đã khiến cho sức ép tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp mỗi năm một lớn. Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, mỗi năm nước này tăng thêm 20 triệu lao động, nếu dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP là 8%/năm thì chỉ có thể đem lại 12 triệu đến 14 triệu cơ hội việc làm, tức mỗi năm sẽ có khoảng 7 triệu lao động không tìm được việc làm. Tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc lên tới 12 - 15%, trong 6 triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2009, có 1,5 triệu người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Điều kiện để được xét duyệt đăng ký tham gia thi tuyển dụng công chức cấp quốc gia đối với các thí sinh ở Trung Quốc khá ngặt nghèo. Trong năm 2009, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với các đối tượng tham gia kỳ thi. Mở rộng phạm vi tuyển dụng công chức cho cấp cơ sở và tuyến sản xuất, chính sách tuyển dụng ưu tiên cho các vị trí dưới cơ sở, công việc gian khổ và ở vùng cao, vùng xa; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển có kinh nghiệm làm việc dưới cơ sở từ hai năm trở lên chiếm không dưới 50% tổng chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, đối với cơ quan hành chính cấp trung ương và các cơ quan trực thuộc cấp tỉnh, tỷ lệ này không dưới 60%. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu, những vị trí từ cấp huyện trở xuống trong các cơ quan trực thuộc trung ương chỉ tuyển những sinh viên tốt nghiệp trong năm đó, điểm trúng tuyển đối với các vị trí làm việc ở cấp cơ sở và khu vực miền Tây Trung Quốc sẽ được tính riêng. Sự ưu tiên này đã khuyến khích sinh viên Trung Quốc về miền Tây và những khu vực miền núi, hải đảo xa xôi làm việc, giải quyết vấn đề thiếu nhân tài ở những khu vực này cho đất nước.

Về bằng cấp, mặc dù yêu cầu đối với thí sinh tham gia tuyển dụng là trung cấp trở lên, nhưng từ năm 2007 - 2009, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học chiếm đa số. Ngoài ra, năm 2007, tỷ lệ thạc sĩ chiếm 0,8%, đến năm 2009 lên tới 18%. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức của Trung Quốc, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Công chức: luôn là “hàng hiệu”!

Nguyên nhân nào khiến công chức nhà nước lại có sức hút lớn đối với sinh viên Trung Quốc như hiện nay?

Thứ nhất: Thu nhập khá cao, chế độ phúc lợi tốt

Trong mắt người dân Trung Quốc, mặc dù về danh nghĩa, thu nhập của một công chức nhà nước có thể không cao bằng một nhân viên làm việc cho công ty nước ngoài, nhưng ổn định và từ các nguồn thu nhập khác không thể tính toán; và chế độ phúc lợi tốt mà công chức Trung Quốc được hưởng đã khiến bao người phải ngưỡng mộ. Nhưng, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lan rộng toàn cầu, rất nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã phải cắt giảm biên chế với số lượng lớn, số công ty bị phá sản cũng tăng mạnh. Lúc này, người Trung Quốc mới ý thức được tầm quan trọng của sự ổn định trong công việc. Đặc biệt trong vài năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm, chú trọng đến chính sách phúc lợi về chính trị, kinh tế của công chức. Điều này khiến cho mơ ước được làm một “công chức chuẩn”nhà nước đã trở thành tâm lý chung của rất nhiều sinh viên Trung Quốc trước khi rời ghế nhà trường.

Thứ hai: “Độ an toàn” cao

Tính đến cuối năm 2008, Trung Quốc đã tuyển dụng được gần 1,2 triệu công chức từ kỳ thi tuyển dụng công chức quốc gia. Kết quả điều tra cho thấy, 98% số đơn vị tuyển dụng hài lòng với những công chức đã được tuyển dụng; 96,3% số người được điều tra cho rằng, “chế độ tuyển dụng công chức đã đem lại cho họ một cơ hội cạnh tranh bình đẳng, tạo nên một sự định hướng đúng đắn trong xã hội”.

Môi trường cạnh tranh khốc liệt trong thương trường và doanh nghiệp đã khiến rất nhiều thanh niên Trung Quốc cảm thấy sức ép về công việc quá lớn. Chính vì vậy, cuộc sống bình lặng, ổn định của các cơ quan hành chính đã trở thành mục tiêu theo đuổi của sinh viên. Mặc dù vài năm gần đây, sự kiện công chức Trung Quốc bị đuổi việc vẫn xuất hiện. Theo thống kê của tờ Nhân dân nhật báo điện tử, trong khoảng thời gian 1996 - 2003, đã có 160.000 công chức Trung Quốc bị sa thải. Điều này cho thấy, để tồn tại trong cơ quan nhà nước cũng không phải dễ, nhưng so với các ngành nghề khác, làm một công chức nhà nước vẫn là ổn định nhất. ở mọi quốc gia trên thế giới đều như vậy, và Trung Quốc cũng không nằm ngoài số đó.

Vẫn còn đó một số bất cập

Mặc dù kỳ thi tuyển dụng công chức ở Trung Quốc đã góp phần quan trọng để quốc gia này phát hiện nhân tài vào làm việc trong các bộ, ban, ngành, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại mà Trung Quốc đang tìm cách giải quyết.

Theo Bản báo cáo về phát triển nhân tài của Trung Quốc đăng trong cuốn Sách Xanh về nhân tài hồi tháng 7-2006, trong năm 2006, các cơ quan trung ương của Trung Quốc tuyển dụng 10.282 vị trí làm việc, số người đăng ký gần 1,365 triệu người tham gia thi, tổng kinh phí chi cho kỳ thi này lên tới 270 triệu nhân dân tệ (NDT), kinh phí để tuyển dụng một công chức của Trung Quốc lên tới 26.000 NDT! Chi phí này bao gồm tiền tài liệu, kinh phí đào tạo, kinh phí tổ chức thi, chấm thi, chi phí ăn ở, đi lại của thí sinh... Báo chí Trung Quốc cho rằng, đây là một con số quá lớn, gây lãng phí cho thí sinh và đất nước. Một số vị trí tuyển dụng có chỉ tiêu rất hạn chế nhưng lại có hàng nghìn người tham gia, đây là một sự lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc,... không cần thiết!

Ngoài ra, không ít người có học vị tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên vẫn đi thi công chức, đây là một sự lãng phí rất lớn của ngành giáo dục Trung Quốc. Nếu vấn đề này tiếp tục kéo dài không được giải quyết sẽ gây ra tình trạng dư thừa nhân tài trong lĩnh vực chính trị, nghiên cứu khoa học, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và tài chính thương mại - những ngành rất cần người có trình độ cao, nhưng luôn bị thiếu một cách trầm trọng. Và, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tốc độ và chất lượng phát triển cua Trung Quốc trong tương lai./.