TCCS - Tự phê bình và phê bình không chỉ là nhu cầu mà còn là quy luật, là động lực để xây dựng và phát triển không ngừng Đảng ta suốt 82 năm qua.

Gần đây nhất, hơn 12 năm trước, Đảng ta chỉ rõ: “Tiến hành tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đến cơ sở, là khâu đột phá và là biện pháp có ý nghĩa then chốt bảo đảm cho các giải pháp khác thắng lợi”(1). Và, mới đây, tháng 1-2012, để giải quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định điều này.

Nhưng, vì sao công tác xây dựng Đảng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn? Thực tiễn cho thấy, sự non yếu của nhiều tổ chức, sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của Đảng một phần rất quan trọng là, nhiều nơi đã xa rời, hạ thấp, bóp méo, làm trái, thậm chí không ít người vô hiệu hóa, biến tự phê bình và phê bình thành phản tự phê bình và phản phê bình.

I - Thế nào là phản tự phê bình và phản phê bình?

V.I. Lê-nin coi vũ khí tự phê bình và phê bình là “thanh bảo kiếm tự nó chữa lành vết thương” trên cơ thể Đảng. Nhưng bị không ít nơi, không ít người coi nhẹ, thậm chí vứt bỏ hoặc rắp tâm dùng thanh bảo kiếm đó phá nát tổ chức, mưu lợi cho mình.

1 - Về phản tự phê bình

Vẫn không ít cán bộ, đảng viên còn quan niệm một cách phiến diện, lệch lạc rằng, tự phê bình hoặc là chỉ nói cái tốt, cái ưu điểm của mình hoặc là chỉ nói cái xấu, khuyết điểm của mình. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tự phê bình là nêu ưu điểm của mình; là hành động tự bản thân nhận thức, tự nhìn thấy ưu điểm của mình để phát huy, thật thà nhận lỗi và đề ra biện pháp sửa chữa khuyết điểm để  ngày càng tiến bộ.

Do đó, phản tự phê bình là thủ đoạn biến tự phê bình thành thứ ngược với nó và xuyên tạc nó trên thực tế nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân.

Đó là cách dùng tự phê bình để tự khẳng định vô lối mình, để tự đánh bóng, tâng bốc mình một cách không hổ thẹn. Bằng cách tự phê bình đã biến khuyết điểm thành ưu điểm, theo kiểu tung hỏa mù, “mèo khen mèo dài đuôi”, rao giảng đạo lý suông... Đó là thói ngạo mạn vô lối.

Đó cũng là cách dùng tự phê bình cốt là để tự tạo vỏ bọc mỹ miều cho mình một cách giả hiệu. Họ sẵn sàng “nhân danh” chức vụ này, tư cách kia, thậm chí đem cả cái gọi là “nhân cách”, “danh dự” của mình để “đánh cược” cho những điều họ tự tô vẽ về mình và họ tìm cách chối bỏ, giấu giếm khuyết điểm, ém nhẹm tội lỗi của mình, lên mặt đạo đức giả. Đặc biệt, cách đó núp sau chiêu bài “cầu thị”, “nhân bản”, “vì Đảng, vì nước, vì dân”... thì càng tỏ ra hiệu nghiệm. Thủ đoạn này đã lừa dối, đe nạt được không ít người. Đó là thói đạo đức giả. 

Đó còn là cách lợi dụng sự tự phê bình của đồng chí mình như một cái cớ, một nguyên nhân để trả thù, triệt hạ nhau, theo kiểu “đặt bẫy giật giàm”, “bưng mắt bắt chim”, thậm chí là “vu oan giá họa”, “ngậm máu phun người”, “giăng câu bắt cá”, “gắp lửa bỏ tay người”... chờ thời hạ nhục,  “hất cẳng” đồng chí mình. Đó là sự thất nhân tâm.

2 - Về phản phê bình

Hiện nay, không ít cán bộ, đảng viên vẫn quan niệm rằng, phê bình là vạch cái sai của người khác, là đấu tranh không khoan nhượng với đồng chí mình...(!). Đó là quan niệm sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình; là giúp đồng chí thấy các điểm mạnh để phát huy, thấy điểm yếu để sửa chữa và thấy trách nhiệm của mình hỗ trợ đồng chí quyết tâm sửa chữa.

