Ngày 26-6, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2012 đã chính thức khai mạc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Sự kiện quan trọng này do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin - Truyền thông bảo trợ, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam phối hợp với các ngành liên quan tổ chức. Với chủ đề "CNTT - Hạ tầng của hạ tầng quốc gia", Vietnam ICT Summit 2012 hướng đến mục tiêu thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia bằng CNTT theo chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 13-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “ Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Vietnam ICT Summit 2012 góp phần quán triệt, nâng cao nhận thức về quan điểm mới của Đảng trong phát triển CNTT là bộ phận nền tảng của hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; trao đổi, thảo luận về tầm nhìn, chiến lược và các giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh; đề xuất, khuyến nghị với các cơ quan nhà nước, với cộng đồng doanh nghiệp các giải pháp phát triển và ứng dụng CNTT hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: CNTT là công cụ quan trọng để giúp tăng năng suất và hiệu quả lao động, đồng thời giảm chi phí trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-01-2012, về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó xác định: “Coi thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, từng lĩnh vực”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 8-6-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Chính phủ ban hành.

Phó Thủ tướng đề nghị những người đứng đầu các ngành, các địa phương tạo mọi điều kiện ứng dụng CNTT trong phát triển; từng bước xây dựng chương trình đào tạo chuẩn hóa năng lực cán bộ lãnh đạo các cấp ở một mức độ về CNTT. Bên cạnh đó, nghiên cứu mỗi một ngành cần có một tỷ lệ nhất định cán bộ phải có 2 bằng: bằng chuyên môn và bằng về CNTT. Theo đó, các trường đào tạo chuyên ngành cũng cần có khoa CNTT cho các lĩnh vực đào tạo của mình.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cấp bộ, cơ sở nghiên cứu việc hình thành các tổ chức chuyên trách để giúp xây dựng kế hoạch và triển khai hướng dẫn và hỗ trợ ứng dụng CNTT; ưu tiên khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư vấn và ứng dụng CNTT cho từng ngành; tôn vinh các cá nhân, tổ chức đóng góp xuất sắc cho sự phát triển CNTT. Mặt khác, xem xét chế độ kinh phí để ứng dụng CNTT trong từng ngành.

Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, với sự quyết tâm cao, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ngành, doanh nghiệp... cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức, các chuyên gia CNTT trong và ngoài nước trong việc ứng dụng nhanh, hiệu quả CNTT, Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết 16/NQ-CP sẽ nhanh chóng được đưa vào cuộc sống .

Trong phiên khai mạc, Phái viên của Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển có báo cáo chính với chủ đề “CNTT và hiện đại hóa đất nước”, trong đó nhận định: "Để phát triển và ứng dụng CNTT, cơ chế, chính sách giữ vai trò mở đường; người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến các địa phương và cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng chủ công”. Đồng thời, nhấn mạnh tầm nhìn mới về vai trò của CNTT: “ Là hạ tầng của hạ tầng, CNTT không chỉ có vai trò quan trọng hàng đầu trong khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội mà với khả năng giải quyết bài toán phát triển, CNTT còn góp phần quan trọng giải quyết các khâu đột phá về thể chế, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ sở cho việc nâng cao mức sống dân cư, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy công bằng xã hội và phòng chống tham nhũng.”

Trong khuôn khổ diễn đàn ngày 26-6 đã thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên đề tập trung vào các vấn đề bức xúc hiện nay trong hệ thống hạ tầng mà CNTT có thể giúp giải quyết gồm: Giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng CNTT; CNTT với đổi mới giáo dục - đào tạo; Phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam; Thẻ công dân điện tử. Đồng thời, thảo luận về chiến lược, các giải pháp từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm làm rõ vị trí, vai trò và cách thức phát huy CNTT trong đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mỗi lĩnh vực chuyên đề đều có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp. Các ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn sẽ được tổng hợp để đưa ra bản khuyến nghị chính thức với các cơ quan nhà nước, với cộng đồng các doanh nghiệp để góp phần triển khai thành công Nghị quyết 13-NQ/TW của Đảng cũng như Chương trình hành động của Chính phủ; giúp hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia bằng CNTT.

Ngày 27-6, Diễn đàn sẽ giới thiệu, trình diễn các giải pháp hiện đại hóa các ngành bằng CNTT./.