Hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương hai nước Việt Nam - Lào: Một hình thức ngoại giao nhân dân hiệu quả

Đỗ Thị Thảo ThS, Viện quan hệ quốc tế, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
20:01, ngày 08-01-2013
TCCSĐT - Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới, là tài sản vô giá, nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước. Song song với quan hệ hợp tác toàn diện cấp nhà nước, các hình thức hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước cũng không ngừng được mở rộng.

Nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào luôn trân trọng, gìn giữ và xây đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước từ bao đời nay. Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930, mối quan hệ đó ngày càng được tăng cường, phát triển toàn diện và đi vào chiều sâu. Nhiều địa phương đã ký kết hợp tác trực tiếp, hoặc có những hoạt động kết nghĩa, nhất là ở các tỉnh có chung đường biên giới. Hoạt động này đã trở thành hình thức phổ biến, được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đem lại hiệu quả ngày càng cao, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thiết thực về sản xuất, đời sống và việc làm cũng như tình cảm láng giềng của mỗi bên. Đây được coi là một trong những phương thức ngoại giao nhân dân đặc biệt hiệu quả và có nhiều ý nghĩa, bởi một mặt, đó là nhu cầu tự thân đã trở thành truyền thống, mặt khác, đó là xu thế vận động tất yếu của thời đại.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới quốc gia với chiều dài khoảng 2.340 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào là: Phong Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sa Văn Na Khẹt, Sa La Van, Sê Kông và Át Tô Pư. Các tỉnh này đều có những hoạt động kết nghĩa láng giềng từ lâu đời. Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố lớn khác của hai nước đã tổ chức kết nghĩa và không ngừng được nhân rộng ra các địa phương khác.

Có thể thấy, từ truyền thống cho đến hiện tại, sự hợp tác và những hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương của hai nước phát triển mạnh và rất sôi động. Các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, giao lưu nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh,… Nổi bật là sự kết nghĩa và hợp tác của một số tỉnh, thành phố sau đây:

Giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô Viêng Chăn

Hoạt động kết nghĩa và hợp tác giữa hai thủ đô diễn ra từ rất sớm và không ngừng được mở rộng những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

Năm 2009, Hà Nội giúp Viêng Chăn xây Trường Quản lý hành chính bằng nguồn vốn tài trợ của thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, bao gồm một tòa nhà 3 tầng, khu nhà một tầng và một hội trường có sức chứa 400 - 500 chỗ ngồi, cùng một số công trình phụ trợ khác.

Trường Quản lý hành chính Viêng Chăn sẽ là nơi bồi dưỡng lý luận chính trị, hành chính và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thành phố, góp phần tích cực vào công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố Viêng Chăn nói riêng và đất nước Lào nói chung. Đây là món quà Hà Nội dành cho Viêng Chăn nhân dịp hướng tới kỷ niệm 450 năm Viêng Chăn và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội(1).

Giữa thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Chăm Pa Sắc, tỉnh Át Tô Pư và tỉnh Xiêng Khoảng

Đi đầu trong việc hợp tác giữa các địa phương là thành phố Hồ Chí Minh với Thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Chăm Pa Sắc. Hai bên đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác, như Thỏa thuận về Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Chăm Pa Sắc (ngày 28-8-2001), Thỏa thuận về Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Viêng Chăn (ngày 1-9-2001)(2). Đây là những văn kiện chính thức thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh với hai địa phương - là hai thành phố lớn của Lào. Theo tinh thần của các Thỏa thuận trên, hằng năm, hai bên luân phiên trao đổi các đoàn cấp cao để điểm lại việc thực hiện những điều khoản đã ký kết và đề ra phương hướng hợp tác cho năm tới. Từ đây, nhiều dự án hợp tác đã và đang được triển khai có hiệu quả trong các lĩnh vực.

Về nông nghiệp: hai bên thường xuyên trao đổi những kết quả nghiên cứu cây, con giống có năng suất, chất lượng cao; truyền bá kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi,… Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ Chăm Pa Sắc và Viêng Chăn về kỹ thuật trồng ngô lai, chăn nuôi, cung cấp giống bò, phân bón, thuốc trừ sâu; tặng tỉnh Chăm Pa Sắc 10 con bò giống và 1 máy trộn thức ăn gia súc; hợp tác thành lập vùng trồng ngô lai giống; tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và nông dân về kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi bò, lợn, cá lồng,... đưa 02 loại giống ngô lai đơn F1 và một số thuốc trừ sâu do Việt Nam sản xuất vào thị trường Lào; công ty Bảo vệ Thực vật Sài Gòn (SPC) đã thành lập một Văn phòng đại diện tại Viêng Chăn và mở rộng hoạt động ra hầu hết các tỉnh miền Trung và Nam Lào để quảng bá các loại thuốc trừ cỏ của SPC; dự án trồng 10 ha cây cao su tại Nam Lào được triển khai và hiện đã xanh tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch trong vài năm tới.

Về công nghiệp: thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ Sở Tài chính Viêng Chăn thành lập Trung tâm dữ liệu; công ty Cổ phần Nhựa Sài Gòn đầu tư dự án xây dựng nhà máy Nhựa Saplast - Viêng Chăn tại thành phố Viêng Chăn và đã đi vào sản xuất có hiệu quả từ nhiều năm nay; hợp tác nghiên cứu đề án xây dựng khu công nghiệp tại tỉnh Chăm Pa Sắc; thời gian tới sẽ xây dựng một siêu thị tại Viêng Chăn.

Về giáo dục: Thành phố Hồ Chí Minh đã trao 100 suất học bổng cho hai địa phương kết nghĩa có sinh viên và học viên theo học hệ đại học và cao học trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí xây dựng Trường Hữu nghị Viêng Chăn - Thành phố Hồ Chí Minh cùng các trang thiết bị trong nhà trường; xây dựng Trung tâm văn hoá tặng tỉnh Chăm Pa Sắc.

Về y tế: Hai bên đã hợp tác thành lập Trung tâm huấn luyện chẩn đoán y khoa tại Viêng Chăn; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình mổ mắt miễn phí cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể, đem lại ánh sáng cho 3.000 bệnh nhân nghèo bị khiếm thị ở Thủ đô Viêng Chăn và Chăm Pa Sắc; hợp tác huấn luyện chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, trao đổi kinh nghiệm về siêu âm, cấp cứu, mổ nội soi,… với bệnh viện tỉnh Chăm Pa Sắc.

Mặc dù giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Át Tô Pư và tỉnh Xiêng Khoảng chưa chính thức ký kết văn bản thỏa thuận hữu nghị và hợp tác, song trên thực tế, quan hệ giữa hai bên đã và đang diễn ra tốt đẹp, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên và những hoạt động triển khai một số dự án hợp tác. Cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với tỉnh Xiêng Khoảng về Dự án chăn nuôi bò sữa; Hợp tác với tỉnh Át Tô Pư, trồng 10.000 ha cao su.

Giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn

Vốn là hai tỉnh giáp nhau nên mối quan hệ láng giềng gần gũi này có từ rất sớm. Trong suốt quá trình lịch sử, cùng với nhân dân hai nước, đồng bào hai tỉnh đã luôn nương tựa, giúp đỡ nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập, trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới, Thanh Hóa đã triển khai nhiều văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, giúp đỡ tỉnh Hủa Phăn về nhiều mặt, như: kinh tế, văn hóa, bồi dưỡng - đào tạo cán bộ, an ninh - quốc phòng, xây dựng biên giới hữu nghị. Trong mỗi giai đoạn, sự hợp tác giúp đỡ có khác nhau song luôn có tác động tích cực và mang lại hiệu quả to lớn. Sự phát triển, đi lên của tỉnh Hủa Phăn trên các lĩnh vực có dấu ấn nhất định của sự hợp tác từ phía Thanh Hóa. Ngược lại, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hủa Phăn có tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Hằng năm, hai tỉnh luân phiên tổ chức các cuộc gặp cấp lãnh đạo tỉnh để đánh giá tình hình thỏa thuận hợp tác đã ký kết, đồng thời xây dựng kế hoạch, nội dung hợp tác trong năm tới, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2001 - 2005, đã có 112 đoàn đại biểu các cấp, các ngành, các huyện biên giới của hai tỉnh sang thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Ngày 15-6-2006, lãnh đạo hai tỉnh đã ký Biên bản hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2006 - 2010. Riêng trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, hai bên đã có gần 100 đoàn đại biểu giao lưu, ký kết các văn bản ghi nhớ, triển khai các nội dung thỏa thuận và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ hai tỉnh.

Trên lĩnh vực kinh tế, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 đạt 18.495,729 USD, trong đó giá trị xuất khẩu từ Thanh Hóa sang Hủa Phăn đạt 6.179,579 USD; từ Hủa Phăn sang Thanh Hóa đạt 11.864,812 USD; số lượng doanh nghiệp của Thanh Hóa đầu tư vào Hủa Phăn tăng đáng kể, đến năm 2010, đã có 42 dự án của Thanh Hóa đầu tư vào Hủa Phăn, với tổng số vốn đầu tư đạt 13,5 triệu USD, chiếm 70% tổng số vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tỉnh Hủa Phăn(3). Thanh Hóa cũng dành một phần vốn viện trợ cho việc khảo sát xây dựng một số tuyến giao thông và công trình giao thông trên đất Hủa Phăn, nhất là tại địa bàn thị xã Sầm Nưa và huyện Viêng Xay - thủ đô kháng chiến của Lào.

Sự hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh đã góp phần quan trọng trong phát triển của tỉnh Hủa Phăn như: nhiều chương trình phối hợp về nông nghiệp, lâm nghiệp; về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thanh Hóa được áp dụng rộng ở nhiều địa phương của tỉnh bạn, đem lại hiệu quả tốt, được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hủa Phăn đánh giá cao.

Về giáo dục - đào tạo, mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần giúp bạn là giúp chính mình, năm 2011, Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn trị giá 3 triệu USD; hỗ trợ kinh phí tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và giao lưu văn hóa dọc hai bờ sông Mã; dành nhiều tỷ đồng thành lập quỹ khuyến học cho học sinh, sinh viên và các huyện dọc biên giới của tỉnh Hủa Phăn; ủng hộ xây dựng một số trường học, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở hạ tầng và chi phí cho lưu học sinh của tỉnh Hủa Phăn đang theo học tại Thanh Hóa(4).

Về an ninh - quốc phòng, hiện nay Thanh Hóa và Hủa Phăn đang tiếp tục hợp tác xây dựng và tôn tạo hệ thống cột mốc quốc giới; kết nối giao thông, nhân rộng các mô hình hợp tác tốt và hiệu quả, giải quyết dứt điểm tình trạng phức tạp phát sinh trong lĩnh vực an ninh biên giới và lãnh thổ của mỗi bên.

Giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh phía Nam Lào

Tỉnh Kon Tum có chung đường biên giới dài 142,4 km với các tỉnh phía Nam nước bạn Lào, có cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) - Phu Cưa (Át Tô Pư - Lào) và hai cặp cửa khẩu phụ là Đăk Long (thuộc huyện Đăk Glei, Kon Tum) - Văn Tách (thuộc huyện Xản Xay, tỉnh Át Tô Pư) và Đăk Blô (cũng thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) - Đắk Bar (thuộc huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông - Lào). Cũng từ bao đời nay, nhân dân hai bên nơi đây luôn là láng giềng gần gũi, cùng xây đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống khăng khít, gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, dựa vào nhau chiến đấu chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của dân tộc.

Từ khi tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum (năm 1991), quan hệ giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào không ngừng được củng cố, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc xây dựng, phát triển ở mỗi tỉnh. Công tác trao đổi đoàn giữa hai bên được duy trì thường xuyên ở nhiều cấp độ, hình thức. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Kon Tum đã có khoảng 142 đoàn ra với 1.201 lượt cán bộ, công chức đến thăm, làm việc và học tập tại các tỉnh bạn; ngược lại, các tỉnh bạn cũng đã có 72 đoàn với 956 lượt cán bộ, công chức đến thăm và làm việc với tỉnh Kon Tum. Hai bên đã ký kết 26 văn bản thỏa thuận song phương và đa phương cấp tỉnh, cấp huyện. Năm 2011, tỉnh Kon Tum đã khởi xướng và tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phát triển giữa Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi (Việt Nam) với Chăm Pa Sắc, Sê Kông, Át Tô Pư (Lào) và Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan).

Kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào đã phối hợp tổ chức công tác thông tin tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào nói riêng; tổ chức giao lưu biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao,…

Về kinh tế, hai bên đã ký kết nhiều biên bản về hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Hiện nay, các doanh nghiệp Kon Tum đang hợp tác đầu tư tại các tỉnh Nam Lào chủ yếu ở các lĩnh vực: chế biến gỗ, giao thông, trồng cây cao su và trao đổi thương mại, mua bán hàng hóa, nông, lâm sản,…

Từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam, tỉnh Kon Tum đã phối hợp với tỉnh Át Tô Pư đầu tư xây dựng công trình Trạm kiểm soát liên kiểm cửa khẩu quốc tế Phu Cưa. Năm 2008, Công ty Điện lực Kon Tum và tỉnh Át Tô Pư đã triển khai chương trình hợp tác về cung ứng điện cho khu vực cửa khẩu Phu Cưa và một số khu dân cư lân cận cửa khẩu Phu Cưa.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum cũng đang tiến hành thực hiện các thủ tục hỗ trợ 37 tỷ đồng để nâng cấp đường giao thông nối cửa khẩu Phu Cưa với cột mốc biên giới Việt Nam - Lào. Hoạt động xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Phu Cưa luôn tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, riêng giai đoạn 2006 - 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 50 triệu USD(5).

Năm 1996, tỉnh Kon Tum đã giúp đỡ việc khảo sát, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Át Tô Pư, bản Đắk Bar (huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông); xây dựng trụ sở chính quyền tỉnh Át Tô Pư; đồng thời cử cán bộ, kỹ sư sang hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ giống, cây, con phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân ở các huyện giáp biên giới.

Các huyện biên giới như Ngọc Hồi, Đăk Glei cũng đã quan hệ hợp tác, đầu tư, hỗ trợ cho huyện Phu Vông, huyện Xản Xay của tỉnh Át Tô Pư và huyện Đăk Chưng của tỉnh Sê Kông một số công trình nhằm phát triển kinh tế. Năm 2008, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã hỗ trợ cho huyện Phu Vông (Át Tô Pư) đầu tư xây dựng nhà máy phát điện năng lượng mặt trời tại làng Phu Nhang với tổng kinh phí 15.000 USD(6).

Về giáo dục, phía Kon Tum thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ các tỉnh bạn về các lĩnh vực: lý luận chính trị, quản lý nhà nước, công tác Đảng và đào tạo nghề cho hàng trăm lưu học sinh Lào. Kon Tum còn tài trợ kinh phí cho Hội Việt kiều tại tỉnh Át Tô Pư và Sê Kông xây dựng Trường hữu nghị Việt - Lào; cử giáo viên dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều và con em của nhân dân Lào; bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ các cơ quan của 2 tỉnh Át Tô Pư và Sê Kông.

Trong những năm gần đây, các tỉnh Nam Lào đã bố trí giáo viên, đài thọ chi phí ăn nghỉ, đào tạo hàng chục lưu học sinh Việt Nam sang học ngôn ngữ Lào cho tỉnh Kon Tum; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của các địa phương, sở, ngành, đoàn thể của Kon Tum sang tham quan, học tập.

Hợp tác phát triển về du lịch cũng đã có những khởi sắc. Hằng năm, Công ty Du lịch tỉnh Kon Tum ký kết hợp đồng với các công ty du lịch của Lào để đưa du khách từ Lào đến Kon Tum qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm để bảo tồn đa dạng sinh học của 2 vườn quốc gia Chư Mom Ray (Việt Nam), Đông Am Pham (Lào); hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.

Về y tế, hằng năm, giữa các tỉnh luôn chủ động phối hợp thông tin, dự báo định kỳ hoặc đột xuất và triển khai công tác kiểm soát và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh ở khu vực biên giới 3 nước; tăng cường năng lực của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế giữa các tỉnh trong việc kiểm soát và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh ở khu vực biên giới và qua biên giới 2 nước; tổ chức hiệu quả các hoạt động phối hợp giữa quân và dân y trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phòng chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho dân cư Lào sinh sống dọc biên giới; Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận, khám và điều trị cho bệnh nhân các tỉnh biên giới của Lào.

Về chính sách xã hội, việc phối hợp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời kỳ kháng chiến trên đất Lào để đưa về nước được hoàn thành xuất sắc với sự giúp đỡ của các tỉnh Nam Lào.

Về an ninh biên giới, thực hiện Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào, tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với nhau về tình hình, phối hợp ngăn chặn và giải quyết dứt điểm các vụ việc xảy ra, cùng nhau bảo vệ, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị; vận động nhân dân cả hai bên cùng học tập và thực hiện đúng quy chế biên giới của mỗi nước cũng như những thỏa thuận chung của hai Chính phủ, không có những hành động phá hoại sự ổn định của mỗi nước như: vượt biên giới để khai thác lâm thổ sản, săn bắn thú rừng, xâm canh, xâm cư trái phép,... Công tác cắm mốc biên giới được hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả. Lực lượng vũ trang các tỉnh đã phối hợp kịp thời, ngăn chặn được những vấn đề nảy sinh, bảo đảm an ninh cho hoạt động tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Năm 2011, hai bên đã hoàn thành kế hoạch tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đoạn qua tỉnh Kon Tum và Át Tô Pư.  

Giữa các tỉnh Sơn La, Điện Biên với các tỉnh phía Bắc Lào

Đây là những tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Sơn La có 250km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Luông Pha Băng của Lào. Hai bên đã có mối quan hệ láng giềng khăng khít, gắn bó lâu đời.

Nhân dân vùng biên giới giữa tỉnh Sơn La và các tỉnh bạn Lào đã chủ động đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, xây dựng khu vực biên giới ổn định và phát triển. Sơn La đã ký văn bản Hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh với 8 tỉnh Bắc Lào, gồm: Bó Kẹo, Luông Nậm Thà, Phong Xa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xây Nha Bu Ly và Xiêng Khoảng. Hiện nay đã có trên 80 doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào các tỉnh Bắc Lào, tăng kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên lên nhiều triệu USD/năm(7).

 Ngày 18-8-2012, tại thành phố Sơn La đã diễn ra Hội chợ triển lãm thương mại Sơn La và các tỉnh Bắc Lào. Đây là dịp để hai bên giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa. Qua đó, tăng cường giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư(8). Hai bên thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc về truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, cùng thực hiện tốt Hiệp định quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ hai nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã cùng nhau thống nhất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đập tan âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch hòng chia rẽ tình đoàn kết của hai nước, góp phần giữ vững an ninh, chính trị khu vực biên giới, củng cố bền chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Sơn La đã hoàn thành việc cắm mốc của 13 điểm trên đoạn biên giới giữa Sơn La và tỉnh Luông Pha Băng, hiện đang tiếp tục thi công mốc giới trên tuyến Sơn La - Hủa Phăn.

Với tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước, quan hệ hoạt động thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu và buôn bán qua biên giới giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào đã có nhiều chuyển biến tích cực, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ thương mại, du lịch và buôn bán biên mậu, góp phần vào sự phát triển kinh tế tại khu vực biên giới, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội hai bên biên giới. Giai đoạn 2008 - 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và trao đổi thương mại qua biên giới giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào đạt gần 72 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 44 triệu USD(9). Ngày 11-9-2012, tại tỉnh Điện Biên đã diễn ra Tọa đàm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào.

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, tại các tỉnh trên đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá thể thao, hội chợ, triển lãm tranh, ảnh,… phản ánh tình đoàn kết và sự hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước nói chung, giữa các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng.

Bên cạnh đó, các tỉnh khác giữa hai nước cũng hoạt động hợp tác khá hiệu quả như tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bô Ly Khăm Xay, tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Chăm Pa Sắc,…

Nhìn chung, các tỉnh biên giới đều phối hợp tốt các hoạt động chung và không ngừng mở rộng lĩnh vực hợp tác, kết nghĩa. Về hình thức hợp tác ở các lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn lao động, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh thái vùng biên, phát triển dịch vụ du lịch,... đã tỏ ra rất hiệu quả. Phía Lào đã cho phép các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam được chủ động ký kết những dự án hợp tác trị giá dưới 01 triệu USD. Hoạt động hợp tác kinh tế đang trở thành trung tâm thu hút các hình thức giao lưu và hợp tác biên giới khác. Các địa phương có chung biên giới, không những tổ chức các phiên chợ đường biên để trao đổi, mua bán mà còn phối hợp bảo vệ trật tự xã hội, tăng cường quan hệ đoàn kết, giữ gìn truyền thống láng giềng gắn bó keo sơn, chia ngọt sẻ bùi nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh vùng biên, xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài.

Hiện nay, nhân dân hai nước đang tích cực hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2010 - 2015). Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lào cũng đang tập trung khai thác các tiềm năng và thế mạnh trong nước bằng cách phát huy sức mạnh các thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường, kết hợp với việc mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài để đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề cần thiết đưa đất nước vững bước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên chặng đường tiến lên văn minh hiện đại, cùng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, sự hợp tác toàn diện, những hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương không ngừng được mở rộng tiếp tục là những minh chứng cho tình đoàn kết keo sơn, gắn bó hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào. Đồng thời, đây cũng là một trong những sự thành công của công tác ngoại giao nhân dân giữa hai nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu; là một trong những yếu tố tác động tích cực, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Việt Nam - Lào lên tầm cao mới./.

----------------------------------------------------

                                                                                       

 (1) Khởi công dự án Trường Quản lý hành chính Viêng Chăn do Hà Nội tài trợ, theo tuyengiao.vn, ngày 17-02-2009

(2) Báo Nhân dân, ra ngày 19-6-2006

 (3), (4) Trịnh Văn Chiến: Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào: tăng cường hợp tác toàn diện Thanh Hóa - Hủa Phăn, theo thanhhoa.gov.vn

 (5), (6) Hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào, theo Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kon Tum, ngày 05-09-2012

 (7) Sơn La: Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Lào, theo VietNam+, ngày 20-8-2012

 (8) Triển lãm thương mại Sơn La và các tỉnh Bắc Lào, theo VietNam+, ngày 18-08-2012

 (9) Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào tăng cường hoạt động xúc tiến hợp tác thương mại, du lịch, theo chinhphu.vn, ngày 11-09-2012