TCCS - Nước sạch và vệ sinh là một nhu cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày của mọi người và đang trở thành đòi hỏi cấp bách trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Vì vậy, vấn đề bảo đảm chất lượng nước sạch và vệ sinh càng trở nên bức thiết trên quy mô rộng lớn trong những năm tới. Phóng viên Tạp chí Cộng sản có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế, chung quanh vấn đề trên.

PV: Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình cung cấp nước sinh hoạt vệ sinh môi trường ở nước ta hiện nay?

Ông Trần Đắc Phu: Chương trình cấp nước nông thôn hiện nay gần như đã đạt mục tiêu về số lượng, tuy nhiên chất lượng còn thấp, chưa đạt các yêu cầu đặt ra. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay vẫn còn khoảng 25% dân số nông thôn chưa được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong 75% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh thì chỉ có khoảng 35% được tiếp cận với nguồn nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh của Bộ Y tế. Mặt khác, việc cấp nước sạch chưa đồng đều ở các vùng. Trong 8 vùng sinh thái thì 4 vùng có số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt với tỷ lệ trên 60%, các vùng còn lại chưa đến 50%. Nhiều vùng ở miền núi, ven biển và vùng khó khăn về nguồn nước, người dân chỉ được sử dụng bình quân dưới 20 lít/người/ngày, nhiều nơi tình trạng khan hiếm nước diễn ra từ 5 đến 6 tháng trong năm như Nam Trung bộ, Tây Nguyên...

Đa số người dân nông thôn vẫn đang sử dụng nước ngầm hoặc nước bề mặt cho sinh hoạt và ăn uống. Tuy nhiên, ở nhiều vùng đang diễn ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước do xâm nhập mặn, chất thải chăn nuôi, làng nghề, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp... ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều khu vực ở đồng bằng đã phát hiện hàm lượng Asen có trong nước ngầm khá cao so với tiêu chuẩn cho phép, đang là một trong những thách thức lớn đối với công nghệ xử lý và nguồn lực đầu tư.

Một trong những thách thức của cấp nước nông thôn hiện nay là tính bền vững của các thành quả đã đạt được về cấp nước chưa cao. Số lượng và chất lượng nước cung cấp ở nhiều nơi hiện đang bị giảm sút, việc giám sát và kiểm tra chất lượng nước chưa đúng quy định đặc biệt là đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ. Chất lượng nước của các hình thức cấp nước hộ gia đình chưa được kiểm tra, giám sát. Việc quản lý, khai thác các công trình cấp nước tập trung còn yếu, hầu hết không đủ kinh phí bảo đảm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa dẫn đến công trình bị xuống cấp, thậm chí ngừng hoạt động.

Vấn đề vệ sinh ở nông thôn đã có nhiều tiến bộ so với trước khi thực hiện Chương trình và từng bước được cải thiện, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo các báo cáo hiện nay cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu mới chỉ đạt trên 50%. Nhiều nơi đang phải sử dụng các loại nhà tiêu không hợp vệ sinh như nhà tiêu cầu, nhà tiêu đào, nhà tiêu - ao cá ở đồng bằng sông Cửu Long... là nguồn nguy cơ cao gây nhiễm bẩn các nguồn nước mặt phục vụ sinh hoạt của cộng đồng. Trong khi đó, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân vẫn còn hạn chế, coi trọng vấn đề cấp nước hơn vệ sinh.

Các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trong các trường học, trạm y tế và các cơ sở công cộng khác ở nông thôn, mặc dù đã được quan tâm, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Nhiều trường học còn thiếu các công trình cấp nước và vệ sinh, hoặc có nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Nhiều cơ sở công cộng đang được xây dựng mới nhưng không có hạng mục xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh.

Tại khu vực đô thị, theo Bộ Xây dựng, hiện nay tổng công suất cấp nước đô thị đã lên tới 3,7 triệu m3 nước/ngày đêm, bảo đảm khoảng 70% số dân đô thị được cấp nước sạch với mức 70lít/người/ngày. Do hầu hết ở đô thị là cấp nước tập trung, nên nước cung cấp tới người tiêu dùng về cơ bản bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát của hệ thống trung tâm y tế dự phòng tại nhiều địa phương, chất lượng nước không đạt yêu cầu vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Bên cạnh đó, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến hậu quả là hàng loạt các chất thải rắn, lỏng từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, bệnh viện... không qua xử lý, được đổ trực tiếp vào môi trường. Đây là yếu tố trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước bề mặt đầu nguồn cung cấp cho các nhà máy nước. Trong khi đó, năng lực cũng như điều kiện xử lý nước của chúng ta chưa cao, chưa có khả năng loại bỏ tuyệt đối được các hóa chất độc hại. Như vậy, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đang phải dùng nước kém chất lượng. Đây là một vấn đề đáng quan ngại, là nguy cơ lớn đối với sức khỏe của người dân.

PV: Xin ông cho biết ảnh hưởng của các điều kiện cấp nước sạch và vệ sinh không bảo đảm có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe cộng đồng?

Ông Trần Đắc Phu: Mầm bệnh từ phân người do không được quản lý tốt trong quá trình thu gom, vận chuyển và sử dụng sẽ phát tán ra môi trường làm ô nhiễm đất và các nguồn nước, làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Trong phân người có chứa các loại mầm bệnh truyền nhiễm, từ những vi khuẩn đường ruột gây bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... đến các vi rút đường ruột, trứng giun sán... Các tác nhân gây bệnh này có thể sống nhiều ngày trong đất, nước, thậm chí nhiều tháng như trứng giun sán, để rồi từ đất, nước thải gây nhiễm vào cây trồng đặc biệt là các loại rau, củ, quả ăn sống. Đường lây truyền các mầm bệnh từ phân sang người có thể qua tay bẩn, ruồi, nguồn nước bị ô nhiễm, nước thải, rác thải, đất, thực phẩm... Ví dụ trong những năm gần đây, Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch tiêu chảy cấp, tả và bệnh sốt xuất huyết tại nhiều địa phương trong cả nước, mà nguyên nhân chính là do các điều kiện cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, điển hình là việc dùng phân tươi bón rau.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, hầu hết các nguồn nước bề mặt ở Việt Nam, chỉ trừ những vùng sâu, vùng xa nơi có ít người sinh sống, còn lại đều bị ô nhiễm vi sinh vật với các mức độ khác nhau. Trong cơ cấu bệnh tật của nước ta hiện nay, tỷ lệ mắc cao nhất vẫn là các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn và ký sinh trùng đường ruột...

PV: Vậy xin ông cho biết một số giải pháp để góp phần phòng chống các dịch bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường?

Ông Trần Đắc Phu: Để tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, chúng tôi đưa ra một số giải pháp quan trọng:

Một là, tập trung chỉ đạo và tăng cường đầu tư hơn nữa các nguồn lực cho công tác vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh nông thôn, đi đôi với việc củng cố hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng nước và vệ sinh.

Hai là, đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành đặc biệt là phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng để thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận với các nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh bảo đảm.

Ba là, cần kiện toàn hệ thống giám sát, đặc biệt tại tuyến xã để theo dõi chất lượng nước và vệ sinh nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng nước sạch và thực hiện tốt các hành vi vệ sinh các nhân và vệ sinh môi trường. Tại Trung ương cần thống nhất cơ quan đầu mối chỉ đạo và hướng dẫn giám sát đồng thời các chỉ tiêu về cung cấp nước sạch và vệ sinh phải được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của một số bộ, ngành liên quan và của các địa phương.

Bốn là, các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai rộng rãi phong trào xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe, chú trọng đến các tiêu chí về nước sạch, vệ sinh và phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa và huy động sự tham gia của cộng đồng.

Năm là, tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông, đặc biệt là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và người dân về nước sạch, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Ngày 18-3-2009, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch Thông tin - Giáo dục - Truyền thông (gọi tắt là IEC) cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Đây là điều kiện để xây dựng kế hoạch, đầu tư kinh phí cho các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh, nhằm đạt được mục tiêu Chương trình đã đề ra cũng như góp phần thực hiện các tiêu chí sức khỏe đối với Làng Văn hóa, Gia đình văn hóa và Khu dân cư tiên tiến./.