TCCSĐT - Sáng ngày 17-8, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 124 năm ngày sinh cố chủ tịch Tôn Đức Thắng (1988-2012). Dự lễ kỷ niệm, có đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Lê Hoàng Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các đồng chí lãnh đạo của Thành ủy; lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, và các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Huy Cận - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng với các đại biểu ôn lại: Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, từ nhỏ, Tôn Đức Thắng đã chứng kiến sự hành hạ, đối xử bất công của chế độ thực dân xâm lược với đồng bào mình, trong ông đã sớm hình thành lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh quật khởi. Từ năm 1906, giữa cảnh nước nhà lầm than, người thanh niên Tôn Đức Thắng đã tham gia vận động lính thủy, học sinh, cùng với công nhân kiến trúc, cầu đường và nhà ở đấu tranh chống bọn chủ, cai ký cúp phạt, đánh đập vô lý vì đòi tăng lương. Năm 1912, anh thanh niên Tôn Đức Thắng bắt đầu bước chân vào sự nghiệp cách mạng với sự kiện đầu tiên là tham gia tổ chức cuộc bãi công của học sinh trường Bá Nghệ và công nhân Nhà máy sửa chữa tàu thủy Ba Son. Tháng 8-1925, Công hội do Tôn Đức Thắng đứng đầu đã tập hợp gần 600 hội viên tổ chức cuộc bãi công lớn, là bước ngoặt đầu tiên trong phong trào công nhân, lao động Việt Nam từ tự phát sang tự giác. Với những đóng góp to lớn của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy với non sông đất nước, về tinh thần anh dũng, bất khuất trước kẻ thù, về đức tính yêu thương, khiêm tốn, giản dị với đồng bào đồng chí, đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau nhiều bài học lớn, là niềm tự hào của Đảng và nhân dân ta.

Là nơi giai cấp công nhân ra đời từ rất sớm, Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi thành lập Công hội đầu tiên trong cả nước do chủ tịch Tôn Đức Thắng tổ chức. Để tỏ lòng tri ân, thành phố đã xây dựng một con đường mang tên Người; Tổ chức giải thưởng Tôn Đức Thắng dành cho giai cấp công nhân và người lao động. Ngoài ra, tổ chức công đoàn còn xây dựng một hệ thống trường từ trung cấp đến đại học mang tên của Tôn Đức Thắng.

Song song với hoạt động kỷ niệm, cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Lê Thanh Hải dẫn đầu đã tới dâng hoa, dâng hương và dự lễ cắt băng khai mạc triển lãm ảnh, với chủ đề “Nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1930 - 1935”./.