Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-7 đến ngày 04-8-2013

Hồng Ngọc tổng hợp
11:11, ngày 06-08-2013
TCCSĐT - Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh Nghệ An cần thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu đầu tư, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực dân doanh.

Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt mức thấp so với mức trung bình những năm trước (5,42%). Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, đóng mã số thuế.

Tính đến hết tháng 6, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với đầu năm. Thu ngân sách 2.895 tỷ đồng, đạt 51,6% dự toán, tăng 19,6% cùng kỳ.

Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách vẫn được đánh giá là đạt thấp, trong đó tiền sử dụng đất chỉ đạt 163,18 tỷ đồng, bằng 73,4% so cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế năm 2012 đã được gia hạn sang năm 2013.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An cần thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu đầu tư, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực dân doanh. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó chú ý nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, tập trung phát triển các sản phẩm đem lại giá trị cao, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp chế biến (nhất là chế biến nông sản).

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tạo điều kiện phát triển nhiều doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo; giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Cần tìm ra nút thắt trong cải cách hành chính

Ngày 01-8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã làm việc với huyện Phúc Thọ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo huyện cần tìm ra những nút thắt, những điểm ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nâng giá trị sản xuất phát triển nông nghiệp, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đường giao thông, kênh mương; chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách và người nghèo. Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, trong xây dựng nông thôn mới, cần có sự bình tĩnh, thông minh, xác định thứ tự các tiêu chí cần thực hiện trước, sau, tránh làm theo phong trào và chống bệnh thành tích trong thực hiện.

Tiến tới “Chính quyền điện tử Thủ đô”

Khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính ở các đơn vị chưa được đồng đều. 5 năm qua, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, giờ đây Hà Nội đã có nền tảng khá vững chắc để hướng đến mục tiêu xây dựng "chính quyền điện tử".

"Phủ sóng" công nghệ thông tin

Một trong những khó khăn ban đầu khi mới hợp nhất là sự chênh lệch về mặt bằng ứng dụng CNTT trong cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi hầu hết các đơn vị nội thành đã đưa ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thì ở nhiều xã vẫn tiếp nhận, giải quyết và lưu trữ hồ sơ hành chính hoàn toàn thủ công. Trước thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành khảo sát, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng CNTT cũng như nâng cấp, xây dựng mới các trang thông tin điện tử cho các đơn vị. Tính riêng năm 2011, thành phố đã đầu tư 207,34 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, trong đó gói thầu xây dựng Trung tâm Dữ liệu nhà nước thành phố là lớn nhất (chiếm 32,02%).

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, Hà Nội chú trọng tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ CNTT. Qua 5 năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đào tạo kỹ năng ứng dụng CNTT và nghiệp vụ quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông cho hơn 6.000 lượt cán bộ, công chức các cơ quan thuộc thành phố. Đến nay đã có 15/22 sở, ngành và 26/29 quận, huyện có ban chỉ đạo CNTT; 18/26 sở, ngành, đơn vị hiệp quản và 20/29 quận, huyện có bộ phận CNTT. Tổng số cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước là 278 người, trong đó 13 cán bộ có trình độ trên đại học, 210 cán bộ trình độ đại học… Đó chính là nhân tố để mỗi đơn vị sớm bắt nhịp với việc ứng dụng phần mềm phục vụ các nghiệp vụ cơ bản trong cơ quan hành chính nhà nước. Các phần mềm: quản lý nhân sự; quản lý tài chính - kế toán và phần mềm quản lý hộ tịch giờ đã được triển khai tới tất cả các quận, huyện, xã, phường. Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Ứng dụng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông), hiện nay, hầu hết lãnh đạo, cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước biết sử dụng thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp. Kỹ năng ứng dụng của cán bộ, công chức và cán bộ chuyên trách CNTT của khối sở, ngành, văn phòng UBND thành phố, các quận, thị xã Sơn Tây và các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì đều đã đạt ở mức khá.

Tăng giao dịch điện tử

Một trong những kết quả quan trọng mà TP. Hà Nội đạt được là các ứng dụng cơ bản đã được triển khai rộng khắp: 96% sở, ngành, quận, huyện có trang thông tin điện tử; 100% quận, huyện và 75% sở, ngành đã triển khai phần mềm "một cửa điện tử", trong đó, 11 quận, huyện (Ba Vì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân) đã triển khai phần mềm "một cửa điện tử" xuống tất cả các xã, phường trực thuộc. Đặc biệt, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đang được đẩy mạnh. Thành phố đã có hơn 60 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có hơn 40 dịch vụ công trực tuyến mức 3 (điền và gửi trực tuyến mẫu văn bản đến cơ quan cung cấp dịch vụ). Các thiết bị như: camera, kiốt tra cứu, màn hình cảm ứng, thiết bị đọc mã vạch, hệ thống xếp hàng tự động được bố trí ở bộ phận "một cửa" các sở, ngành, quận, huyện. Đặc biệt, đã có 10 quận, huyện, thị xã triển khai giải pháp nhắn tin kết quả giải quyết TTHC cho công dân và doanh nghiệp.

Theo đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2012 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, TP. Hà Nội đã được xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc, tăng 17 bậc so với năm 2011. Không dừng lại ở đó, trong năm 2013 này, TP. Hà Nội đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho việc triển khai dự án Khu công nghiệp phần mềm nội dung số trọng điểm TP. Hà Nội. Theo đó, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP. Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 sẽ chính thức được triển khai. Đó chính là những điều kiện thiết thực trong việc tạo nền móng ban đầu cho quá trình xây dựng "cơ quan điện tử" và tiến tới "chính quyền điện tử Thủ đô" giai đoạn 2011 – 2015.

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: 6 tháng thực hiện 10 chuyên đề thanh tra, kiểm tra

Thanh tra, kiểm tra được thực hiện trên cơ sở đánh giá, phân loại rủi ro dựa vào nguồn dữ liệu kê khai của doanh nghiệp, kết hợp với thông tin thu thập được trong quá trình quản lý, giám sát hồ sơ kê khai thuế, vừa phù hợp với thực trạng hạn chế về nguồn nhân lực làm công tác thanh, kiểm tra thuế và mang lại hiệu quả tích cực cho quản lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và góp phần không nhỏ vào việc tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Thanh tra - kiểm tra theo 10 chuyên đề

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai công tác thanh tra theo 5 chuyên đề, trong đó đối với chuyên đề thanh tra các doanh nghiệp giao dịch liên kết, các phòng thanh tra đã thực hiện được 11 cuộc, qua đó đã truy thu 1.032 triệu đồng; truy hoàn 102 triệu đồng; phạt 24.750 triệu đồng; giảm lỗ 157.139 triệu đồng; thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết đối với 1 doanh nghiệp giảm lỗ hơn 77.034 triệu đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước: 1.368 triệu đồng. Với chuyên đề thanh tra doanh nghiệp trọng điểm, Cục Thuế đã tiến hành đối với 10 doanh nghiệp, kết quả đã truy thu 16.263 triệu đồng; truy hoàn 26,53 triệu đồng; phạt 6.817 triệu đồng; giảm khấu trừ 11.731 triệu đồng và số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước 22.031 triệu đồng.

Ở chuyên đề bất động sản, các phòng thanh tra đã triển khai theo kế hoạch đối với 4 doanh nghiệp, qua đó xử lý truy thu, phạt 2.296 triệu đồng; giảm khấu trừ 46 triệu đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước 1.467 triệu đồng. Với chuyên đề liên kết đào tạo, qua 19 doanh nghiệp được thanh tra, Cục Thuế đã truy thu và phạt 14.647 triệu đồng; giảm khấu trừ 662 triệu đồng; giảm lỗ 5.033 triệu đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước 6.349 triệu đồng. Chuyên đề nhà thầu cũng cho hiệu quả không kém khi chỉ qua thanh tra 3 doanh nghiệp đã xử lý truy thu 11 tỷ đồng. Riêng chuyên đề kinh doanh thương mại điện tử, ngành Thuế đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin truyền thông và quản trị mạng để tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng để triển khai.

Trong công tác kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, 5 chuyên đề riêng biệt cũng đã được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch để triển khai ngay từ đầu năm, đến nay qua 6 tháng, đã cho thấy những kết quả cụ thể. Với chuyên đề kiểm tra, khai thác nguồn thu, đôn đốc nợ đọng, Cục Thuế đã chỉ đạo các chi cục thuế và các phòng kiểm tra tiến hành phân loại doanh nghiệp theo từng ngành nghề, trên cơ sở đó chọn lọc danh sách các doanh nghiệp trọng điểm để có biện pháp quản lý phù hợp, như: kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ số liệu kê khai, số liệu cập nhật vào hệ thống quản lý thuế, theo dõi tình hình và tiến độ nộp thuế, nắm chắc diễn tiến nguồn thu trên địa bàn, đồng thời sử dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế kịp thời.

Với chuyên đề thuế thu nhập cá nhân của giới văn nghệ sĩ, bằng nỗ lực tăng cường kiểm tra việc kê khai, quyết toán dựa trên tra cứu thông tin về thu nhập có thể khai thác từ các nguồn: Giấy phép biểu diễn do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp, thông tin cá nhân trên website: tncnonline, đối chiếu tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân của đơn vị chi trả thu nhập (mẫu 05/KK-TNCN và các Phụ lục 05A, 05B), thông tin quảng cáo trên báo, đài về lịch biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc, phòng trà..., Cục Thuế đã gửi thư mời 10 văn nghệ sỹ thuộc diện trọng điểm đến làm việc trực tiếp. Qua đó, đã yêu cầu 5 ca sỹ hạng sao kê khai bổ sung quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ năm 2010 - 2012 với số thuế 1.384 triệu đồng.
Chuyên đề chống chuyển giá dù mới chỉ hoàn tất việc kiểm tra tại 1 doanh nghiệp đã cho số thuế truy thu 9,2 tỷ đồng, truy hoàn 6,4 triệu đồng. Hay chuyên đề rà soát kiểm tra các trường hợp các nhà thầu nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam kinh doanh với hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ, dù dữ liệu chưa đầy đủ nhưng đã cho kết quả truy thu 5,3 tỷ đồng.

Với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, ngoài con số hàng chục tỷ đồng tiền thuế truy thu và phạt từ 10 chuyên đề đã nộp ngân sách 06 tháng đầu năm, việc thực hiện thanh, kiểm tra tập trung vào các chuyên đề đã nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách của ngành theo hướng công khai, minh bạch về chính sách thuế và tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày một tăng, chỉ tiêu số hồ sơ giao cao nhưng số cán bộ, công chức làm công tác thanh, kiểm tra không thay đổi, thì phương thức này là một hướng đi phù hợp để chống thất thu hiệu quả, góp phần bổ sung đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tiếp tục định hướng lớn

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu, song Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn nhận định nhiều yếu tố đầu vào quyết định chất lượng công tác thanh, kiểm tra theo chuyên đề còn bất cập, thiếu cơ sở dữ liệu thông tin (phần lớn các thông tin được lưu trữ tại cơ quan thuế là từ hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp mà chưa có sự hỗ trợ cung cấp từ các cơ quan quản lý nhà nước khác như công an, quản lý thị trường, hải quan, ngân hàng); việc phân ngành kinh tế hiện nay còn nhiều vướng mắc, sự phối hợp giữa phòng thanh tra và phòng kiểm tra trong việc trao đổi thông tin về người nộp thuế còn lúng túng cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thanh, kiểm tra.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra, những tháng còn lại của năm, ngành Thuế tập trung phân tích dữ liệu khai thuế của từng doanh nghiệp, dữ liệu quản lý thuế của từng đơn vị, để xác định nguồn phải thu ngân sách nhà nước, đồng thời phân tích chính xác nguồn thu cũng như mức độ rủi ro về thuế để xác định đối tượng trọng điểm phải tập trung quản lý, kiểm soát, kiểm tra.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra việc xuất hóa đơn khi bán hàng và cung cấp dịch vụ theo đúng quy định đối với tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị nhằm phát hiện và truy thu kịp thời các khoản thuế bị ẩn lậu, Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng kiểm tra, chi cục thuế tập trung kiểm tra các ngành, lĩnh vực có khả năng khai thác nguồn thu cao như: dược phẩm, dịch vụ du lịch, vàng bạc, bất động sản, điện lực, dầu khí, bưu chính viễn thông, kinh doanh trực tuyến... để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường và đề xuất giải pháp ngăn chặn, quản lý kịp thời.

Đặc biệt trong những tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ bổ sung thêm vào kế hoạch thanh kiểm tra chuyên đề doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm, thủy sản - nhóm đối tượng nhạy cảm đang bị thất thu thuế lớn.

Thanh Hóa: Phân cấp đăng ký xe máy cho công an 6 huyện

Để tiếp tục cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa có kế hoạch tiếp tục phân cấp việc đăng ký môtô, xe máy cho Công an 6 huyện, thị xã gồm: Công an huyện Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy và thị xã Sầm Sơn.

Theo kế hoạch, từ ngày 03-9-2013, Công an các huyện, thị xã nêu trên sẽ thực hiện việc đăng ký, quản lý, cấp biển số xe môtô, xe gắn máy của các tập thể và cá nhân đang cư trú, hoặc có trụ sở đóng trên địa bàn (trừ xe môtô, xe máy của tổ chức cá nhân nước ngoài, liên doanh, dự án tại địa phương do Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh cấp đăng ký). Đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phân cấp việc đăng ký môtô, xe máy cho 18 đơn vị công an các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Việc phân cấp này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân dân đến làm thủ tục đăng ký môtô, xe máy được nhanh chóng, giảm thời gian và chi phí đi lại của người dân.

Được biết, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lãnh đạo công an các đơn vị được phân cấp cần lựa chọn những cán bộ có trình độ, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy trình công tác đăng ký, quản lý mô tô, xe máy, để nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân tốt nhất.

Hải quan Quảng Bình: Tạo dấu ấn về cải cách thủ tục hành chính

Trong những năm gần đây, cùng với tiến trình cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng tập trung công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa, đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình 20 năm xây dựng và phát triển đơn vị.

Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, những năm qua, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa Hải quan theo từng giai đoạn: giai đoạn 2004 - 2006, giai đoạn 2008 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015.

Đặc biệt, đơn vị đã triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ từ tháng 02-2013 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, gần đây là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn La từ tháng 6-2013.

Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình đã luôn đoàn kết một lòng, tích cực phát huy nội lực, xây dựng lực lượng theo hướng chuyên nghiệp, đề cao công tác giáo dục chính tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, công chức, kết hợp giáo dục cơ bản với giáo dục truyền thống, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể trong toàn đơn vị.

Đây là những yếu tố cơ bản giúp Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao./.