Ngày 26-12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã làm việc với các bộ, ngành, đơn vị về chất lượng phong trào và công tác khen thưởng của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi toàn quốc.

Theo báo cáo khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước, tính đến thời điểm đầu năm học 2013 - 2014, cả nước có 421 trường đại học và cao đẳng, với gần 2,2 triệu sinh viên. Những năm qua, phong trào sinh viên và công tác khen thưởng của sinh viên đã có bước chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực đến chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. Nhìn chung, các trường đã chủ động phổ biến, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các phong trào và khen thưởng với sinh viên. Các phong trào chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động đã được các trường hưởng ứng. Công tác khen thưởng của sinh viên ngày càng kịp thời, chặt chẽ, kịp thời biểu dương, khen thưởng những thành tích đột xuất của sinh viên. Bộ máy làm công tác phong trào của các trường được củng cố...

Tuy nhiên, phong trào và công tác khen thưởng sinh viên còn một số hạn chế như: Số lượng phong trào nhiều, ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng học tập của sinh viên. Hệ thống văn bản pháp quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, hướng dẫn về phong trào và công tác khen thưởng đối với sinh viên còn một số bất cập. Phong trào sinh viên ở một số trường còn biểu hiện hình thức, có phát động nhưng thiếu các biện pháp tổ chức cần thiết, đặc biệt là nguồn lực cán bộ để làm nòng cốt phong trào. Vai trò của đội ngũ cán bộ trong bộ máy làm công tác phong trào và thi đua khen thưởng chưa được phát huy...

Đại diện các bộ ngành, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng đã tập trung thảo luận về những mặt được, mặt còn hạn chế, bất cập trong phong trào và công tác thi đua khen thưởng đối với sinh viên, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động. Nhiều đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh phong trào và công tác khen thưởng đối với sinh viên; quan tâm để các đề án xây dựng ký túc xá sinh viên được thực hiện đúng tiến độ, giảm bớt khó khăn cho sinh viên, động viên sinh viên tích cực tham gia các phong trào. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo phong trào sinh viên; liên kết chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng ủy, ban giám hiệu các nhà trường và các bộ ngành liên quan, công tác sinh viên đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia, phát huy vai trò xung kích, năng động, sáng tạo của thanh niên. Các phong trào đa dạng, phong phú; khen thưởng kịp thời… Đây chính là nhân tố hình thành nhân cách cho sinh viên thế hệ mới, tạo ra lớp người rường cột cho đất nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng chỉ ra rằng phong trào và công tác khen thưởng của sinh viên chưa có sức lan tỏa nhiều; nhiều nhà trường chưa chú ý đến việc tạo ra các phong trào cốt lõi gắn với rèn luyện ý thức chính trị và đạo đức sinh viên. Nhiều phong trào còn xơ cứng, mang tính hành chính, chậm đổi mới…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường các diễn đàn trao đổi, học hỏi về việc tổ chức thực hiện quản lý các phong trào và công tác khen thưởng sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi và ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy cho phù hợp với đào tạo theo học chế tín chỉ.

Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu Đảng ủy, ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng cần rà soát, chọn lọc các phong trào thi đua phù hợp, tập trung vào các phong trào cốt lõi liên quan ngành nghề đào đạo; kết hợp giáo dục đạo đức nghề nghiệp, định hướng ý thức, nhân cách của sinh viên. Đồng thời, các bộ, ngành, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền các phong trào thi đua trong sinh viên đi đôi với đánh giá, tổng kết việc thực hiện để các phong trào và công tác khen thưởng của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng thực sự có hiệu quả cả về bề rộng và bề sâu.../.