TCCSĐT - Kinh tế thế giới năm 2012 thực sự khó khăn cả về cung và cầu. Cung yếu làm suy giảm cầu và cầu suy giảm không kích thích được cung. Còn ở trong nước, sản xuất kinh doanh tăng trưởng chậm, tổng cầu suy yếu. Những diễn biến bất lợi như vậy ảnh hưởng không thuận đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2012.

Kinh tế thế giới năm 2012 khó khăn cả ở cung và cầu

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2012, nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 2,4%, trong đó Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 0,8%; một số nền kinh tế của nhóm các nước phát triển nhất cũng tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái. Nền kinh tế số một thế giới và cũng là thị trường xuất, nhập khẩu thuộc nhóm hàng đầu của Việt Nam là Mỹ tăng trưởng dưới 2%, kinh tế Nhật Bản giảm, kinh tế Anh, Pháp, CHLB Đức,... đều có mức tăng trưởng thấp hơn năm 2011. Một số nền kinh tế mới nổi, như Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin,... đều có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước tăng cao, nhất là một số nước thuộc Eurozone, như Tây Ban Nha, Hy Lạp,... do nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

Cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone vẫn tiếp tục lan rộng và chưa có lối ra, đã tác động tiêu cực đến thị trường xuất, nhập khẩu của thế giới cũng như Việt Nam. Mức cung và cầu trên thị trường tài chính quốc tế và thị trường tiêu thụ các mặt hàng xuất khẩu hàng hóa và cung cấp hàng hóa, nhất là máy móc, thiết bị công nghệ cao của Việt Nam như Pháp, Đức, Anh, bấp bênh và giảm sút mạnh. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước phát triển giảm; các nhà đầu tư thuộc nhiều tập đoàn kinh tế thế giới lại khá thận trọng trong chi tiêu, dẫn tới khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh rất khó. Nền kinh tế thế giới năm 2012 thực sự khó khăn cả ở phía cung lẫn phía cầu. Cung yếu làm suy giảm cầu và cầu suy giảm không kích thích được cung. Với tình hình như vậy, việc tăng tốc độ và quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam như các năm trước là rất khó khăn.

Sản xuất kinh doanh tăng trưởng chậm, tổng cầu nội địa suy yếu

Ở trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,2% không đạt mục tiêu đề ra và là năm thứ hai liên tiếp, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt dưới 6%.  Sản xuất kinh doanh phát triển chậm, nhất là công nghiệp, xây dựng. Số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất, kinh doanh trong năm 2012 tiếp tục tăng. Đến thời điểm tháng 10-2012, cả nước có trên 47.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng sản xuất kinh doanh, trong đó nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 19.000 doanh nghiệp, tăng 29% so năm 2011. Sản xuất kinh doanh dịch vụ phát triển chậm và không bền vững. Tình trạng tắc nghẽn tín dụng, dẫn đến sự sụt giảm khá mạnh về vốn đầu tư xã hội, gây nên sự suy yếu về tổng cầu của nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân trực tiếp quan trọng dẫn đến tình trạng suy yếu tổng cầu là lượng hàng tồn kho công nghiệp, đặc biệt là hàng tồn kho trong các lĩnh vực sản xuất có liên quan đến xây dựng - bất động sản,... đang tăng cao. Chỉ số tồn kho cao, tính đến đầu tháng 12-2012, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ lệ tồn kho tăng cao như: nhựa: 56,5%; phân bón: 55,1%; xi măng: 53,1%; may mặc: 48,3%; sắt, thép, gang: 38,8%; ô tô - xe máy: 37%. Đặc biệt, tình trạng thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài đến tháng 12-2012, khiến trên 16.000 căn hộ cao cấp và hàng chục nghìn căn hộ khác tồn đọng,…

Nhìn chung, có thể thấy, sức sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục yếu đi trong khi cầu nội địa và quốc tế chưa được cải thiện. Thêm vào đó,  hầu hết các doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng, lãi suất ngân hàng dù đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn cao nên doanh nghiệp không có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh như các năm trước. Trong khi đó, giá vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng, như giá giấy tăng 50%, nguyên liệu dệt may tăng 30-45%, cước vận tải tăng 50%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố giá năm  2012, chỉ tăng 6,4% so năm 2011, là tốc độ tăng thấp nhất trong các năm gần đây. Tình hình này đã tác động trực tiếp đến hoạt động nhập khẩu của Việt Nam trong cả năm 2012.

Yếu tố tác động thuận lợi đến tăng xuất, nhập khẩu tuy có, nhưng không nhiều và không đủ mạnh để lấn át các tác động tiêu cực. Đó là nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới tăng, nhất là gạo và các mặt hàng nông sản nhiệt đới của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN ít biến động nên xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vào những thị trường này vẫn có khả năng tăng trưởng.

Sản xuất nông nghiệp được mùa, nguồn cung các mặt hàng nông sản, thủy sản tiếp tục tăng, nhất là lúa gạo. Số dự án và vốn FDI thực hiện năm 2012 đạt khá cao so với các năm trước cũng tạo thêm hàng hóa và dịch vụ cho thị trường xuất, nhập khẩu cả nước. Đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam do Đại hội XI của Đảng đề ra được cụ thể hóa bằng chính sách và cơ chế thông thoáng góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu của cả nước năm 2012.

Xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2012: kết quả và hạn chế

Những kết quả và tiến bộ đáng ghi nhận

Trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và trong nước như đã phân tích ở trên, xuất, nhập khẩu Việt Nam năm 2012 đạt được những kết quả và tiến bộ đáng ghi nhận.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 ước đạt 115 tỷ USD, tăng 18,4% (19 tỷ USD) so năm 2011 là mức cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với kế hoạch đề ra (tăng 10%). Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người cả năm lên tới 1.306 USD, so với mức 1.083 USD năm 2011 và mức 831 USD  năm 2010. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt qua mốc 75%, là mức cao so với tỷ lệ  đã đạt được trong các năm trước.

- Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao đạt được chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng giá trị lên tới 73 tỷ USD (tăng 31%) so với năm 2011 còn khu vực kinh tế trong nước đạt 42 tỷ USD (tăng 0,9%).

Một số mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với năm 2011 là: Điện thoại các loại và linh kiện: đạt 12,7 tỷ USD, tăng 101,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỷ USD, tăng 67,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 29,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,4 tỷ USD, tăng 31%; cà phê đạt 3,6 tỷ USD, tăng 37,1%.

Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá là: dầu thô đạt 9,5 tỷ USD, tăng 15%; giày dép đạt 7,0 tỷ USD, tăng 11%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,6 tỷ USD, tăng 18,3%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 18%; túi xách, ví, va-li, mũ, ô, dù đạt 1,6 tỷ USD, tăng 17,9%. Rau quả tăng 26%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 38%. Thủy sản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 2%. Chè tăng 14%. Lượng gạo xuất khẩu đạt 7,7 triệu tấn, kim ngạch  đạt 3,7 tỷ USD; than đá đạt 1,1 tỷ USD, giảm 27,2% về kim ngạch và giảm 16,1% về lượng.

Điểm đáng quan tâm trong xuất khẩu năm 2012 là số mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD đã lên tới 7 mặt hàng, tăng 4 mặt hàng so với  năm 2011, trong đó có 2 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, tăng gấp 2 lần năm 2011 là dệt may (gần 15 tỷ USD) và điện thoại và linh kiện (12,7 tỷ USD).

- Về thị trường xuất khẩu, trong năm 2012, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước tính đạt 20 tỷ USD, tăng 21,3% so với năm 2011. Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 19 tỷ USD, tăng 17%; ASEAN đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28%; Nhật Bản đạt 13,9 tỷ USD, tăng 23,3%; Trung Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,1%; Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD, tăng 16,3%.

- Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2012 ước đạt 116 tỷ USD, tăng 0,8% so với  năm 2011. Khu vực kinh tế trong nước đạt 53 tỷ USD, giảm 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 63 tỷ USD, tăng 24,3%.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có kim ngạch tăng so với  năm trước là: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,6 tỷ USD, tăng 3,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 74,4%; vải đạt 7,0 tỷ USD, tăng 3,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD, tăng 82,4%; chất dẻo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 0,6%; nguyên phụ liệu dệt, may giày, dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 5,5%; hóa chất đạt 2,9 tỷ USD, tăng 3,8%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,2%; sản phẩm hóa chất đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 23,2%; tân dược đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 22,5%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: xăng dầu (giảm 9,3%), sắt thép (giảm 6,2%), kim loại thường (giảm 3,3%), ô tô (giảm 34,3%), trong đó ô tô nguyên chiếc giảm 43,9%; phân bón (giảm 8,6%); sợi dệt (giảm 10,6%), bông (giảm 17,5%).

- Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2011. Tiếp đó là thị trường các nước ASEAN, đạt 22,3 tỷ USD, giảm 0,5%; Hàn Quốc đạt 16,2 tỷ USD, tăng 18,4%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 13,8%; EU đạt 10 tỷ USD, tăng 14,6%; Mỹ đạt 6,3 tỷ USD, tăng 5,6%.

Sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - Ấn Độ có hiệu lực vào năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tiếp tăng cao, chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp có vốn FDI. Năm 2012, về xuất khẩu, nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng thuế từ 0 - 7% khi vào thị trường Ấn Độ, như điện thoại các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, cao su, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, hoá chất, gỗ và sản phẩm gỗ. Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng nhanh, từ 992 triệu USD (năm 2010, tăng hơn 2 lần so với năm 2009), lên 1,55 tỷ USD (năm 2011), tăng 56,5% và năm 2012, ước đạt trên 1,7 tỷ USD.

 Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu khá nhiều sản phẩm của Ấn Độ, chủ yếu là những nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, như mực sống, vải, bông, thức ăn gia súc và nguyên liệu, da, sợi,…

Những hạn chế, bất cập

- Về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu chủ yếu trong năm 2012 vẫn là các mặt hàng gia công như điện thoại và các linh kiện, điện tử, máy tính, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, gỗ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thế mạnh như dệt may, thủy sản lại tăng chậm: dệt may tăng 8,2%, thủy sản tăng 1,8%, giày dép tăng 11%, mây tre tăng 6%, điều  tăng 1,5%. Riêng mặt hàng gạo tuy tăng 10% về lượng nhưng lại giảm 1,8% về giá (bình quân giảm 43 USD/tấn ), cao su tăng 29% về lượng, nhưng giảm 12% về kim ngạch so với năm 2011,…

- Về nhập khẩu: Các mặt hàng tăng nhanh và có kim ngạch lớn trong năm 2012 là nguyên liệu, phụ liệu để gia công các sản phẩm máy tính, điện thoại di động, phương tiện vận tải. Còn các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng chỉ tăng 3,4% so năm 2011, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến trong nước.

Điểm nghẽn chính trong nhập khẩu năm 2012 là vốn hấp thụ trong sản xuất kinh doanh thấp, hàng hóa ứ đọng, sản phẩm không lưu thông ra thị trường nên các doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, không đủ vốn để nhập khẩu vật tư, nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp mới thành lập chưa đủ vốn và công nghệ để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Về thị trường xuất, nhập khẩu: Tuy Nga, các nước Đông Âu là những thị trường truyền thống, nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2012 vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Đây là một trong những hạn chế chủ yếu của xuất, nhập khẩu trong năm nay. Đối với thị trường mới như Ấn Độ, năm 2012, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được thị trường nhiều tiềm năng với dân số 1,2 tỷ người, trong khi các doanh nghiệp Ấn Độ lại tỏ ra năng động hơn. Hiện có hơn 100 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam để kết nối xuất, nhập khẩu hàng hoá phục vụ các doanh nghiệp FDI của nước này tại nước ta.

Nhìn lại hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2012, có thể khái quát một số nét nổi bật sau:

Một là, xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2012, về cơ bản, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn và bất cập của thị trường và giá cả thế giới, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu năm 2012 giảm so với năm 2011 và tăng nhẹ so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, góp phần cải thiện đáng kể cán cân thương mại cả nước, giảm tỷ lệ nhập siêu từ 9,9% năm 2011 xuống còn 0,86% kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012.

Hai là, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu trong 2012 của Việt Nam, về cơ bản, tiếp tục được cải thiện đáng kể đối với các mặt hàng chủ lực, kim ngạch theo kế hoạch. Về thị trường nói chung tuy có khó khăn hơn năm 2011 nhưng cả thị trường truyền thống và thị trường mới đang dần hồi phục.

 Ba là, xuất khẩu vẫn chủ yếu tăng mạnh ở các mặt hàng gia công, chất lượng và sức cạnh tranh còn hạn chế. Việc nhập khẩu nhóm hàng gồm nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị,… tăng cao khiến gia tăng mối lo ngại về sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài đối với mặt hàng này. Do đó, để chuẩn bị triển khai kế hoạch xuất, nhập khẩu năm 2013, ngay từ cuối năm 2012,  theo sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần có sự phân tích sâu về cơ cấu mặt hàng và thị trường để có những ưu tiên đối với các mặt hàng trực tiếp phục vụ sản xuất, góp phần cải thiện và cân đối cán cân thương mại ngay những tháng đầu năm mới./.

----------------------------------------

- Số liệu sử dụng trong bài là số chính thức 11 tháng năm 2012, ước tính tháng 12 và dự báo cả năm 2012