Băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Sáng 24-4, tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội tới đây.
Mặc dù thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi được Ban soạn thảo đưa ra, song thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vẫn còn không ít băn khoăn đối với các quy định ủy quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng...
Nhiều ý kiến đồng tình với việc giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội. Với lập luận lực lượng thanh tra lao động hiện rất mỏng, các ý kiến cho rằng nếu thực hiện cả nhiệm vụ thanh tra lao động sẽ khó có thể cáng đáng được và như vậy, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ ngày càng nghiêm trọng, việc mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội tiếp tục diễn ra, thiệt thòi cho quỹ và cho người lao động.
Nếu không trái luật, có thể ủy quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thanh tra, đưa ra tòa, xử phạt các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu đề xuất.
Song, theo quan điểm của Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, quy định này không phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật Thanh tra vì tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có chức năng thanh tra. Để khắc phục, những hạn chế, bất cập trong việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thanh tra ngành lao động, thương binh và xã hội.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng không thể coi tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp, bởi bảo hiểm xã hội thu chi số tiền lớn, đối tượng phục vụ rộng, thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao, không phải là thu để phục vụ hoạt động chuyên môn. Nếu xác định mô hình tổ chức bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp, việc ủy quyền thanh tra là không phù hợp.
Ngược lại, cũng có ý kiến khẳng định tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước khi quy định Bảo hiểm xã hội là cơ quan trực thuộc Chính phủ theo Nghị định 05/2014/NĐ-CP, nhưng thực tế nó lại là đơn vị sự nghiệp, do đó, cần làm rõ việc hưởng lương sự nghiệp có liên quan gì đến cơ quan trực thuộc Chính phủ, nếu chuyển đổi mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ sẽ phải như thế nào, thuộc ai...
Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị với quy định ủy quyền thanh tra bảo hiểm xã hội, Ban soạn thảo cần nêu rõ ủy quyền cách nào để quản lý nguồn thu đầu vào tốt hơn, hạn chế tối đa thất thoát, ủy quyền qua một đơn vị khác hay vẫn giữ như hiện nay.
Những quy định liên quan đến điều kiện hưởng lương hưu cũng đã gây nhiều băn khoăn cho các thành viên Ủy ban. Để bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động theo hướng từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Một số ý kiến tán thành với Dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, từng bước thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thuộc các thành phần kinh tế, góp phần bảo đảm cân đối quỹ trong dài hạn và giảm dần sự chênh lệch về giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo phương án này, phải đến năm 2031 tức là sau 15 năm, tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi; đến năm 2022, sau 6 năm, tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, lao động làm trong các khu vực da giày, dệt may, cao su, họ không thể đủ sức làm việc đến độ tuổi này và quy định cứng cho toàn bộ đối tượng người lao động đều phải kéo dài tuổi hưu sẽ là mâu thuẫn với Bộ luật Lao động.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu cho rằng đã đến lúc bắt buộc phải tính toán cho quỹ bảo hiểm xã hội có kết dư. Tuy nhiên, việc sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu và tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì người lao động muốn được hưởng 75% lương phải mất 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong khi hiện nay chỉ là 25 năm.
Với đối tượng là công chức, có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu lên 60-62 tuổi. Với các nhóm đối tượng khác, đại biểu không khỏi băn khoăn bởi không phải đối tượng nào cũng được hưởng chế độ độc hại, phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, họ không thể làm việc được đến 60-62 tuổi, trong khi không đạt được độ tuổi này, họ bị tụt tới 2% mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trước những quan ngại về tình trạng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội vào năm 2030, Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã khuyến cáo Việt Nam hai vấn đề: nâng thêm tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội phải dựa trên lương thực hưởng chứ không phải trên lương tối thiểu. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi tại sao Ban soạn thảo chỉ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà không nghĩ đến việc rất quan trọng để tăng tiền quỹ bảo hiểm xã hội là đóng trên lương.
Các ý kiến đề nghị có nhiều cách bảo toàn quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng như giảm tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng. Có ý kiến đề nghị bổ sung quyền được khởi kiện và quyền được yêu cầu tổ chức công đoàn khởi kiện của người lao động để bảo đảm quyền lợi cho họ vì nhiều nơi có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động hình thức, không hiệu quả, không bảo vệ quyền lợi của người lao động, người lao động ở khu vực phi chính thức không có tổ chức công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự án: Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân  (24/04/2014)
Chia sẻ đề xuất kiến nghị góp ý cho dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013  (24/04/2014)
Họp Bộ phận giúp việc Ban Bí thư sơ kết thực hiện Chỉ thị 03  (24/04/2014)
Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế  (24/04/2014)
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của Quốc hội  (24/04/2014)
Trao giải tranh cổ động về chiến thắng Điện Biên Phủ  (24/04/2014)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm