Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 24-11 đến 30-11-2008)
1. Tổng thống Cộng hoà Ấn Ðộ Pratibha Devisingh Patil thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Cộng hoà Ấn Ðộ, Bà Pratibha Devisingh Patil (Pra-típ-ha Đê-vi-xinh Pa-tin) đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-11đến 28-11-2008. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc hội đàm chính thức và chiêu đãi trọng thể Tổng thống Ấn Độ. Bà Pra-típ-ha Đê-vi-xinh Pa-tin đã chào Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cuộc hội đàm song phương giữa hai nhà Lãnh đạo diễn ra trong bầu không khí hữu nghị truyền thống và với sự hiểu biết thân thiết và gần gũi. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về tình hình quan hệ song phương cũng như sự hợp tác cùng có lợi và mối quan hệ đối tác chiến lược mới đang phát triển nhanh chóng giữa Ấn Độ và Việt Nam. Cuộc hội đàm đã đề cập nhiều chủ đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có những thách thức kinh tế khu vực và thế giới, quan hệ thương mại song phương đang phát triển mạnh mẽ và triển vọng tích cực của đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam, hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng như sản xuất thép, dầu khí, năng lượng hạt nhân, tín dụng, thông tin, truyền thông, thực thi luật pháp, an ninh, quốc phòng, giáo dục và hợp tác văn hóa, trong đó có hợp tác trùng tu các tháp Chàm ở Việt Nam... Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định chuyến thăm đã đóng góp tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược giữa hai nước.
3. Bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam – Ma-rốc
Ngày 26-11-2008, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ma-rốc, Ngài Áp-bát En Pha-xi. Hai bên đã bày tỏ hài lòng trước sự phát triển đáng khích lệ của quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua, khẳng định quyết tâm của hai bên tiếp tục nỗ lực tăng cường và phát triển mối quan hệ tốt đẹp đó lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai bên đã thảo luận các phương hướng và biện pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có của hai nước, mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá và du lịch; hoan nghênh kết quả kỳ họp Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Ma-rốc lần thứ nhất vào 3-2008 vừa qua và đánh giá cao việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế song trùng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác thương mại song phương. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trên các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, tích cực góp phần vào các nỗ lực chung vì mục tiêu hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển, vì một quan hệ quốc tế bình đẳng, cùng có lợi, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Áp-bát En Pha-xi có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, phù hợp với mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.
4. Hội nghị cấp cao lần thứ 5 về Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia
Ngày 26-11-2008, tại Trung tâm Ðào tạo và Hợp tác quốc tế ở Thủ đô Viên-Chăn (Lào), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn và Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun-Xen tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 5 về Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Cam-pu-chia (CLV), khu vực với phạm vi 10 tỉnh của ba nước, trong đó có 4 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam. Tại cuộc họp, ba Thủ tướng đã thông báo về tình hình mỗi nước trong thời gian gần đây; kiểm điểm tình hình triển khai các thỏa thuận hợp tác và kết quả ba nước đã đạt được trong xây dựng Tam giác phát triển từ sau Hội nghị cấp cao ba Thủ tướng lần thứ tư tại Ðà Lạt tháng 12-2006; tập trung thảo luận phương hướng và những biện pháp để tăng cường hợp tác giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển trong những năm tới. Ba Thủ tướng nhất trí đánh giá từ Hội nghị cấp cao lần thứ tư đến nay, hợp tác giữa ba nước về xây dựng Tam giác phát triển đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Các kết quả tích cực đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện điều kiện sống của nhân dân các địa phương ở khu vực Tam giác phát triển. Ba Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực Tam giác là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách; khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tam giác phát triển, sớm đưa khu vực này thoát khỏi tình trạng kém phát triển vì lợi ích lâu dài của ba nước.
5. Ðại lễ tưởng niệm 700 năm Ngày mất Ðức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông
Ngày 27-11, tại khu di tích danh thắng Yên Tử, thị xã Uông Bí (Quảng Ninh),Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức trọng thể Ðại lễ tưởng niệm 700 năm Ngày mất của Ðức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu hoan nghênh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp một số bộ, ngành, địa phương tổ chức Ðại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày mất của Vua Trần Nhân Tông. Ðây là dịp để nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao, bày tỏ sự tri ân, trân trọng tài đức của Vua Trần Nhân Tông, cũng như của các bậc tiền nhân khác đối với đất nước; thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Tăng ni, phật tử Việt Nam sẽ ngày càng nhất tâm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh, nối tiếp tư tưởng "cư trần lạc đạo", "Hòa quang đồng trần" của Ðức Vua Trần Nhân Tông và tư tưởng Ðại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường hướng hoạt động "Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
6. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự APA-3
Từ ngày 27-11 đến 29-11-2008, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu tham dự Hội nghị thường niên lần thứ ba Đại hội đồng Nghị viện châu Á (APA - 3) được tổ chức tại In-đô-nê-xi-a. Tại phiên họp toàn thể, Trưởng đoàn Việt Nam đã phát biểu chia sẻ mối lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu và cho rằng, thế giới cần có một cấu trúc tài chính mới, hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn, bảo đảm lợi ích của các nền kinh tế dù lớn hay nhỏ trên toàn thế giới. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi sáng kiến, nỗ lực của nước chủ nhà và các nước châu Á nhằm tăng cường hợp tác đối phó với cuộc khủng hoảng này và tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tích cực tham gia mọi hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị như họp Hội đồng Chấp hành, các phiên thảo luận toàn thể, phiên họp của Ủy ban Kinh tế và Phát triển bền vững, Ủy ban Chính trị, Ủy ban Hòa bình và An ninh, Ủy ban Văn hóa và Xã hội, và Ủy ban soạn thảo Tuyên bố Gia-các-ta về sự cần thiết phải có một cấu trúc tài chính toàn cầu mới; tham gia các cuộc thảo luận về các dự thảo nghị quyết về tăng cường quan hệ hợp tác giữa APA và các tổ chức hợp tác đa phương khác như Liên hợp quốc, Liên minh nghị viện thế giới, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, các vấn đề như khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, thị trường năng lượng chung châu Á, thay đổi khí hậu, xóa đói nghèo, đấu tranh chống tham nhũng, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề nhân đạo tại Pa-le-xtin.
7. Báo chí góp phần quan trọng trong việc ngằn chặn và đẩy lùi tham nhũng
Ngày 28-11-2008, tại Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ tư với các tổ chức quốc tế về chủ đề "Vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng". Đây là hoạt động trước thềm hội nghị Tư vấn các nhà tài trợ cuối kỳ năm 2008 có chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng” sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 4 và 5-12-2008. Cuộc đối thoại này cũng nằm trong cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... Công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành; thể hiện quyết tâm, khả năng của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Chính phủ Việt Nam xác định phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng.
8. Mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12)
Sáng 30-11, tại Hà Nội, đã diễn ra mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Dự và phát biểu tại mít-tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm, đánh giá, trong hơn 20 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tốt, tới nay dịch HIV/AIDS đang có dấu hiệu chững lại. Nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã gửi Thông điệp khẳng định những kết quả mà các nước trên thế giới đã đạt được trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời cũng nhấn mạnh "AIDS sẽ không dễ dàng rời bỏ thế giới của chúng ta trong thời gian tới. Con số người nhiễm HIV vẫn tăng nhanh hơn khả năng cung ứng điều trị của chúng ta. AIDS vẫn là 1 trong 10 căn bệnh gây tử vong lớn nhất trên toàn cầu và AIDS vẫn là căn bệnh số 1 cướp đi nhiều nhất sinh mạng của người dân ở khu vực châu Phi". Ông Ban Ki-Moon kêu gọi mọi người hãy cùng cam kết để hành động nhằm tạo ra một thế giới không có AIDS. Đánh giá cao những nỗi lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Quốc gia UNAIDS tại Việt Nam Eamon Murphy bày tỏ tin tưởng, công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam được xây đắp trên nền tảng của tình yêu thương con người, bằng việc huy động sức mạnh của toàn xã hội, có lãnh đạo, điều phối của tất cả các cấp chính quyền, Việt Nam sẽ hoàn thành được các một trong các mục tiêu Thiên niên kỷ, đó là ngăn chặn và bắt đầu đảo ngược chiều hướng của đại dịch HIV vào năm 2015.
9. Trao giải thưởng Giải thưởng Lương Định Của năm 2008 và “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”
Sáng 30-11 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn đã tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của 2008. Giải thưởng Lương Định Của năm nay được trao cho 100 gương mặt tiêu biểu đại diện 13 triệu thanh niên nông thôn trên toàn quốc, có những thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, xây dựng nông thôn mới. Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương thành tích xuất sắc của 100 nhà nông trẻ vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của; khẳng định vai trò nòng cốt của thanh niên nông thôn xung kích tiên phong xây dựng nông thôn mới. Phó thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn cần nhân rộng điển hình, giúp đỡ thanh niên nông thôn lập thân lập nghiệp. Chính phủ sẽ cam kết thực hiện các chính sách hỗ trợ tối đa cho thanh niên nông thôn trong đào tạo lao động, khoa học - kỹ thuật, vốn, ưu đãi thuế, chính sách tín dụng...
Tối 30-11-2008, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), đã diễn ra Lễ tuyên dương và trao tặng danh hiệu “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” cho 20 sinh viên ưu tú nhất. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đánh giá cao những phong trào mà các cấp bộ đoàn đã triển khai sau hai năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua các phong trào đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương học tập và làm theo lời Bác, đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, tình nguyện vì cộng đồng, và trong nhiều lĩnh vực khác… Sinh viên đã thực sự phát huy tính chủ động, vượt khó, sáng tạo, vươn lên khẳng định mình trong quá trình tự học, tự rèn, góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy và học, tạo một luồng sinh khí mới cho giảng đường và xã hội… 20 sinh viên được trao tặng danh hiệu “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” có mặt trong Lễ tuyên dương đã kể lại những câu chuyện cảm động về quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mình và những kết quả đã đạt được./.
*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 17-11 đến 23-11-2008)
Noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác*  (01/12/2008)
Để lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt  (01/12/2008)
Lễ tuyên dương “Sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”  (01/12/2008)
Phát huy vai trò công tác dân vận trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh  (30/11/2008)
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS  (30/11/2008)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay