TCCSĐT - Sau khi quân đội Thái Lan tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước, Bộ Ngoại giao một số nước và các tổ chức quốc tế đã có những tuyên bố mạnh mẽ, yêu cầu nước này nhanh chóng khôi phục chính quyền dân sự.

CICA khẳng định nguyện vọng về một châu Á hòa bình

Ngày 21-5-2014, tại Thượng Hải (Trung Quốc) diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) với chủ đề “Tăng cường đối thoại, lòng tin và phối hợp hành động vì một châu Á hòa bình, ổn định và hợp tác”.

Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển chung, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực; đề cao các quy chuẩn và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trên biển; chống can thiệp, áp đặt, gây sức ép, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; kêu gọi nỗ lực bảo đảm an ninh chính trị, hàng hải, năng lượng và lương thực; tăng cường hợp tác, trao đổi về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân; đồng thời thúc đẩy liên kết để phát huy lợi thế của các khu vực. Hội nghị thông qua Tuyên bố phản ánh quan điểm đồng thuận của các nước thành viên về những vấn đề mang tính nguyên tắc, các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, về hoạt động của CICA...

“Leo thang” căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc về cáo buộc do thám mạng

Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Oa-sinh-tơn kết tội năm sĩ quan Trung Quốc hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các tập đoàn công ty của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 20-5-2014 thừa nhận bản cáo trạng do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra có thể tác động tiêu cực tới quan hệ quân sự Mỹ - Trung Quốc, song khẳng định khả năng tiến hành đối thoại song phương để giải quyết vướng mắc sẽ tùy thuộc phía Trung Quốc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Giôn Cơ-bi (John Kirby), cho rằng an ninh mạng là một vấn đề nhạy cảm đối với hai nước và Mỹ không chờ đợi Trung Quốc có phản ứng tích cực đối với bản cáo trạng trên. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ vẫn muốn duy trì các kênh thông tin liên lạc giữa hai bên và Bắc Kinh cần phải nỗ lực để xây dựng lòng tin với Oa-sinh-tơn.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục phản ứng mạnh với Mỹ. Cùng ngày, Bắc Kinh triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Mác Bau-cớt (Max Baucus) để trao kháng nghị chính thức đối với bản cáo trạng buộc tội các sĩ quan quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Oa-sinh-tơn đang áp dụng các tiêu chuẩn kép và bản cáo trạng là nhằm đánh lạc hướng dư luận. Tiếp nối việc đình chỉ chương trình hợp tác thông tin mạng với Mỹ, ngày 20-5, Trung tâm Mua sắm chính quyền Trung ương Trung Quốc (CGPC) cấm các cơ quan chính phủ sử dụng hệ điều hành Windows 8 mới nhất của tập đoàn Microsoft, một cú đánh mạnh vào hãng sản xuất phần mềm lâu nay đã phải nỗ lực để bán sản phẩm của mình tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nhận định về những diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng Oa-sinh-tơn đang áp dụng chiến thuật “làm mất thể diện” đối với Bắc Kinh nhằm ép cường quốc châu Á này phải có trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Hội nghị ADMM 8: Đồng lòng vì hòa bình và an ninh khu vực

 

Các trưởng đoàn và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh chụp ảnh chung tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ngày 20-5-2014, các trưởng đoàn dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ tám (ADMM 8) ở Thủ đô Nây Pi-tô của Mi-an-ma đã thông qua Chương trình công tác 3 năm (2014 - 2016) và ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”. Tuyên bố chung của Hội nghị nêu rõ Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ủng hộ các kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 và Tuyên bố chung Nây Pi-tô về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.

Cũng tại Hội nghị, trưởng đoàn các nước tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc củng cố hợp tác quốc phòng nhằm hướng tới việc thành lập Cộng đồng chung vào năm 2015. Các trưởng đoàn hoan nghênh các biện pháp xây dựng lòng tin như thiết lập đường dây liên lạc, đường dây nóng, cam kết không sử dụng vũ lực giữa các quốc gia ASEAN, thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm 2014

Ngày 22-5, tại Ma-ni-la (Phi-líp-pin) diễn ra Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á). Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, Diễn đàn năm nay có các phiên thảo luận tập trung đánh giá tình hình khu vực Đông Á, các giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững và thúc đẩy liên kết khu vực. Hội nghị đưa ra nhiều đề xuất về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chú trọng bảo đảm sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Các nước trong khu vực được khuyến nghị đẩy mạnh cải cách đồng bộ, tăng cường năng lực hội nhập nhằm tranh thủ cơ hội từ gia tăng liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, nhất là việc hình thành các hiệp định thương mại tự do. Đối với các nước ASEAN, việc hình thành Cộng đồng ASEAN được đánh giá sẽ tạo ra nhiều cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, tuy nhiên ASEAN cần lưu ý tăng cường sự hài hòa về thể chế và kết nối về hạ tầng thông qua các mô hình hợp tác kinh tế mới như đối tác công - tư (PPP) để tận dụng thành công những cơ hội này.

Nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh - chính trị khu vực, bao gồm tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhấn mạnh hòa bình ổn định là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hợp tác và phát triển kinh tế.

Phản ứng quốc tế trước tình hình Thái Lan

 

Binh sĩ Thái Lan gác tại một căn cứ quân sự ở Thủ đô Băng Cốc ngày 22-5-2014. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 22-5-2014, người phát ngôn Cơ quan Nhân quyền Liên hợp quốc Ra-vi-na Sam-đa-xa-ni (Ravina Shamdasani) bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan diễn ra cùng ngày và cho rằng việc ban bố tình trạng thiết quân luật và các mệnh lệnh quân sự có thể vi phạm các quyền của người dân. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) kêu gọi Thái Lan ngay lập tức quay trở lại chế độ pháp quyền. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) tuyên bố quân đội Thái Lan “không có lý lẽ gì” để tiến hành vụ đảo chính và cảnh báo động thái này có thể làm tổn hại quan hệ giữa hai nước, nhất là quan hệ với quân đội Thái Lan. Ông G. Ke-ri hối thúc khôi phục chính quyền dân sự và tiến hành cuộc bầu cử sớm. Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng hối thúc Thái Lan nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ.

Tại khu vực châu Á, Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a ra tuyên bố, trong đó nhấn mạnh Thái Lan cần tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và một chính phủ hợp hiến. Trong khi đó, Chính phủ Cam-pu-chia ra chỉ thị khẩn nhằm bảo đảm an toàn xã hội, an ninh trật tự và sự ổn định phát triển tại khu vực biên giới với Thái Lan.

Các phát biểu này được đưa ra sau khi vào 16 giờ 30 phút cùng ngày, quân đội Thái Lan tuyên bố đảo chính và thành lập Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia nhằm nắm quyền điều hành đất nước sau khi các phe phái đối lập trong nước tham gia hai cuộc đàm phán trong hai ngày 21 và 22-5 mà không đạt được thỏa thuận nào./.