Do đó, phản phê bình là làm cho phê bình bị biến dạng, thậm chí làm cho nó không còn là nó nữa nhằm phục vụ những mưu đồ cá nhân. Nói xác đáng, đó là hành động bóp nghẹt dân chủ, thủ tiêu phê bình, trong đời sống và hoạt động của Đảng.

Trước hết là cách phê để mà phê, phê để làm phép. Người ta thực hiện cái gọi là phê bình: phê chung chung, phê mà như chẳng phê ai giống lối “bắn súng lên trời”, phê chiếu lệ, đại khái. Nói như cách nói của nhân dân, đó là kiểu “phê bình một chiều”, “hò voi nhưng bắn súng sậy”, nghĩa là chẳng trúng vào ai và tất nhiên, “chẳng chết ai”. Thực chất, đó là cách vô hiệu hóa phê bình rất tinh vi. Đó là thói thờ ơ, lãnh cảm lương tri, vô trách nhiệm.

Thứ hai là cách phê để nịnh, phê để khen nhau và tâng bốc nhau. Một trong những nét của phê bình là nêu cái hay, cái tốt của đồng chí mình một cách đúng đắn và chân thực nhưng người ta lại cố tình phóng đại, bơm thổi những cái hay, cái tốt ấy như kiểu bon chen danh tiếng, “biến con kiến thành con voi”, cốt để phỉnh nịnh nhau, vuốt ve mơn trớn nhau (và nhằm răn dạy, hăm dọa người khác), qua đó để tự đánh bóng mình, tâng bốc nhau, nhằm tạo ra cái gọi là uy tín của mình, củng cố cánh hẩu của mình. Thực chất, đó là sự tước bỏ sức mạnh của vũ khí phê bình, biến nó thành “con dao hai lưỡi” đầy giả trá và nguy hiểm. Kỳ thực, có thể được lòng một người nhưng phá tan cả tổ chức! Đó là thói cơ hội.

Thứ ba là cách phê bình để hạ nhục, xỉ vả nhau, thậm chí là để vu khống, dựng chuyện để bôi nhọ, loại trừ đồng chí mình. Đây là hành động thấp hèn, nếu không nói là phi nhân tính. Đó là cách biến phê bình thành hành động bới móc, sỉ nhục nhau. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”, “mỉa mai, bới móc, báo thù” nhau. Nguy hiểm hơn là, biến các thủ đoạn này thành đòn hội chợ, dưới cái gọi là “tập thể” theo kiểu vào hùa xỉ vả, bới móc nhau... tiến đến cấu kết theo kiểu “phe nhóm”, “hội đồng” hạ bệ đồng chí mình, loại trừ đồng chí mình. Đó là sự thất đức, mất tính đảng.

Sau hết, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là hành động “sợ phê bình”, “dìm phê bình và phớt phê bình”, “trù dập phê bình”. V.I. Lê-nin nói: Không có gì tệ hại hơn là những người giả vờ điếc để không muốn nghe. Sợ và phớt phê bình tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn, tự túc, “mèo khen mèo dài đuôi”. Dìm và trù dập phê bình là sự coi thường, khinh rẻ người khác, là thói đạo đức giả, thất nhân tâmtrái với dân chủ

3 - Mấy nguyên do và tác hại

Dù xét dưới bất cứ góc độ nào, phản tự phê bình và phản phê bình trước hết là hai chiếc giày của một đôi giày,đứa con sinh đôi của hoặc của chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa thực dụng và hoặc với chủ nghĩa cơ hội. Chúng đối lập với tự phê bình và phê bình chân chính.

Chủ nghĩa cá nhân là lợi mình hại người, chính là “kẻ thù bên trong”, “là giặc nội xâm”. Phản tự phê bình và phản phê bình được dung dưỡng trên cơ sở đem đối lập cá nhân riêng lẻ với tập thể, với xã hội; và vì lợi ích vị kỷ của một cá nhân (một nhóm người) sẵn sàng chà đạp lợi ích chung.

Là con đẻ của chủ nghĩa thực dụng vì họ chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích trước mắt cho họ mà không quan tâm đến những mặt khác, người khác; họ hành động bất chấp quy luật, bất chấp cả đạo lý và chân lý. Nói cụ thể, họ sẵn sàng chà đạp lên nguyên tắc, lên lợi ích chung của Đảng cốt mưu chiếm lấy lợi ích cho mình, cho phe nhóm mình.

Là con đẻ của chủ nghĩa cơ hội vì họ chủ trương lợi dụng các kẽ hở của kỷ luật đảng, của pháp luật nhà nước, lạm dụng lòng tốt của đồng chí mình nhằm mưu đoạt lấy những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm ấy đúng hay sai. Họ đã hành động một cách thất nhân tâm, phi đạo lý và phi tính đảng.

Có thể tình trạng trên bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nữa. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc “vì tự ái, vì thói quen, vì nể nang” hoặc “vì mắc bệnh mệnh lệnh, quan liêu”... Nhưng, tất cả những điều đó đều gây ra hậu quả cực kỳ tai hại: Bầu không khí trong nội bộ Đảng nặng nề, trầm uất, căng thẳng; tinh thần đoàn kết thống nhất bị phá vỡ, tạo nên tình trạng phân lập, bè cánh... trong Đảng, làm cho đảng viên mất sức chiến đấu, không chết “cũng la lết quả dưa”. Điều nghiêm trọng là, những nhân tố tốt bị cô lập, bị bao vây và bị vô hiệu hóa; cái xấu ngóc đầu dậy lũng đoạn, lộng hành. Và cuối cùng, khi những điều tệ hại đó trở thành phổ biến, thì “Đảng sẽ xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ”, như Hồ Chí Minh nhắc nhở. Đảng sẽ bị phân liệt về tư tưởng và tổ chức, và như thế, là rất nguy hiểm. Đó là một nguy cơ đối với Đảng.

II - Chống phản tự phê bình và phản phê bình, nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, trước hết và sau cùng, phải gắn chặt với kiên quyết chống phản tự phê bình và phản phê bình. Có thể nói, đây là sự đột phá của khâu đột phá, là một trong những bước then chốt của công tác then chốt xây dựng Đảng, “là cách tốt nhất để góp phần củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. 

1 - Nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tự phê bình và phê bình

Tự phê bình và phê bình vừa là một nhu cầu vừa là một đạo lý và vừa là một quy luật trong đời sống và sự vận động, phát triển của Đảng nói chung, của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng.

Về nhu cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”(2). Người nói tiếp: “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí ”(3).

Song, tự mình soi mình vẫn chưa đủ và không bao giờ đủ, mà phải nhờ đồng chí góp ý, chỉ ra giúp không chỉ những khuyết điểm mà cả những ưu điểm, cái hay, cái tốt của mình. Đó là một nét đẹp của đạo lý Việt Nam. “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm...; là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ... Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ”(4). Đó là điều thiêng liêng, cao cả của  mỗi đảng viên và của toàn Đảng.

Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, bổ trợ nhau nhằm bảo vệ tinh thần đồng chí, giúp đỡ, học tập lẫn nhau, phát huy cái tốt, loại trừ cái xấu, xây dựng đồng chí, xây dựng tổ chức. Đó là một quy luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình(5).

Vì vậy, mục đích của tự phê bình và phê bình là để giúp nhau cùng tiến bộ, phát triển; là để thống nhất ý chí và hành động, đoàn kết gắn bó trong tổ chức; là để khi tiến lên Đảng ta tuy nghìn người nhưng ý chí đồng tâm như một người. Nghĩa là, “trị bệnh cứu người”, “đoàn kết chặt chẽ”, “cốt lợi cho công việc chung”. Do đó, phải có động cơ đúng, vượt lên trên quan hệ cá nhân để vì đội ngũ trưởng thành, vì tổ chức vững mạnh; phải có tình thương yêu đồng chí với nhau, vui cái vui của đồng chí, sẻ chia những lỗi lầm của đồng đội và lấy đó làm bài học cho chính mình. Không thể có được tự phê bình và phê bình đúng đắn và hiệu quả khi lấy “chủ nghĩa cá nhân chống chủ nghĩa cá nhân”, “chủ nghĩa thực dụng chống chủ nghĩa thực dụng”, “chủ nghĩa cơ hội chống chủ nghĩa cơ hội”...

