Năm 2013: Kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản giữ ổn định
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm qua có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên đây là mức tăng hợp lý, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành.
Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67%, xấp xỉ mức tăng năm trước, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, thấp hơn mức tăng 5,75% của năm trước, đóng góp 2,09 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm.
Như vậy mức tăng trưởng năm nay chủ yếu do đóng góp của khu vực dịch vụ, trong đó một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng khá là: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,52%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,91%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,89%...
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế cả năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,3% và khu vực dịch vụ chiếm 43,3% (Năm 2012 các tỷ trọng tương ứng là: 19,7%; 38,6% và 41,7%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 bị ảnh hưởng lớn của thời tiết, bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước bị thu hẹp; giá bán nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ở mức thấp trong khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao... Do đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng thấp hơn năm trước.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,95% so với năm 2012, bao gồm: Nông nghiệp đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,47%; lâm nghiệp đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%; thuỷ sản đạt 176,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,22%.
Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý. Chỉ số tồn kho, chỉ số tiêu thụ diễn biến theo xu hướng tích cực. Tính chung cả năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,9% so với năm trước, cao hơn mức tăng năm 2012, trong đó quí I tăng 5%; quí II tăng 5,5%; quí III tăng 5,4% và quí IV tăng 8%. Nếu loại trừ tháng Một (IIP tăng 27,5%) và tháng Hai (IIP giảm 15,1%) do ảnh hưởng của yếu tố thời vụ là Tết Nguyên đán thì từ tháng Ba, IIP đạt mức 5 - 6%.
Trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác làm giảm 0,1 điểm phần trăm.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01-12-2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm 2012 (cùng kỳ năm 2011 là 23%; năm 2012 là 20,1%). Mặc dù mức tồn kho giảm chưa nhiều nhưng đây là tín hiệu tốt đối với sản xuất công nghiệp trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu do tác dụng thực hiện các giải pháp của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từng bước ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho hiệu quả. Mặt khác do kinh tế thế giới và đặc biệt là khu vực châu Âu bắt đầu phục hồi đã tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, theo kết quả điều tra tại thời điểm 01-01-2013 cả nước có 3.135 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm: 405 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 12,9%; 1.401 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, chiếm 44,7% và 1.329 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm 42,4%. Kết quả điều tra có 2.893 doanh nghiệp trả lời, trong đó 2.854 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 98,7%; 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%.
So với năm 2000, số doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 01-01-2013 bằng 54,4%, giảm 2.624 doanh nghiệp; tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1 lần.
Hoạt động dịch vụ
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2.618 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 và là mức tăng thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại đây, loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 5,6%; năm 2012 tăng 6,5%; năm 2011 tăng 4,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 của khu vực kinh tế nhà nước đạt 258,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và giảm 8,6% so với năm 2012; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.269,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 86,7% và tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 89,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% và tăng 32,8%.
Vận tải hành khách năm 2013 ước tính đạt 2.950,1 triệu lượt khách, tăng 6,3% và 123,1 tỷ lượt khách x km, tăng 5,4% so với năm 2012. Vận tải hàng hóa năm 2013 ước tính đạt 1.011,1 triệu tấn, tăng 5,4% và 208,5 tỷ tấn x km, giảm 0,4% so với năm trước.
Khách quốc tế đến nước ta năm 2013 ước tính đạt 7.572,4 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 4.640,9 nghìn lượt người, tăng 12,2%; đến vì công việc 1.266,9 nghìn lượt người, tăng 8,7%; thăm thân nhân đạt 1.259,6 nghìn lượt người, tăng 9,4%.
Xây dựng, đầu tư phát triển
Hoạt động xây dựng cơ bản năm nay tăng mạnh, trong đó tăng cao nhất ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do tập trung đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình thuộc khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 770,4 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 92,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12%; khu vực ngoài Nhà nước 644,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 33,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,4%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.091,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và bằng 30,4% GDP. Trong vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2013, vốn khu vực Nhà nước đạt 440,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng vốn và tăng 8,4% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 410,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% và tăng 6,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 240,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% và tăng 9,9%.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến 15-12-2013 ước tính đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 14,3 tỷ USD vốn đăng ký của 1.275 dự án được cấp phép mới, tăng 70,5% (số dự án tăng 0,7%) và 7,3 tỷ USD vốn đăng ký bổ sung của 472 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước, tăng 30,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2013 ước tính đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,6 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2 tỷ USD, chiếm 9,4%; các ngành còn lại đạt 3 tỷ USD, chiếm 13,7%.
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2013 ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 530 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2%; thu từ dầu thô 115 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước 159,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 111,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 110,2 nghìn tỷ đồng, bằng 91,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 45,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4%; thu thuế bảo vệ môi trường 11,7 nghìn tỷ đồng, bằng 81,5%; thu phí, lệ phí 15,2 nghìn tỷ đồng, bằng 146,5%.
Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước tính đạt 986,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 201,6 nghìn tỷ đồng, bằng 115,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 196,3 nghìn tỷ đồng, bằng 115,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 679,6 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8%; chi trả nợ và viện trợ 105 nghìn tỷ đồng, bằng 100%.
Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm nay ở mức 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán. Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách nhà nước cả năm ước tính không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
Đến ngày 12-12-2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64%; huy động vốn tăng 15,61%; tăng trưởng tín dụng tăng 8,83% so với cuối năm 2012 và dự kiến sẽ cao hơn mức tăng của năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch đề ra là khoảng 12%; thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống; tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao.
Xuất, nhập khẩu
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. (kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 34,2%; năm 2012 tăng 18,2%). Trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%. Nếu không kể dầu thô thì kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm nay đạt 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 tăng 18,2%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2013 đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước (kim ngạch nhập khẩu năm 2011 tăng 25,8%; năm 2012 tăng 6,6%). Cơ cấu kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm nay cũng có sự thay đổi so với năm 2012, nhóm tư liệu sản xuất ước tính đạt 131,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất với 92%, tăng so với mức 90,9% của năm 2012, chủ yếu do tỷ trọng nhóm hàng máy, móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải chiếm 36,7%, tăng so với mức 35,3%; phụ tùng và nhiên vật liệu chiếm 55,3%, giảm so với mức 55,6% của năm 2012. Nhóm hàng tiêu dùng đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 8%, giảm so với mức 9% của năm 2012.
Tính chung cả năm 2013, xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD. Như vậy xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng hiệu quả mang lại cho tăng trưởng kinh tế không cao do chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.
Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12-2012. Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012.
Điểm sáng của bức tranh kinh tế nước ta năm 2013 là kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi dần, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Xuất khẩu tăng nhanh, cân đối thương mại theo hướng tích cực. Tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm có những cải thiện rõ rệt. Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua kinh tế nước ta vẫn còn những bất cập và đây là khó khăn, thách thức tiếp tục phải đối mặt trong năm 2014: Lạm phát ở mức an toàn nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cân đối ngân sách tiếp tục gặp khó khăn trong điều kiện tốc độ phục hồi của sản xuất kinh doanh trong nước còn chậm. Sức cầu của nền kinh tế yếu. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp. Hàng tồn kho tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xuất khẩu mặc dù có nhiều cải thiện nhưng ưu thế thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với những mặt hàng gia công là chủ yếu, giá trị gia tăng thấp. Tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm. Năng lực quản lý, điều hành sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn yếu dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp hoặc thua lỗ khi phải đương đầu với khó khăn, thử thách.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, các ngành, các cấp, các địa phương cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tích cực và chú trọng giải quyết vấn đề nợ xấu để tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, đồng thời không làm gia tăng lạm phát; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tiếp tục khai thác tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí;.../.
Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nhân dân ở Lạng Sơn  (25/12/2013)
Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 là tăng trưởng chiến lược  (25/12/2013)
Chủ tịch nước: Tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả về vật chất và tinh thần  (24/12/2013)
Thông cáo Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (24/12/2013)
Chủ tịch nước: Nghiêm túc xem xét những án oan sai  (24/12/2013)
Lào ca ngợi mối quan hệ gắn bó với quân đội Việt Nam  (24/12/2013)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên