Quảng Trị phát triển nông nghiệp vùng biển theo hướng bền vững
TCCS - Gần 10 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 NQ/TU, ngày 01-7-2002, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, khóa XIII, về phát triển kinh tế - xã hội miền biển, vùng cát, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, dần đưa nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững.
Miền biển và vùng cát Quảng Trị có 29 xã, một thị trấn thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; có diện tích trên 48.686 ha, chiếm hơn 10% diện tích toàn tỉnh. Dân số trong vùng khá đông, gấp 2,2 lần mật độ dân số bình quân của tỉnh. Nghề nghiệp của nhân dân trong vùng chủ yếu là khai thác, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
Thủy sản vốn là ngành kinh tế chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế miền biển và vùng cát, được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển. Gần 10 năm qua, dựa trên cơ sở Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh đầu tư trên 71 tỉ đồng phát triển và mở rộng vùng nuôi tôm trên địa bàn. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNN) Quảng Trị đã tổ chức thử nghiệm các mô hình nuôi tôm trên cát tại Hải An (Hải Lăng), Vĩnh Thái (Vĩnh Linh); ngư dân tổ chức nuôi cá nước ngọt với nhiều hình thức đa dạng như: nuôi ao hồ, lồng bè, nuôi cá kết hợp ruộng lúa, nuôi cá kết hợp trồng sen... Ngoài nuôi các loại cá truyền thống, bà con ngư dân còn nuôi thêm một số giống mới như: cá chim trắng, rô phi đơn tính và các loại thủy sản khác như tôm càng xanh, ếch, ba ba, cá trê lai,... Và, để chủ động về nguồn giống thủy sản, những năm qua, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế và bà con ngư dân đầu tư phát triển các trại sản xuất giống. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty TNHH giống thủy sản Uni-President Việt Nam đầu tư xây dựng trại sản xuất giống thủy sản trên địa bàn xã Trung Giang, huyện Gio Linh, với công suất một tỉ con giống/năm. Đối với giống cá nước ngọt, hằng năm, các trại giống trong tỉnh không những bảo đảm trên 50 triệu con tôm giống P15, 100 triệu con cá bột, 3,5 triệu con cá hương; 4,5 triệu con cá giống khác cho các vùng nuôi cá trong tỉnh, mà còn xuất bán cho các tỉnh lân cận. Nhờ đó, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, trở thành nghề sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao trên địa bàn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong vùng, năm 2011, đạt 3.242 ha, trong đó diện tích nuôi tôm chiếm 1.100 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2011 đạt 9.900 tấn, tăng gần 8,18 lần so với năm 2002; riêng sản lượng tôm nuôi đạt 6.382 tấn, tăng 9 lần so với năm 2002.
Về đánh bắt hải sản, trước đây do tàu thuyền đánh cá của tỉnh phần lớn công suất nhỏ, hoạt động đánh bắt chủ yếu ở vùng ven bờ, nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, ngư trường dần cạn kiệt, đòi hỏi phải vươn ra khơi xa. Nhưng phần lớn ngư dân trong vùng còn nghèo, tích lũy từ khai thác thủy sản ít nên thiếu vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ. Thêm vào đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu và xăng dầu tăng cao làm cho việc đánh bắt hải sản ngày càng giảm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này, được khắc phục sau khi Sở NN và PTNT Quảng Trị phối hợp với chính quyền huyện, xã miền biển và vùng cát tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 289/QĐ-CP, và Quyết định số 965/QĐ-CP, ngày 21-7-2008, của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các bộ, ngành Trung ương về hỗ trợ cho ngư dân. Tính từ năm 2008 - 2011, tỉnh hỗ trợ trên 40 tỉ đồng, giúp ngư dân sửa chữa tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ, mua nhiên liệu duy trì và mở rộng việc đánh bắt hải sản. Hiện nay, đang thực hiện theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13-7-2010, của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cho ngư dân khai thác và dịch vụ trên các vùng biển xa một trạm thông tin liên lạc ở bờ và 51 máy ICOM trên các tàu của ngư dân có tích hợp định vị vệ tinh (GPS).
Cùng với việc hỗ trợ trực tiếp, những năm qua, tỉnh còn đầu tư xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng hỗ trợ cho nghề khai thác hải sản, như: Khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng với tổng kinh phí 40,924 tỉ đồng; cảng cá và Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cồn Cỏ (giai đoạn 2) với tổng kinh phí 333,906 tỉ đồng; Khu neo đậu trú bão tàu thuyền nghề cá Cửa Việt với tổng vốn trên 151 tỉ đồng… Tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hiện có 2.484 chiếc, với tổng công suất trên 51.547 CV; trong đó, tàu có công suất trên 90 CV là 113 chiếc, tăng 78 tàu so với năm 2002. Điều quan trọng nhất là bà con ngư dân trong vùng đã bắt đầu tổ chức đánh bắt hải sản theo tổ, đội, nhằm phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác cũng như tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đánh bắt được trên 15.063 tấn, tăng 1,25 lần so với năm 2002. Gio Linh là huyện tiêu biểu trong đánh bắt hải sản của tỉnh Quảng Trị, có gần 20 nghìn dân chuyên sống bằng nghề này. Những năm qua, huyện xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương nên luôn chú trọng đầu tư. Huyện phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, bám biển đánh bắt hải sản dài ngày. Hiện nay, huyện có gần 800 tàu, thuyền với tổng công suất trên 18.000 CV, chủ yếu trong đó là tàu đánh bắt hải sản trung bờ và xa bờ. Năm 2011, cả huyện đánh bắt được trên 9.399 tấn, trong đó xuất khẩu 3.000 tấn hải sản. Đời sống của bà con ngư dân trong huyện ngày càng được nâng cao.
Về sản xuất nông - lâm nghiệp, những năm qua các xã miền biển và vùng cát của Quảng Trị thực hiện tốt chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng mạnh các tiến bộ kỹ thuật, tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích,… Bà con nông dân trong vùng duy trì diện tích lúa, khoai lang ở những nơi có năng suất cao; chuyển những diện tích trồng lúa có năng suất thấp sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: lạc ớt, đậu xanh… có hiệu quả kinh tế cao hơn; đầu tư phát triển các loại rau màu, dưa lê, dưa hấu, brô, hành tỏi,…Một số bà con nông dân còn tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, trồng các loại rau, quả cao cấp có giá trị kinh tế cao, hình thành nên những mô hình như: trồng cây mướp đắng ở các xã Gio Mỹ, Gio Thành (Gio Linh); trồng rau chất lượng cao, trồng ớt xuất khẩu ở các xã miền biển của huyện Hải Lăng; mô hình trồng dưa non, dưa Tiểu Yến ở Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh… Đặc biệt, huyện Triệu Phong, địa phương có diện tích đất cát ven biển khá lớn (hơn 8.000 ha), đã tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế vùng cát, hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp về nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó nổi bật là mô hình làng sinh thái đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đến nay, huyện đã xây dựng được 11 làng sinh thái với gần 465 hộ, trong đó phần lớn là hộ nghèo. Các hộ nông dân trong làng thiết lập vành đai rừng phòng hộ; cải tạo gần 600 ha đất cát để trồng ngô nếp, lạc, dưa hấu, hành, ớt,…; đào kênh tiêu úng, đào ao nuôi cá; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình quân thu nhập của các hộ trong làng sinh thái đạt từ 20 - 30 triệu đồng/năm.
Chăn nuôi ở miền biển và vùng cát Quảng trị cũng phát triển khá mạnh. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng về số lượng và chất lượng. Đàn trâu tăng lên 5.358 con so với năm 2003; đàn bò và đàn lợn tuy ổn định về số lượng nhưng chất lượng được cải thiện nhiều thông qua công tác lai giống, nâng cấp chất lượng đàn nái và đực giống. Trang trại chăn nuôi phát triển khá mạnh, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm. Bà con nông dân còn tận dụng điều kiện thuận lợi về hệ sinh thái đất cát, diện tích rộng vừa phát triển chăn nuôi, vừa cải tạo đất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.
Rừng ven biển, những năm qua cũng được tỉnh đầu tư thông qua Chương trình trồng mới 5 triệu héc-ta rừng và Sự nghiệp kinh tế lâm nghiệp. Trung bình hằng năm cả vùng trồng từ 300 - 500 ha và trên 150 nghìn cây phân tán… Đến nay, các xã miền biển và vùng cát đã nâng được độ che phủ rừng, hệ thống đất cát ven biển được tỉnh tổ chức và khai thác có hiệu quả hơn, tình trạng cát bay, cát lấp ven biển cơ bản được giải quyết, nhiều vùng đất cát đã được cải tạo chuyển sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Công nghiệp và ngành nghề nông thôn trên địa bàn miền biển và vùng cát cũng có sự phát triển đáng kể. Dựa trên cơ sở Nghị quyết số 12b của Hội đồng nhân dân tỉnh về khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn, tỉnh đã hỗ trợ vốn cho các dự án phát triển công nghiệp và làng nghề ở miền biển và vùng cát như: xây dựng triền đà, nâng cấp cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Gio Việt, dệt săm lưới, sản xuất nước mắm, ruốc bột tại 2 xã Hải An và Hải Khê (Hải Lăng), xây dựng mô hình lò sấy hải sản tại Gio Việt, du nhập nghề mây, giang đan xuất khẩu tại xã Gio Mỹ… Ngoài ra, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều mô hình như: hấp sấy thủy hải sản ở Gio Việt (Gio Linh); chế biến dong riềng theo công nghệ đùn ép ở Vĩnh Kim (Vĩnh Linh); hỗ trợ cho các dự án: mở rộng cơ sở chế biến cá, ruốc xuất khẩu Nam Cửa Việt; quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp thị tứ Nam Cửa Việt… Đến nay, trên địa bàn đã và đang hình thành các cụm kinh tế miền biển và vùng cát như: Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Bồ Bản; Cụm công nghiệp Quán Ngang. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng các cụm tuyến dọc đường Cửa Việt - Cửa Tùng, đường Cửa Tùng - địa đạo Vịnh Mốc, quy hoạch khu du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ,… tạo động lực cho sự phát triển chung cả vùng.
Rõ ràng, hơn 10 năm qua, kinh tế miền biển và vùng cát của Quảng Trị đã có sự phát triển dần theo hướng bền vững: thủy sản phát triển tương đối đồng bộ; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực, phù hợp với hệ sinh thái vùng ven biển; kết cấu hạ tầng từng bước được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển nông nghiệp miền biển và vùng cát theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:
- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở miền biển, vùng cát phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao. Chế biến thủy sản có quy mô, công suất còn nhỏ lẻ. Vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn miền biển và vùng cát chưa có chuyển biến lớn trong tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi trong vùng.
- Chương trình đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ chưa được tiếp tục triển khai; Chương trình cải hoán, đóng mới tàu thuyền khai thác hải sản trung bờ (45 - 90CV) phát triển còn chậm.
- Việc hình thành các khu nuôi tôm công nghiệp theo quy hoạch triển khai chậm do không giải quyết được mặt bằng; chế biến xuất khẩu chưa có bước phát triển; việc tiêu thụ sản phẩm chưa được chú trọng...
Với quan điểm phát triển kinh tế nông nghiệp miền biển và vùng cát theo hướng bền vững, trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế của vùng miền, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, xây dựng các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, những năm tới tỉnh Quảng Trị tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ ngành thủy sản, cả đánh bắt, nuôi trồng gắn với chế biến và dịch vụ nghề biển; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với hệ sinh thái vùng ven biển, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh vùng đất cát ven biển theo mục tiêu phòng hộ kết hợp kinh tế. Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh thái vùng cát. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế (giao thông, cảng biển, cảng cá, cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông…) nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư cho vùng. Tuy nhiên, để kinh tế nông nghiệp miền biển và vùng cát phát triển theo hướng bền vững, vấn đề quan trọng nhất là các ban, bộ, ngành ở Trung ương cũng như các cấp, các ngành, các địa phương ở tỉnh Quảng Trị, cần tạo điều kiện cho người dân được vay vốn phát triển khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản cũng như các ngành nghề khác; có chính sách hỗ trợ nông, ngư dân gặp khó khăn hoặc bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… có vốn để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất./.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa  (29/08/2012)
Các địa phương triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4  (29/08/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên