Báu vật Hoàng Sa trong dòng chảy văn hóa của làng Mỹ Lợi
Tại Thừa Thiên - Huế, đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) nổi tiếng không chỉ về bề dày lịch sử, văn hóa, đây còn là nơi lưu giữ văn bản liên quan đến Hoàng Sa được lập cách đây 250 năm, khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) Trần Văn Luyến, văn bản liên quan Hoàng Sa nói trên có nội dung xử lý việc kiện tụng của phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang) và làng Mỹ Lợi, lập ngày 19-9 năm Cảnh Hưng 20 (6-11-1759) về việc tranh chấp giữa 2 làng liên quan đến một con thuyền và tiền trợ cấp cho đội thuyền phục vụ Hoàng Sa. Nội dung văn bản này cho thấy cách đây 250 năm, nhà Nguyễn đã có quân trấn giữ quần đảo Hoàng Sa. Văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở làng Mỹ Lợi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao cho Bộ Ngoại giao để bổ sung thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Người già của làng Mỹ Lợi kể, làng được thành lập năm 1562, do những người khai canh, là ngư dân di cư bằng đường biển từ Bắc vào Nam, chọn mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này để lập làng. Hiện làng Mỹ Lợi có diện tích 896 ha với 1.400 hộ, 6.000 nhân khẩu. Đình làng Mỹ Lợi, được xây dựng năm 1808, một trong số ít làng ở miền Trung, ngay từ ngày 1-5-1930, đã treo cao lá cờ Cộng sản của chi bộ Đảng Mỹ Lợi. Đây là lá cờ Đảng đầu tiên được treo lên ở Thừa Thiên - Huế. Trong hai cuộc kháng chiến giữ nước vừa qua, Mỹ Lợi là một pháo đài cách mạng. Làng Mỹ Lợi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nối tiếp dòng chảy văn hóa của cha ông để lại, Mỹ Lợi tiếp tục xây dựng làng văn hóa bắt đầu từ việc hình thành bộ quy ước làng văn hóa với 5 chương, 30 điều. Điểm nổi bật là ngoài việc chú trọng phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, quy ước đã đề cập cụ thể đến việc nâng cao dân trí gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, xây dựng các chuẩn mực về chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thuần phong mỹ tục...
Quy ước cũng tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó lấy con người làm trọng tâm; phấn đấu theo 5 đức tính tốt đẹp là: yêu quê hương, đất nước; sống và làm việc theo pháp luật, tự giác thực hiện tốt các quy định, quy ước của cộng đồng; tôn trọng tình nghĩa và đạo lý, giữ gìn di sản văn hóa, trọng thị, khoan dung, thuần hậu; có ý thức tập thể, đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái; hăng say lao động, học tập vì lợi ích bản thân, gia đình, tập thể và xã hội, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, các tầng lớp nhân dân trong xã luôn có lối sống lành mạnh, văn minh, cần, kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy ước làng văn hóa.
Thực hiện quy ước làng văn hóa, nhiều họ tộc, gia đình ở Mỹ Lợi tổ chức đám cưới, đám tang và những lễ hội truyền thống lành mạnh, đơn giản, tiết kiệm, phát huy được những yếu tố văn hóa truyền thống và bước đầu đã hình thành nên những tập tục mới, văn minh, lịch sự, mang tính cộng đồng cao theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Tại đây, đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, những công dân kiểu mẫu trong việc thực hiện nếp sống văn minh, con người văn hóa trong từng gia đình, họ tộc, thôn, xóm; truyền thống nhân nghĩa, thương yêu đùm bọc nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn bằng những hành động, việc làm đầy tình nghĩa. Điển hình như ông Đoàn Phán ở thôn 3, thay vì tổ chức mừng thọ linh đình, ông dành toàn bộ số tiền đó mua gạo phát cho dân nghèo. Ông còn tiết kiệm, dành dụm tiền sinh hoạt phí để giúp 30 hộ nghèo, khó khăn, hoạn nạn, với số tiền 100.000 đồng/hộ/tháng trong nhiều năm liền cho đến khi ông qua đời. Noi gương ông, người dân địa phương đã tích cực tham gia nhiều phong trào nhân đạo như ủng hộ quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc da cam với số tiền hàng chục triệu đồng/năm. Con em Mỹ Lợi đi làm ăn xa, hàng năm đều nhớ về cội nguồn, đóng góp vật chất cùng với địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, giúp người nghèo hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo, góp phần cùng với nhà nước đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Quy ước của làng Mỹ Lợi còn thể hiện việc động viên, khen thưởng con cháu học hành đỗ đạt. Cái lý của người Mỹ Lợi là: Học để hiểu biết, học để làm người, học để có công ăn việc làm, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Vì thế, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường lớp ở đây ngày càng được bổ sung, đầu tư xây dựng mới; phong trào xã hội hóa giáo dục được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục và đào tạo phát triển cả về số lượng và chất lượng. Người dân đã tự nguyện hiến 5.500 m2 đất, di dời 23 ngôi mộ và nhiều nhà ở khác để xây dựng trường học. Phong trào khuyến học với 19 chi hội khuyến học trong xã được thành lập, tạo được nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng để khen thưởng cho học sinh trên địa bàn. Hiện nay, bình quân mỗi măn, Mỹ Lợi có từ 35-40 em thi đỗ đại học; số học sinh tham gia và đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi ngày càng nhiều.
Mỹ Lợi luôn xem di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý giá, gắn kết cộng đồng dân cư để chú trọng, phát huy và làm tốt việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho đời sau. Mỹ Lợi còn nổi tiếng với "Một phiên chợ quê" đúng nghĩa. Hàng năm, cứ vào mùng 6 Tết, chợ lại họp đông vui, không chỉ với các sản vật địa phương, mà còn kết hợp với các trò chơi như lễ tế Xuân, đua thuyền thúng, kéo co, hô bài chòi… Chợ Mỹ Lợi ở gần bến nước, thuận tiện cho việc buôn bán và vận chuyển hàng hóa qua lại trên phá Tam Giang - Cầu Hai, nên có ảnh hưởng, chi phối đến hoạt động buôn bán và đời sống của nhân dân 5 xã trong vùng, không thua kém chợ Vinh Thanh, chợ Sịa là những “chợ quê” nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế. Đất Huế có cau Nam Phổ nổi tiếng, nhưng cau Nam Phổ trồng trên đất thịt không ngon bằng cau Mỹ Lợi trồng trên cát pha mùn. Ở đây đất tốt nên cau Mỹ Lợi trái tròn, ruột nhiều, tang mỏng, mềm và ngọt. Khoai mài Mỹ Lợi nổi tiếng, ngày xưa dùng để tiến vua. Làng Mỹ Lợi đã để lại cho đời những sản phẩm trở thành thương hiệu: nghề vườn có cau Mỹ Lợi, dưới tán cau trồng cam, quýt, chuối, dứa, hoàng tinh; nghề nón lá Mỹ Lợi không thua nón lá Huế; nghề biển, nghề đầm Mỹ Lợi có cá dìa, mú, hanh, cá buôi, cá thu, ngừ, tôm sú, tôm rằn, ngon có tiếng.
Bí thư Đảng ủy xã Vinh Mỹ Trần Văn Luyến khẳng định: Ở Mỹ Lợi, phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa đã góp phần rất quan trọng vào việc động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12%. Nhân dân đã đóng góp hơn 4,6 tỉ đồng, hàng ngàn m2 đất để làm 25 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông, xây dựng hoàn thành mạng lưới điện nông thôn và hệ thống truyền thanh. Những việc làm trên đã có tác dụng tích cực đến sự phát triển toàn diện nền kinh tế, xã hội của địa phương, bộ mặt nông thôn miền biển có nhiều khởi sắc.
Từ năm 2000, Mỹ Lợi đã được công nhận làng văn hóa điển hình đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, toàn xã có 1.382/1.523 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (trên 90%), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen 20 năm phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đình làng Mỹ Lợi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cấp quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng bằng khen cho làng Mỹ Lợi về lưu giữ văn bản liên quan đến Hoàng Sa./.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để việc học tập và làm theo gương Bác sinh động, thiết thực, hiệu quả  (19/05/2013)
Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người  (19/05/2013)
Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người  (19/05/2013)
Các hoạt động thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (18/05/2013)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp mặt thanh niên CAND tiêu biểu  (18/05/2013)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay