Không coi trì hoãn thanh toán nợ là căn cứ mở thủ tục phá sản
Các tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án Nhân dân; quy định người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản… là những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật phá sản (sửa đổi) tại phiên làm việc sáng 26-5.
Đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật phá sản (sửa đổi), các đại biểu đồng tình với quy định phạm vi điều chỉnh, cũng như đối tượng áp dụng của Luật là doanh nghiệp và hợp tác xã.
Các đại biểu nhận định rằng Luật phá sản (sửa đổi) kế thừa Luật hiện hành, tiếp tục quy định thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh là hướng đi phù hợp với chủ trương chung về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc phục hồi hoạt động kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán được các khoản nợ, thoát khỏi tình trạng phá sản và tiếp tục hoạt động kinh doanh. Song nhiều đại biểu cho rằng cần quy định rõ vấn đề người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Cần làm rõ một người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có được không, hay đây là quyền của tập thể lao động và tập thể này cử người đại diện nộp đơn như luật hiện hành quy định, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề.
Theo đại biểu, quy định người lao động có quyền nộp đơn sẽ không phân biệt và tránh được sự lạm dụng giữa trường hợp tranh chấp về tiền lương của doanh nghiệp và cá nhân người lao động với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu quy định là quyền của tập thể lao động, cần phải nêu rõ trình tự, thủ tục cử đại diện như luật hiện hành.
Nhất trí với quy định về quyền nộp đơn của chủ nợ tại Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng cần cân nhắc trường hợp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người lao động còn đang bị nợ lương. Trong trường hợp người lao động có mức lương thấp, đối tượng này rất khó có khả năng để nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản doanh nghiệp. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường khi cho rằng cần làm rõ trường hợp người lao động, công đoàn nộp đơn có phải nộp lệ phí phá sản hay không?
Theo dự thảo, người nộp đơn yêu cầu phải đóng hai khoản tiền là lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản. Theo Pháp lệnh phí và lệ phí, người lao động, Công đoàn không phải nộp lệ phí phá sản. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chỉ quy định người lao động, Công đoàn không phải nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trong khi đó, các điều luật khác của dự thảo quy định nếu người nộp đơn không nộp lệ phí, Tòa án sẽ không thụ lý, nếu văn bản pháp luật khác có quy định khác với Luật phá sản, sẽ áp dụng Luật phá sản. Quy định như vậy là thiếu rõ ràng và khó áp dụng.
Đại biểu đề nghị cần làm rõ vấn đề này theo hướng không phải nộp khoản lệ phí này như quy định hiện nay. Về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo khoản 1 Điều 4 và khoản 2 Điều 42, các đại biểu cho rằng tình trạng mất khả năng thanh toán chỉ có tính chất nhất thời tại một thời điểm nào đó.
Theo đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định), thực tế hiện nay, vấn đề chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, kéo dài thời hạn thanh toán diễn ra phổ biến. Do vậy, việc xác định tiêu chí doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo yêu cầu của các chủ nợ trong thời gian nhất định để tiến hành thủ tục phá sản có ý nghĩa rất lớn, vừa làm lành mạnh hóa nền kinh tế, vừa bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng khó khăn nhất thời của doanh nghiệp để hạ uy tín lẫn nhau.
Đại biểu cho rằng, tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ trong 6 tháng là hợp lý, đây là khoảng thời gian vừa đủ để doanh nghiệp có điều kiện khắc phục khó khăn nhất thời, có các giao dịch với các đối tác để thực nghĩa vụ thanh toán. Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được theo yêu cầu của chủ nợ, việc cho phép mở thủ tục phá sản là phù hợp.
Đồng tình với dự thảo Luật, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng việc đặt ra tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sẽ là tiếng chuông cảnh báo sớm để họ có giải pháp hoặc phục hồi, hoặc cho phá sản doanh nghiệp, ngăn chặn được tình trạng phá sản dây chuyền.
Về căn cứ ra quyết định mở thủ tục phá sản, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng, không nên quy định Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn.
