Nắm vững lý luận, sâu sát thực tiễn - nguyên tắc nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh) - một người nông dân mặc áo lính nhưng có sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, sớm tham gia cách mạng và tỏ rõ tài năng, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của một người cộng sản. Trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh được giao những trọng trách ngày càng nặng nề, nhưng ở đâu, lúc nào Đại tướng cũng đem hết tâm lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nắm vững lý luận - nguyên tắc hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Thấm nhuần lời dạy của Lê-nin “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, từ chủ trương đúng đắn của Đảng, chú trọng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Đại tướng Nguyến Chí Thanh rất quan tâm học tập lý luận Mác - Lê-nin và giáo dục lý luận Mác - Lê-nin trong Quân đội. Nhờ nắm vững lý luận Mác - Lê-nin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đề ra đường lối chính trị, chiến lược, sách lược, sát, đúng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi.
Trên cương vị Phó Bí thư Quân ủy Trung ương và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của cán bộ, chiến sĩ, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, được cử vào Bí thư Trung ương Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đem hết tâm lực cùng với các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến đấu giành thắng lợi ngày càng to lớn và cuối cùng đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đại tướng đã thường xuyên chăm lo giáo dục rèn luyện đội ngũ cán bộ phát triển vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề của cách mạng.
Hòa bình lập lại, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh góp phần quan trọng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam lớn mạnh. Đồng chí có nhiều bài viết, bài nói nêu rõ Đảng là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Quân đội.
Đồng chí khẳng định: “Ai đứng ra thành lập Quân đội ta?Ai đem đường lối chính trị và tư tưởng vô sản giáo dục cho Quân đội ta? Ai đem chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân và Quân đội nhân dân giáo dục cho Quân đội ta? Ai vận động đông đảo nhân dân tham gia Quân đội và ủng hộ Quân đội ta một cách nhiệt tình như thế? Ai kêu gọi được sự viện trợ đầy nhiệt tình của phe xã hội chủ nghĩa và sự đồng tình, ủng hộ của cuộc đấu tranh của chúng ta của nhân dân thế giới? Đảng ta và chỉ có Đảng ta mới làm được như vậy. Vì thế Quân đội trước kia, bây giờ cũng như sau này phải biểu hiện lòng trung thành của mình với Đảng: nghiêm chỉnh, triệt để chấp hành đường lối, chính sách của Đảng. Tuyệt đối phục tùng Đảng, đoàn kết keo sơn, gắn bó chung quanh Trung ương Đảng”(1).
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng đã xác định: Thái độ với việc học tập và nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin chính là một vấn đề thuộc tính Đảng, một vấn đề có quan hệ đến sinh mạng của Đảng.
Chỉ đạo việc học tập lý luận để nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, nếu cán bộ và đảng viên chúng ta thấy rõ được trách nhiệm của mình đối với việc học tập lý luận, nếu mọi người đều có tinh thần tự giác và quyết tâm cao, nếu sự lãnh đạo học tập lý luận của các cấp ủy được cải tiến thì trình độ lý luận Mác - Lê-nin của Đảng ta sẽ được nâng cao và dĩ nhiên đó là một bảo đảm cho cách mạng của chúng ta giành thắng lợi”(2).
Từ nắm vững quan điểm lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong tư tưởng chiến lược về chính trị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, công tác chính trị trong quân sự và trong Quân đội, để Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đó là cống hiến to lớn với việc xây dựng nền tảng chính trị của Quân đội. Cống hiến đó thể hiện rõ nét nhất trong việc đề ra và thực hiện 7 nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Các nguyên tắc đó là:
“- Đảng phải nắm chắc quân đội thì mới có quân đội cách mạng và Đảng mới nắm được chính quyền… Đảng không thể nhường quyền lãnh đạo quân đội cho một ai.
- Quân đội phải là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “đi dân nhớ, ở dân thương”, phải xử lý tốt mối quan hệ cơ bản: Với Đảng, với dân, với đồng đội, với kẻ thù…
- Về công tác tư tưởng, không ngừng tăng cường giáo dục, rèn luyện. Chính trị có thể thỏa hiệp, nhưng tư tưởng thì không được phép.
- Về công tác tổ chức, phải nắm vững đường lối tổ chức nhưng không được thành phần chủ nghĩa. Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị.
- Công tác chính trị là linh hồn của quân đội. Toàn bộ hoạt động của nó là thể hiện sự lãnh đạo của Đảng. Nó là công tác vận động quần chúng của Đảng trong quân đội.
- Đi đúng đường lối quần chúng, từ quần chúng mà ra, trở về với quần chúng.
Công tác chính trị phải đi sâu vào cuộc sống chiến đấu và xây dựng của quân đội mới phát huy tác dụng tốt, càng lúc khó khăn gian khổ người ta mới cần công tác chính trị. Công tác chính trị không thể chung chung, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng”(3).
