Tin khẩn cấp về cơn bão số 5

Thái Hà tổng hợp
23:21, ngày 16-08-2012
TCCSĐT - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 17-8-2012, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Hồi 13 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi dọc ven biển phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1 giờ ngày 18-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Quảng Ninh – Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km, đi vào khu vực vùng núi phía Bắc và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 ngày 18-8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 104,4 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả vùng biển vịnh Hạ Long) từ trưa 17-8, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng chiều tối và đêm mai có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh Bắc Bộ từ chiều và đêm mai có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

** Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, chiều 16-8, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp đối phó với bão số 5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần đặc biệt theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin kịp thời cho nhân dân biết để ứng phó phù hợp.

Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng cho biết: hiện tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía đông bắc. So với sáng nay, cường độ bão đã mạnh thêm 1 cấp, hiện mạnh cấp 11 - cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13 - cấp 14. Đêm 16 và sáng 17-8, bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc và mạnh thêm 1 cấp, trước khi đổ bộ vào phía đông của bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào trưa cùng ngày. Bão số 5 sẽ gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, thậm chí cấp 10 - cấp 11 và giật cấp 12 trên khu vực phía Đông Bắc vịnh Bắc bộ. Trên đất liền Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ có gió bão mạnh cấp 6 - cấp 7, giật cấp 8 - cấp 9.

Sau đó, bão số 5 đi men theo bờ biển tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), rồi đổ bộ vào khu vực biên giới thuộc địa phận Móng Cái (Quảng Ninh) với cường độ mạnh cấp 8, hoặc chỉ còn là áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-cấp 7. Khả năng chiều và tối 17-8, bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Sau khi đi vào địa phận hai tỉnh, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu và quét qua các tỉnh phía Đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Việt Bắc.

Do ảnh hưởng của bão số 5, một đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc bộ sẽ xuất hiện từ sáng 17-8 tại Hải Phòng và Quảng Ninh, sau đó bão mưa lan rộng tới Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ. Lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 -200 mm, có nơi mưa tới 300 mm. Đến sáng 19-8, hoàn lưu của bão sẽ đi khỏi địa phận nước ta và mưa sẽ chấm dứt. Do đó, các tỉnh miền núi phía Bắc cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, các tỉnh ven biển nằm trong vùng ảnh hưởng của bão tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (được xác định trong 24 giờ tới là khu vực bắc vĩ tuyến 18).

Đặc biệt là thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh phải triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân, tàu du lịch, tàu vận tải và lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Các tỉnh miền núi phía Bắc phải khẩn trương rà soát và có phương án sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ven sông suối và sạt lở đất đá ở các vách núi”. Đồng thời cắt cử người canh gác, không cho người dân qua lại các ngầm khi nước dâng cao.

*** Trước đó, sáng 16-8, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tiếp tục có Công điện số 03/CĐ-TW Về cơn bão số 5 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế; Các tỉnh miền núi phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên; Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai công tác ứng phó với bão số 5. Các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai phương án ứng phó với bão số 5.

Bộ Tổng Tham mưu đã có điện số 37, 176, 38 chỉ đạo các đơn vị Quân đội triển khai công tác sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khi bão đổ bộ vào. Bộ đội Biên phòng các tỉnh tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng thông báo, hướng dẫn cho 15.163 tàu với 74.838 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Công điện của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nêu rõ:

Hiện nay bão số 5 đang có hướng thay đổi so với ngày 15-8, hồi 7h ngày 16-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, bão có xu hướng di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Bắc. Dự kiến trưa và chiều tối ngày 17-8 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía Bắc vịnh Bắc bộ, gây mưa to đến rất to tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đây là cơn bão mạnh và còn có thể có diễn biến phức tạp, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương -Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố:

1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 32/CĐ-TW ngày 15-8-2012 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

2. Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên- Huế:

Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, thường xuyên giữ liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực bị ảnh hưởng của bão; Vùng nguy hiểm trong hai ngày tới được xác định là vùng biển phóa Bắc vĩ tuyến 20.

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng: quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh, có phương án di chuyển, bảo vệ các lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn.

3. Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc

- Rà soát cảnh báo đến từng địa bàn, các hộ dân ở vùng trũng thấp; sẵn sàng phương án và tổ chức sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá.

- Tổ chức cử người canh gác, hướng dẫn người dân tại các khu vực, các ngầm, đường qua suối, bến đò, những tuyến đường bị ngập để đảm bảo an toàn.

- Kiểm tra hồ đập, nhà cửa kho tàng và các công trình đang thi công; chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đúng quy trình.

4. Đối với các tỉnh đồng bằng Bác bộ: kiểm tra, rà soát và có phương án tiêu nước đệm để phòng mưa lớn gây ngập úng;

5. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có nhu cầu.

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Cùng với đó, điện của Bộ Tổng tham mưu gửi các Quân khu 1, 2, 3; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng yêu cầu các đơn vị chủ động làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 5 yêu cầu:

1. Bộ Tư lệnh Biên Phòng: tiếp tục chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành ven biển phối hợp với địa phương thông báo cho các chủ phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động phòng, tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm là khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Quản lý theo dõi tàu, thuyền, duy trì thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

2. Các Quân khu chỉ đạo các đơn vị duy trì trực ban nghiêm túc, theo dõi nắm chắc tình hình mưa lũ, có biện pháp bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại của đơn vị và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý các tình huống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.

3. Kiểm tra, rà soát kế hoạch, phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân sơ tán, tham gia cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ.

4. Thường xuyên báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn và Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng.

Đây là cơn bão mạnh và còn có thể có diễn biến phức tạp, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, vì vậy các tỉnh, thành cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ; triển khai kế hoạch phòng, tránh gió mạnh, lũ quét, lũ sông, ngập úng, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người, tài sản; sẵn sàng phương án và tổ chức sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ vở sông, suối đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá; chỉ đạo người dân và các tổ chức chủ động phòng, chống đề phòng mọi thiệt hại. Thực hiện nghiêm túc ca trực 24/24h để đảm bảo thông tin liên lạc, xử lý tình huống… nhằm hạn chế thấp nhất do cơn bão số 5 gây ra./.