1. Mỹ bơm thêm 800 tỉ USD ổn định hệ thống tài chính

Ngày 25-11-2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ bơm thêm 800 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ nhằm ổn định hệ thống tài chính. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Hen-ry Pao-xơn tuyên bố, kế hoạch kích thích này nhằm giúp người tiêu dùng có thể vay nhiều tiền hơn. Trong số 800 tỉ nói trên, 200 tỉ USD được sử dụng để phá băng thị trường tín dụng tiêu dùng vì lúc này, các tổ chức tài chính Mỹ miễn cưỡng cho vay, làm cho tình hình suy thoái kinh tế ngày càng tồi tệ. Các loại khoản vay như thẻ tín dụng, cho vay mua xe ô-tô và các khoản vay dành cho sinh viên đã bị đình trệ từ tháng 10-2008. Những biện pháp mới nhằm phục hồi các loại cho vay này. Ngoài ra, FED sẽ mua 100 tỉ USD nợ từ các tổ chức cho vay thế chấp gặp khó khăn là Fannie Mae và Freddie Mac. 500 tỉ USD nữa sẽ được sử dụng để mua các chứng khoán liên quan tới cho vay thế chấp. Trong khi đó, Tổng thống mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma cho rằng, cải cách ngân sách là việc làm “cấp thiết” trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, không phải là một lựa chọn mà là một việc làm cấp thiết.

2. Quốc hội Cộng hoà Séc bất đồng về NMD của Mỹ

Ngày 25-11-2008, các nghị sỹ trong Hạ viện Séc đã ngăn cản một phiên họp Quốc hội dự kiến thảo luận về kế hoạch bố trí trên lãnh thổ Séc trạm ra-đa thuộc hệ thống "lá chắn tên lửa" (NMD) của Mỹ. Các thành viên Đảng xã hội - dân chủ (CSDP) và Đảng Cộng sản Séc cùng một số nghị sỹ độc lập khác đã bỏ phiếu không tán thành chương trình nghị sự của phiên họp này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hoà Séc, các nghị sỹ bỏ phiếu phản đối thông qua một chương trình nghị sự của Quốc hội. Thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai một bộ phận thuộc hệ thống NMD trên lãnh thổ Séc đã được chính phủ hai nước ký kết và hiện đang khiến Quốc hội Séc bị chia thành hai phe. Phe ủng hộ NMD của Mỹ gồm các đại biểu thuộc Đảng Dân chủ công dân cầm quyền, nhưng chỉ giữ 96 trong số 200 ghế Quốc hội. Phe phản đối gồm CSDP, Đảng Cộng sản và một số đại biểu Đảng Xanh thuộc liên minh cầm quyền. Các đảng cánh tả ở Séc đòi đưa vấn đề liên quan đến NMD của Mỹ ra trưng cầu ý kiến toàn dân. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, đa số người dân Séc phản đối Mỹ bố trí trạm ra-đa trên.

3. Tàu chiến Nga tiến vào vùng biển Mỹ La-tinh

Ngày 25-11-2008, các tàu chiến của Nga đã tiến vào hải phận Vê-nê-du-ê-la. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của tàu chiến Nga ở vùng biển Ca-ri-bê kể từ “chiến tranh lạnh” trùng với chuyến thăm Vê-nê-du-ê-la của Tổng thống Đ.Met-vê-đép. Trong chuyến thăm Vê-nê-du-ê-la lần này, Tổng thống Đ.Met-vê-đép và Tổng thống Hu-gô Cha-vét chứng kiến ký kết Nga giúp Vê-nê-du-ê-la xây dựng một lò phản ứng hạt nhân phát triển năng lượng vì các mục đích hòa bình, đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác dầu khí... Vê-nê-du-ê-la cũng đã mua vũ khí của Nga trị giá hơn 4 tỉ USD.

4. Liên hợp quốc phê chuẩn sứ mệnh EU tại Cô-xô-vô

Ngày 26-11-2008, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua việc triển khai một phái bộ của Liên minh châu Âu (EU) tới Cô-xô-vô dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Theo kế hoạch ban đầu, phái bộ của EU đáng lẽ đã được triển khai sớm sau khi Cô-xô-vô tuyên bố độc lập với Xéc-bi vào ngày 17-2-2008, nhưng bị ngừng trệ một phần do sự phản đối quyết liệt của Xéc-bi. Xéc-bi và Cô-xô-vô miễn cưỡng chấp nhận phái bộ mới của EU, tuy nhiên, địa vị của Cô-xô-vô, một vùng đất tuy đã được 52 quốc gia công nhận độc lập, cho tới thời điểm hiện tại vẫn là một vấn đề gây bất đồng sâu sắc.

5. Vụ khủng bố kinh hoàng ở Ấn Độ

Ngày 27-11-2008 đã trở thành một thời điểm kinh hoàng đối với 20 triệu người đang sinh sống trong và quanh khu vực Mum-bai, cũng như cả Ấn Độ. Mum-bai là trung tâm tài chính của Ấn Độ, phần lớn sự thịnh vượng có được của đất nước này xuất phát từ thành công trong hoạt động thương mại tại Mum-bai. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra tại đây. Mục tiêu tấn công của bọn khủng bố là ga xe lửa chính của thành phố - một trong những ga tàu đông đúc nhất trên thế giới, cùng hàng loạt các khách sạn, nhà hàng - nơi thu hút khách địa phương, khách du lịch quốc tế và lãnh đạo các doanh nghiệp từ nơi khác đến. Cả đất nước Ấn Độ choáng váng, kinh hoàng trước những hình ảnh được phát trực tiếp trên truyền hình về ngọn lửa bốc cao trên mái của một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất ở Mum-bai. Ngày 29-11-2008, chiến dịch tiêu diệt bọn khủng bố đã kết thúc sau gần 3 ngày giao tranh quyết liệt.

6. Thủ tướng Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp

Ngày 27-11-2008, Thủ tướng Thái Lan Xổm-chai (Somchai) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực nhằm giải giáp các nhóm biểu tình chống chính phủ khiến các chuyến bay ra và vào thủ đô Băng-cốc phải ngừng hoạt động. Quy định tình trạng khẩn cấp được áp dụng cho các khu vực xung quanh sân bay quốc tế Xu-va-na-hu-mi và sân bay nội địa Đông Mu-ang. Theo Bộ trưởng Du lịch và thể thao Thái Lan, gần 100.000 hành khách đã bị lỡ các chuyến bay kể từ khi người biểu tình làm tê liệt hai sân bay trên. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan trở nên hết sức căng thẳng trong những ngày qua khi PAD tuyên bố sẽ chiến đấu đến khi nào Chính phủ của Thủ tướng Xổm-chai phải từ chức.

7. Quốc hội I-rắc phê chuẩn Hiệp định an ninh với Mỹ

Ngày 27-11-2008, với 144/198 phiếu thuận, Quốc hội I-rắc gồm 275 ghế đã phê chuẩn Hiệp định an ninh với Mỹ, theo đó, cho phép quân đội Mỹ ở lại nước này đến hết năm 2011 sau khi sứ mệnh do Liên hợp quốc ủy quyền kết thúc vào ngày 31-12-2008. Hiệp định an ninh gồm 31 điều khoản nêu rõ đến tháng 6-2009 lính Mỹ rút khỏi các thành phố của I-rắc và rút toàn bộ khỏi quốc gia vùng Vịnh này vào cuối năm 2011. Văn kiện trên gồm điều khoản cho phép Chính phủ I-rắc lần đầu tiên thay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kiểm soát mọi hoạt động của lực lượng Mỹ tại nước này. Như vậy, mọi hoạt động của 150.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại 400 căn cứ quân sự tại I-rắc chịu sự giám sát của chính quyền I-rắc. Nhà chức trách I-rắc có quyền khám xét hàng hoá quân sự Mỹ cũng như thẩm vấn binh sĩ Mỹ bị cáo buộc phạm tội ác khi ở ngoài căn cứ và không thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, Hiệp định an ninh mới cũng yêu cầu phía Mỹ phải xin phép chính quyền I-rắc khi triển khai các chiến dịch quân sự và phải trao cho nhà chức trách địa phương hồ sơ của những kẻ tình nghi đang bị Mỹ giam giữ. Hiệp định cũng cấm quân đội Mỹ sử dụng I-rắc như một bàn đập để tấn công các nước khác. Hiện Hiệp định an ninh này cần được Hội đồng Tổng thống I-rắc phê chuẩn./.