Những chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Nga V.Putin định hướng chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong những năm tới
18:05, ngày 13-06-2012
TCCSĐT - Từ ngày 31-5-2012 đến ngày 7-6-2012, tân Tổng thống Nga V.Putin thực hiện chuyến thăm nước ngoài liên tiếp tới nhiều nước để định hình chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong nhiệm kỳ 3 của ông tại Điện Cremli nhằm hướng tới xây dựng một không gian kinh tế thống nhất trên lục địa Á-Âu, hoặc Liên minh Á-Âu, mà theo ông sẽ định hình cho tương lai phát triển của các quốc gia trên 2 lục địa quan trọng này của thế giới trong thế kỷ XXI.
Cũng như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên thường có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì nó chứng tỏ định hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại của quốc gia trong nhiệm kỳ tới. Tổng thống Nga V.Putin cũng không phải là ngoại lệ. Ông V.Putin đã chọn Belarus, quốc gia láng giềng đã từng ký kết với Nga thành lập Nhà nước Liên bang Nga-Belarus, và 2 quốc gia khác trong không gian hậu Xô-viết là Uzbekistan và Kazakhstan, trong số các chuyến thăm đầu tiên. Điều đó chứng tỏ không gian này có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự phát triển và ổn định của nước Nga.
Tổng thống Nga V.Putin cũng chọn Đức và Pháp - 2 quốc gia có vai trò then chốt của EU trong lộ trình công du nước ngoài lần này, cũng nói lên ưu tiên Liên kết Á-Âu của chủ nhân mới trong Điện Kremli. Trung Quốc tuy không phải là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách nhưng lại có vị thế đặc biệt trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông V.Putin, bởi ông sẽ kết hợp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải tại Bắc Kinh liền ngay sau chuyến thăm tới quốc gia này. Lộ trình dày đặc các chuyến thăm đầu tiên này đã chứng tỏ khá rõ định hướng chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Nga V.Putin trong nhiệm kỳ này là xây dựng không gian kinh tế và chính trị lành mạnh, ổn định và có hiệu quả trên toàn bộ lục địa Á-Âu nhằm phục vụ chiến lược phát triển của nước Nga tới năm 2020 và với tầm nhìn xa hơn nữa.
Ba chuyến thăm khẳng định ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga
Ngày 31-5-2012, tân Tổng thống Nga V.Putin đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Belarus, một trong những đồng minh quan trọng nhất và gần gũi nhất trong không gian hậu Xô-viết có quan hệ mang tầm chiến lược trên mọi lĩnh vực, phù hợp với Hiệp ước thành lập Nhà nước liên bang Nga-Belarus ký kết giữa hai nước từ 12-1999 và dựa trên cơ sở nền tảng các văn bản về Liên minh thuế quan và Không gian kinh tế thống nhất, Cộng đồng kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Hai bên tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng Nhà nước liên bang giữa Nga và Belarus. Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Belarus A.Lucasenco tin tưởng rằng, Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ góp phần hình thành ảnh hưởng địa-chính trị ngày càng lớn, thu hút các quốc gia tham gia Liên kết Á-Âu, tạo ra một mô hình hợp tác kinh tế mới xuyên suốt hai lục địa này. Hai bên đề cập nhiều vấn đề quan trọng như củng cố nền an ninh tập thể trong không gian hậu xô-viết, cách thức giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới thông qua đối thoại chính trị, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc pháp lý đã được thế giới công nhận.
