TCCSĐT - Hàng tồn kho, trong đó có hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản với quy mô lớn đang đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô. Để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu, trong các ngày 18 và 19-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

* Ngày 18-12, tham dự buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh có Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo một số ngân hàng, doanh nghiệp…

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương nói chung trước hết phải xem xét lại công tác quy hoạch.


Đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín, đến nay thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả để tháo gỡ từng bước, “làm ấm” từng phần thị trường, tiến tới sự lành mạnh hóa hoạt động và phát triển bền vững trong những năm tới.

Qua khảo sát bước đầu cho thấy, có nhiều dự án tạm dừng, chậm triển khai; nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn kho tăng dẫn đến nợ xấu tăng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố khoảng 85.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn, trong đó cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản là 66.084 tỷ đồng, cho vay khác (vay mua nhà để ở, mua nhà cho công nhân thuê, xây nhà ở cho người thu nhập thấp…) là 18.916 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản khoảng 4.145 tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản.

Khó khăn của thị trường bất động sản có cả nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động. Về trực tiếp, trên địa bàn thành phố đang tồn kho khoảng 14.490 căn hộ chung cư với giá trị khoảng 24.500 tỷ đồng, đa số căn hộ tồn kho có diện tích lớn (10.039 căn hộ có diện tích 60 - 90 m2, chiếm tỷ lệ 69,3%; 3.406 căn hộ có diện tích trên 90 m2, chiếm tỷ lệ 23,5%), không phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán hiện tại của người dân. Giá nhà ở hiện nay ở mức quá cao so với thu nhập bình quân của đại đa số các tầng lớp dân cư; tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà, đất tăng trong những năm trước đây; lãi suất quá cao do phần lớn chủ đầu tư phải vay ngân hàng khoảng 70% tổng mức đầu tư với lãi suất trên 20%/năm trong một thời gian dài từ 2 - 3 năm;…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở còn thiếu chuyên nghiệp, giao nhà chậm tiến độ; chất lượng nhà bàn giao kém, chưa đúng với cam kết ban đầu; dịch vụ quản lý nhà chung cư chưa chuyên nghiệp; phí quản lý chung cư và phí giữ xe khá cao;… từ đó ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với loại hình nhà chung cư.

Về nguyên nhân gián tiếp, việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương thức chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng với người sử dụng đất dẫn đến tình trạng: doanh nghiệp không bồi thường được; dự án manh mún, nhỏ lẻ, không kết nối hạ tầng; các doanh nghiệp cạnh tranh, đẩy giá bồi thường lên cao làm cho thị trường bất động sản phát triển không ổn định; công tác dự báo còn hạn chế dẫn đến thừa bất động sản cao cấp, thiếu bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tế; nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia thị trường nhưng quy mô nhỏ, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, đầu tư dàn trải, thiếu định hướng phát triển và chiến lược kinh doanh;… từ đó làm thị trường mất cân đối và phát triển không ổn định.

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để nghiên cứu toàn diện, giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài.

Thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho người mua nhà ở (hỗ trợ 1/2 lãi suất vay thương mại cho người có thu nhập thấp khi mua nhà lần đầu), hỗ trợ doanh nghiệp để giảm giá bán nhà ở; kiến nghị Bộ Tài chính giãn tiến độ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012, sớm hình thành các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để phát triển các công cụ tài chính cho thị trường bất động sản và phát triển các công cụ thị trường; kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm hình thành trung tâm thông tin và dự báo thị trường bất động sản của Trung ương, trên cơ sở đó TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác có cơ sở tham khảo dữ liệu đối chiếu và xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản của địa phương…

Phải làm từng bước

Ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng, các chuyên gia nhất trí quan điểm cần từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Việc tháo gỡ cho thị trường này cũng góp phần tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung vì theo khảo sát, hoạt động bất động sản tại Việt Nam liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác nhau.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không thể dùng giải pháp “phá băng” mà về căn cơ cần từng bước tháo gỡ, làm ấm dần từng phần thị trường.

Các đề xuất đưa ra tại cuộc họp tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm lãi suất cho vay; xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nợ; giảm, giãn, gia hạn thuế; đặc biệt là cần phải ưu tiên cho vay mua nhà nhất là đối với các hộ mua nhà lần đầu và thực sự có nhu cầu về nhà ở; hỗ trợ doanh nghiệp để giảm giá bán nhà ở.

Đại diện cho Hiệp Hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội) đề xuất bên cạnh các hình thức sở hữu thông thường cần nghiên cứu, xem xét đến loại hình sở hữu căn hộ có thời hạn nhằm thêm một hình thức lựa chọn cho người tiêu dùng; đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay để tiếp sức cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; có cơ chế ưu đãi và không nên coi doanh nghiệp xây dựng, phát triển nhà ở là doanh nghiệp phi sản xuất bởi xét ở mặt nào đó, các doanh nghiệp này cũng là những doanh nghiệp sản xuất (xây dựng mới các công trình, trực tiếp sử dụng vật liệu xây dựng…).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh hơn nữa việc rà soát các dự án và kiên quyết dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch. Tập trung mạnh vào phát triển nhà ở xã hội, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội. Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, nhà ở cho công nhân, điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Xây dựng tiến hành tổng kết sớm Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12 về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 19/2008/NQ-QH12, theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục mở rộng hợp lý tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, nhất là sản phẩm dở dang và có khả năng thanh khoản.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ vốn và dành ưu tiên số một cho các hộ có nhu cầu thực sự về nhà ở. Trong quý I, II-2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu về bất động sản, đồng thời đề nghị các bộ, ngành hữu quan, các địa phương quan tâm, tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm không để nợ xấu trong lĩnh vực này gia tăng, phát sinh trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tình hình khó khăn của thị trường hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề nghị cần cập nhật, đánh giá chính xác về tồn kho bất động sản, rà soát lại công tác quy hoạch; đề nghị các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, công khai, minh bạch, thực hiện đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.

Chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, thiếu minh bạch là có tình trạng đầu cơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, để giải quyết căn cơ về thị trường bất động sản phải bằng các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, phải đảm bảo cân đối về cung cầu thị trường; phân loại các đối tượng mua nhà để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; cơ cấu lại các doanh nghiệp bất động sản. Về lâu dài, cần hết sức quan tâm đến vấn đề về quy hoạch, đầu tư; đề ra các chính sách mang tính chiến lược đối với thị trường bất động sản trong đó có các ưu đãi về thuế, lãi suất…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các chính sách phát triển đưa ra đối với thị trường bất động sản phải xác định rõ được nhu cầu thị trường. Đồng thời, trong thời điểm hiện tại cần hướng mạnh giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư…

Ngoài ra, cơ cấu lại sản phẩm căn hộ (căn hộ có diện tích phù hợp); đề ra chính sách cho phép người nước ngoài mua căn hộ; xem xét kỹ khi cấp phép mới cho các dự án chung cao cấp, không cấp phép cho những chủ đầu tư có năng lực tài chính yếu kém… cũng là những giải pháp được lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đề cập tại cuộc họp.

Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản phải làm quyết liệt, đồng bộ; thực hiện tổng thế các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với xử lý nợ xấu, giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương nói chung trước hết phải xem xét lại công tác quy hoạch, bởi công tác này một trong những bất cập lớn, điểm yếu nhất hiện nay. Yêu cầu đặt ra là phải có chiến lược, định hướng cụ thể trong công tác quy hoạch và phát triển thị trường bất động sản.

Cùng với đó, rà soát lại các quy định về kinh doanh bất động sản; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản để tăng cường kiểm soát việc phát triển đô thị, bất động sản, nhà ở theo quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đáp ứng của nền kinh tế.

Quan tâm hơn nữa tới xây dựng nhà ở cho người nghèo, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho người có công, công nhân viên chức, nhà ở tái định cư… Tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.

Dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng và không phù hợp quy hoạch, không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp bất động sản; hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản; tăng cường hoạt động sàng lọc doanh nghiệp, những doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính phải kiên quyết không cho tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2012 và sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

* Ngày 19-12, làm việc với lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Hà Nội phải đặc biệt lưu ý vào công tác rà soát lại quy hoạch, phát triển thị trường nhà ở theo hướng có cơ cấu hợp lý, quan tâm tập trung nguồn lực để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, nhà ở công nhân, sinh viên, cán bộ công chức…

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hà Nội phải đặc biệt lưu ý vào công tác rà soát lại quy hoạch, phát triển thị trường nhà ở theo hướng có cơ cấu hợp lý


Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo một số ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn.

Mất cân đối cơ cấu hàng hóa

Lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, ngân hàng, doanh nghiệp nhận định, khó khăn của thị trường bất động sản xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Việc bùng phát về giá, lượng giao dịch trong thời gian ngắn tại Hà Nội và các thành phố lớn đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường, khiến các doanh nghiệp đã đổ xô vào đầu tư phát triển bất động sản, kể cả các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và năng lực tài chính yếu.

Cùng với đó, cơ cấu hàng hoá bất động sản phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng quá nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp, diện tích lớn; chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân lao động tại các khu công nghiệp chậm được triển khai.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng do sự phát triển quá nóng trong thời gian qua. Giá nhà tăng mạnh chủ yếu là do đầu cơ, thị trường nhà ở mất cân đối, dư thừa nhà ở cao cấp trong lúc thiếu nhà ở phân khúc cho người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp.

Thêm vào đó là chính sách tài chính, tín dụng cho thị trường bất động sản chưa hoàn chỉnh và còn bất cập. Thủ tục hành chính trong quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, đất đai, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.

Hiện tổng số căn hộ tồn kho của Hà Nội hiện là gần 5.800 căn, tương ứng trên 566.600 m2 sàn; nhà thấp tầng (biệt thự, nhà liền kề) tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825 m2 sàn; nhà ở thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ (hiện đang tiếp tục nhận đơn mua nhà); diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn khoảng 175.000 m2.

Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất lớn (các hộ gia đình có bình quân diện tích dưới mức bình quân quân khoảng 375.000 hộ, tương đương 52% số hộ trên địa bàn; có khoảng 114.500 cán bộ, công nhân, viên chức có nhu cầu mua nhà ở).

Đề xuất nhiều giải pháp

Nhiều ý kiến thống nhất quan điểm trong bối cảnh hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là một việc làm hết sức cần thiết, cần tập trung cao độ với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho hay, chủ trương của Thành phố là cắt giảm, hạn chế nguồn cung, kích thích và hỗ trợ nguồn cầu, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp với nguồn cầu, tăng cường vai trò quản lý nhà nước với các một số nhóm giải pháp chính được xác định là: rà soát lại cung, cầu về nhà ở, xác định nhu cầu cụ thể thị trường để cơ cấu lại sản phẩm; có chính sách kích cầu, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận được quỹ nhà và nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhất là giải quyết nợ xấu và chính sách hỗ trợ về vốn, về giải quyết quỹ nhà tồn đọng;…

Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và ổn định thị trường bất động sản làm cơ sở để các bộ, ngành trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện; xem xét phê duyệt Đề án về một số cơ chế, chính sách nhà ở cho đối tượng hưởng lương trên địa bàn Thành phố;…

Đồng thời đề nghị các bộ, ngành chức năng đề xuất với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai, như tiếp tục thực hiện quy định về giãn nộp tiền sử dụng đất theo Nghị quyết 13 của Chính phủ; xem xét việc giảm thuế VAT đối với người mua nhà lần đầu; xem xét khoanh nợ xấu, giảm lãi suất tín dụng, thiết lập các gói tài chính hỗ trợ…

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thị trường bất động sản tại Hà Nội có sự khác biệt so với thị trường TP Hồ Chí Minh, đó là tình trạng đóng băng xảy ra chậm hơn, số lượng dự án ít hơn, nhưng quy mô mỗi dự án và tổng thể lớn hơn; số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường ít hơn; dư nợ bất động sản ít hơn, vốn chủ yếu huy động từ người mua nhà; giá nhà ở cũng cao hơn nếu so với các dự án cùng điều kiện.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng trước hết phải thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản; xử lý theo hướng dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương.

Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.

Với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.

Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường; thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, Thống đốc Nguyên Văn Bình đề xuất việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải cần một giải pháp dài hơi, trong đó hết sức lưu ý đến việc tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở…

Đồng tình với quan điểm nêu trên của Thống đốc Nguyên Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển, bán nhà ở xã hội nên xem xét, mở rộng hình thức cho thuê nhà ở xã hội.

Đánh giá cao sự nỗ lực của Hà Nội trong tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Hà Nội cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài, trong đó chú trọng đến công tác điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo cân đối cung cầu về nhà ở; đồng thời lưu ý hơn nữa vào kích cầu, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân,...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng để giải quyết nhà ở tồn đọng, các ngân hàng thương mại phải mở tín dụng cho người mua. Bên cạnh đó, phải mở rộng hình thức cho thuê nhà nhằm góp phần đáp ứng tối đa các nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân.

Cũng có ý kiến đề xuất nghiên cứu quy định loại hình nhà ở sở hữu có thời hạn để đa dạng hóa các loại hình nhà ở, phù hợp với tình hình thực tế của thị trường; cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại…

Tăng cường công khai, minh bạch thông tin

Đánh giá cao những giải pháp mà Hà Nội đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho đây là những giải pháp thiết thực đóng góp vào các giải pháp chung của Chính phủ trong giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2012 và sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình trạng ứ đọng, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết phải kể đến những yếu kém trong công tác quản lý, quy hoạch. Vì vậy, Hà Nội phải đặc biệt lưu ý công tác rà soát lại quy hoạch, phát triển thị trường nhà ở theo hướng có cơ cấu hợp lý, quan tâm tập trung nguồn lực để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, nhà ở công nhân, sinh viên, cán bộ công chức…

Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường. Có chính sách khuyến khích, kích cầu về nhà ở; làm sao cho người có thu nhập thấp cũng mua được, hoặc thuê được nhà với giá cả hợp lý.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các giao dịch bất động sản. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Thực hiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạ giá thành sản phẩm, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến khách hàng có nhu cầu thực, tránh qua trung gian, đầu cơ.

Ngân hàng Nhà nước bên cạnh việc tập trung xử lý nợ xấu bất động sản, trích lập dự phòng rủi ro, tích cực xử lý tài sản thế chấp... cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ cho các hộ dân vay để mua nhà ở xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành chức năng và Hà Nội cần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin về các hoạt động thị trường bất động sản, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tổng thể các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, “làm ấm” từng phần thị trường, tiến tới lành mạnh hóa hoạt động và phát triển bền vững thị trường bất động sản trong thời gian tới./.