Sáng 26-6, tại Thành phố Đà Nẵng, Hội thảo về “Mối liên hệ văn minh Chăm giữa Việt Nam và Ấn Độ” do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR) và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) tổ chức đã chính thức khai mạc.

Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Việt Nam- Hoàng Tuấn Anh; ông Ranjit Rae- Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Giáo sư Suresh Kumar Goel- Thứ trưởng, Giám đốc Hội đồng Giao lưu văn hóa Ấn Độ; ông Võ Duy Khương- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo các học giả, các chuyên gia về văn hóa Chăm của Ấn Độ, Việt Nam và quốc tế…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ông Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Người Chăm là một dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, người Chăm đã để lại một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, một trong số đó là những đền tháp hiện còn nằm rải rác tại các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam mà tiêu biểu là khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội cổ truyền với những giá trị xã hội to lớn và các di tích khảo cổ tại các tỉnh miền Trung được phát hiện đã chứng minh một nền văn hóa thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo, có nhiều yếu tố ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ, tiêu biểu như lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng và tôn giáo.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng; các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn dày công vun đắp để mối quan hệ ngày thêm sâu sắc và đơm hoa, kết trái. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của hai nước càng góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó đã được thử thách qua thời gian, góp phần cùng tăng cường hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở mỗi nước cũng như khu vực và trên thế giới.

“Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ, cùng với chương trình trao đổi văn hoá giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Ấn Độ giai đoạn 2011-2014 đã được ký trong năm 2011 càng thể hiện hơn sự quan tâm đặc biệt những thành quả mà lãnh đạo và nhân dân hai nước đã quyết tâm thực hiện. Riêng lần này, Hội thảo “Mối liên hệ văn minh Chăm giữa Việt Nam và Ấn Độ” sẽ là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trao đổi, phản biện, cung cấp thêm những tư liệu quý giá để chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa của người Chăm trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ”- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Sau phát biểu khai mạc, ông Ranjit Rae- Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam và Giáo sư Suresh Kumar Goel- Thứ trưởng, Giám đốc Hội đồng Giao lưu văn hóa Ấn Độ đã có bài phát biểu chào mừng và khẳng định: Cũng như các khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ khác ở Đông Nam Á, ngay từ đầu Công nguyên, trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung của Việt Nam đã xuất hiện một số tiểu quốc của người Chăm. Từ những dấu tích của người Chăm thời kỳ này để lại cho thấy sự hiểu biết về văn minh Ấn Độ đương đại, đồng thời thể hiện mối quan hệ văn hóa và giao thương gần gũi cũng như sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua vương quốc Chăm.

Để tăng cường mối quan hệ hợp tác và góp phần mở rộng giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ với các nước khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thông qua người Chăm và văn hóa Chăm, ông Ranjit Rae- Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: Chính phủ Ấn Độ đã quyết định hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo tồn và tu bổ khu di sản thế giới văn minh Chăm được UNESCO công nhận tại Mỹ Sơn với khoản tài trợ trị giá 3 triệu đô la Mỹ. Dự án sẽ do Viện Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ (ASI), cơ quan đã rất thành công trong việc tu bổ Angkor Wat, Ta Prhom tại Campuchia và Wat Phu tại Lào thực hiện. Ngoài ra, sắp tới Ấn Độ cũng xem xét mở các chuyến bay đến miền Trung Việt Nam nhằm tạo thêm cơ hội cho du khách đến tham quan, tìm hiểu về các di tích Chăm tại Việt Nam, nhất là khu Di tích Mỹ Sơn.

Theo chương trình Hội thảo, trong thời gian 02 ngày (26 và 27-6), các đại biểu tham dự sẽ trình bày các tham luận về Điêu khắc Chăm: Khám phá những liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ; Đền tháp Chăm: Mối liên hệ mang tính kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ; Các di sản văn hóa phi vật thể Chămpa (di sản tiếng Phạn và chữ Chăm của Chămpa cổ đại; Sự tiếp biến văn hóa Việt – Chăm); Chia sẻ kinh nghiệm về trùng tu, quản lý di sản từ các di sản: Mỹ Sơn, Angkor Wat, Ta Prohm, Wat Phu và các di sản thế giới của Ấn Độ.

Dịp này, các đại biểu cũng sẽ đến tham quan, nghe Ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn báo cáo hoạt động tôn tạo, trùng tu, quản lý di sản này.

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Hội thảo hy vọng, Hội thảo sẽ tạo cơ hội khám phá, nghiên cứu nhiều khía cạnh khác nhau trong mối giao lưu văn hóa đa chiều giữa Việt Nam- Ấn Độ và thảo ra chiều hướng hợp tác tương lai. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hai bên và các học giả quan tâm chia sẻ những kinh nghiệm về bảo tồn, tu bổ và quản lý khu thánh địa Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới cũng như nhiều khu di sản khác tại Ấn Độ và Đông Nam Á./.