Italia có lặp lại kịch bản của Tây Ban Nha?
Italia sẽ là nước tiếp theo yêu cầu EU cứu trợ?
Quả thật, sau khi nền kinh tế lớn thứ tư của Eurozone là Tây Ban Nha ngày 9-6 vừa qua đã buộc phải cầu viện cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Eurozone, các chuyên gia kinh tế quốc tế và Italia không khỏi thấp thỏm. Họ cho rằng trước sau gì, Italia - nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone, cũng sẽ phải tìm kiếm gói cứu trợ giống như Tây Ban Nha. Nhiều tờ báo chuyên ngành ở Italia cũng có chung tiên lượng xấu này. Nhật báo Tài chính Italia “Il Sole 24 Ore” cho rằng, thỏa thuận mà các bộ trưởng tài chính của Eurozone đạt được nhằm tái cơ cấu các ngân hàng đang điêu đứng trước cơn bão tài chính của Tây Ban Nha cho thấy, “ranh giới đẳng cấp” giữa Tây Ban Nha và Italia với nhóm các nước đang mắc nợ trầm trọng của EU đang dần bị xóa nhòa. Rõ ràng, đẳng cấp nền kinh tế lớn thứ tư của Eurozone cũng không giúp Tây Ban Nha tránh được kết cục phải xin cứu trợ. Và giờ đây, dường như nền kinh tế lớn thứ ba của Eurozone cũng không thể cưỡng nổi việc bị cuốn vào triền dốc mà Tây Ban Nha vừa rớt xuống. Nỗi sợ hãi này càng tăng thêm sau khi báo cáo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's (Mỹ) cảnh báo rằng, khủng hoảng trong ngành ngân hàng Tây Ban Nha sẽ là “nguồn lây bệnh chủ yếu” cho Italia, khi mà hệ thống ngân hàng tại “Đất nước hình chiếc ủng” cũng có chung một “triệu chứng” - quá dựa dẫm vào quỹ tài trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Nhật báo bán chạy hàng đầu Italia “Il Corriere della Sera” những ngày qua liên tục đưa ra nhận định: sau Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và giờ đây là Tây Ban Nha phải nhận gói cứu trợ, thì “chỉ còn Italia là nước duy nhất trong số các nền kinh tế bị khủng hoảng vẫn chưa đề xuất gói cứu trợ”. Tờ báo này cho rằng, nếu không có biện pháp nhằm ổn định các chi phí đi vay trên thị trường nợ đối với Italia và Tây Ban Nha, cũng như thiếu sự đồng thuận trong không gian EU và Eurozone về hệ thống ngân hàng, thì tình trạng bấp bênh sẽ ngày càng gia tăng và rủi ro đối với Italia là điều không tránh khỏi, khi các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tỏ ra thận trọng hơn bao giờ hết với nước này.
Tập đoàn tài chính - ngân hàng Citigroup của Mỹ còn mạnh dạn hơn khi khẳng định rằng, Italia chắc chắn sẽ là quốc gia “nối gót” Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha, trong tình hình u ám chung của nền kinh tế Eurozone.
Thực trạng nền kinh tế Italia
Nợ công của Italia hiện nay chiếm khoảng 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo các số liệu thống kê chính thức, GDP của Italia trong quý I-2012 đã giảm 0,8% và đây là mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 3 năm qua. Đánh giá tình hình kinh tế châu Âu và các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà Italia đã áp dụng đến nay, có thể thấy, nền kinh tế nước này sẽ vẫn tiếp tục phải “chắt bóp” đến hết năm 2013. Có thể nói, bức tranh kinh tế của Italia đã trở nên u ám hơn kể từ khi nền kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng trong nửa cuối năm 2011, và nhất là sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's hồi tháng 5-2012 hạ điểm tín nhiệm của 26 ngân hàng Italia, kể cả hai “ông lớn” là các ngân hàng UniCredit và Intesa Sanpaolo. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận ròng bị sụt giảm, các khoản cho vay khó đòi và các khoản dự trù nợ xấu gây khó khăn cho các ngân hàng này. Tiếp đó, báo cáo mà Moody's đưa ra hôm 11-6 vừa qua đã cảnh báo rằng, Tây Ban Nha và Italia rất có thể sẽ phải phụ thuộc vào sự cung cấp vốn của ECB sau khi gói cứu trợ tài chính cho các ngân hàng Tây Ban Nha được dàn xếp hôm 9-6. Cùng lúc, chương trình đầy tham vọng do cựu thành viên Hội đồng châu Âu (EC) Mario Monti đề xuất nhằm thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và cải cách cơ cấu cũng phải đối mặt với sự phản đối của dư luận, do một số biện pháp như tăng thuế bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, một điểm cộng cho nền kinh tế thứ ba Eurozone là từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hệ thống ngân hàng Italia đã chứng minh được “sự dẻo dai” của mình khi chưa từng một lần đề xuất gói cứu trợ nội địa hay nước ngoài và cũng sẽ không phải hứng chịu tình trạng bong bóng tài sản bị nổ tung giống như Tây Ban Nha. Đó là chưa kể vài tháng qua, một số ngân hàng lớn của nước này đã tiến hành tái cơ cấu vốn một cách thành công.
