Chuyển giao Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam

Nguồn: chinhphu.vn
18:23, ngày 19-12-2012
Ngày 19-12, Bộ Thông tin Truyền thông và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Lễ ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) từ VNPT về Bộ Thông tin Truyền thông.

Việc bàn giao chủ sở hữu nhà nước tại VietnamPost được thực hiện theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 16-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là sự kiện chuẩn bị cho thời điểm VietnamPost chính thức tách ra hoạt động độc lập với VNPT từ ngày 1-1-2013; đồng thời là bước cuối cùng, khép lại quá trình chia tách Bưu chính - Viễn thông tại Việt Nam đã được triển khai từ hơn 10 năm trước.

Tách Bưu chính ra khỏi Viễn thông là nhu cầu khách quan

Trên thế giới, quá trình chia tách Bưu chính - Viễn thông được triển khai từ những năm 1970 và diễn ra mạnh nhất vào cuối những năm 1980, đầu 1990. Kinh nghiệm cho thấy, việc chia tách này sẽ tạo điều kiện cho viễn thông thực hiện tự do hoá thương mại, còn bưu chính có điều kiện để cải cách, từng bước tiến tới cân bằng thu chi và có lãi.

Đến nay, hầu hết các nước thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (189 nước) đã tách riêng Bưu chính - Viễn thông và chỉ còn khoảng 10%, chủ yếu là những quốc gia nhỏ, nơi quy mô mạng lưới và hoạt động của cả 2 lĩnh vực ở mức nhỏ và vừa là chưa thực hiện việc chia tách này.

Tại Việt Nam, trên cơ sở nhận thức rõ xu thế phát triển của thế giới và xuất phát từ thực tiễn hoạt động Bưu chính - Viễn thông trong nước, từ năm 1998, Tổng cục Bưu điện đã trình Chính phủ đề án về đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý ngành Bưu điện Việt Nam, trong đó có nội dung tách Bưu chính - Viễn thông.

Tháng 9-2001, VNPT đã khởi động lộ trình chia tách Bưu chính - Viễn thông bằng việc tiến hành thí điểm chia tách ở cấp huyện tại 10 tỉnh, thành phố. Đến tháng 6-2007, với việc VietnamPost được thành lập, quá trình chia tách Bưu chính - Viễn thông trên quy mô toàn VNPT và trong phạm vi toàn quốc đã được cụ thể hóa.

Từ ngày 1-1-2008, tuy vẫn nằm trong VNPT nhưng VietnamPost đã có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối viễn thông.

Bước đầu kinh doanh hiệu quả

Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam có tên gọi mới là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên không có Hội đồng thành viên, áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty và Ban Tổng Giám đốc với chủ sở hữu trực tiếp là Bộ Thông tin Truyền thông.

Năm 2013, năm đầu tiên tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT cũng sẽ là năm cuối cùng VietnamPost được nhận trợ cấp công ích trực tiếp bằng tiền của Nhà nước. Đây sẽ là những khó khăn, thách thức trước mắt đối với VietnamPost. Tuy nhiên, Vietnam Post vẫn đặt mục tiêu tổng lợi nhuận toàn Tổng Công ty là 45,5 tỷ đồng, tăng 7% so với dự kiến thực hiện năm nay. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ - Bưu chính Việt Nam phấn đấu đạt 32,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012 và lợi nhuận các công ty con đạt 13 tỷ đồng, tăng 14%.

VietnamPost đã cơ bản hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, dự kiến các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động của VietnamPost qua các năm sẽ liên tục tăng cao, trong đó mức tăng trưởng doanh thu bình quân là 14%; lợi nhuận tăng trưởng bình quân 52% và năng suất lao động tăng khoảng 16%.

Trải qua 5 năm từ khi bắt đầu hoạt động độc lập (dù vẫn trực thuộc VNPT), VietnamPost vẫn giữ vững và phát huy vai trò chủ lực đối với mạng lưới bưu chính chuyển phát của đất nước, đảm bảo thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, bước đầu nâng cao sản lượng các dịch vụ hiện có, phát triển thêm một số dịch vụ mới. Phương thức cung cấp dịch vụ đã chuyển biến từ chỗ nặng tính phục vụ và thụ động sang tăng tính chủ động, hướng tới kinh doanh...

Các mảng kinh doanh chủ chốt có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt; cơ cấu nguồn thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ bưu chính và tài chính bưu chính trong tổng doanh thu phát sinh và doanh thu tính lương ngày càng lớn, giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn thu từ dịch vụ đại lý viễn thông, công nghệ thông tin và trợ cấp công ích của Nhà nước.

Những kết quả đáng khích lệ này đã khẳng định tính đúng đắn của định hướng chia tách Bưu chính - Viễn thông, đồng thời cho thấy các điều kiện cần thiết cho việc VietnamPost ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT đã tương đối đầy đủ.

Đến thời điểm hiện tại, VietnamPost đã nhận bàn giao đủ tổng số 8.122 tỷ đồng vốn điều lệ. Đã có trên 50 bưu điện và viễn thông địa phương thống nhất được phương án phân chia tài sản nhà đất, trong đó có 43 địa phương đã trình và được Hội đồng thành viên VNPT ra quyết định phân chia nhà cửa, đất đai. Hiện nay, VNPT và VietnamPost vẫn đang tiếp tục khẩn trương hoàn tất các thủ tục phân chia và bàn giao phân chia nhà đất tại các địa phương./.