Ai Cập: Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra khá yên ắng
Ngay từ đầu giờ sáng ngày 15-12, tại thủ đô Cairo, cử tri xếp hàng dài trật tự trước cửa các địa điểm bỏ phiếu đặt tại các trường học và trung tâm văn hóa cộng đồng. Các phòng bỏ phiếu được bài trí trí hết sức đơn giản và phân thành hai khu dành riêng cho nam và nữ. Nhiều gia đình mang theo cả con nhỏ đi cùng. Các cử tri tương lai thường được bố mẹ dành cho vinh dự được tự tay bỏ lá phiếu vào hòm phiếu. Xung quanh các khu vực bỏ phiếu, lực lượng quân đội và cảnh sát được huy động túc trực sẵn để đảm bảo an ninh và phân luồng giao thông.
Đợt một của cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày 15-12 tại 10 tỉnh, thành gồm: thủ đô Cairo, Alexandria, Dakahliya, Gharbiya, Sharqiya, Assiut, Aswan, Sohag, Sinai và Nam Xinai với tổng cộng khoảng 26,6 triệu cử tri tham gia. Đợt hai sẽ được tổ chức tại 27 tỉnh, thành còn lại vào ngày 22-12 tới.
Bộ Phát triển Hành chính Ai Cập cho biết tổng số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu trong cả hai đợt vào khoảng 51,3 triệu người. Theo thông báo của Bộ Nội vụ Ai Cập, tổng cộng 130.000 cảnh sát, 120.000 binh sỹ cùng 6.000 xe tăng và xe bọc thép đã được triển khai xung quanh các khu vực bỏ phiếu và các cơ quan công sở.
Tối 15-12, Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Tối cao (HEC) Zaghloul al-Balshy thông báo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong giai đoạn một cuộc bầu cử có thể vượt 50% đồng thời quyết định kéo dài thời gian mở cửa các hòm phiếu từ 21 giờ sang 23 giờ giờ địa phương (- 4 giờ giờ Hà Nội) cùng ngày do cử tri vẫn tiếp tục đổ dồn về các địa điểm bỏ phiếu. Trước đó, thời gian mở cửa các hòm phiếu cũng đã được điều chỉnh từ 19 giờ sang 21 giờ.
Báo chí địa phương, các tổ chức nhân quyền và các đảng phái chính trị đối lập cho biết đã ghi nhận một số hành vi vi phạm quy định như mở cửa khu vực bỏ phiếu muộn, tiếp tục tuyên truyền vận động cử tri trái phép trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, phát tiền cho cử tri, ngăn cấm cử tri người Thiên Chúa giáo vào khu vực bỏ phiếu...
Câu lạc bộ Thẩm phán, hiệp hội có ảnh hưởng rất lớn trong giới tư pháp, cho biết 26 địa điểm bỏ phiếu tại thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và các tỉnh Dakahliya, Gharbiya thiếu sự giám sát của các thẩm phán.
Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền của Câu lạc bộ này Mohamed Abdel Hady cho biết đã nhận được khoảng 340 đơn kiện từ nhiều tỉnh, thành, trong đó chủ yếu liên quan đến việc thiếu thẩm phán giám sát hòm phiếu và vận động cử tri bỏ phiếu chống hoặc ủng hộ dự thảo hiến pháp. Tổ chức nhân quyền Ai cập ghi nhận ít nhất 10 địa điểm bỏ phiếu tại thủ đô Cairo mở cửa song không có sự hiện diện của các thẩm phán. Mặt trận Cứu quốc (NSF), tổ chức quy tụ nhiều đảng phái đối lập chủ chốt, cho biết đã ghi nhận được nhiều vụ vi phạm quy định của lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi.
Trong một tuyên bố, NSF cho rằng "quy mô các vụ vi phạm cho thấy tổ chức Anh em Hồi giáo mong muốn gian lận phiếu của cử tri hòng thông qua bản dự thảo hiến pháp của mình". Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết không xảy ra bất cứ vụ việc nào làm ảnh hưởng đến tiến trình trưng cầu ý dân.
Trong một vụ bạo lực khá hiếm hoi xảy ra vào tối 15-12, khoảng 500 người ủng hộ cựu ứng cử viên Tổng thống Hồi giáo Hazem Abu-Ismail đã bao vây và dùng gạch đá, bom xăng và súng tấn công trụ sở của đảng đối lập Wafd tại quận Dokki ở thủ đô Cairo.
Sau vụ tấn công, cảnh sát đã được điều động đến hiện trường để giải tán đám đông. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập, đến cuối ngày 15-12, đã có 19 người bị thương trong đó có một người bị bắn vào đầu trong các vụ việc xảy ra tại các khu vực bỏ phiếu.
Theo Ủy ban Bầu cử tối cao, kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ chính thức được thông báo sau khi kết thúc giai đoạn hai cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, vào khoảng 20 giờ 30 ngày 15-12, trang facebook của tổ chức Anh em Hồi giáo đã bắt đầu công bố kết quả bỏ phiếu tại một số khu vực ở các tỉnh Sharqiya, Assiut, Sohag và Aswan.
Vào khoảng 21 giờ, tổ chức này cho biết kết quả kiểm phiếu sơ bộ và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy "phần lớn" cử tri Ai Cập đã bỏ phiếu thông qua dự thảo hiến pháp. Một quan chức của tổ chức này cho biết trong số một triệu phiếu đã được kiểm, tỷ lệ ủng hộ đạt tới 72,5%. Trong khi đó, một người phát ngôn của NSF lại cho biết khoảng 60 - 65% cử tri tại thủ đô Cairô và các thành phố khác đã bác bỏ văn bản trên.
Theo nhận định của các chuyên gia, với bộ máy vận động được tổ chức tốt của phe Hồi giáo cũng như tâm trạng lo ngại bất ổn kéo dài của nhiều cử tri, nhiều khả năng dự thảo Hiến pháp sẽ được thông qua. Trong trường hợp ngược lại, Tổng thống Morsi sẽ phải thành lập Hội đồng lập hiến khác để sửa đổi dự thảo Hiến pháp và quá trình này có thể kéo dài ít nhất 9 tháng.
Tuy nhiên, dù với kết quả gì đi chăng nữa, cuộc bỏ phiếu này, lần thứ 4 kể từ cuộc Cách mạng ngày 25 tháng Giêng lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, sẽ không thể sớm chấm dứt tình trạng bất ổn và mâu thuẫn phe phái tại đất nước các Kim Tự Tháp./.
Bước chuyển xuất siêu  (16/12/2012)
Trao giải cuộc thi “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”  (15/12/2012)
Hướng tới xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế hành chính  (15/12/2012)
Đẩy mạnh bảo trợ tư pháp cho người nghèo  (15/12/2012)
Khánh thành Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc  (15/12/2012)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam