TCCSĐT - Ngày 08-6-2013, tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo quốc gia Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra nhằm xây dựng báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời chủ động chuẩn bị một bước luận cứ khoa học góp phần phục vụ việc soạn thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Đến dự Hội thảo có GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng đông đảo các đại biểu và phóng viên tác nghiệp.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Viết Thông cho biết, những mục đích của Hội thảo có quan hệ mật thiết với nhiệm vụ Chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước về Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011 - 2015, mã số KX.04/11-15, và của Đề tài KX.04.26/11-15 thuộc Chương trình này; đồng thời cũng gắn với trách nhiệm của lực lượng cán bộ khoa học, các nhà lãnh đạo và quản lý ở các cơ quan tham mưu của Trung ương, ở các học viện, viện nghiên cứu,… trong phạm vi toàn quốc.

Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng phát triển kinh tế thị trường và thực trạng thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa qua gần 30 năm đổi mới ở Việt Nam nhìn từ góc độ lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, thực lực của nền kinh tế, hệ thống doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; vai trò của kinh tế thị trường trong việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong việc giải phóng sức sản xuất của xã hội, trong việc tạo lập những điều kiện, tiền đề, cơ sở - vật chất cho chủ nghĩa xã hội; kết quả hội nhập kinh tế quốc tế; kết quả giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;... đề xuất những quan niệm, quan điểm và các cơ chế chính sách mới bảo đảm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chuyển sang phát triển theo chiều sâu, với chất lượng tổng thể thực sự cao hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và năm 2030.

Hội thảo cũng đánh giá, phân tích những kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế thị trường, về việc giải quyết mối quan hệ giữa các vấn đề kinh tế và các vấn đề xã hội, về sử dụng kinh tế thị trường để tạo lập những điều kiện, tiền đề cần thiết cho xã hội tương lai; đúc kết, làm rõ những vấn đề có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, từ đó đề xuất những quan niệm, quan điểm, cơ chế, chính sách mới về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Hội thảo đã đề xuất những quan niệm mới về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam và những quan điểm mới có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và bền vững. Những quan niệm và quan điểm mới này được luận chứng, luận cứ từ góc độ lý luận chung lien quan đến mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội; lien quan đến việc vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đến việc tham khảo những hạt nhân hợp lý trong các học thuyết kinh tế tư sản cận và hiện đại;…

Với tham luận nhan đề Tính đặc thù theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường nước ta, PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng để nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần thực hiện những giải pháp sau: Một là, thực hiện nhất quán chính sách kinh nhiều thành phần. Hai là, mở rộng phân công lao động, phân bố lại lao động và dân cư trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, từng vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ba là, tạo lập và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường. Bốn là, đẩy mạnh cách mạng khoa học - công nghệ, nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm là, giữ vững ổn định chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả. Sáu là, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế và các nhà kinh doanh giỏi, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảy là, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại để phát triển kinh tế thị trường.

Theo GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, trước những thách thức hiện nay, việc giữ vững độc lập, tự chủ trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cần tiếp tục làm rõ lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, đồng thời tiến thêm một bước là về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xử lý các yếu kém nội tại, đặc biệt là những yếu kém của nền kinh tế trong nước;…

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và đầu tư lại kiến nghị nên tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế, hoàn thành để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới; phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm cải cách giáo dục, xem đây là một ưu tiên hàng đầu trong đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội;…/.