Chỉ nên quy định hướng dẫn chủ nợ về quyền khởi kiện tòa án dân sự, tòa án kinh tế và sử dụng trình tự tố tụng dân sự hoặc kinh tế để giải quyết vấn đề theo đúng bản chất vụ việc cần giải quyết.
Nếu vì lý do doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn mà cho mở thủ tục phá sản sẽ vô tình tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã kéo dài thời gian trì hoãn trả nợ các tài sản đó một cách hợp pháp, bởi thời gian từ khi mở thủ tục phá sản đến khi phải trả các khoản nợ kéo dài qua rất nhiều thủ tục.
Theo quy định của dự thảo Luật, doanh nghiệp, hợp tác xã phải mở thủ tục phá sản vì không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn, nhưng thực chất họ không rơi vào tình trạng phá sản thực tế, vẫn có một thời gian chịu sự điều chỉnh theo các quy định của luật phá sản, hạn chế một số quyền về sản xuất kinh doanh cho đến khi chắc chắn sẽ được đình chỉ thủ tục phá sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mà còn gây mất thời gian của cơ quan tố tụng và người tham gia tố tụng khác, không bảo đảm mục tiêu sửa đổi Luật, do đó không coi việc trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn là căn cứ mở thủ tục phá sản.
Phân tích kỹ các khoản 3, 4, 6 của Điều 5 dự thảo Luật, đại biểu Đặng Công Lý cho rằng quy định vừa chồng chéo, vừa thừa. Theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, người đại diện theo pháp luật mới có quyền nhân danh cho doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện các giao dịch với tòa án vì lợi ích của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nếu quy định nhiều đối tượng như người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần,… đều có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, cần phải lường trước việc những đối tượng này không thống nhất với nhau, sẽ khó thực hiện.
Cho rằng xu thế hiện nay là tăng cường thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện theo tinh thần cải cách tư pháp, song đại biểu Đặng Công Lý băn khoăn về thực trạng đội ngũ thẩm phán ở tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay chưa đủ kinh nghiệm giải quyết vì loại vụ việc này tương đối mới. Đại biểu cho rằng phải thực hiện có lộ trình, giao thẩm quyền trên cơ sở xem xét cụ thể về đội ngũ thẩm phán, về điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị.
Cũng theo đại biểu, Hiến pháp 2013 đã quy định hệ thống tòa án các cấp, việc xác định thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh như dự thảo Luật còn chung chung, cảm tính, cần đưa tiêu chí định lượng về số nợ đến hạn phải trả nhưng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc dự thảo Luật không đưa định lượng về số tiền tối thiểu mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán dẫn đến không thực hiện được nghĩa vụ theo yêu cầu của chủ nợ bởi lẽ việc định lượng về số tiền tối thiểu không phản ánh thực chất về tình trạng mất cân đối của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Có ý kiến cho rằng, một số nội dung của dự thảo còn chưa đảm bảo sự thống nhất, dự thảo Luật còn rườm rà, chưa phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính và cải cách tư pháp. Cần nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, trình tự thủ tục tuyên bố phá sản, bảo đảm lợi ích hợp pháp của chủ nợ và người lao động, không để dây dưa và phức tạp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng Luật phá sản (sửa đổi) cần làm kỹ hơn, tiếp tục nghiên cứu và lượng hóa một số quy định, chưa nên thông qua tại kỳ họp này. Đại biểu Trần Du Lịch lại cho rằng cần tiếp thu các ý kiến và thông qua ngay, không thể chần chừ hơn nữa.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thông qua dự án Luật./.
200 đại biểu tham gia hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương  (26/05/2014)
Áp giá trần sản phẩm sữa không vi phạm cam kết quốc tế  (26/05/2014)
Sinh viên, học sinh Lâm Đồng chung sức hướng về Biển Đông  (26/05/2014)
Bộ Y tế phát động Tháng hành động vì sức khỏe trẻ em  (26/05/2014)
"Vua Chocolate" Poroshenko được dự báo đắc cử Tổng thống Ukraine  (26/05/2014)
Cử tri Ukraine bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Tổng thống trước hạn  (25/05/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên