TCCSĐT - Với 39 phiếu thuận trong tổng số 43 thượng nghị sĩ tham dự, Thượng viện Paraguay ngày 22-6-2012 đã bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Fernando Lugo do "thiếu trách nhiệm trong việc thực thi chức trách". Ngay sau đó, Phó Tổng thống Federico Franco đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Paraguay, hoàn thành nốt nhiệm kỳ của ông F.Lugo kết thúc vào tháng 8-2013. Ông F.Franco thuộc Đảng Tự do cấp tiến đích thực (PLRA), lực lượng cách đây ít ngày đã rời bỏ liên minh cầm quyền và ủng hộ xét xử ông F.Lugo.
Ngày 24-6-2012, trong lần đầu tiên xuất hiện khá bất ngờ trước công chúng trong cuộc biểu tình trên đường phố tại thủ đô Asuncion, kể từ sau vụ Thượng viện Paraguay bãi miễn chức vụ tổng thống của mình, ông F.Lugo đã một lần nữa chỉ trích Quốc hội nước này tiến hành một "cuộc đảo chính", nhưng đồng thời cũng nói rằng, ông chấp nhận vì sự yên ổn và hòa bình cho đất nước. Ông F.Lugo nói rằng: "Không phải tôi bị phế truất mà là nền dân chủ bị phế truất và các nghị sĩ không tôn trọng ý chí của nhân dân". Ông nhận định vụ xét xử chính trị với ông là "không công bằng" và kêu gọi tiến hành biểu tình hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ này. Ông F.Lugo cho biết, ông sẽ tiếp tục hoạt động chính trị và không loại trừ khả năng ra tranh cử vào Thượng viện Paraguay trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Ông dự báo trong cuộc bầu cử ngày 21-4-2013, các lực lượng tiến bộ sẽ lặp lại chiến thắng đã giành được cách đây 4 năm.

Ông Fernando Lugo, một cựu giám mục Thiên chúa giáo theo đường lối cánh tả, nhậm chức Tổng thống Paraguay năm 2008, đặt dấu chấm hết cho 61 năm cầm quyền của phe cánh hữu bảo thủ. Nhiệm kỳ của ông F.Lugo kết thúc vào năm tới và theo hiến pháp tổng thống Paraguay không được tái tranh cử nhiệm kỳ liên tiếp. Tổng thống F.Lugo bị phế truất đúng một tuần sau khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát với nông dân tại một điền trang nằm cách thủ đô Asuncion khoảng 400 km về phía Tây Bắc, làm 17 người bị thiệt mạng và khoảng 80 người bị thương. Ngày 21-6, Hạ viện Paraguay đã thông qua quyết định đưa tổng thống ra xét xử chính trị vì không hoàn thành chức trách, đặc biệt là việc ông ủng hộ những người nông dân không ruộng đất chiếm trang trại của các điền chủ. Tổng thống F.Lugo đã không dự phiên xét xử. Trước đó, ông đã nộp đơn lên Tòa án tối cao đề nghị ngừng ngay lập tức vụ xét xử vì không có sự bảo đảm về hiến pháp cho bên bị hại.

Phiên xét xử chính trị này bị nhiều nhóm chính trị xã hội trong nước và chính phủ các nước láng giềng Nam Mỹ đánh giá là một cuộc đảo chính do các nhóm cánh hữu tiến hành chống lại nền dân chủ ở Paraguay. Ít phút trước khi Thượng viện Paraguay biểu quyết phế truất ông F.Lugo, các ngoại trưởng Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), có mặt tại Paraguay để bảo đảm vụ xét xử diễn ra công bằng và đúng luật, đã ra tuyên bố khẳng định phiên xét xử không tôn trọng quy trình, không tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo và không có bằng chứng buộc tội Tổng thống F.Lugo. Hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống F.Lugo đã tụ tập tại quảng trường bên ngoài tòa nhà Quốc hội để phản đối quyết định phế truất ông. Đụng độ đã xảy ra, lực lượng cảnh sát Paraguay phải bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán những người biểu tình. Những người ủng hộ Tổng thống F.Lugo cho biết, sẽ tiến hành cuộc xét xử của quần chúng chống lại Thượng viện do phe đối lập kiểm soát.

Trong khi đó, Tổng thống lâm thời mới nhậm chức F.Franco lại cho rằng, việc chuyển giao quyền lực là phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Paraguay. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông F.Franco nói sẽ cố gắng thể hiện cam kết rõ ràng đối với nền dân chủ. Ông F.Franco thừa nhận tình hình hiện nay đáng lo ngại và "có những vấn đề" đối với cộng đồng quốc tế, nhưng cho rằng, Paraguay vẫn yên ổn, không có bất cứ cuộc biểu tình rầm rộ nào. Ông F.Franco cho biết sẽ liên lạc với các quốc gia láng giềng và tin tưởng họ sẽ "thấu hiểu" tình hình ở Paraguay.

Ngay sau khi Tổng thống F.Lugo bị phế truất một loạt các nước Mỹ Latinh, các nước trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã lên án diễn biến chính trị tại Paraguay, cho đây là một cuộc đảo chính.

Ngày 24-6-2012, MERCOSUR đã ra tuyên bố cấm tổng thống mới của Paraguay F.Franco tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến tổ chức trong tuần tới tại thành phố Mendoza của Argentina. Trong tuyên bố, MERCOSUR cực lực lên án việc trật tự dân chủ đã bị phá vỡ do quyền bào chữa không được bảo đảm trong vụ xét xử chính trị Tổng thống F.Lugo hôm 22-6. Tuyên bố nêu rõ tổng thống mới của Paraguay sẽ không được tham gia cuộc họp của Hội đồng thị trường chung và Hội nghị thượng đỉnh của MERCOSUR cũng như các cuộc họp chuẩn bị cho các hội nghị này diễn ra từ ngày 25 đến 29-6 tại Argentina. Văn bản trên cũng cho biết, các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị sẽ xem xét đưa ra các biện pháp tiếp theo đối với Asuncion. Tuyên bố trên do các nước thành viên chính thức và thành viên liên kết của MERCOSUR gồm Argentina, Brazil, Uruguay, Venezuela, Bolivia, Chile, Ecuador và Peru đưa ra căn cứ vào Nghị định thư Ushuaia về cam kết dân chủ tại MERCOSUR, được ký ngày 24-7-1998, theo đó tôn trọng các thể chế dân chủ là điều kiện cốt yếu để phát triển hội nhập tại khu vực.

Trong khi đó, UNASUR cũng cho biết, tổ chức này sẽ nhóm họp tại Lima, Peru, trong mấy ngày tới nhằm thảo luận tình hình tại Paraguay, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của UNASUR. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Paraguay bị phế truất F.Lugo cho biết, ông đã liên lạc với Tổng thống Peru Ollanta Humala nhằm sớm chuyển giao chức Chủ tịch UNASUR cho Peru trong tuần tới.

Chiều 26-6, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã ra thông báo triệu tập một cuộc họp bất thường lần thứ hai để bàn về tình hình Paraguay. Trong một thông cáo trước đó, tổ chức này cho biết cuộc họp này nhằm thảo luận những diễn biến chính trị tại Paraguay trong vài ngày qua, và trong trường hợp cần thiết, OAS sẽ đưa ra mọi quyết định trong khuôn khổ Hội đồng thường trực OAS. Các thành viên OAS yêu cầu Quốc hội Paraguay phải xét xử đúng luật, bao gồm việc tôn trọng quyền bào chữa của ông F.Lugo.

Phản ứng trước hành động của Thượng viện Paraguay bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống F.Lugo do "thiếu trách nhiệm trong việc thực thi chức trách", trong số 12 nước Nam Mỹ là thành viên UNASUR, đã có 8 nước triệu hồi đại sứ tại Paraguay là Argentina, Brazil, Urugoay, Venezuela, Chile, Columbia, Peru và Ecuador. Báo chí các nước Mỹ Latinh trong những ngày qua đều có các bài viết trên trang nhất lên án hành động bỏ phiếu bãi miễn Tổng thống F.Lugo của Thượng viện Paraguay, coi đây là "cuộc đảo chính" trá hình.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Paraguay, Bộ Ngoại giao Cuba cũng ra tuyên bố lên án việc Thượng viện Paraguay bỏ phiếu bãi miễn Tổng thống hợp hiến F.Lugo. Tuyên bố nêu rõ: Đây là những hành động nhằm kìm chế các quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển và sự hội nhập Mỹ Latinh và Caribe. Chính phủ Cuba sẽ không thừa nhận bất kỳ chính thể nào không thông qua bầu cử hợp pháp và thiếu tôn trọng chủ quyền của nhân dân Paraguay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 25-6 cũng cho biết, Washington theo dõi chặt chẽ những gì diễn ra tại Paraguay và "khá lo ngại" trước việc vụ xét xử chính trị đối với Tổng thống F.Lugo tại Quốc hội nước này diễn ra một cách vội vã. Bà cho biết, Washington tiếp tục tham khảo với các nước thành viên khác trong OAS để có phản ứng chung trước tình hình tại Paraguay. Theo bà V.Nulen, Mỹ chưa kết luận những gì diễn ra tại Paraguay là một cuộc đảo chính và cũng chưa quyết định có rút đại sứ tại Asuncion hay không. Washington giữ thái độ thận trọng hơn đối với Paraguay so với các quốc gia khác trong OAS./.