TCCSĐT - Trong những năm qua, mặc dù lĩnh vực dạy nghề còn nhiều khó khăn, song nhìn chung mạng lưới cơ sở dạy nghề của thành phố Hà Nội đã bám sát quan điểm, mục tiêu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hoạt động đào tạo nghề từng bước đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế thị trường, nhất là khối các trường dạy nghề, vượt qua nhiều khó khăn để ổn định, giữ vững, nâng cao quy mô, chất lượng dạy nghề.

Xã hội hóa công tác dạy nghề

Với chủ trương xã hội hóa công tác dạy nghề, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng lao động có kỹ thuật cao cho các ngành kinh tế, tạo cơ hội cho người lao động sớm tìm được việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Thủ đô. Đội ngũ giáo viên dạy nghề ngày càng tăng về số lượng, trình độ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề được nâng cao. Năm 2010, toàn thành phố có 9.859 giáo viên dạy nghề, trong đó có 1.532 giáo viên tại các trường cao đẳng nghề, 1.340 giáo viên các trường trung cấp nghề và 2.549 giáo viên tại các trung tâm dạy nghề. Tỷ lệ giáo viên cơ hữu tại các cơ sở dạy nghề có trình độ sư phạm kỹ thuật, sư phạm dạy nghề chiếm 40,6%. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp với trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho 40 giáo viên, người dạy nghề của các trung tâm dạy nghề cấp huyện, bồi dưỡng kỹ năng nghề hàn, cắt gọt kim loại, sữa chữa cơ khí động lực ô tô cho 20 giáo viên dạy nghề. Năm 2011, thành phố tổ chức học chứng chỉ sư phạm dạy nghề cho 80 giáo viên dạy nghề của các trường trung cấp nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Các cơ sở dạy nghề đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là kỹ năng, tay nghề của học sinh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp. Thành phố Hà Nội tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như trên các hệ thống thông tin đại chúng, mở các chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề; vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động ở nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các mô hình dạy nghề có hiệu quả, cách làm hay về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. 

Hà Nội hiện có 263 đơn vị trong hệ thống cơ sở dạy nghề, trong đó, cơ sở dạy nghề công lập là 90 đơn vị, cơ sở dạy nghề ngoài công lập là 173 đơn vị, các cơ sở dạy nghề tư thục chiếm 65,78% tổng số cơ sở dạy nghề. Mục tiêu trong năm 2013, Hà Nội phấn đấu có 147.000 lượt người được đào tạo, trong đó cao đẳng nghề 24.000 người, trung cấp nghề 35.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 88.000 người.
Tuy nhiên, công tác dạy nghề của thành phố còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở dạy nghề còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề chắp vá, không đồng bộ, thiếu đến đâu bổ sung đến đấy. Do vậy, chưa đủ khả năng đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao để thực hiện việc vận hành máy móc, thiết bị hiện đại trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời kỳ đổi mới. Một số trường dạy nghề công lập thuộc địa phương quản lý có diện tích quá nhỏ so với tiêu chuẩn quy định. Ở các trường trung cấp nghề công lập thuộc thành phố chưa có khu giáo dục thể chất để phục vụ giáo viên và học sinh. 

Các trường dạy nghề ngoài công lập và các cơ sở dạy nghề tư nhân hầu hết đều phải thuê mượn địa điểm để tổ chức đào tạo, thiết bị không đồng bộ nên chất lượng đào tạo thấp, quy mô đào tạo nhỏ. Do tiền lương và thu nhập của giáo viên dạy nghề còn thấp nên chưa thu hút được đội ngũ giáo viên trẻ có trình độ chuyên môn giỏi từ các trường đại học, cao đẳng về giảng dạy. Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn và công nghệ, thiết bị mới chưa được quan tâm, chú trọng. Việc thực hiện các quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề, chế độ báo cáo chưa được các cơ sở dạy nghề quan tâm. Nhiều cơ sở dạy nghề không nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, hoặc báo cáo chậm gây khó khăn cho công tác quản lý, xây dựng kế hoạch và thống kê kết quả đào tạo nghề trên địa bàn thành phố.

Nguyên nhân của những bất cập trên một phần là do việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, một loạt cơ sở dạy nghề ra đời, đặc biệt là của các tổ chức xã hội, tư nhân, nhưng lại thiếu sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiếu sự kiểm tra của Nhà nước. Do vậy, tuy mạng lưới dạy nghề ở Hà Nội nhiều song chưa hợp lý về cơ cấu, hạn chế về chất lượng cũng như ngành nghề đào tạo. Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn chưa rõ ràng và quyết liệt. Công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng học sinh chưa hiểu đúng về việc học nghề, chưa coi học nghề là một trong những con đường lập nghiệp. Thêm vào đó, quan niệm xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, học vị mà chưa quan tâm đúng mức đến vai trò, vị trí và giá trị nghề nghiệp. Một bộ phận lao động chưa nhận thức đúng giá trị lao động có tay nghề và vị trí của người công nhân có kỹ năng tay nghề cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Mặt khác, Nhà nước chưa có chính sách quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động trong việc đóng góp kinh phí cho dạy nghề… 

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh công tác dạy nghề

Trong tình hình khó khăn hiện nay, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội tập trung phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề và tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, như: xây dựng chương trình, giáo trình, đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường được lựa chọn, tham gia dự án đầu tư nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 826/QĐ-BLĐTBXH ngày 07-7-2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt nghề trọng điểm. Triển khai có hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bằng việc tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, của cán bộ, công chức cơ sở và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. 

Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2015, định hướng công tác đào tạo nghề tập trung vào việc phát triển mạnh đào tạo nghề cả về quy mô và chất lượng, trong đó chú trọng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo và cơ cấu trình độ nghề nghiệp; tập trung đầu tư đào tạo nghề trình độ cao nhằm xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ tay nghề vững, đủ khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, thiết bị kỹ thuật hiện đại, có khả năng tham gia cạnh tranh trong thị trường lao động trong nước và quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động. 

Với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng, việc đào tạo nghề không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật trước mắt và lâu dài cho kinh tế Thủ đô, mà còn cung cấp đội ngũ lao động cho vùng và các tỉnh lân cận. Hiện, Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng một số trường dạy nghề chính quy có quy mô lớn, với cơ cấu đa ngành nghề, công nghệ hiện đại, có đội ngũ giáo viên, giáo trình giảng dạy đạt chuẩn của khu vực và quốc tế, đào tạo và cung cấp lao động cho các khu công nghiệp và khu chế xuất, các doanh nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế và đào tạo phục vụ xuất khẩu lao động. Năm 2009, trường Cao đẳng Công nghệ cao đã hoàn thành và đi vào hoạt động, khóa đầu tiên tuyển sinh được 700 sinh viên nhập học. Hiện nay, thành phố tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng trường dạy nghề Việt - Hàn, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 với quy mô tuyển sinh mới 1.000 học sinh/năm. Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề ngắn hạn, nghề truyền thống, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Chú trọng mở rộng số cơ sở dạy nghề cho lao động ở các vùng ngoại thành, trước hết là ở những huyện có tốc độ đô thị hóa cao, tỷ lệ mất đất nông nghiệp lớn để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động. Phát triển mạng lưới các trung tâm dạy nghề thuộc các huyện có ít cơ sở dạy nghề ở 3 huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức. 

Để làm được điều đó, thành phố Hà Nội cần chú trọng những giải pháp sau: 

Trước tiên, cần thực hiện việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề của thành phố, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khai thác mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề; tiếp tục đầu tư các trường dạy nghề trọng điểm để đào tạo nguồn lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao; khuyến khích các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện nâng cấp lên trường đào tạo có trình độ cao hơn, phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi; thu hút các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân tham gia đào tạo nghề. 

Đối với công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực quản lý đối với đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo nghề các cấp, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước các cơ sở dạy nghề trong giai đoạn mới; tăng cường quản lý nhà nước các cấp đối với đào tạo nghề và có kế hoạch thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở có hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn. 

Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề trong việc tạo công ăn, việc làm cho người lao động và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua các cơ quan tuyên truyền đại chúng. Các chính sách đối với các cơ sở dạy nghề, đối với cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cần được khuyến khích áp dụng, nhất là chính sách thu hút, đào tạo sử dụng tài năng của thành phố nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên giỏi cho các trường dạy nghề. Đối với học sinh giỏi, cần thực hiện chế độ đào tạo chuyển tiếp từ hệ cao đẳng, đại học, để sau khi tốt nghiệp có thể bố trí vị trí giáo viên dạy nghề. Tạo điều kiện để giáo viên trong các trường dạy nghề có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy trong nước và nước ngoài. Đối với lao động đã qua đào tạo nghề, cần có chính sách tiền lương hợp lý, đặc biệt là với công nhân tay nghề cao; ưu tiên những người có bằng nghề, chứng chỉ nghề được vay vốn để tạo việc làm theo nghề đã được đào tạo./.