Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) đã bày tỏ quan điểm với báo chí xung quanh những sửa đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Phá sản năm 2004.

- Những điểm mới trong dự thảo Luật Phá sản sửa đổi lần này là gì, thưa đồng chí?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phá sản năm 2004 cho thấy trong khoảng thời gian này, chúng ta mới có hơn 250 doanh nghiệp nộp đơn và chỉ có 88 doanh nghiệp thực hiện được thủ tục phá sản. Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 2004 có những hạn chế nhất định trong việc hỗ trợ cho cơ chế thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó.

Dự thảo sửa đổi Luật Phá sản lần này có hai điểm mới nhất, cốt lõi. Điểm thứ nhất, về quy trình thực hiện phá sản, lần này chúng ta cho tuyên bố phá sản sau đó mới tiến hành thanh lý tài sản và thực hiện tất cả các công việc khác.

Trong khi đó, theo Luật Phá sản hiện hành, doanh nghiệp phải đợi hoàn tất việc thanh lý tài sản mới được tuyên bố phá sản. Chúng ta biết rằng trong hoạt động của kinh tế thị trường, việc làm rạch ròi các khoản công nợ sẽ tốn rất nhiều thời gian. Chính vướng mắc này đã làm cho nhiều doanh nghiệp ngại làm thủ tục phá sản. Điểm thứ hai, theo dự thảo Luật Phá sản sửa đổi có một bộ máy để tổ chức thực hiện quản lý công tác phá sản.

Ngoài ra, dự thảo Luật Phá sản sửa đổi còn đặt ra nhiều vấn đề khác để hoàn thành một bước quy trình phá sản doanh nghiệp. Đây chính là những điểm mới nhất, mấu chốt nhất quyết định đến việc vận hành, để Luật Phá sản trong thời gian tới đi vào cuộc sống.

- Với Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông đánh giá thể nào về điểm mới của dự thảo sửa đổi lần này?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Luật Doanh nghiệp năm 2005 được xây dựng và ban hành trong thời điểm chúng ta đang rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với tiến trình hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên, qua 9 năm thực hiện, chúng ta nhận thấy còn nhiều điểm bất cập khác mà Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa xử lý được. Chẳng hạn như một vấn đề được dư luận xã hội rất quan tâm là sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời thì một loạt các doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn trong quản lý vốn, quản trị doanh nghiệp. Sau khi tổng kết lại, chúng ta đã đưa ra những kiến nghị mới. Kiến nghị mới này có thể nằm trong Luật Doanh nghiệp, có phần được tách ra để xây dựng mới Luật Quản lý vốn và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Như vậy, có thể thấy rằng chúng ta đang cụ thể hóa hơn nữa những quy luật của kinh tế thị trường để đưa vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này, điểm trọng tâm nữa là chúng ta làm cho quy chế quản trị doanh nghiệp linh hoạt hơn, không bị phụ thuộc vào sở hữu của cổ đông góp vốn. Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này chú trọng xây dựng biện pháp bảo vệ cổ đông nhỏ hơn nữa. Quy định này nhằm tránh tình trạng, ví dụ như trường hợp cổ đông chiếm 70% vốn hoặc cổ đông chiếm 52%, 53% vốn sẽ có quyền quyết mọi việc, còn những cổ đông chiếm 46%, 48% hoặc những cổ đông khác lại không có tiếng nói quyết định, mặc dù họ có đóng góp một phần vốn nhất định.

Một vấn đề nữa là chúng ta có quan niệm giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép thành lập doanh nghiệp có cần 2 trong 1 hay không. Quá trình tổng kết thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy sự cần thiết của giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp có vốn trong nước. Bởi vậy, cải cách thủ tục đối với doanh nghiệp là phải theo hướng doanh nghiệp cần cái gì thì các cơ quan quản lý nhà nước đáp ứng điều đấy, chứ không phải tự chúng ta cho là mô hình doanh nghiệp trong nước cần gì thì áp cho tất cả các loại hình doanh nghiệp khác.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tách giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư (Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp). Đây là những điểm mới với cách tiếp cận mới trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này.

- Trong Luật sửa đổi lần này có quy định nào có thể hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài chi phối những ngành trọng yếu, then chốt ở trong nước không, thưa đồng chí?

 Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Cần phải thấy rằng chúng ta hân hoan khi xuất khẩu của chúng ta chiếm 60-70% thị phần của một nước nào đó, chẳng hạn như hàng của Việt Nam chiếm 12%, 15%, 20% thị phần cá tra, cá ba sa của Mỹ... Do vậy, không nên đặt vấn đề như vậy trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa như hiện nay mà thị phần phải đan xen nhau. Chúng ta chiếm giữ thị phần của lĩnh vực này thì nước khác có thể sẽ chiếm thị phần của lĩnh vực khác của mình.

Vấn đề cốt lõi là phải bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của quốc gia. Không phải là thích bán hàng hóa với giá nào cũng được mà giá bán đó phải bảo đảm được khả năng tái đầu tư tài nguyên cũng như tích lũy cho đất nước phát triển.

Trong nền kinh tế thị trường, giá hàng hóa, cung cầu được quyết định bởi thị trường chứ không phải ý kiến chủ quan chúng ta. Chúng ta phải bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có.

- Xin cảm ơn đồng chí!