Nắm vững lý luận, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng tinh thần chiến đấu của quân đội bắt nguồn từ sự giác ngộ giai cấp, giác ngộ chính trị của mỗi cán bộ và chiến sĩ trong quân đội: “Để nâng cao tinh thần chiến đấu của quân đội, trước hết cần phải phát động mạnh mẽ tư tưởng cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ làm cho trong họ bùng cháy lên lòng căm thù sâu sắc kẻ địch, phát động mạnh mẽ tình cảm giai cấp trong quân đội làm cho họ tha thiết thương yêu Tổ quốc…”(4).
Từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân tố quyết định chiến tranh là con người theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nói đến con người trước hết, căn bản hơn hết là lòng trung thành vô hạn với cách mạng, đó là lập trường tư tưởng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xác định: “Vấn đề lập trường tư tưởng là cái gốc”(5).
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xác định đoàn kết luôn là vấn đề hàng đầu trong công tác nội bộ của quân đội, vì vậy, trong bất cứ công việc gì trước khi làm cần xây dựng đoàn kết, sau khi làm cần kiểm tra đoàn kết tốt hay xấu. Bố trí, đề bạt, sắp xếp cán bộ, trước hết phải xem mặt đoàn kết. Làm khen thưởng, tiền lương, quân hàm, trước hết chú trọng đoàn kết.
Nắm vững lý luận là quan trọng nhưng còn quan trọng hơn là vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tế, nâng lý luận lên tầm cao mới, đặc biệt là lý luận về chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân là một đặc trưng của cách mạng Việt Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khái quát nội dung chủ yếu của đường lối chiến tranh nhân dân là: “Phát động toàn dân tham gia tích cực cuộc chiến tranh cách mạng, làm cho cuộc chiến tranh cách mạng của chúng ta càng ngày càng có tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc, quyết liệt và bền bỉ.
- Xây dựng củng cố tăng cường cả ba thứ quân.
- Củng cố và mở rộng hậu phương của chiến tranh cả về các mặt chính trị, quân sự và kinh tế.
- Dựa vào con người, dựa vào tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, xác định đó là yếu tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh và trên chiến trường.
- Chiến tranh nhân dân không những là một hoạt động cách mạng sôi nổi của nhân dân quần chúng và quân đội dựa trên cơ sở của một sự giác ngộ chính trị cao mà còn phải là một sự hoạt động có kỷ luật nghiêm minh nhất với ý thức tổ chức cao nhất.
- Quân đội là một công cụ chủ yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, nó phải được xây dựng theo kiểu mới với nội dung giai cấp mới dựa trên những nguyên tắc cơ bản như quân sự phải phục tùng chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, rèn luyện cả về chính trị chiến lược…”(6).
Thông qua việc tổng kết lý luận và chỉ đạo chiến lược quân sự của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp phần xuất sắc vào việc phát triển lý luận. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có công lớn là đã ra công tìm tòi, khái quát, góp phần nâng lên thành lý luận chỉ đạo những vấn đề cơ bản về chiến lược quân sự mà tư tưởng cơ bản là tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tấn công.
Trong chỉ đạo cách tiến công, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp công lớn vào việc đặt cơ sở lý luận cho cách đánh của chiến tranh nhân dân, động viên, tổ chức lực lượng vũ trang quán triệt tinh thần cách đánh đó theo tư tưởng quân sự của Đảng.
Hiểu biết sâu sắc lý luận Mác - Lê-nin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, nhuần nhuyễn trong gắn lý luận với thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm vững và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong chiến tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển lý luận gắn với thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ và đã thu được nhiều thắng lợi.
Sâu sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội
Phong cách Nguyễn Chí Thanh - phong cách của người lãnh đạo gần dân, sâu sát thực tiễn. Trong xây dựng quân đội thời bình sau năm 1954 và đỉnh cao là các phong trào đánh Mỹ, diệt Mỹ, tìm Mỹ mà diệt trong thời gian chiến tranh ở miền Nam. Đó là phong cách luôn tìm tòi những nhân tố mới, tìm cách xây dựng những điển hình tập thể, cá nhân rồi kịp thời rút kinh nghiệm, sau khi rút kinh nghiệm chắc chắn lập tức mở rộng thành phong trào.
Một vấn đề cần sự sâu sát của người lãnh đạo khi Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đổ quân Mỹ và quân chư hầu vào Nam Việt Nam là có đánh được Mỹ không? Khi có quyết tâm đánh Mỹ rồi thì làm thế nào để đánh Mỹ. Nắm bắt được tình hình miền Nam, từ ý tưởng của người chiến sĩ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu khẩu hiệu “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Để ý tưởng này trở thành hiện thực, qua nhiều lần trao đổi phân tích ý kiến của Đại tướng hình thành những tư tưởng chỉ đạo sắc bén, tăng thêm quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đó là: “Mỹ vào miền Nam trong thế bị động thế thua, tương quan lực lượng không thay đổi căn bản được.
Do đó, ta cứ tiếp tục tấn công, chỉ có tiến công mới giữ thế chủ động và tiếp tục làm cho Mỹ - Ngụy bị động suy yếu.
Mỹ có cách đánh của Mỹ, ta có cách đánh của ta. Ta phải bắt Mỹ theo cách đánh của ta chứ không để Mỹ kéo ta vào cách đánh của nó”; “Đánh với mấy trăm ngàn lính Mỹ ư? Cứ đánh rồi sẽ biết cách đánh”(7).
Trận Núi Thành là trận đầu thắng Mỹ chứng tỏ quyết tâm đánh Mỹ của ta là đúng đắn và bước đầu cho thấy có đủ cơ sở để thắng Mỹ. Sự sáng tạo của chiến sĩ ở chiến trường đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nắm bắt từ đó phát hiện ra một vấn đề quan trọng trước đó còn nhiều băn khoăn, thắc mắc là “bộ binh Mỹ rất yếu”.
Ngay sau khi có mặt ở chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lời kêu gọi: “… Dân tộc ta không thể làm nô lệ cho bọn đế quốc một lần nữa! Chúng ta phải được độc lập, tự do!... Hãy đánh cho quỵ bọn tay sai! Hãy đánh cho đế quốc Mỹ cút ra khỏi miền Nam Việt Nam”(8).
Sâu sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên tổng kết thực tiễn, đúc rút những bài học từ thực tiễn. Đầu năm 1965, khi tình hình miền Nam có nhiều thay đổi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh căn dặn quân và dân miền Nam cần nhớ kỹ và thực hiện đúng 10 bài học, trong đó bài học thứ 8 nhắc nhở Quân đội: “Làm tốt 3 kỷ luật: Kỷ luật chiến trường, kỷ luật nội bộ, kỷ luật quần chúng.
Bất cứ quân đội nào cũng phải có kỷ luật mới tồn tại được.
Quân đội cách mạng chúng ta lại càng phải có kỷ luật sắt.
Càng đánh nhiều, đánh khá thì ý thức tổ chức kỷ luật của quân đội ta phải càng cao mới đáp ứng được yêu cầu”(9).
Kết luận về cách mạng miền Nam qua 11 năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ ba lần thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đó là các thắng lợi lần thứ nhất từ năm 1959 đến năm 1965, đồng khởi phá “ấp chiến lược”; lần thứ hai từ năm 1961 đến giữa năm 1965, đánh bẹp cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy; lần thứ ba, đập tan kế hoạch phản công chiến lược quy mô lớn của Mỹ trong mùa khô.
Cuộc chiến đấu mùa khô để lại nhiều kinh nghiệm quý, bước đầu rút ra ba bài học lớn gắn chặt với tư tưởng dám đánh và thắng Mỹ:
“1. Dám đánh Mỹ, tin chắc là thắng Mỹ, toàn dân, toàn quân chúng ta trước và trong mùa khô đã có một quyết tâm rất lớn, rất cao là kiên quyết đánh bại kế hoạch phản công mùa khô của Mỹ.
2. Quân và dân miền Nam chúng ta có sự chỉ đạo chiến lược, chiến thuật chính xác.
3. Thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong sự nghiệp chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là một sự phối hợp chiến trường rất đẹp, vừa là một sự động viên, cổ vũ lớn lao đối với quân và dân miền Nam, góp phần giành thắng lợi cho cách mạng miền Nam”(10).
Với sự am hiểu thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết năm bài học thành công về sự chỉ đạo chiến lược quân sự trong Đông - Xuân 1966 - 1967:
“Một là, tìm hiểu quyết tâm chiến lược, phán đoán đúng quy luật và khả năng hoạt động của địch mới xác định đúng quyết tâm chiến lược và cách đánh của ta.
Hai là, giữ vững và phát triển thế tiến công liên tục, nắm chắc và mở rộng quyền chủ động trên chiến trường, buộc quân địch đánh theo ý muốn của ta.
Ba là, nắm vững và giải quyết đúng đắn mối liên hệ giữa tiêu diệt địch với giữ vững và phát triển quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh việc kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận.
Bốn là, không ngừng nâng cao hiệu suất chiến đấu, hiệu quả chiến dịch và hiệu lực chiến lược của cách đánh độc đáo của chiến tranh nhân dân.
Năm là, coi trọng và phát triển hai lực lượng, ba thứ quân, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng”(11).
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người có tầm nhìn chiến lược về quân sự, chính trị hết sức nhạy bén, sâu sắc, không những vấn đề trước mắt mà có sự phát triển tiếp theo. Có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người cộng sản tài đức vẹn toàn, trí dũng song toàn, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo xuất sắc luôn nắm vững lý luận, sâu sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh đã có công lao lớn trong xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng… giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của anh, công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta”; “đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội”(12)./.
--------------------------------------
1. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 14
2. Tạp chí Tuyên huấn số 1 (6-1962)
3, 4, 5, 6, 7. Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 15; tr. 16; tr. 16; tr. 31; tr. 31
8, 9, 10, 11. Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sđd, tr. 22-23; tr. 25; tr. 30; tr. 35;
12. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1997, tr. 31-34
Năm 2013: Kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản giữ ổn định  (25/12/2013)
Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân ở Lạng Sơn  (25/12/2013)
Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là tăng trưởng chiến lược  (25/12/2013)
Chủ tịch nước: Tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả về vật chất và tinh thần  (24/12/2013)
Thông cáo Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (24/12/2013)
Chủ tịch nước: Nghiêm túc xem xét những án oan sai  (24/12/2013)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên