Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: 40 năm oanh liệt và tự hào

Nguyễn Văn Thủy Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
17:34, ngày 19-12-2012
TCCSĐT - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công hiển hách góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ xâm lược phải ký kết Hiệp định Pa-ri, rút quân đội khỏi miền Nam Việt Nam.

40 năm đã qua - một độ lùi thời gian - đủ để chúng ta có cái nhìn toàn diện về những giá trị lớn lao của Chiến thắng lịch sử vĩ đại đó, cùng chiêm nghiệm những bài học vô cùng quý báu và những đường hướng cho tương lai của dân tộc từ những chiến tích. Chiến thắng đó có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao…

Xét về mặt chính trị: Đây là thất bại toàn diện về mặt chính trị của Mỹ. Vào tháng 10-1972 lẽ ra giữa ta và Mỹ đã đi tới một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Lý do chính thức do Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn (Richard Nixon) đưa ra khi hạ lệnh cho không lực tiến hành chiến dịch Linebacker II (Lai-nơ Bếch-cơ II) là để bắt Việt Nam “đàm phán nghiêm chỉnh” khi họ phản đối dự thảo hiệp định hòa bình của phía Hoa Kỳ đưa ra, sau khi Hoa Kỳ đứng về phía Việt Nam Cộng hòa từ chối dự thảo đã được ký tắt giữa đại diện phía Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhằm giữ thể diện của một siêu cường quân sự và để rút lui trong danh dự, Hoa Kỳ đã tiến hành chiến dịch ném bom lần cuối này với ý định “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, giảm bớt sự tấn công miền Nam. Nhưng cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B52 của Mỹ đã thất bại nhục nhã. Trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác.

Bị tổn thất quá nhiều về máy bay chiến lược, không ép được ta bằng thế mạnh, lại bị nhân dân trong nước Mỹ và trên thế giới phản đối kịch liệt, R. Ních-xơn đã phải ra lệnh chấm dứt không điều kiện cuộc tập kích, phải chịu thua trên bầu trời Hà Nội, để rồi sau đó, buộc phải chấp nhận thêm cuộc thua trên bàn đàm phán ở Pa-ri.

Hiệp định Pa-ri đã được ký kết vào ngày 27-1-1973, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết sẽ không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, cam kết rút hết quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ về nước. Mỹ “cút” tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhân dân ta tiến lên đánh cho ngụy “nhào”, kết thúc trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Xét về mặt quân sự: Cuộc tấn công của Mỹ cuối tháng 12-1972 với tên gọi Lai-nơ Bếch-cơ II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam sau khi Hội nghị Pa-ri bế tắc và đổ vỡ. Trong 12 ngày đêm, với chủ công là “pháo đài bay bất khả chiến bại” B52, không quân Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom xuống miền Bắc nước ta với ý đồ “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.

Trong khi đó, lực lượng phòng không - không quân Việt Nam được trang bị không lớn (14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, 50 máy bay tiêm kích MIG và một hệ thống pháo phòng không các loại). Do vậy, Chiến dịch này thất bại hoàn toàn là đòn tâm lý nặng nề cho giới quân sự Hoa Kỳ: đây là Chiến dịch mà phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình để chống lại sở đoản của đối phương (trình độ khoa học - công nghệ), một cuộc đấu mà đối phương sẽ không thể sử dụng yếu tố “du kích” - một cách hình tượng: phía Mỹ thách đấu và được quyền lựa chọn vũ khí và đã thất bại.

Tại sao chúng ta lại có chiến thắng vang dội như vậy?

Thứ nhất, đó là tầm nhìn chiến lược tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với kinh nghiệm chính trị dày dặn, ngay từ mùa xuân năm 1968, Bác đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng lời dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Từ năm 1964, ngay từ khi Mỹ bắt đầu sử dụng pháo đài bay B52 trên chiến trường miền Nam, ta đã bắt đầu nghiên cứu, đánh giá tình hình và kết luận rằng Mỹ sẽ sử dụng loại vũ khí chiến lược này để tấn công miền Bắc trong những thời điểm lịch sử. Tháng 5-1966, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bố trí nhiều đoàn công tác đặc biệt và một trung đoàn tên lửa cơ động phục kích tại chiến trường Vĩnh Linh để nghiên cứu quy luật hoạt động, cách bố trí đội hình, các tốp máy bay tiêm kích bảo vệ… để tìm ra phương thức đánh B52. Những tổng kết sơ bộ ban đầu này được xử lý báo cáo ngay về Hà Nội để các đơn vị liên quan nghiên cứu, luyện tập và lập phương án đối phó. Tháng 2-1968, trong khi quân dân miền Nam đang dồn sức mở cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân thì Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tác chiến chống cuộc không kích bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội dựa trên cơ sở báo cáo kinh nghiệm của đoàn công tác tại Vĩnh Linh.

