Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân ở Lạng Sơn
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới giáp với Quảng Tây (Trung Quốc) dài trên 231km; có các tuyến giao thông quan trọng, như quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 31, 3B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế đi qua địa bàn. Diện tích toàn tỉnh là 8.323,78km2, gồm 10 huyện và 01 thành phố với 226 xã, phường, thị trấn; có 2.322 thôn (bản), khối phố, trong đó có 89 thôn (bản) giáp biên giới; có 61 xã đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135 giai đoạn II. Dân số của tỉnh là 732.515 người, gồm có các dân tộc: Nùng chiếm 43%, Tày chiếm 35%, Kinh chiếm 16%, còn lại là các dân tộc Dao, Sán Chay, Hoa, Mông...
Những kết quả đạt được trong công tác vận động nhân dân
Thực hiện chủ trương tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, những năm qua Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, cùng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân tộc, tôn giáo; các nhiệm vụ về công tác Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh; về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tỉnh ủy cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác dân vận, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Những năm gần đây, Tỉnh ủy chú trọng triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các cấp, các ngành và trong nhân dân.
Các cấp ủy đảng xây dựng chương trình làm việc định kỳ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân để nghe phản ánh về những kiến nghị của nhân dân, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, từ đó nghiên cứu, đề ra chủ trương, ban hành cơ chế chính sách giúp nhân dân tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. |
Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết, xử lý dứt điểm các vi phạm, bức xúc đang làm mất lòng tin của nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị và cơ sở; khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức ở cơ sở về công tác dân vận; bố trí, lựa chọn người đứng đầu tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực làm công tác dân vận, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Các cấp ủy đảng đã tiến hành quán triệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm khắc phục và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; gắn với kiểm điểm, đánh giá sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác vận động nhân dân. Qua đó, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đổi mới việc xây dựng các nghị quyết, chương trình công tác theo hướng cụ thể, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công người phụ trách, thời gian thực hiện.
Thực hiện phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện, thành phố và các lĩnh vực công tác cụ thể, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực của nhân dân, tích cực, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống, trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cấp chính quyền
Từ khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8B khóa VI và Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21-9-2000, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận được ban hành, công tác dân vận của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có bước chuyển biến tích cực, vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên, quyền làm chủ gắn với quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân được phát huy đầy đủ hơn. Các cấp chính quyền và nhân dân đã nhận thức sâu sắc: Nhà nước ta là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, thường xuyên tổ chức quán triệt quan điểm của Đảng về công tác vận động nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng phong cách cán bộ theo phương châm: “Sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để nắm bắt tình hình, dư luận, dự báo tình hình của nhân dân ở cơ sở, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới, đồng bào có đạo, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Thường trực hội đồng nhân dân, các ban của hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đã chủ động tăng cường công tác giám sát việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thực hiện pháp luật trên địa bàn; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp với lợi ích chung của nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng công khai, dân chủ và minh bạch, kiên quyết khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, vô cảm trước các khó khăn của nhân dân; thường xuyên đổi mới công tác tiếp công dân, tăng cường tổ chức đối thoại với nhân dân, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tạo ra bầu không khí dân chủ, công khai, minh bạch hơn trong quan hệ giữa chính quyền với người dân, giữa cán bộ, công chức với nhân dân trong giải quyết công việc, bảo đảm cho người dân thực hiện được các quyền biết, bàn, quyết định và quyền giám sát, hạn chế những bức xúc trong nhân dân, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thường xuyên quan tâm để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tập hợp, vận động, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân, tổ chức các hoạt động đoàn thể hướng về cơ sở; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; tạo sự đoàn kết đồng thuận trong xã hội. Từ đó thu hút, tập hợp đông đảo nhân dân tham gia các tổ chức đoàn thể, kết nạp những đoàn viên, hội viên ưu tú vào Đảng.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, hướng về cơ sở các thôn (bản), khối phố để tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở khu dân cư. Coi trọng việc vận động các chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng thôn, bản, những người có uy tín tham gia tích cực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục tăng cường và đổi mới việc thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhằm góp phần giải quyết những bất cập, bức xúc ngay ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng bộ, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng đã luôn quan tâm tăng cường lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận, lựa chọn, cử những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, kỹ năng làm công tác dân vận, có uy tín cao để bầu vào chức danh chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân, kiên quyết không bố trí những cán bộ không đủ trình độ, năng lực và không có uy tín với nhân dân về làm công tác dân vận.
Những kết quả quan trọng của công tác dân vận những năm qua đã góp phần giúp kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đáng kể. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, tiếp tục được cải thiện. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có bước trưởng thành và quyết tâm cao hơn, tạo được sự ổn định mọi mặt cho phát triển. Chính trị - xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng được tăng cường, củng cố. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Một số định hướng, giải pháp cơ bản thời gian tới
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác dân vận trong những năm qua vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, yếu kém, đó là: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đầy đủ đối với công tác vận động nhân dân, còn xem nhẹ công tác dân vận, chưa lựa chọn được nhiều cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng, có uy tín cao để làm công tác dân vận. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân còn chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng, chưa thật sự là chỗ dựa quan trọng để quần chúng nhân dân gửi niềm tin. Một số phong trào hành động cách mạng chưa đủ sức cuốn hút, tập hợp được đông đảo nhân dân làm theo, chưa thật sự dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là để chủ động triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp ủy đảng cần nhanh chóng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, với một số định hướng, giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục truyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận. Kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện công tác dân vận.
Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội, thực hiện công khai, dân chủ, công bằng xã hội, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...; khắc phục tình trạng tiêu cực, phiền hà, nâng cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị; bảo đảm trật tự an toàn xã hội,...
Ba là, kiện toàn, nâng cao năng lực dân vận của các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường lãnh đạo để tích cực đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết nhân dân./.
Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là tăng trưởng chiến lược  (25/12/2013)
Chủ tịch nước: Tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả về vật chất và tinh thần  (24/12/2013)
Thông cáo Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (24/12/2013)
Chủ tịch nước: Nghiêm túc xem xét những án oan sai  (24/12/2013)
Lào ca ngợi mối quan hệ gắn bó với quân đội Việt Nam  (24/12/2013)
Quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc phát triển tích cực  (24/12/2013)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên