Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép một lần nữa chứng tỏ định hướng về phía Đông trong chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga.
 

"Mở hàng" bằng chuyến thăm quốc gia có vị trí then chốt trên "bàn cờ lớn"

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép 
thăm Ca-dắc-xtăng
Quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép là Ca-dắc-xtăng. Sự lựa chọn này nói lên nhiều điều. Chuyến thăm này phần nào thể hiện chiến lược "hướng Đông" của Nga đã từng được cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin khởi xướng sau những năm theo đuổi ảo vọng "hướng Tây" của Điện Crem-li khi Liên Xô sụp đổ. Còn Ca-dắc-xtăng lại là quốc gia có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong "bàn cờ lớn" của các siêu cường ở khu vực Trung Á.

Mặc dù được tuyên bố là "chuyến thăm hữu nghị" nhưng chuyến công du của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép có ý nghĩa lớn đối với cả khách và chủ nhà. Đối với Nga, chuyến thăm nhằm khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Điện Cờ-rem-li tới không gian hậu Xô-viết; nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa Nga và Ca-dắc-xtăng trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với nhiều nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trở nên lạnh nhạt hơn, thậm chí, có lúc, có nơi căng thẳng, đối địch như trong quan hệ với U-cờ-ren và Gơ-ru-di-a; mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Đối với Ca-dắc-xtăng, đây là dịp để thể hiện sự thân thiện với Nga; thúc đẩy hợp tác với Nga trong các lĩnh vực có lợi đối với Ca-dắc-xtăng và phát huy thanh thế trong khu vực Trung Á.

Xét về vị trí địa lý, Ca-dắc-xtăng có lãnh thổ trải dài ở phía bắc và trung tâm phần lục địa Á - Âu, với diện tích rộng tới 2.717.300 km², rộng hơn cả Tây Âu và đứng hàng thứ 9 thế giới xét về lãnh thổ. Ca-dắc-xtăng tiếp giáp Nga ở phía bắc, Trung Quốc ở phía đông - nam, hai nước Trung Á là U-dơ-bê-ki-xtăng và Kiếc-gi-xtăng về phía nam. Một điều quan trọng nữa: Ca-dắc-xtăng là một trong những quốc gia có chủ quyền lãnh hải chiếm phần đáng kể trên biển Ca-xpi, nơi có nguồn dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, sau vùng Vịnh Pếch-xích. Vì thế, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép-từng là nhà quản lý số 1 của "Gazprom", không thể không quan tâm đến Ca-dắc-xtăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng nhiệm Nga, Tổng thống Ca-dắc-xtăng, ông Nu-xu-lan Na-da-ba-ép (Nursultan Nazarbayev), tuyên bố, hai quốc gia sẽ thoả thuận hợp tác lâu dài và thống nhất. Các thoả thuận đạt được trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép liên quan đến chiến lược phát triển của Nga đến năm 2020 và chiến lược phát triển của Ca-dắc-xtăng đến năm 2030. Tổng thống Nu-xu-lan Na-da-ba-ép đánh giá cao tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược của quan hệ ngoại giao song phương Nga - Ca-dắc-xtăng. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Nu-xu-lan Na-da-ba-ép đã ra Tuyên bố chung và ký kết nhiều văn kiện hợp tác song phương, trong đó có Hiệp ước Liên chính phủ về sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoảng không vũ trụ nhằm mục đích hoà bình, hợp tác sử dụng và phát triển hệ thống dẫn đường toàn cầu bằng vệ tinh GLONASS của Nga, thoả thuận về sự phối hợp hoạt động giữa Công ty quốc gia công nghệ na-nô của Nga và Quỹ cổ đông vì sự phát triển bền vững của Ca-dắc-xtăng, thoả thuận về cho vay dài hạn giữa Ngân hàng ngoại thương của Nga và Ngân hàng phát triển Ca-dắc-xtăng. Ngoài ra, Nga và Ca-dắc-xtăng sẽ tiếp tục tăng cường và củng cố sự hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và kỹ thuật quân sự, coi hai lĩnh vực này là nội dung quan trọng của sự đối tác chiến lược song phương nhằm duy trì an ninh toàn cầu và khu vực. Tuyên bố chung nêu rõ Nga và Ca-dắc-xtăng sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm khả năng quốc phòng phối hợp tin cậy trong khuôn khổ không gian chiến lược quân sự chung trên cơ sở Hiệp ước an ninh tập thể ký kết giữa hai nước năm 1992. Tuyên bố chung còn nhấn mạnh, Nga và Ca-dắc-xtăng không ngừng tiếp tục củng cố sự hợp tác trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, chống buôn lậu ma tuý và vũ khí, chống phổ biến mọi biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan. Ngoài ra, Bộ trưởng ngoại giao hai nước ký kết thoả thuận về việc làm thủ tục xác nhận quyền sở hữu của Ca-dắc-xtăng đối với một số ngôi nhà ở thủ đô Mát-xcơ-va của Nga. Nhìn chung, dư luận ở Nga và Ca-dắc-xtăng đánh giá chuyến thăm Ca-dắc-xtăng của Đ.Mét-vê-đép là "rất thành công".

Chuyến thăm đối tác chiến lược số 1 của Nga trong thế kỷ XXI

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép
thăm Trung Quốc 
Ngày 23-05-2008, Đ.Mét-vê-đép rời Ca-dắc-xtăng và bắt đầu chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc trên cương vị là Tổng thống Nga. Tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc và Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đặc biệt quan tâm đến sự phát triển hợp tác kinh tế Nga - Trung Quốc và hoạt động phối hợp của hai quốc gia trên trường quốc tế. Mở đầu cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cảm ơn Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và cựu Tổng thống Nga, nay là Thủ tướng Nga V.Pu-tin, vì sự hỗ trợ kịp thời cho Trung Quốc trong việc khắc phục hậu quả thảm họa động đất ngày 12-05-2008. Ngay sau khi được tin xẩy ra thảm hoạ, Nga đã kịp thời cử các đội cứu hộ và một bệnh viện di động tới khu vực thiên tai ở tỉnh Tứ Xuyên. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép một lần nữa chia buồn sâu sắc với hơn 55.000 nạn nhân động đất và gia quyến của họ. Ông khẳng định: "Nga sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết và hàng viện trợ cho những người bạn Trung Quốc". Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cảm ơn sự giúp đỡ và cảm thông sâu sắc của phía Nga và khẳng định, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép là "rất quan trọng" và "sẽ không chỉ duy trì mà còn tăng cường tất cả các mối quan hệ tốt đẹp đã có giữa hai nước, sẽ tạo động lực mạnh mẽ đối với việc phát triển hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga".

Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về các vấn đề quốc tế và ký kết gần 400 hợp đồng và thoả thuận lớn, trong đó có hợp đồng Nga sẽ giúp Trung Quốc xây dựng một nhà máy trị giá trên 1 tỉ USD để làm giàu u-ra-ni.

Do vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong các hoạt động quốc tế, các bên đã giành nội dung đáng kể thảo luận về các vấn đề then chốt trong khu vực và thế giới. Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Nga về nhiều vấn quan trọng trong quan hệ quốc tế, trong đó, Trung Quốc phản đối việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mà trong những năm 1980, Oa-sinh-tơn gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao". Hai bên khẳng định rằng, việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, trước hết là xây dựng hệ thống đó ở những khu vực nhất định trên thế giới, sẽ không góp phần tạo ra sự cân bằng và ổn định chiến lược mà chỉ làm tổn hại các nỗ lực kiểm soát vũ khí quốc tế và ngăn chặn quá trình cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cản trở quá trình tăng cường sự tin cậy giữa các quốc gia. Hai bên còn thống nhất quan điểm soạn thảo một hiệp ước cấm bố trí vũ khí trên vũ trụ, cùng nhau nỗ lực đưa ra các sáng kiến để cải tổ Liên hợp quốc nhằm nâng cao hiệu lực của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này. Các bên cũng nhấn mạnh, Liên hợp quốc cần phải đóng vai trò trung tâm và có uy tín ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế.

Nga và Trung Quốc thống nhất cùng phối hợp nỗ lực trong các hoạt động quốc tế nhằm củng cố xu hướng đa cực và xây dựng trật tự thế giới dựa trên những nguyên tắc và chuẩn mực pháp lý quốc tế đã được thừa nhận. Trung Quốc là một trong những đối tác tích cực nhất của Nga trong việc bảo đảm sự ổn định chiến lược trên thế giới. Do đó, các bên đặc biệt chú ý mở rộng hợp tác song phương trong những vấn đề đa phương, trong đó, có quá trình đối thoại giữa Nhóm G-8 của các nước phát triển cao với Nhóm G-5 của các nước đang phát triển. Các bên còn thảo luận những vấn đề thuộc phạm vi hợp tác trong "tam giác chiến lược" Nga - Ấn Độ - Trung Quốc, trao đổi ý kiến về những vấn đề hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Nga và Trung Quốc còn có trách nhiệm đặc biệt của thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng thống nhất chủ trương sử dụng các biện pháp ngoại giao để hoá giải tình hình bất đồng và xung đột tại các “điểm nóng” trên thế giới mà không dùng biện pháp sử dụng sức mạnh như vấn đề hạt nhân của I-ran, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, Cô-xô-vô, Xu-đăng, quá trình giải quyết xung đột ở Trung Đông, tái thiết I-rắc và Áp-ga-ni-xtăng. 
 
Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào còn hội đàm về nhiều vấn đề như tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, xúc tiến đối thoại về các vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tăng cường các nỗ lực nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Hai bên thoả thuận nội dung Kế hoạch hành động cho thời kỳ 4 năm tới (2008-2012). Kế hoạch hành động đã được các bên lần đầu tiên soạn thảo và ký kết vào năm 2005 nhằm thực hiện các nội dung đề ra trong Hiệp ước về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác trong những năm 2005-2008. Nhờ quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc, các bên đã giải quyết được cơ bản vấn đề biên giới và hoàn thành việc cắm mốc biên giới Nga - Trung. Thời gian qua, Nga và Trung Quốc không ngừng mở rộng sự hợp tác liên khu vực và song phương nhằm thực hiện các kế hoạch tái thiết và phát triển cơ sở công nghiệp ở khu vực Viễn Đông, ngoại Bai-can và vùng đông - bắc Trung Quốc. Hai bên đã thực hiện có hiệu quả việc thực hiện kế hoạch "Năm quốc gia của Trung Quốc và Nga" trong những năm 2006-2007 nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị Nga - Trung. Trên cơ sở đó, các bên thoả thuận sẽ thường xuyên tiến hành "Năm tiếng Nga ở Trung Quốc" vào năm 2009 và "Năm tiếng Trung Quốc ở Nga" vào năm 2010.

Riêng lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, trong chuyến thăm lần này, các chuyên gia của Nga và Trung Quốc đàm phán về 3 dự án kỹ thuật quân sự, theo đó, Nga sẽ xuất sang Trung Quốc các loại máy bay hiện đại nhất như Su-33, Su-35 và Su-30MK2. Dự án thứ nhất xem xét khả năng Nga xuất khẩu máy bay Su-33 và công nghệ chế tạo cho Trung Quốc. Loại máy bay này được Trung Quốc quan tâm để thực hiện đề án chế tạotàu sân bay trong tương lai. Trung Quốc dự định sử dụng một số công nghệ chế tạo Su-33 để phát triển máy bay chiến đấu J-11B do Trung Quốc tự thiết kế. Dự án thứ hai xem xét khả năng Nga xuất khẩu máy bay tiêm kích Su-35 sang Trung Quốc. Dự án thứ ba đề cập đến khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu từ Nga các máy bay tiêm kích Su-30MK2. Các chuyên gia kỹ thuật quân sự giải mã các ký hiệu MK2 của loại máy bay này là: chữ "M" trong ký hiệu có nghĩa "cải tiến" (Modernization); chữ "K" trong ký hiệu có nghĩa là "Ki-tai" (tiếng Nga là "Trung Quốc") để xuất sang Trung Quốc; con số "2" có nghĩa là "cải tiến thế hệ 2". Tuy nhiên, lần này, Trung Quốc quan tâm nhiều đến nhập công nghệ chế tạo Su-30MK2 hơn mua máy bay sẵn có.

Vào ngày cuối chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc Trung Quốc đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước trong thế kỷ XIX, thế kỷ XX và anh hùng cách mạng. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã tới thăm Đại học tổng hợp Bắc Kinh và phát biểu trước các sinh viên về quá trình giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước, về sự chuẩn bị nhằm hướng tới những tiến bộ có tính đột phá trong khoa học và công nghệ ở Nga và ở Trung Quốc trong bối cảnh Nga đang nỗ lực chuyển từ một cường quốc tài nguyên sang cường quốc công nghệ cao, còn Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa thông qua Chiến lược phát triển đất nước dựa trên khoa học.

Với số lượng lớn các hợp đồng và thoả thuận quan trọng đã được ký kết trong chuyến thăm hai nước châu Á đầu tiên, cũng như tình cảm thân thiết của các nước chủ nhà đối với khách, các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế ở Nga và Trung Quốc đánh giá, chuyến xuất ngoại đầu tiên của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tới Ca-dắc-xtăng và Trung Quốc không chỉ khẳng định chính sách đối ngoại hướng đông của Nga mà còn là "mùa đầu bội thu" trong hoạt động đối ngoại của tân Tổng thống Nga. Tất cả những gì mà Điện Crem-li dự kiến trong chuyến thăm này tới hai nước châu Á đều đã đạt được, góp phần đáng kể tăng cường và củng cố vị thế của Nga trên một hướng chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng đối với Nga và các đối tác chiến lược của Nga./.