Tháng 1-1969, ta đã hoàn thành bản “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B52” và tổ chức triển khai tại các đơn vị chiến đấu. Sau đó, nhiều trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích đã được bố trí chiến đấu tại Quân khu 4 để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo. Tháng 9-1972 (trước 3 tháng khi Chiến dịch xảy ra), bản Kế hoạch đánh B52 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được cơ bản hoàn chỉnh với yêu cầu cao nhất là chủ động đánh bại bằng được các cuộc không kích của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Như vậy, ta không hề bị động về việc B52 tấn công Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc.

Thứ hai, đó là thắng lợi của trí tuệ, nghệ thuật quân sự và khoa học - kỹ thuật quân sự Việt Nam. Theo nhiều ý kiến, phải nghiêm túc nhìn nhận về thắng lợi của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 chính là thành tựu khoa học của Việt Nam bởi các nhà khoa học - quân sự khi đó với sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô đã rất chủ động và sáng tạo trong việc cải tiến kỹ thuật để tên lửa SAM-2 có thể vượt qua được nhiễu sóng ra-đa của B52 để ngắm trúng mục tiêu. Để cải tiến được như vậy là một công việc không hề đơn giản vì tất cả những vũ khí phức tạp như tên lửa, máy bay… đều có những quy trình công nghệ riêng mang tính đặc thù và muốn cải tiến thì những quy trình công nghệ đó phải được phía bạn chuyển giao. Cải tiến đáng kể nhất của hệ thống SAM-2 đó là những cải tiến về kỹ thuật để có thể chống lại cả hai dạng gây nhiễu điện tử của không quân Mỹ, bảo đảm cho bộ đội tên lửa có thể “vạch” nhiễu để phát hiện chính xác B52 và điều khiển tiêu diệt mục tiêu.

Nghệ thuật “vạch nhiễu tìm thù” của chúng ta rất sáng tạo: ngoài việc cải tiến vũ khí, ta còn dùng nhiều phương pháp khác nhau, như có lúc quân ta không tấn công biên đội đầu tiên trên vùng trời mục tiêu mà dùng nó để xác định đường bay và các điểm lượn vòng để tìm ra cách đánh hiệu quả (ngay trong đêm 20-12, ta đã tiêu diệt 4 máy bay B.52G và 2 máy bay B.52B). Có những trận tên lửa của ta đánh rất xuất sắc. Ví dụ: Đêm 20 rạng ngày 21-12, chỉ 35 quả đạn bắn rơi 7 chiếc B52, có 5 chiếc rơi tại chỗ. Riêng Tiểu đoàn 57 (do đồng chí Nguyễn Văn Phiệt làm Tiểu đoàn trưởng) với 2 quả đạn cuối cùng trong 2 phút (từ 5h9’ đến 5h11’) bắn rơi 2 máy bay B52 (1 chiếc rơi tại chỗ).

Thứ ba, đó là chiến thắng của thế trận chiến tranh nhân dân và truyền thống chiến đấu hiệp đồng, lập công tập thể. Chiến dịch đã huy động được cao nhất của sự tham gia tất cả các lực lượng từ chủ lực đến dân quân tự vệ tạo thành lưới lửa phòng không với sự tổ chức và điều khiển rất khôn ngoan, khiến quân thù khó mà thoát được. Nó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng quân binh chủng của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội phòng không - không quân. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay, trong đó có nhiều trận đánh oanh liệt, có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều…

Thứ tư, sự giúp đỡ chí tình của các nước anh em, đặc biệt là Liên Xô. Trong Chiến dịch 12 ngày đêm, vũ khí, khí tài của lực lượng phòng không - không quân đều do Liên Xô viện trợ. Tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong Chiến dịch 12 ngày đêm là vô cùng lớn. Chiến dịch ném bom của Mỹ bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới như Thụy Điển (đích thân Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (Ô-lốp Pan-mơ) đã lên án cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người trên quy mô đạo đức của sự tàn bạo phát-xít, ông còn đích thân đến một cửa hàng tổng hợp để thu thập chữ ký cho một kiến nghị toàn quốc đòi chấm dứt ném bom - để gửi tới Ních-xơn) và sự ủng hộ của đông đảo của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

40 năm đã qua nhưng âm hưởng của Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn còn vang vọng mãi. Niềm tự hào lịch sử cũng là niềm tin to lớn cỗ vũ chúng ta trên chặng đường đổi mới hôm nay. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng nguyện noi gương anh dũng, sáng tạo của thế hệ cha anh, phát huy truyền thống bộ đội phòng không - không quân anh hùng, tiếp tục lập nhiều thành tích cao hơn nữa trong mọi mặt công tác, thiết thực dâng lên 40 năm ngày truyền thống vẻ vang về chiến thắng của trí tuệ và sức mạnh Việt Nam./.