Ngày 15-7-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép ký phê chuẩn “Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga”. Đây là văn kiện thể hiện một cách hệ thống những quan điểm cơ bản về nguyên tắc, nội dung và định hướng đối ngoại của Liên bang Nga trong tình hình mới.

Chiến lược đối ngoại do Tổng thống Đ.Mét-vê-đép ký phê chuẩn tuy không có những nội dung mới mang tính đột phá so với Chiến lược đối ngoại do cựu Tổng thống V.Pu-tin phê chuẩn vào ngày 28-6-2000, nhưng vẫn có những điểm mới, những bổ sung và thậm chí một số thay đổi đáng kể, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu cũng như các nhà bình luận quốc tế.

Thứ nhất, khẳng định nước Nga có ảnh hưởng đáng kể trong các quan hệ có tính toàn cầu.

Trong thời gian vừa qua, nước Nga đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, khơi dậy niềm tự hào và đang dần lấy lại vị thế của của một cường quốc trên thế giới. Dựa trên nền tảng đặt lợi ích quốc gia trên hết, nước Nga đã thể hiện vai trò của mình trong các công việc quốc tế; tích cực và chủ động tham gia vào các công việc của châu Âu, Trung Đông, châu Á, khu vực Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Mỹ La-tinh v.v.. Nga đang có ảnh hưởng đáng kể đối với việc hình thành cấu trúc mới trong các quan hệ có tính toàn cầu. Một số chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Mỹ đã từng cho rằng, Nga hoàn toàn có thể trở thành siêu cường hàng đầu thế giới bởi họ có đầy đủ mọi thứ để làm điều đó như tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng trí tuệ, truyền thống văn hoá v.v.. Thực tế này đã phủ nhận quan điểm của nhiều chuyên gia phương Tây trong những năm 90 của thế kỷ trước cho rằng, Nga mãi mãi sẽ không thể trở thành siêu cường, và vì thế, Điện Crem-li cần phải chấp nhận và thoả mãn với vị thế khu vực.

Để khẳng định vị trí siêu cường của mình, nước Nga đang thực hiện chính sách đối ngoại được cho là thực dụng, cởi mở, có thể dự báo trước, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia.

Thứ hai, Nga cho rằng, sức mạnh quân sự không nên và không thể là yếu tố chủ yếu tác động tới nền chính trị quốc tế.

Chiến lược đối ngoại của Nga khẳng định những thay đổi cơ bản diễn ra trong các quan hệ quốc tế trong hai thập niên gần đây. Đó là sự chuyển hoá căn bản các quan hệ quốc tế, chấm dứt sự đối đầu về tư tưởng và từng bước khắc phục các di sản của “chiến tranh lạnh”. Nguy cơ chiến tranh quy mô lớn đã giảm bớt, trong đó có cả nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Cách tiếp cận theo khối để giải quyết các vấn đề quốc tế đang được thay thế bằng nền ngoại giao đa phương, hay còn gọi là nền “ngoại giao mạng”, dựa trên những hình thức tham gia linh hoạt vào các cơ cấu quốc tế đa phương. Theo đánh giá của Nga, yếu tố sức mạnh quân sự trong nền chính trị đương đại không thể, không nên là yếu tố cơ bản, và, càng không phải là yếu tố duy nhất. Cùng với sức mạnh quân sự, các yếu tố chủ yếu để các quốc gia tác động vào nền chính trị quốc tế là kinh tế, khoa học công nghệ, sinh thái, dân số và thông tin.

Thứ ba, Nga khẳng định, những giá trị của phương Tây không phải là duy nhất cho cả thế giới.

Chiến lược đối ngoại của Nga đề cập đến quá trình toàn cầu hoá và những nguy cơ, thách thức phát sinh từ toàn cầu hoá. Trong vấn đề này, quan niệm của Nga tuy có phần nào đó gần giống với quan niệm của các chuyên gia nghiên cứu chính trị phương Tây, nhưng có những động thái quan trọng mà các nước phương Tây không muốn thừa nhận. Đó là, Nga cho rằng, lần đầu tiên, sự cạnh tranh toàn cầu trong lịch sử đương đại bắt đầu có dáng dấp cạnh tranh phát sinh từ các định hướng giá trị và mô hình phát triển khác nhau. Ý nghĩa của yếu tố tôn giáo trong việc hình thành hệ thống các quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng. Sự cạnh tranh giữa các giá trị và giữa các mô hình phát triển chứng tỏ rằng, trong quá trình toàn cầu hoá, các giá trị và mô hình phát triển của phương Tây không thể và không phải là hiển nhiên.

Điều này có ảnh hưởng quan trọng đến nước Nga, một quốc gia mà kể từ thời kỳ đối đầu hai cực, vẫn luôn bị phương Tây coi là đối tượng chủ yếu của họ. Ngày nay, lo sợ trước nguy cơ mất đi vị thế độc quyền chi phối các quá trình toàn cầu hoá, phương Tây vẫn theo đuổi quan điểm chính trị và tâm lý kiềm chế nước Nga.

Thứ tư, Nga không chấp nhận quan điểm thế giới đơn cực.

Trong Chiến lược đối ngoại mới của Nga không nói đến khái niệm “kẻ thù”, mà chỉ đề cập đến sự cạnh tranh và hợp tác. Chiến lược cũng không nói đến tên của quốc gia đe dọa nhiều nhất đối với vị thế của Nga trên thế giới, nhưng đã lột tả một cách cụ thể phương pháp hành động của quốc gia này. Nga không chấp nhận việc cậy thế sức mạnh và quan điểm thế giới đơn cực, bởi Nga cho rằng, cách tiếp cận đơn cực đối với công việc của thế giới là nguy hiểm, các hành động đơn phương sẽ làm cho tình hình quốc tế bất ổn, gây căng thẳng và kích thích chạy đua vũ trang, làm gay gắt thêm mâu thuẫn giữa các quốc gia, làm trầm trọng hơn nguy cơ xung đột quốc gia và tôn giáo, đe dọa an ninh của các quốc gia khác, làm gia tăng tình hình căng thẳng trên thế giới.

Thứ năm, Nga thể hiện rõ quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nga quan tâm đến một hệ thống quan hệ quốc tế ổn định, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Vì thế, Nga kiên quyết củng cố nền tảng pháp lý trong các quan hệ quốc tế và bằng cách đó sẽ trở thành lá chắn tin cậy nhất bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế. Chiến lược đối ngoại mới của Nga nêu rõ, trong khi đứng ra bảo vệ các nguyên tắc pháp lý quốc tế, nước Nga có thể trở thành trung tâm thu hút nhiều nước khác chủ trương bảo vệ các quy chuẩn pháp lý đã được hình thành. Nước Nga có thể trở thành một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành trật tự thế giới mới.

Thứ sáu, đề cao vai trò của Liên hợp quốc trong điều chỉnh các quan hệ quốc tế.

Chiến lược đối ngoại mới của nước Nga cho rằng, trật tự thế giới cần phải được thể chế hoá. Chiến lược khẳng định, những thay đổi diễn ra trên thế giới tất yếu sẽ dẫn đến trật tự thế giới mới và nước Nga sẽ tích cực tham gia vào quá trình đó nhưng sẽ luôn bảo vệ các thể chế quốc tế đã từng chứng tỏ có hiệu quả, trước hết là Liên hợp quốc. Theo quan niệm của Nga, trung tâm điều chỉnh các quan hệ quốc tế và phối hợp nền chính trị thế giới trong thế kỷ XXI phải là Liên hợp quốc - tổ chức duy nhất và có cơ sở pháp lý mang tính toàn cầu. Về nội dung này, quan điểm của Nga được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất, bởi lúc này Liên hợp quốc đang đứng trước yêu cầu phải cải tổ. Tuy vậy, Nga vẫn khẳng định rằng, không có một phương án nào khác, và bảo vệ Liên hợp quốc là nhiệm vụ quan trọng và có lợi đối với Nga.

Thứ bảy, xác định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Trong chiến lược đối ngoại mới nêu rõ những lợi ích của Nga tại các khu vực trên thế giới và những liên minh mà Nga cần hợp tác. Hướng ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là phát triển hợp tác song phương và đa phương với các nước láng giềng thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trong lĩnh vực bảo đảm an ninh cho nhau, cùng phối hợp đối phó với các mối đe doạ và thách thức chung. Quan điểm này chắc chắn sẽ được các thế lực dân tộc chủ nghĩa ở các nước thuộc không gian hậu Xô-viết nhìn nhận khác nhau, bởi họ vẫn chưa xoá bỏ được quan niệm coi Nga là “mối đe dọa có tính đế quốc”.

Trong điều kiện môi trường chính trị toàn cầu có những biến động như tình hình ở Cap-ca, sự mở rộng NATO về phía Đông, việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu..., Chiến lược đối ngoại mới của Nga còn có thêm những nội dung mới liên quan đến sự bành trướng của Mỹ trong không gian hậu Xô-viết; việc ưu tiên thành lập nhà nước liên bang với Bê-la-ru-xi-a và chuyển quan hệ sang nguyên tắc thị trường; đưa ra một liên minh nhằm thay thế NATO qua việc đề xuất thành lập một hệ thống an ninh thống nhất ở châu Âu; xác lập sự cân bằng trong việc hợp tác với các cường quốc mới nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ.

Thái độ và cách ứng xử “mềm mại”, không mang tính xung đột của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép trong cuộc gặp gần đây nhất với nguyên thủ các nước trong Nhóm G-8 được nhận xét giống như là một “trận đánh nhỏ” để thăm dò đối phương trước khi mở màn một chiến dịch lớn. Chiến lược đối ngoại mới của Nga là một câu trả lời dứt khoát và thẳng thắn đối với những suy đoán của Nhóm G8 là: trong chính sách đối ngoại, nước Nga sẽ không có những thay đổi căn bản; Nga sẽ vẫn tiếp tục hợp tác và hữu nghị với các nước G8 nhưng là trên cơ sở lợi ích của Nga phải được bảo vệ./.