 2 - Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy văn minh trong tự phê bình và phê bình

Với mục đích là “cốt lợi cho công việc chung”, trong tự phê bình và phê bình, phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Điều đó không hề đối lập hoặc ngăn cản việc “nói hết, không giấu giếm chút gì” và “thật thà tự phê bình và phê bình”, nhưng lại không dung thứ thói tầm phào, ba hoa, dựng chuyện, đưa ra những thông tin mập mờ đe dọa đồng chí, hòng ngăn chặn, đánh lạc hướng phê bình, góp ý của đồng chí đối với mình, đối với tổ chức. Nghĩa là, trong phê bình, một mặt cần “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”, bảo đảm sự bình đẳng, tính đúng đắn, trách nhiệm của ý kiến; mặt khác, phải giữ uy tín, danh dự cho đồng chí, đặc biệt trước những vấn đề tập thể, cơ quan có thẩm quyền chưa rõ hay chưa có kết luận cuối cùng. Đó là thước đo sự chín muồi về nhân cách, sự trưởng thành về chính trị và sự tinh tế trong các mối quan hệ của mỗi người đối với nhau và giữ vững nguyên tắc đối với tổ chức.

Hơn nữa, đây là một nội dung thực hiện đầy đủ dân chủ trong Đảng. Vì, “không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”. Nhưng phê bình theo kiểu gia trưởng, “khoanh vùng”, “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, “trên nhẹ, dưới nặng” hoặc tùy tiện phát ngôn ra ngoài tổ chức theo ý riêng, “họp hành không nói, ra ngoài xoi mói”, “mỉa mai, chua cay, đâm thọc”, “nói gàn”, “nói một chiều” lại là “trái với dân chủ và rất có hại”. Vì vậy, trong tự phê bình và phê bình, một mặt đòi hỏi phải trung thực, thẳng thắn, vô tư, khoan dung và công bằng nhưng mặt khác cần biết tôn trọng, tin cậy nhau, lắng nghe, chờ đợi nhau. Không như thế thì không thể bình  tĩnh tiếp thu, không có thời gian gạn lọc đúng sai, không thể thành tâm điều chỉnh và không thể định rõ và đúng hướng sửa chữa khuyết điểm, sai lầm của mình và sửa chữa hạn chế, khiếm khuyết cho nhau.   

Trong quan hệ cá nhân với tổ chức, càng không thể chấp nhận lối mượn cớ phê bình, bảo lưu ý kiến để phát tán, loan truyền quan điểm riêng, lôi kéo thậm chí đe doạ, ép buộc người khác đồng thuận với những tư tưởng, hành động sai trái của mình hòng chia rẽ nội bộ, gây rối tổ chức. Càng không thể chấp nhận lối “phê bình ngoài tổ chức”, “chọc gậy khoắng nước”, “tung hỏa mù”, đặt cá nhân lên trên tổ chức, vin vào một vài khuyết điểm nào đó rồi “thổi phồng, bóp bẹp”, “cả vú lấp miệng em”, “nói lấy được”, bôi nhọ, phủ nhận, gây ảnh hưởng xấu cho tổ chức, gieo mối hoài nghi trong nội bộ, gây bè kết cánh, chia rẽ hàng ngũ của Đảng, làm cho “địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”. Trái lại, “nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Nếu phê bình đúng, thì công khai thừa nhận và sửa chữa”, tức là “phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực”, “phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên “thậm thì thậm thụt”, “viết thư giấu tên”… 

Do đó, vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cấp ủy các cấp đặc biệt quan trọng trong việc thực thi tự phê bình và phê bình theo nguyên tắc tập trung dân chủ. “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung”(6); vì chỉ “khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý ”(7).

3 - Người đứng đầu nêu gương, cấp trên làm trước; tập thể cấp ủy đoàn kết có nguyên tắc; đảng viên cầu thị tiến bộ và thương yêu nhau

Không làm tốt điều đó, công việc tự phê bình và phê bình không thể thành công. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo. Và, hơn ai hết, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao..., đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.... Các đồng chí ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Phải làm thật nghiêm chỉnh điều đó. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý  liên hệ, kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác, như Đảng ta yêu cầu. “Nhất là cán bộ cao cấp, phải làm đầu tàu, làm gương mẫu, giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ”, “phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng noi theo”(8).

Chỉ có đoàn kết thống nhất trên dưới, cấp trên nêu gương, mẫu mực, cấp dưới tôn trọng và tin cậy, đồng chí thương yêu lẫn nhau, trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc, có lộ trình, bước đi phù hợp, thì mới tẩy trừ được những tệ phản tự phê bình và phản phê bình, công việc tự phê bình và phê bình mới thành công, mỗi người và tổ chức mới tiến bộ.

4 - Giữ gìn chặt chẽ kỷ cương, thực thi kỷ luật một cách chắc chắn, công minh, chính xác, kịp thời

Không có dân chủ đầy đủ, nếu thiếu kỷ cương chặt chẽ. Không có tự phê bình và phê bình chân chính, nếu thiếu kỷ luật nghiêm khắc. Đó là bài học quan trọng, là khâu mấu chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Trong tự phê bình và phê bình, cùng với việc không ngừng mở rộng dân chủ phải gìn giữ kỷ cương, tăng cường kỷ luật. “Không nên phê bình lấy lệ”, “tuyệt đối không nên có mỉa mai, bới móc, báo thù”, “phê bình lung tung không chịu trách nhiệm”; “lợi dụng phê bình” để nói xấu, để công kích, để chửi rủa... Nhưng nếu “dìm phê bình và phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ, và rất có hại”, do thế “quyết không được “phớt” lờ phê bình và “trù” người phê bình”... Những hành động như thế, “cần phải chấm dứt”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy. Ai làm trái điều đó, phải bị kỷ luật một cách công minh, chính xác, công bằng, kịp thời và thích đáng.

Trước mắt, làm tốt việc kiểm điểm để có căn cứ xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên; gắn chặt phê bình với xử lý. Theo đó, những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, của Đảng chỉ rõ. Nếu đảng viên vi phạm kỷ luật, Điều lệ Đảng chưa đủ để xử lý những vi phạm đó thì phải xử họ theo pháp luật. Cho nên, một mặt cần huy động sự giám sát của nhân dân; mặt khác, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, không chỉ ở nơi công tác, đi công tác nước ngoài, nơi cư trú mà cả các mối quan hệ khác. Chúng ta làm một cách kiên trì, toàn diện và đồng bộ, không “bắt cóc bỏ đĩa”, “đánh trống bỏ dùi”, “nặng dưới, nhẹ trên” hay theo kiểu “mang thúng úp voi”, “đánh rắn giữa khúc”; không cực đoan, nóng vội hay không trì trệ, hình thức…

Tất cả các việc trên nếu làm “được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ khỏe vô cùng”(9), “ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”(10).

Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Do đó, dĩ nhiên không thể dung thứ với các hành động phản tự phê bình và phản phê bình -  phi đạo đức, phi văn minh. Vì, “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”(11). Và, vì: Toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân..., như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi.

Đó chính là mệnh lệnh, lẽ sống còn của Đảng; là đòi hỏi,nguyện vọng, là yêu cầu của nhân dân đối với Đảng ta - “đứa con  nòi” của mình - hiện nay./.

--------------------------------------------------

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ  sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 56

(2), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 6, tr. 211, 242, 241

(6), (9), (10) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 505, 239, 265

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 216

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 94

(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 45, 141