Đến nay, mặc dù niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường Italia khả quan hơn so với thị trường Tây Ban Nha, do chi phí vay mượn của Roma thấp hơn Madrit, song có vẻ như các nhà đầu tư tại thị trường Italia đang có xu hướng giống với các nhà đầu tư tại thị trường Tây Ban Nha. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italia đã tăng lên 5,745%, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha đạt mức 6,192%. Cũng giống như trường hợp đã xảy ra tại Tây Ban Nha, các ngân hàng Italia đã mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ nội địa trong vài tháng gần đây để bù đắp cho việc nhu cầu bên ngoài giảm mạnh, và đây chính là điểm yếu khiến các ngân hàng nước này dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng nợ công.
Một điều không khó nhận thấy, đó là sau khi EU và Eurozone dồn sức cứu Tây Ban Nha, nếu phải tung phao cứu trợ cho Italia, liệu rằng các định chế tài chính của EU và Eurozone có còn đủ sức?
Giải pháp nào cho Italia?
Có thể nói như ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Bruseels (Bỉ), rằng Italia sẽ phải tự cứu lấy mình nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Theo ông D. Gros, Italia đã có được thặng dư tài chính và các cuộc bán đấu giá trái phiếu của nước này đang diễn ra suôn sẻ, song dù thế nào “Roma vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”. Trong khi đó, chính những quan ngại về “nguy cơ lây lan dịch bệnh” đã khiến Thủ tướng Italia kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Mario Monti đã tích cực ủng hộ Tây Ban Nha. Nhiều nhà bình luận quốc tế cũng khẳng định vai trò chủ chốt của ông M. Monti trong các cuộc đàm phán dẫn tới tuyên bố cứu trợ cho các ngân hàng Tây Ban Nha. Phải chăng, những lo ngại mơ hồ rằng Italia đang đứng trước nguy cơ phải bật tín hiệu SOS và sẽ phải thực hiện kế hoạch chi tiêu khắc khổ như Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha, đã khiến Thủ tướng M. Monti nỗ lực giúp đỡ Tây Ban Nha giành được gói cứu trợ mà không phải thực thi các biện pháp khắc khổ như thế.
Gần đây, Thủ tướng Italia M. Monti, trong bài diễn văn đọc trước cuộc họp nội các Chính phủ nước này đã khẳng định, ông không lo lắng về vị thế của đất nước trên vũ đài và thị trường quốc tế. Rằng, Italia hiện có mức thâm hụt ngân sách nhà nước và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều nước EU khác; các ngân hàng “không bị phơi nhiễm” trước cuộc khủng hoảng ngân hàng đang đe dọa Tây Ban Nha. Lãi suất trái phiếu chính phủ cao của Italia không bắt nguồn từ những vấn đề bên trong Italia và có thể giảm nếu các nhà lãnh đạo EU chấp nhận “gói các biện pháp tăng trưởng đáng tin cậy” tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Tuy nhiên, giới chức Italia thấy rõ nguồn tiền của EU hay các tổ chức tài chính quốc tế không phải là vô hạn. Trước khi Tây Ban Nha yêu cầu cứu trợ, Thống đốc Ngân hàng Italia Ignazio Visco cũng khẳng định rằng, sự bế tắc chính trị ở Hy Lạp hay tình trạng điêu đứng của các ngân hàng Tây Ban Nha cho thấy nền kinh tế tại châu Âu sẽ lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều căng thẳng và “Italia cần hết sức thận trọng”. Không cách gì khác hơn, đúng như ông Thống đốc I. Visco nhấn mạnh, đó là Italia cần tiến hành cải cách, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhằm làm gia tăng niềm tin vào tiềm năng phát triển của đất nước cũng như tầm quan trọng của kỷ luật tài chính, “ngay cả khi Italia phải trả giá bằng một số khó khăn ngắn hạn”, ngay cả khi nước này sẽ phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”… chặt hơn nữa./.
Cái bắt tay lịch sử giữa Nữ hoàng Anh Elizabeth II và cựu tư lệnh Quân đội cộng hòa Ireland (IRA)  (28/06/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt Đoàn cán bộ chiến sỹ đã tham gia bảo vệ Thành Cổ tỉnh Quảng Trị năm 1972  (28/06/2012)
Công bố kết quả bầu cử tổng thống ở Ai cập  (28/06/2012)
Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt - Lào  (28/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay