TCCSĐT - Ngày 20-10-2012, tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Nước ngọt - nguồn sống: những thách thức và đe dọa toàn cầu”, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua (Sankt Petersburg) lần thứ 12, các chuyên gia đã báo động về tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến khoảng một tỉ người thiếu nước sinh hoạt và đến năm 2020, con số này có thể tăng lên gấp năm lần.

1. Mỹ lại "chiếm lĩnh" Giải Nô-ben Kinh tế 2012

Trong thông báo ngày 15-10-2012, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) tuyên bố: hai nhà kinh tế An-vin Rốt (Alvin Roth) và Loi X.Sáp-li (Lloyd S.Shapley) được tôn vinh vì công trình nghiên cứu “Thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường”, qua đó phối hợp hài hòa các tác nhân kinh tế khác nhau, ví như học sinh với trường học hay thậm chí là người hiến nội tạng với bệnh nhân được cấy ghép. Giáo sư An-vin Rốt (60 tuổi) hiện giảng dạy môn Kinh tế và Quản trị kinh doanh tại Đại học Ha-vớt của Mỹ. Ông nổi tiếng với các đóng góp về lý thuyết trò chơi, tạo lập thị trường và kinh tế học thực nghiệm. Giáo sư Loi X.Sáp-li (89 tuổi) hiện giảng dạy môn Toán và Kinh tế học tại Đại học Ca-li-phóc-ni-a (Mỹ). Ông được rất nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là biểu tượng của “Lý thuyết trò chơi”. Hai nhà kinh tế này làm việc hoàn toàn độc lập với nhau, song sự phối hợp kết quả nghiên cứu của họ đã tạo ra giá trị thực tiễn. Cụ thể, sự kết hợp giữa lý thuyết cơ bản của ông Sáp-li và kết quả thực nghiệm của ông Rốt đã tạo ra một phạm vi rất rộng cho các công trình nghiên cứu, cải thiện tính năng động của nhiều thị trường. Cũng như những người đoạt giải Nô-ben khác, hai nhà khoa học này sẽ nhận giải thưởng trị giá 8 triệu crô-nơ (kronor) Thụy Điển (tương đương 1,2 triệu USD) tại lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào ngày 10-12 ở Xtốc-khôm. Năm ngoái, Giải Nô-ben Kinh tế 2011 cũng thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Thô-mát Xa-gien (Thomas J.Sargent) và Cri-xtô-phơ A.Xim (Christopher A.Sims), với công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế.

2. Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á lần thứ nhất

 

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á lần thứ nhất tại Cô-oét


Từ ngày 15 đến ngày 17-10-2012, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD) lần thứ nhất đã diễn ra tại Cô-oét dưới sự chủ trì của Quốc Vương Cô-oét Sai-khơ Xa-ba An A-ma An Gia-bơ An Xa-ba (Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah). Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra cuộc họp các quan chức cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ACD. Hội nghị đã khẳng định lại các giá trị cốt lõi của hợp tác ACD là diễn đàn mở, tự nguyện và tôn trọng sự đa dạng. Định hướng hợp tác của ACD trong thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy việc bảo đảm an ninh lương thực thông qua việc nâng cao năng suất trong nông nghiệp, tạo thuận lợi thương mại và bảo đảm thị trường lương thực ổn định, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Về an ninh năng lượng, hợp tác sẽ tập trung vào nguồn cung chất đốt với giá hợp lý, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng mới và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng năng lượng hiệu quả. Hội nghị nhất trí thành lập Nhóm Công tác về kết nối khu vực trong ACD để thảo luận về khả năng xây dựng Bản Kế hoạch về tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng của ACD. Bên cạnh đó, hợp tác về y tế, phòng chống đại dịch và bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển đại học của châu Á cũng sẽ được quan tâm. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về các định hướng hợp tác và phát triển của ACD trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị, Quốc vương Cô-oét An Xa-ba đã đưa ra sáng kiến thành lập Chương trình hỗ trợ triển khai các dự án phát triển trị giá 2 tỉ USD dành cho các nước châu Á không thuộc khối các nước A-rập. Cô-oét cam kết sẽ đóng góp 300 triệu USD cho chương trình này.

3. Diễn đàn Nhân dân Á - Âu lần thứ 9 tại Lào

Chiều 16-10-2012, Diễn đàn Nhân dân Á - Âu lần thứ 9 (AEPF 9) đã diễn ra tại thủ đô Viên Chăn (Vientiane), Lào. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thong-lỏn Xi-xu-lit kêu gọi các nước châu Á và châu Âu xác định mô hình phát triển bền vững mới, cần có các biện pháp thích hợp để phòng ngừa khủng hoảng kinh tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế cũng như phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường bền vững vốn là báu vật của nhân loại. Diễn đàn đã thảo luận về các vấn đề mà nhân dân các nước châu Á và châu Âu quan tâm và sẽ đưa ra khuyến nghị của nhân dân trình lên Hội nghị ASEM 9 sẽ họp vào đầu tháng 11 này. Bốn nhóm vấn đề đã được tập trung thảo luận tại AEPF 9 gồm: Bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ cơ bản; Chủ quyền lương thực và quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên bền vững; Sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững; Việc làm công bằng và vấn đề sinh kế bền vững. Diễn đàn có tổng cộng 36 hoạt động gồm hội thảo, đối thoại, thảo luận về chính sách và không gian mở diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm thúc đẩy đối thoại hữu nghị giữa nhân dân hai châu lục, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau để tăng cường tình đoàn kết.

4. Chiến lược toàn cầu mới về bảo tồn đa dạng sinh học

Từ ngày 17 đến ngày 19-10-2012, Hội nghị lần thứ 11 của các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CDB COP 11) đã diễn ra tại thành phố Hai-đơ-ra-bát (Hyderabad) của Ấn Độ với sự nhất trí về chiến lược toàn cầu nhằm nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học. Chiến lược mới có nhan đề “Tương lai chúng ta mong muốn: Đa dạng hóa sinh học và hệ sinh thái - thúc đẩy tăng trưởng bền vững” yêu cầu tất cả các nước tăng vốn đầu tư cho lĩnh vực đa dạng sinh học để ngăn chặn những thiệt hại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống. Chiến lược cũng nhấn mạnh UNDP cần hợp tác chặt chẽ với các chính phủ nhằm bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý các hệ sinh thái trên 1,4 tỉ héc-ta đất và các vùng nước trên thế giới, đồng thời hỗ trợ các nước tìm kiếm biện pháp để cung cấp tài chính cho công tác quản lý đa dạng sinh học thông qua thu nhập trong nước, các cơ chế tài chính sáng tạo và ngân sách tài trợ từ nhiều nguồn. Hội nghị CDB COP 11 đã thông qua chiến lược mới nhằm giúp các chính phủ thống nhất quản lý đa dạng sinh học trên cơ sở quy hoạch phát triển và cho phép bảo tồn các khu vực để đóng góp vào sự phát triển bền vững, bảo đảm quản lý và phục hồi các hệ sinh thái và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, theo đó đến năm 2015 đồng ý tăng gấp đôi viện trợ cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại các nước nghèo. Hội nghị cũng đã bổ sung 400 loài động thực vật vào “Danh sách Đỏ” những loài có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời các bên đàm phán đã thảo luận về quy mô và thời gian giải ngân của khoản hỗ trợ thêm trên nhằm ngăn chặn nguy cơ suy giảm các loài và môi trường cư trú. Tuy nhiên, thỏa thuận trên yêu cầu ít nhất 75% các nước nhận viện trợ phải hoàn tất báo cáo chi tiêu đến năm 2015 và phác thảo kế hoạch bảo tồn sinh học quốc gia với số tiền được hỗ trợ.

5. Báo cáo “Giám sát tính dễ bị tổn thương do khí hậu”

Ngày 18-10-2012, theo báo cáo của Hội thảo “Giám sát tính dễ bị tổn thương do khí hậu”, biến đổi khí hậu do tình trạng nóng lên của trái đất đang kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm. Báo cáo trên do Trung tâm Nghiên cứu DARA thực hiện cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu không chỉ dẫn đến thảm họa môi trường mà còn kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Báo cáo nhấn mạnh, các giải pháp không hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến các nền kinh tế thế giới tổn thất 1,6% trong tổng số GDP toàn cầu, tương đương với 1,2 nghìn tỷ USD. Ước tính đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, chiếm 3,2% GDP toàn cầu do nhiệt độ tăng cao và tình trạng ô nhiễm do các-bon ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Trong vòng 20 năm tới, nếu không có các biện pháp hiệu quả, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến Trung Quốc sẽ bị tổn thất hơn 1,2 nghìn tỉ USD trong tổng số GDP, trong khi kinh tế Mỹ sẽ chịu tổn thất hơn 2% GDP và Ấn Độ là hơn 5% GDP mỗi năm. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý việc giải quyết hiệu quả các hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế quan trọng cho thế giới cũng như các nền kinh tế lớn và các quốc gia nghèo.

6. Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu

Trong hai ngày 18 và 19-10-2012, Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ). Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã rà soát lại quá trình thực hiện Hiệp ước Tăng trưởng và việc làm. Các nhà lãnh đạo đã hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được cho tới nay, đồng thời nhất trí rằng, cần phải hành động nhanh chóng, cương quyết để bảo đảm hiệp ước này được thực thi đầy đủ. Ngoài việc đưa ra một báo cáo sơ bộ về Liên minh Kinh tế và Tiền tệ, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi có sự phối hợp để xúc tiến các đề xuất về Cơ chế Giám sát chung (SSM) như một vấn đề ưu tiên, với mục tiêu đạt được sự nhất trí về khuôn khổ pháp lý cho cơ chế mới vào ngày 1-1-2013 và đã tán thành một số động thái hướng tới mục tiêu này. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu thực hiện việc giám sát hệ thống ngân hàng kể từ năm tới. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến việc triển khai kế hoạch này sẽ tiếp tục được thảo luận trong thời gian tới, như việc ECB sẽ có quyền giám sát bao nhiêu ngân hàng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận một loạt các vấn đề quốc tế và khu vực như: thông qua các biện pháp trừng phạt Xy-ri, chương trình hạt nhân của I-ran và đưa ra cam kết trợ giúp Ma-li trong việc tái kiểm soát phần lãnh thổ miền Bắc của nước này hiện bị nhóm vũ trang chiếm đóng cách đây sáu tháng.

7. Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ nhất

Ngày 19-10-2012, Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ nhất (AMMW1) đã diễn ra tại Lào với chủ đề “Tăng cường quan điểm giới và quan hệ đối tác của phụ nữ trong môi trường bền vững”. Hội nghị đã tập trung đánh giá những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện các dự án cũng như kế hoạch của Ủy ban Phụ nữ ASEAN 2011 - 2015 nhằm tăng cường bình đẳng giới, quyền phụ nữ và công bằng xã hội cho phụ nữ trong khu vực; khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác của phụ nữ trong việc tăng cường lồng ghép giới trong quá trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2009 - 2015. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lào Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vắt bày tỏ sự tin tưởng rằng Hội nghị là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và quan điểm một cách phong phú về việc đưa vai trò nam giới - nữ giới vào các chính sách, luật và kế hoạch hành động liên quan đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường bền vững của các nước ASEAN. Hội nghị đã ra Tuyên bố Viêng Chăn cam kết nâng cao kiến thức và kỹ năng của phụ nữ về bảo tồn môi trường, đất và thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai; vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách và chương trình về môi trường cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; nâng cao kiến thức của phụ nữ trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo thu nhập bền vững; tham gia đầy đủ trong quá trình ra quyết định, đặc biệt đối với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ở tất cả các cấp cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

8. Hội nghị “Nước ngọt - nguồn sống: những thách thức và đe dọa toàn cầu”

 

Khoảng một tỷ người trên thế giới đang thiếu nước sinh hoạt


Ngày 20-10-2012, tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Nước ngọt - nguồn sống: những thách thức và đe dọa toàn cầu”, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua (Sankt Petersburg) lần thứ 12, các chuyên gia đã báo động về tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến khoảng một tỷ người thiếu nước sinh hoạt và đến năm 2020, con số này có thể tăng lên gấp năm lần. Hội nghị đã bàn thảo biện pháp làm thế nào để bảo vệ nguồn nước ngọt và giải quyết vấn đề toàn cầu này. Ngoài dầu mỏ và khí đốt, nước sạch cũng được coi là một trong những dự trữ chiến lược của nhiều quốc gia, trong khi những quốc gia ven biển lại đang phải chi nhiều tiền để ngăn chặn nước mặn xâm thực do nước biển dâng cao. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là do khí hậu toàn cầu ấm dần lên. Theo một số nghiên cứu, nhu cầu sử dụng nước trên thế giới liên tục tăng lên trong suốt thế kỷ XX và tăng gấp hơn hai lần so với mức gia tăng dân số. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, do khí hậu toàn cầu ấm dần lên, lượng nước tại nhiều con sông và hồ nước ở châu Á và châu Phi có thể giảm xuống từ 15% đến 50%. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã tạo ra nghịch cảnh ở các nước bên đường xích đạo là: vào mùa mưa, hàng loạt quốc gia bị nước tàn phá, nhưng trong những tháng mùa khô, lại thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

9. Miền Nam châu Phi thiếu hụt lương thực nghiêm trọng

Ngày 20-10-2012, Phó Giám đốc Cơ quan cứu trợ nhân đạo Liên hợp quốc Ca-thơ-rin Brát (Catherine Bragg) cho biết, thiếu hụt lương thực đang là vấn nạn tại khu vực phía Nam châu Phi - nơi có tới 5,5 triệu người dân tại tám quốc gia cần đến hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong năm nay. Phát biểu sau khi kết thúc chuyến thăm năm ngày tới miền Nam châu Phi, bà Ca-thơ-rin Brát bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu hụt lương thực ngày càng nghiêm trọng tại khu vực. Theo bà, số người dân châu Phi cần hỗ trợ lương thực đã tăng 40% trong năm nay so với năm ngoái, do ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và giá lương thực thế giới tăng cao. Phó Giám đốc Cơ quan cứu trợ nhân đạo Liên hợp quốc cho biết, tại Dim-ba-buê có 1,6 triệu người đang thiếu lương thực nghiêm trọng và người dân Dim-ba-buê tại các vùng nông thông đã phải bán đồ đạc, vật nuôi trong nhà để mua lương thực. Tình trạng thiếu lương thực cũng đang đe dọa cuộc sống người dân Lê-xô-thô, Ma-la-uy… Bà C. Brát kêu gọi hành động của cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ cho người dân khu vực Nam châu Phi.

10. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga tập trận quy mô lớn

Ngày 20-10-2012, Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã kết thúc thành công cuộc tập trận chỉ huy qui mô lớn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội Nga - Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin (Vladimir Putin). Cuộc tận trận quy mô lớn này được thực hiện lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Nga. Ngày 19-10-2012, hệ thống điều khiển Lực lượng hạt nhân chiến lược và các cuộc phóng tên lửa đã được thực hiện thành công dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống V.Pu-tin. Hệ thống điều khiển Lực lượng hạt nhân chiến lược mới gồm hệ thống điều khiển liên lạc tự động, các thuật toán mới điều khiển Lực lượng hạt nhân chiến lược với sự thực hiện thành thục các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu ba thành phần thống nhất của Lực lượng hạt nhân gồm không quân tầm xa, lực lượng hạt nhân trên biển và lực lượng hạt nhân trên đất liền. Tổng thống V.Pu-tin đánh giá cao trình độ tác chiến của các đơn vị và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga đã thực hiện tất cả các nhiệm vụ đề ra, khẳng định độ tin cậy và hiệu quả của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Cũng trong ngày 19-10, Binh chủng tên lửa chiến lược của Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol, trong khi tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa mang tên Thánh Ghê-oóc-ghi bách thắng (thuộc Hạm đội Thái Bình Dương) đã phóng thành công tên lửa đạn đạo, và các máy bay ném bom chiến lược Tu 95 và Tu 160 cũng đã phóng thành công 4 tên lửa chiến lược. Cũng trong cuộc tập trận này, lần đầu tiên quân đội Nga đã sử dụng tổ hợp pháo tên lửa phòng không hiện đại Pantsir-S bắn hạ thành công tên lửa có cánh.

11. Cu-ba bầu cử hội đồng nhân dân cấp quận, huyện

Ngày 21-10-2012, hơn tám triệu cử tri Cu-ba đi bỏ phiếu để bầu ra 14.537 đại biểu hội đồng nhân dân cấp quận, huyện. Đây là giai đoạn đầu tiên của cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa IX và hội đồng nhân dân các cấp, dự kiến kết thúc vào đầu năm 2013. Ủy ban Bầu cử quốc gia Cu-ba (CEN) cho biết, ngay từ sáng sớm qua, các cử tri đã có mặt tại gần 30.000 phòng bỏ phiếu trên cả nước để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Ủy ban Bầu cử quốc gia Cu-ba khẳng định, cuộc bầu cử diễn ra trong bầu không khí trật tự, dân chủ và minh bạch. Theo Thư ký Ủy ban Bầu cử quốc gia Cu-ba Ru-ben Pê-rết (Ruben Perez), ngay sau khi hết giờ bỏ phiếu, cơ quan chức năng tổ chức kiểm phiếu công khai ngay tại điểm bầu cử trước sự chứng kiến của cử tri. Tại những khu vực bầu cử, nếu không có ứng cử viên nào đạt được hơn 50% phiếu bầu thì sẽ phải tổ chức bỏ phiếu vòng hai vào ngày 28-10-2012. Phát biểu với báo giới sau khi thực hiện nghĩa vụ cộng dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mi-ghên Đi-át Ca-nên (Miguel Diaz Canel), Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cu-ba khẳng định, sự tham gia đông đảo của nhân dân trong ngày bầu cử đã chứng tỏ sự ủng hộ rộng rãi và cam kết bảo vệ cách mạng cũng như mô hình xã hội Cu-ba của người dân, đồng thời nhấn mạnh, sự kiện trọng đại này càng có ý nghĩa hơn khi Cu-ba đang từng bước triển khai lộ trình cập nhật mô hình kinh tế trên tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cu-ba./.