TCCSĐT - Trong ba ngày từ 30-8 đến 1-9-2012, tại thành phố Kếp Thao (Cape Town) của Nam Phi đã diễn ra Đại hội lần thứ 24 Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (SI) - Đại hội đầu tiên được tổ chức tại châu Phi. Với khẩu hiệu “Vì một Chủ nghĩa quốc tế mới và một Văn hóa đoàn kết mới”, hơn 400 đại biểu đại diện cho hơn 100 chính đảng tiến bộ, các tổ chức chính trị trên khắp thế giới đã tập trung thảo luận 4 vấn đề nổi lên trong thời đại hiện nay.

1. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44

Từ ngày 26 đến ngày 31-8-2012, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AEM 44) tại thành phố Xiêm Riệp (Cam-pu-chia). Đây là hội nghị thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi, thảo luận tình hình hợp tác kinh tế nội khối và với các nước đối tác; chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, gia tăng phối hợp về kinh tế vĩ mô và chính sách, tiếp tục mở cửa thương mại và đầu tư, loại bỏ mọi rào cản đối với thương mại và đầu tư. Thực hiện Chương trình nghị sự Phnôm Pênh, các Bộ trưởng đã thảo luận các ưu tiên và mục tiêu mà ASEAN cần đạt được vào năm 2015. Các Bộ trưởng đã thông qua Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân để ký kết nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 vào tháng 11 năm nay, nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của cá nhân tham gia vào các hoạt động thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư trong khu vực. Hội nghị AEM 44 khẳng định mong muốn của ASEAN thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác với các nước và khu vực đối thoại. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều cấu trúc liên kết đang hình thành tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ASEAN đang nỗ lực hơn nữa để phát huy vai trò trung tâm của mình. Đặc biệt, ASEAN đang chú trọng triển khai thực hiện Khuôn khổ ASEAN về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có các phiên tham vấn với Bộ trưởng Kinh tế các nước đối tác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a và Trung Quốc, tập trung xem xét tình hình đàm phán và thực thi các FTA và các vấn đề hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác trong khu vực.

2. Tuần lễ nước thế giới lần thứ 22

 

 Tổng giám đốc FAO Hô-xê Gra-di-a-nô đa Xin-va: Các quốc gia sẽ không thể đảm bảo an ninh lương thực nếu thiếu nước


Ngày 28-8-2012, Tuần lễ nước thế giới lần thứ 22 khai mạc tại thủ đô Xtốc-hôm (Stockholm), Thụy Điển, thu hút sự tham gia của hơn 200 học giả, chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn và các nhà khoa học trên thế giới. Tuần lễ nước 2012 có chủ đề “Nước và an ninh lương thực”, nhấn mạnh vai trò của nước trong sản xuất lương thực. Các quốc gia sẽ không thể đảm bảo an ninh lương thực nếu thiếu nước - đó là thông điệp mà Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) Hô-xê Gra-di-a-nô đa Xin-va (José Graziano da Silva) đưa ra tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước năm nay. Ông đa Xin-va nhấn mạnh, hạn hán chính là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng đẩy giá lương thực lên cao vào năm 2007. Theo Tổng giám đốc FAO, ngành nông nghiệp toàn cầu sử dụng đến 70% nước ngọt trên thế giới, do đó các nước cần nâng cao quản lý hiệu quả sử dụng nước, tránh lãng phí trong quá trình sản xuất. Quỹ quốc tế về Phát triển Nông nghiệp cảnh báo, đến năm 2025, ước tính gần 2 tỉ người trên thế giới sẽ phải đối mặt với điều kiện sống vô cùng khan hiếm nước. Điều này đồng nghĩa với việc ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, Tiến sỹ Cô-lin Chát-trét (Colin Chartres) Tổng giám đốc Viện quản lý nước quốc tế- người đã được nhận giải thưởng “Nước thế giới” năm nay khẳng định, việc sản xuất đủ lượng lương thực nuôi sống 9 tỉ người trên thế giới vào năm 2050 là khả thi nếu chúng ta biết tận dụng tối đa 2 tài nguyên quan trọng là nước và đất.

3. Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương

Ngày 28-8-2012, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) đã khai mạc tại thủ đô A-va-ru-a (Avarua) của đảo quốc Cúc (Cook) với sự tham dự của lãnh đạo đến từ 15 nước trong khu vực. Phát biểu tại phiên họp khai mạc, Tổng Thư ký PIF, ông Tu-i-lô-ma Nê-rô-ni Xlết (Tuiloma Neroni Slade) cho biết chủ đề của hội nghị lần này là “Các quốc đảo lớn - Thách thức Thái Bình Dương,” vốn được đề ra tại hội nghị về khí hậu Rio+20 diễn ra tại Bra-xin trước đó. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước tập trung thảo luận về “Kế hoạch Thái Bình Dương” - hướng tới sự phát triển bền vững và hợp tác giữa thành viên trong khu vực, các thách thức về kinh tế, biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Cũng tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh PIF, Thủ tướng đảo Cúc Hen-ri Pu-na (Henry Puna) đã tuyên bố nước này sẽ xây dựng một công viên hải dương lớn nhất thế giới, với diện tích lên tới 1,065 triệu km2, để phục vụ công tác bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên biển. Theo Thủ tướng Pu-na, công viên này sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, như du lịch, ngư nghiệp và khai mỏ, với việc đa dạng hóa các loài sinh vật biển. Ngoài ra, Thủ tướng đảo Cúc cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tích cực xây dựng các khu vực bảo tồn đại dương khác trên thế giới. Bà Ma-rê-a Hát-di-ô-lốt (Marea Hatziolos), một chuyên gia về hải dương học hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết sáng kiến của đảo Cúc là hướng đi có lợi trên cả hai phương diện là kinh tế lẫn môi trường đối với đảo quốc này.

4. Nhật Bản - Triều Tiên đối thoại trực tiếp

Ngày 29-8-2012, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây được coi là bước đột phá về ngoại giao của nhà lãnh đạo trẻ Kim Dung-Un (Kim Jong-Un) kể từ khi ông lên nắm quyền cuối năm ngoái. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cuộc đối thoại này sẽ tiến hành ở cấp chuyên viên, đặt nền móng cho các cuộc gặp ở cấp cao hơn sẽ được tổ chức sau đó. Trọng tâm cuộc đối thoại sẽ bàn về số phận của các công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt trong những thập kỷ trước. Cuộc gặp diễn ra trong hai ngày, được tổ chức sau khi Hội Chữ thập đỏ hai nước đề nghị cả hai chính phủ hỗ trợ hoạt động tìm kiếm hài cốt binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 tại CHDCND Triều Tiên. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Ô-sa-mu Phu-di-mu-ra (Osamu Fujimura), chính phủ Nhật Bản hiểu rằng, các vấn đề quan hệ song phương giữa hai nước luôn bao hàm cả các vấn đề liên quan đến việc công dân Nhật Bản bị bắt trước đây. Ông cũng nhấn mạnh, chính phủ Nhật Bản luôn thực hiện các quyết sách dựa trên nguyên tắc giải quyết các bất đồng còn tồn tại trong quá khứ nhằm khôi phục quan hệ song phương bình thường hóa giữa 2 nước. Cuộc đối thoại lần này sẽ là sự chuẩn bị để hai nước thực hiện các cuộc tiếp xúc khác trong thời gian tới.

5. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua Tuyên bố chung

 

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2012


Trong khuôn khổ tiến trình hợp tác tài chính thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ngày 30-8-2012 tại Mát-xcơ-va (Moscow), Liên bang Nga đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 19. Kết thúc Hội nghị, các bộ trưởng tài chính APEC đã thông qua tuyên bố chung và nhất trí sẽ nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 20 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a vào tháng 9-2013. Là khu vực có mối quan hệ chặt chẽ với các trung tâm kinh tế lớn, APEC chịu tác động to lớn từ những biến động của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Điều này một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của bền vững tài khóa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tăng cường các biện pháp, hành động có tính phối hợp ở cấp độ khu vực và thế giới. Được biết, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề bền vững tài khóa một lần nữa trở thành chủ đề nóng trong các phiên làm việc của các bộ trưởng APEC. Bên cạnh nguyên nhân thâm hụt ngân sách tăng cao và kéo dài làm suy giảm tính bền vững ngân sách, một nguyên nhân khác được các bộ trưởng tập trung thảo luận là vấn đề nợ của khu vực tư nhân. Các bộ trưởng cho rằng mức nợ cao của khu vực tư nhân và khu vực ngân hàng đang là nguy cơ tiềm ẩn đối với bền vững ngân sách. Kinh nghiệm gần đây đã cho thấy trong giai đoạn khủng hoảng, nợ khu vực tư nhân bao gồm cả các khoản nợ của các tổ chức tài chính, có thể chuyển đổi thành nợ công, làm gia tăng gánh nặng nợ của khu vực công. Các bộ trưởng đề xuất cần tăng cường giám sát chặt chẽ những rủi ro phát sinh từ gánh nặng nợ quá cao của khu vực tư nhân. Ngoài ra, vấn đề già hóa dân số cũng là một trong những nguyên nhân cần được tính đến trong các phân tích về bền vững ngân sách.

6. Hội thảo quốc tế về “An ninh hàng hải ở Đông Nam Á”

Chiều 30-8-2012, tại thủ đô Gia-các-ta (Jakarta), In-đô-nê-xi-a đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh hàng hải ở Đông Nam Á” do Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) phối hợp với Trung tâm Ha-bi-bi-ê (Habibie) của In-đô-nê-xi-a tổ chức. Phát biểu khai mạc, bà I-ma Áp-đun-ra-him (Ima Abdulrahim), Giám đốc điều hành Trung tâm Ha-bi-bi-ê nhấn mạnh hội thảo về “An ninh hàng hải ở Đông Nam Á” là một diễn đàn cho các chuyên gia về lĩnh vực an ninh biển trong khu vực và quốc tế trao đổi và thảo luận mở về các vấn đề an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Hội thảo đã nghe trình bày các tham luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và quan điểm về an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Các đại biểu đã tập trung trao đổi về các vấn đề chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức hàng hải, an ninh hàng hải và các vấn đề môi trường biển, quản trị hàng hải và các vấn đề luật pháp liên quan đến hàng hải, và nhất là vấn đề quốc phòng hàng hải, trong đó có sự chuyển dịch trọng tâm ưu tiên chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hội thảo nhất trí rằng để đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đòi hỏi phải dựa trên các nền tảng pháp lý đã được quốc tế công nhận, nhất là Công ước về Luật Biển năm1982 của Liên hợp quốc, các cam kết đã được các bên liên quan nhất trí, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thiện chí, nỗ lực và hợp tác tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực nhằm đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Các đại biểu cũng ghi nhận mối lo ngại về tình trạng gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đồng thời cho rằng có thể đảm bảo an ninh hàng hải ở Đông Nam Á nếu xây dựng được một cơ chế quốc phòng tập thể và an ninh tập thể trên cơ sở phát triển và mở rộng các cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), ADMM +1, ADMM +3 với các đối tác đối thoại của ASEAN.

7. Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 16 ở I-ran

 

Đại Giáo chủ A-li Kha-me-nây: I-ran không theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình.


Trong hai ngày 30 và 31-8-2012, Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 16 đã diễn ra tại thủ đô Tê-hê-ran (Tehran) của Cộng hòa Hồi giáo I-ran, với chủ đề “Hòa bình bền vững nhờ quản trị chung toàn cầu”. Phát biểu khai mạc hội nghị, lãnh tụ tinh thần tối cao của I-ran, Đại Giáo chủ A-li Kha-me-nây (Ali Khamenei) tuyên bố “Nước Cộng hòa Hồi giáo không theo đuổi vũ khí hạt nhân” nhưng sẽ không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Ông Kha-me-nây cũng lên án I-xra-en “chiếm đóng” lãnh thổ Pa-le-xtin và cho rằng NAM cần phải tiến hành các bước đi thực tiễn trong vấn đề này. Lãnh tụ tinh thần tối cao I-ran nhấn mạnh giải trừ quân bị là yêu cầu cấp thiết đối với thế giới và kêu gọi xây dựng Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hạt nhân. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun tại phiên khai mạc hội nghị đã hối thúc I-ran công khai chương trình hạt nhân, tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu nước này hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình, đồng thời cảnh báo rằng các động thái làm leo thang căng thẳng trong cộng đồng quốc tế xung quanh vấn đề này có thể sẽ làm bùng phát “một cuộc chiến”. Cũng tại phiên khai mạc, Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi (Mohamed Morsi), nước giữ cương vị chủ tịch luân phiên của NAM trong 3 năm qua, đã chính thức chuyển giao vị trí này cho Tổng thống I-ran Ma-mốt Át-ma-đi-ne-gia (Mahmoud Ahmadinejad). Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mơ-xi kêu gọi các bên liên quan đến nỗ lực chuyển tiếp tại Xi-ri cần chấm dứt các hành động gây đổ máu, mong muốn Xi-ri chuyển tiếp sang nền dân chủ một cách hòa bình. Ông M.Mơ-xi cũng kêu gọi cải cách cơ cấu Liên hợp quốc với sự tham gia lớn hơn của NAM tại Hội đồng Bảo an, đồng thời cho rằng châu Phi cần có đại diện thường trực tại Hội đồng Bảo an. Tổng thống Ai Cập cũng tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Pa-ki-xtan trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, nhấn mạnh Cai-rô sẽ giúp đỡ thành lập Nhà nước Pa-le-xtin. Ông Mơ-xi cũng kêu gọi thực thi Hiệp định không phổ biến hạt nhân (NPT) trên quy mô toàn cầu. Ông Mơ-xi là nhà lãnh đạo đầu tiên của Ai Cập đến thăm I-ran kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở I-ran năm 1979.

8. Đại hội Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa lần thứ 24

Trong ba ngày từ 30-8 đến 1-9-2012, tại thành phố Kếp Thao (Cape Town) của Nam Phi đã diễn ra Đại hội lần thứ 24 Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa (SI) - Đại hội đầu tiên được tổ chức tại châu Phi. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi đã đăng cai Đại hội. Với khẩu hiệu “Vì một Chủ nghĩa quốc tế mới và một Văn hóa đoàn kết mới”, hơn 400 đại biểu đại diện cho hơn 100 chính đảng tiến bộ, các tổ chức chính trị trên khắp thế giới, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo đương chức, đã tập trung thảo luận bốn vấn đề nổi lên trong thời đại hiện nay, đó là làm sao tạo dựng một nền kinh tế bảo đảm công ăn việc làm, tăng trưởng và bảo vệ xã hội; đấu tranh cho các quyền và tự do; vì một con đường chung tới hòa bình, ổn định và hợp tác; vì một chủ nghĩa quốc tế mới và một văn hóa đoàn kết mới giữa người với người và giữa các dân tộc. Các đại biểu cũng kêu gọi tìm kiếm những giải pháp kinh tế mang tính nhân văn cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, đặc biệt là cho cuộc khủng hoảng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đại hội đã bầu lại ông Gioóc-giơ Pa-pan-đrêu (George Papandreou), cựu Thủ tướng Hy Lạp, làm Chủ tịch SI, đồng thời bầu ra 33 Phó Chủ tịch. Ông Lu-ít Ai-a-la (Luis Ayala), người Chi-lê, cũng tái đắc cử vào chức vụ Tổng Thư ký của tổ chức này. SI là hiệp hội quốc tế các đảng chính trị trên thế giới có chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội dân chủ. Ra đời vào năm 1951, SI hiện được đánh giá là một trong những tổ chức chính trị lớn nhất thế giới, quy tụ hơn 150 chính đảng thành viên từ hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều đảng cầm quyền.

9. Mát-xcơ-va kỷ niệm 865 năm tuổi

 

Mát-xcơ-va kỷ niệm Ngày Thành phố với phương châm “Thành phố tốt đẹp nhất trên Trái đất”


Trong hai ngày 1 và 2-9-2012, Mát-xcơ-va kỷ niệm Ngày Thành phố với phương châm “Thành phố tốt đẹp nhất trên Trái đất”. Chính quyền thủ đô Nga đã chuẩn bị gần 600 chương trình khác nhau cho ngày hội này - từ các buổi hòa nhạc và triển lãm cho đến các buổi biểu diễn laser và vũ hội hóa trang. Nghi lễ khai mạc Ngày Thành phố năm nay diễn ra trên Quảng trường Đỏ. Chương trình mang tên gọi “Thành phố tình yêu. Kỷ nguyên trong khiêu vũ”, gồm nhiều tiết mục với sự tham gia của hơn 2.000 vũ công. Chờ đợi khán giả sẽ là những tác phẩm polonaises và waltz của thế kỷ 19, cuộc diễu hành của quần chúng lao động, các bài ca và điệu nhảy thời chiến những năm 1940, tái hiện Liên hoan Thanh niên Sinh viên, các khúc retro hoài niệm Xô-viết và Thế vận hội Mát-xcơ-va 1980. Một loạt các chương trình phong phú đa dạng cũng được tổ chức tại công viên và đại lộ trong thành phố. Trên Quảng trường Đỏ bắt đầu cuộc diễu hành Liên hoan quân nhạc quốc tế “Tháp Spasskaya-2012”. Khoảng 20 đoàn nghệ thuật từ Áo, Đức, Hy Lạp, I-ta-li-a, Trung Quốc, Xin-ga-po, Pháp, dẫn đầu là Trung đoàn Kỵ mã Crem-lin sẽ biểu diễn phục vụ công chúng Mát-xcơ-va và các vị khách của thủ đô Nga. Tâm trạng lễ hội lan tỏa khắp nơi - bắt đầu trên các đường phố và kết thúc ở các bến tàu điện ngầm. Trong đường tàu điện ngầm các hành khách sẽ nghe những bài thơ và bài hát nói về Mát-xcơ-va. Vì Ngày Thành phố năm nay trùng với Ngày hội Kiến thức, mọi người cùng chào đón sự khởi đầu năm học mới. Hơn 7.000 chiếc đèn lồng được thả lên bầu trời đêm, cùng tô điểm thành phố với sắc màu pháo hoa rực rỡ./.