Tuyên bố chung được ký kết sau khi kết thúc chuyến thăm đã khẳng định quan điểm của Nga và Belarus, thừa nhận quyền tự lựa chọn con đường phát triển của mỗi quốc gia; cùng nhau nỗ lực chống lại âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước trong khuôn khổ Nhà nước liên bang và trong Không gian kinh tế thống nhất; phản đối việc gây sức ép nhằm vào các nước bằng cách áp đặt những biện pháp trừng phạt, cấm vận. Hai bên bày tỏ tin tưởng, việc Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) trong năm 2013 không chỉ tạo động lực phát triển, mà còn mở ra triển vọng hợp tác quốc tế mới cho khối này. Kim ngạch thương mại Nga - Belarus trong năm 2011 đã vượt qua ngưỡng 38 tỉ USD và hai bên hy vọng con số này sẽ đạt tới 40 tỉ USD trong năm 2012. Nga sẽ cấp tín dụng 10 tỉ USD cho Belarus xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Tổng thống Belarus A.Lucasenco nhận định, việc Tổng thống Nga V.Putin chọn Belarus là nơi ông đến thăm đầu tiên có ý nghĩa tinh thần quan trọng hơn mọi hợp đồng được ký kết.
Chuyển thăm của Tổng thống Nga V.Putin tới Uzbekistan được thực hiện sau chuyển thăm Đức và Pháp, là chuyến công du có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thời gian gần đây khi Mỹ ngày càng thể hiện sự quan tâm tới quốc gia Trung Á này. Washington liên tiếp cử các phái viên đến Uzbekistan như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao John Steinberg, Thứ trưởng Ngoại giao William Berns và Trợ lý của Ngoại trưởng Hillary Clinton, ông Robert Black. Ngày 4-6-2012, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov và Tổng thống Nga V.Putin đã ký Tuyên bố chung về củng cố quan hệ đối tác chiến lược và Văn bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau trong việc Uzbekistan liên kết với Khu vực thương mại tự do của SNG. Theo các văn kiện vừa được ký kết, Uzbekistan sẽ tham gia khu vực thương mại tự do SNG vào cuối năm 2012.
Như vậy, Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do SNG đã được 8 nước trong không gian hậu-Xô viết là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgystan, Mondova, Tajikistan và Ucraina ký ngày 18-10-2011, cho phép mở cửa thị trường, dỡ bỏ nhiều trở ngại và tạo ra bước tiến về chất nhằm phát triển các mối quan hệ kinh tế trong SNG, đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức này. Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng phát triển quan hệ với Uzbekistan như với một đối tác chiến lược ở khu vực Trung Á, coi Uzbekistan là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của Nga tại khu vực này. Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov nhấn mạnh, quan hệ hai nước đang phát triển theo hướng nâng tầm chiến lược, theo đó trong quý 1 năm 2012, kim ngạch thương mại giữa Nga và Uzbekistan tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011. Nga hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Uzbekistan với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4 tỉ USD trong năm 2011.
Sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga V.Putin tới thăm Kazakhstan vào ngày 7-6-2012. Đây là quốc gia có quan hệ gắn bó với Nga trong không gian hậu xô-viết. Đến nay, Nga và Kazakhstan đã ký 2 văn kiện mang tầm quan trọng chiến lược gồm Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ lẫn nhau (ký ngày 25-5-1992) và Tuyên bố về quan hệ hữu nghị vĩnh viễn cho thế kỷ XXI ký năm 1998. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế thời kỳ 2012-2020 ký ngày 25-11-2011, 2 nước đã tăng đáng kể trao đổi kinh tế - thương mại song phương. Kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Nga và Kazakhstan trong năm 2011 tăng gần 31% và đạt gần 20 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nga đạt gần 13 tỉ USD (tăng gần 21%) và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 7 tỉ USD (tăng hơn 54%). Trong quý 2 năm 2012, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai bên đã đạt 4,4 tỉ USD. Nga xuất khẩu sang Kazakhstan các mặt hàng chủ yếu, gồm khoáng sản, kim loại, sản phẩm hóa chất, lương thực và thực phẩm, đồng thời nhập khẩu từ nước Trung Á này cao su, máy móc, thiết bị và phương tiện giao thông - vận tải. Nhiên liệu - năng lượng và nghiên cứu - chinh phục vũ trụ được coi là hai lĩnh vực hợp tác mang tầm quan trọng chiến lược giữa Moscow và Astana. Dầu khí của Kazakhstan xuất khẩu sang châu Âu hiện được vận tải quá cảnh lãnh thổ Nga và Moscow đang thuê sân bay vũ trụ Baikonur của Astana với thời hạn đến năm 2050. Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự, Nga cung cấp và bảo dưỡng-nâng cấp vũ khí hiện đại cho quân đội Kazakhstan, đồng thời giúp đào tạo binh lính-sĩ quan trình độ cao cho nước Trung Á này.
Kazakhstan cùng với Belarus là hai nước SNG hội nhập sâu rộng nhất với Nga trong những năm qua. Không gian kinh tế thống nhất giữa Nga và hai quốc gia này bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2012 trên lãnh thổ 3 nước này và cả ba nước đã thống nhất thành lập Liên minh kinh tế Âu-Á vào năm 2015 - một cơ chế kinh tế liên chính phủ theo kiểu của EU để tạo điều kiện cho việc giao thương tiền, hàng hóa và việc đi lại của công dân ba nước.
Chuyến thăm tới 2 đối tác hàng đầu ở châu Âu
Ngày 1-6-2012, Tổng thống Nga V.Putin thăm Cộng hoà liên bang Đức - đối tác chủ chốt và hàng đầu của Nga trong EU. Ngoài nội dung bàn thảo về việc tiếp tục nâng tầm phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa Nga và Đức, khi đề cập các vấn đề quốc tế, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng tình hình hiện nay ở Syria đã trở nên "cực kỳ nguy hiểm" do xuất hiện nhiều dấu hiệu của một cuộc nội chiến. Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, cộng đồng quốc tế nên tiếp tục ủng hộ kế hoạch của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan nhằm chấm dứt đổ máu tại Syria và cho rằng cuộc xung đột hiện nay tại quốc gia này có thể giải quyết được thông qua giải pháp chính trị. Quan điểm của Tổng thống Nga V.Putin nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel về một giải pháp chính trị tại Syria mà kế hoạch của ông Kofi Annan có thể là một điểm khởi đầu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong việc triển khai kế hoạch này và nếu cần thiết, áp dụng các biện pháp chính trị khác.
Đúng như dự báo của giới phân tích, chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga V.Putin vào chiều ngày 1-6-2012 gặp phải sự “cọ xát” về quan điểm giữa Moscow và Paris về giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Trong cuộc gặp tân Tổng thống Nga V.Putin, tân Thủ tướng Pháp François Hollande tuy nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Nghị quyết Liên hợp quốc và kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Kofi Annan về Syria nhưng lại đưa ra chủ trương trừng phạt Chính quyền Damascus. Thậm chí, ông F.Hollande không loại trừ khả năng can thiệp về quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố, sự "ra đi" của Tổng thống Syria Bashar al-Assad “là điều kiện tiên quyết để mang lại thời kỳ quá độ chính trị cho nước này”. Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Pháp, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về Syria, ông Kofi Annan, là một người trung thực và dày dạn kinh nghiệm, vì vậy, các nước phải làm mọi việc cần thiết để đảm bảo ông hoàn thành sứ mệnh của mình. Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc quan trọng nhất cần phải làm là ngăn chặn bạo lực ở Syria leo thang thành nội chiến, đặc biệt phải tăng cường các cuộc tham vấn và những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề ở Syria thông qua biện pháp chính trị. Tổng thống Nga V.Putin cũng cảnh báo, việc áp dụng biện pháp trừng phạt nhằm vào Chính quyền Syria cần phải được thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Pháp F.Hollande thống nhất quan điểm sẽ tăng cường quan hệ song phương và xúc tiến nhanh cuộc họp Hội đồng kinh tế và tài chính của hai bên nhằm tạo xung lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Pháp và Nga. Hai bên thống nhất sẽ tổ chức hội thảo liên chính phủ nhằm tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và quan hệ văn hóa.
Chuyến thăm tái khẳng định và nâng tầm đối tác chiến lược với Trung Quốc
Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyển thăm tới Bắc Kinh ngày 5-6-2012 (ảnh: “Tiếng nói nước Nga”). |
Trong 2 ngày 5 và 6-6-2012, Tổng thống Nga V.Putin tới thăm Trung Quốc, kết hợp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 6 và 7-6-2012. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của V. Putin kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Nga ngày 7-5-2012. Tháp tùng Tổng thống V. Putin có 6 thành viên nội các, lãnh đạo 3 tập đoàn năng lượng khổng lồ “Gazprom”, “Rosneft” và “Transneft”, cùng nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Nga. Trong các cuộc hội đàm, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước và nhất trí tiếp tục coi phát triển quan hệ song phương là một trong những phương hướng ưu tiên chủ yếu của ngoại giao mỗi nước. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng đã có cuộc hội đàm kín thảo luận về một số vấn đề lớn cùng quan tâm.
Kết quả chuyến thăm, Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chứng kiến ký kết 12 thỏa thuận về ngoại giao và kinh tế nhằm thúc đẩy thương mại song phương và ký thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư chung trị giá 4 tỉ USD. Quỹ Nga và Quỹ phúc lợi nhà nước Trung Quốc sẽ đóng góp mỗi bên 1 tỉ USD vào quỹ chung này, phần còn lại do các nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn. 70% số tiền của Quỹ chung sẽ được đầu tư cho các dự án tại Nga, phần còn lại đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, nông nghiệp, giao thông và hậu cần. Nga và Trung Quốc thống nhất quyết tâm nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương hiện ở mức 83,5 tỉ USD trong năm 2011 lên 100 tỉ USD vào năm 2015 và 200 tỉ USD vào năm 2020. Tổng thống Nga V.Putin còn biết Nga sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với Trung Quốc, trong đó có tăng cường tổ chức diễn tập chung.
Trong một bài viết trước chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc là nhân tố quan trọng góp phần củng cố sự ổn định quốc tế và khu vực. Theo ông, Nga và Trung Quốc có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế, dựa trên nguyên tắc có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế tôn trọng lợi ích lẫn nhau, như các vấn đề liên quan tới tình hình Trung Đông - Bắc Phi, vấn đề Syria và Afghanistan, chương trình hạt nhân Iran và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Nga V.Putin cũng bày tỏ tin tưởng Nga và Trung Quốc có thể tìm được sự hiểu biết lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách như ổn định chiến lược, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, hạn chế tối đa các nguy cơ khủng bố, chủ nghĩa phân lập, tội phạm có tổ chức và nạn di cư bất hợp pháp. Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, hai nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển sang thanh toán thương mại song phương bằng đồng nội tệ (đồng Rup và đồng Nhân dân tệ). Đây sẽ là một bước tiến vững chắc góp phần tăng cường quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước. Nga sẽ thúc đẩy các dự án hợp tác chủ chốt với Trung Quốc trong các lĩnh vực chế tạo hàng không dân dụng, vũ trụ, cũng như trong các ngành công nghệ cao khác. Đặc biệt, Nga sẽ tăng cường đối thoại về năng lượng với Trung Quốc, trước hết là hợp tác cung cấp khí đốt và sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Hai bên cũng chủ trương thúc đẩy đầu tư và phát triển hợp tác đồng bộ trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, phát minh-sáng chế.
Tổng thống Nga V.Putin khẳng định sự cần thiết phải củng cố hợp tác chính trị trong không gian SCO và điều đó sẽ cho phép đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Theo ông V.Putin, hợp tác kinh tế trong khuôn khổ SCO sẽ cho phép thực hiện những dự án quốc tế lớn, thông qua việc tận dụng các khả năng to lớn của nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển năng động, tiềm năng công nghệ và khoa học kỹ thuật của nước Nga đang được hiện đại hóa, và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của các nước Trung Á. Các nước thành viên cần chú trọng hợp tác trước hết trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là thông tin truyền thông. Một tiềm năng đáng kể khác của tăng cường hợp tác trong khuôn khổ SCO chính là phát triển các quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp và tập đoàn của các nước thành viên./.
Tạo chuyển biến mạnh trong học tập gương Bác Hồ  (13/06/2012)
Tăng cường an toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao  (12/06/2012)
Giáo dục, đào tạo với phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (12/06/2012)
Hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải  (12/06/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay