Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Đỗ Hoài Nam GS, TS. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
14:32, ngày 06-08-2013
TCCSĐT - Sau gần 30 năm đổi mới, phát triển đất nước và trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa, hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, nhiều vấn đề lý luận đang đặt ra cần phải được làm sáng tỏ. Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới một số quan điểm về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nền kinh tế thị trường Việt Nam đang từng bước tạo dựng là nền kinh tế thị trường hiện đại

Trên tinh thần đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế và trên cơ sở tổng kết những thành công, yếu kém, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm trong những bước chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ và hiện đại là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế này trước hết phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của những quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Đó là hệ thống đầy đủ, đồng bộ các loại thị trường và các chủ thể thị trường, tự do cạnh tranh; giá cả được định đoạt trên thị trường tùy thuộc vào quan hệ cung - cầu và độ khan hiếm hàng hóa; các nguồn lực phát triển được phân bổ chủ yếu theo những tín hiệu của thị trường; nhà nước tôn trọng những quy luật của thị trường, tạo điều kiện, môi trường để kinh tế thị trường vận hành bình thường, sử dụng các công cụ thị trường là chủ yếu để quản lý và sẵn sàng can thiệp, điều tiết một khi có thất bại của thị trường,…

Nền kinh tế thị trường hiện đại là nấc thang cao trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường, vì thế ngoài những đặc trưng mang tính phổ quát của nền kinh tế thị trường tự do, nền kinh tế thị trường hiện đại ngày nay còn mang một số đặc trưng mới. Đó là: 

Thứ nhất, nền kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên nền tảng sở hữu hỗn hợp của các chủ thể thị trường. Trong nền kinh tế này, sở hữu hỗn hợp dựa trên chế độ cổ phần phải chiếm ưu thế phổ biến. Bởi vì, sở hữu hỗn hợp chiếm ưu thế phổ biến là kết quả xã hội hóa sản xuất và xã hội hóa sở hữu ở trình độ cao do yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, khoa học, công nghệ và trình độ quản lý. Hình thức sở hữu này đang ngày càng phát triển, từng bước vượt qua biên giới của một quốc gia và gắn liền với sự phát triển mạnh của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia. 

Thứ hai, nền kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức - một trong những nhân tố quyết định trực tiếp đến sự giàu mạnh, văn minh của mọi quốc gia.

Thứ ba, nền kinh tế thị trường hiện đại phải có cơ cấu, trong đó những lĩnh vực sau phải hiện đại, đó là: công nghiệp - thị trường, hệ thống kết cấu hạ tầng, các ngành dịch vụ cao cấp (đặc biệt là dịch vụ tài chính và ngân hàng). Ngoài ra, nông nghiệp và nông thôn về cơ bản phải được phát triển trên nền tảng công nghiệp và thị trường hiện đại; kinh tế tiền tệ và kinh doanh tiền tệ là phổ biến, được vận hành bởi thể chế tiền tệ hiện đại với sự độc lập của Ngân hàng Trung ương; doanh nghiệp cổ phần có chế độ quản trị hiện đại. 

Thứ tư, nền kinh tế thị trường hiện đại dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ được khoa học và công nghệ với trình độ quản lý hiện đại. 

Trong nền kinh tế này, “công nhân cổ trắng” có trình độ đại học là phổ biến và các trường đại học, viện nghiên cứu triển khai được phát triển thành doanh nghiệp của ngành công nghiệp không khói. Số nhân viên làm việc cho phòng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai và các vườn ươm công nghệ mới của chính phủ hoặc của công ty từng bước sẽ nhiều hơn số công nhân đứng máy trực tiếp tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. 

Thứ năm, nền kinh tế thị trường hiện đại được vận hành bởi thể chế thị trường, thể chế quản lý nhà nước và chế độ quản trị công ty hiện đại.

Nền kinh tế thị trường hiện đại đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - doanh nghiệp nhằm thỏa mãn những yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện đại dưới tác động trực tiếp của toàn cầu hóa, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Nền kinh tế này cũng đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự trong điều kiện cụ thể và đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, con người nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.

Thứ sáu, nền kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên hệ thống an sinh xã hội hiện đại và một hệ thống phúc lợi vì mục tiêu phát triển con người. Hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội này được xây dựng bằng sự đóng góp của chủ doanh nghiệp, người lao động, nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự nhằm hỗ trợ người lao động, đặc biệt là người nghèo trước những biến động và rủi ro của thị trường do tác động ngày càng lớn của toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. 

Về mặt lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn của thế giới đã được kiểm chứng và khẳng định, kinh tế thị trường là phương tiện tốt nhất để tạo lập cơ sở và sức mạnh kinh tế cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Kinh tế thị trường càng hiện đại và được vận hành có hiệu quả thì sức mạnh kinh tế do nó tạo ra càng lớn. Kết luận này đúng cho mọi quốc gia và Việt Nam không là một trường hợp ngoại lệ.

Những thành tựu trong gần 30 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh nền kinh tế thị trường ở nước ta từng bước được xây dựng, phát triển và về cơ bản đang được vận hành có hiệu quả, đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ”. Trong quá trình này, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế thị trường, phát triển và quản lý kinh tế thị trường đã được làm rõ, cung cấp cơ sở khoa học cho những quyết định về chủ trương, đường lối, cơ chế và chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn không ít vấn đề vướng mắc chậm được luận giải, đang được coi là kìm hãm sự phát triển của sức sản xuất, thí dụ như vấn đề quan hệ giữa nhà nước - thị trường - doanh nghiệp,... Ngoài ra, trong bối cảnh mới như tình hình sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công ở châu Âu,… đã nảy sinh nhiều vấn đề mới. Vì vậy, cần tiếp tục có những đột phá mới về tư duy lý luận để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Nền kinh tế Việt Nam được cấu thành bởi hai thành tố là kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Hai thành tố này có quan hệ tương tác với nhau, phản ảnh tính phổ biến, tính đặc thù và đòi hỏi phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phổ biến và đặc thù trong quá trình phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Nhìn lại gần 30 năm phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, không phải lúc nào mối quan hệ giữa tính phổ biến là kinh tế thị trường và tính đặc thù là định hướng xã hội chủ nghĩa cũng được giải quyết tốt. Trong phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường, một mặt, nhiều đòi hỏi khách quan từ các quy luật của kinh tế thị trường chưa được giải quyết thỏa đáng và mặt khác, nhiều vấn đề phản ánh bản chất, đặc trưng cơ bản của tính định hướng xã hội chủ nghĩa cũng chưa được coi trọng đúng mức. Có khi chúng ta chỉ vì quá nhấn mạnh đến bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa nên đã không bảo đảm được những quy luật khách quan của kinh tế thị trường và ngược lại chỉ đơn thuần coi trọng thị trường, chạy theo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà hy sinh mục tiêu xã hội và phát triển con người. Trong tư duy của một số người dường như vẫn có sự không thanh thoát, thậm chí còn mâu thuẫn khi giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ nhận định tổng quát trên, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn 2013 - 2018 cần phải: 

- Phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ theo hướng hiện đại trên cả hai phương diện kết cấu và thể chế.

- Định hình rõ nét hơn và tạo sự đồng thuận xã hội rộng lớn hơn về những nội dung biểu hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường xét cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn.

Những vấn đề mang tính phổ biến mà Việt Nam cần giải quyết để hình thành nền kinh tế thị trường hiện đại gồm:

a. Phải hình thành đầy đủ và đồng bộ các loại thị trường, tôn trọng các quy luật của thị trường và giải quyết hài hòa mối quan hệ nhà nước - thị trường - doanh nghiệp; chủ động và tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực.

b. Phát triển và quản lý có hiệu quả nền kinh tế thị trường hiện đại với những đặc trưng cơ bản, mang tính phổ biến đối với tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị. Thiếu những đặc trưng cơ bản này thì nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không thể được coi là kinh tế thị trường hiện đại.

Về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam

Định hướng xã hội chủ nghĩa phản ánh tính đặc thù của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam vừa phải được phát triển theo những quy luật khách quan của kinh tế thị trường, vừa phải được định hướng, điều tiết và giám sát cho phù hợp với bản chất và những nguyên tắc của một xã hội đang từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Sự phù hợp với bản chất và những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam là một quá trình lâu dài, từ chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện đến đầy đủ, hoàn thiện. Việc nhận diện đúng trạng thái phát triển của xã hội trong từng giai đoạn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam để từ đó có những quyết sách phát triển và quản lý phù hợp, tránh ngộ nhận có thể dẫn đến sai lầm duy ý chí, siêu hình là rất quan trọng. 

Một trong những vấn đề quan trọng là sự cần thiết phải cụ thể hóa những nội dung cơ bản phản ánh định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển đất nước nói chung và phát triển kinh tế thị trường nói riêng. Ở nước ta, điều này lần đầu tiên đã được chính thức luận giải khái quát trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX và được nhắc lại ở Đại hội Đảng lần thứ X. Từ đó cho đến nay vẫn chưa có những bước tiến mới trong việc tiếp tục cụ thể hóa những nội dung phản ánh tính định hướng này. Do đó, đây là điều cần phải nghiên cứu và giải quyết.

Xã hội Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam không phải là tư bản chủ nghĩa nhưng trong nhiều thập niên nữa cũng chưa phải là xã hội chủ nghĩa, mà là định hướng xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những định hướng lớn này bao gồm cả những nội dung phát triển mang tính phổ biến, có giá trị chung toàn cầu, lẫn những nội dung phát triển đặc thù của Việt Nam, nhất là những nội dung có liên quan đến định hướng chính trị của sự phát triển. Song, những nội dung đó cần phải được tiếp tục bổ sung mới, hoàn thiện, cụ thể hóa và thể chế hóa nhằm đáp ứng những đòi hỏi của đất nước ở từng giai đoạn phát triển dưới tác động ngày càng trực tiếp và mạnh mẽ của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; của kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, nhìn trên tổng thể cũng còn bị chi phối bởi những định hướng lớn về phát triển đất nước, đặc biệt là những nội dung phản ánh định hướng chính trị mà Đảng ta đã quyết định. Mặt khác, cũng cần nhấn mạnh, những nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường cũng chịu chi phối bởi tính chất của nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế chưa phải là xã hội chủ nghĩa, mà mới đang từng bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện tại, chưa ai có thể hình dung được trước một vài thập niên tới về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, cho dù là trên những nét tổng quát nhất. Nhưng, có một điều cần khẳng định rằng, nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa rất khác nhau về trình độ phát triển. Vì thế, về mặt nhận thức, tư duy và quan điểm cần chú ý rằng, nhiều nội dung phản ánh tính chất xã hội chủ nghĩa mà chúng ta kỳ vọng sẽ chưa thể và không thể thực hiện được trong nền kinh tế đang được phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chỉ có thực tiễn mách bảo và trên cơ sở tổng kết thực tiễn ở từng giai đoạn phát triển đất nước tiếp nối nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể tìm được lời giải đáp cho vấn đề này. Làm khác đi là không biện chứng, là duy ý chí, siêu hình.

Để góp phần cụ thể hóa định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, hay nói một cách khác là luận giải bản chất của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, chúng tôi ngày càng theo đuổi cách tiếp cận về định hướng chính trị của mục tiêu phát triển và những mối quan hệ lớn, những nhân tố cơ bản tác động đến việc thực hiện định hướng chính trị của mục tiêu phát triển đất nước. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi phải phân biệt rõ mục tiêu và phương tiện thực hiện mục tiêu. Phải kiên định theo định hướng chính trị của mục tiêu phát triển đất nước đã lựa chọn. Đó là nguyên tắc bất biến. Còn việc quyết định phương tiện để thực hiện mục tiêu thì phải căn cứ vào yêu cầu của thực tiễn và hiệu quả thực hiện, chứ không phụ thuộc vào những mong muốn kỳ vọng, chủ quan duy ý chí. Định hướng chính trị của mục tiêu phát triển đất nước, những mối quan hệ lớn cần phải giải quyết trong quá trình phát triển này và sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân quyết định bản chất khác biệt và phản ánh nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam, còn các phương tiện để đạt mục tiêu thì không.

Theo chúng tôi, nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam được thể hiện như sau: 

- Phát triển kinh tế thị trường phải nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước là từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ”. 

Bằng phát triển kinh tế thị trường hiện đại, từng bước tạo lập những cơ sở kinh tế kỹ thuật cần thiết cho phát triển đất nước theo hướng hiện đại trong nhiều thập niên tới, trước mắt là đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến giữa thế kỷ này trở thành nước công nghiệp hiện đại. Chỉ có trên cơ sở đó mới làm cho dân giàu, nước mạnh, có điều kiện kinh tế để giải quyết tốt những vấn đề dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân làm chủ.

- Giải quyết tốt những mối quan hệ lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển đất nước ở từng giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 

Những mối quan hệ lớn này phải cấu thành những nguyên tắc phản ánh đặc thù quốc gia trong phát triển và quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là quan hệ hài hòa giữa đổi mới, ổn định và phát triển đất nước; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa giữ vững độc lập, tự chủ trong phát triển và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển; giữa tuân thủ tính quy luật và coi trọng tính đặc thù quốc gia trong phát triển kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện phân bổ thành quả tăng trưởng bảo đảm tạo động lực, công bằng và tiến bộ xã hội; giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, văn hóa, bảo vệ và làm giàu môi trường theo yêu cầu phát triển bền vững. 

- Bảo đảm hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước nói chung và phát triển kinh tế thị trường hiện đại. 

Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thành tố nội tại của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là cái đặc thù, riêng có của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và phản ánh sự khác biệt về bản chất so với những nền kinh tế thị trường khác trên thế giới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng có bản lĩnh và trí tuệ đồng thời cũng là nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam./.