Phát huy truyền thống anh hùng: Gia Viễn vững bước đổi mới và phát triển
TCCS - Huyện Gia Viễn (Ninh Bình), một vùng quê có những vẻ đẹp kỳ vĩ về thiên nhiên, văn hóa. Và trên mảnh đất này, ken đầy những danh thắng, di tích lịch sử gắn với những danh nhân xuất chúng của dân tộc.
Với lợi thế về tiềm năng cho phát triển công nghiệp, du lịch, cùng với quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, cố gắng của nhân dân, trong những năm qua, Gia Viễn đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống anh hùng, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Gia Viễn vững bước trên con đường đổi mới và phát triển bền vững.
Huyện Gia Viễn được các triều đại phong kiến lập ra từ năm 669, với tên gọi đầu tiên là Như Viễn, sau đổi thành An Viễn. Đến đời nhà Trần gọi là huyện Gia Viễn. Đây là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, nơi sinh ra những con người kiệt xuất của dân tộc Việt, với câu ca: “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh”. Trong câu ca này, ám chỉ: Vương ở đây là vua Đinh Tiên Hoàng, Thánh là Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không. Bởi, làng Đại Hữu, xã Gia Phương - nơi sinh ra Đinh Bộ Lĩnh; làng Đàm Xá (nay là Điền Xá), xã Gia Thắng - nơi sinh ra Nguyễn Minh Không và hai làng ở cạnh nhau.
Đinh Bộ Lĩnh là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn sau ngót ngàn năm Bắc thuộc và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam; vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam - là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền.
Gia Viễn là huyện đồng chiêm trũng của tỉnh Ninh Bình, tổng diện tích 178,5 km2, dân số khoảng 120 nghìn người; có 2.218ha núi đá vôi, 9.382ha đất nông nghiệp, còn lại là sông hồ... Địa hình không bằng phẳng, được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng núi đá vôi, vùng bán sơn địa và vùng đồng bằng. Là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước, như: động Hoa Lư, động Địch Lộng (được mệnh danh là “Nam thiên đề tam động”, hang Kẽm Trống, chùa Bái Đính, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh (ngôi đền cổ, xây dựng tại nơi sinh ra Đinh Tiên Hoàng), đền Thánh Nguyễn (xưa là chùa Viên Quang Tự, tương truyền do quốc sư Nguyễn Minh Không lập nên để tu hành). |
Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vùng quê địa linh, nhân kiệt kiên trì một lòng theo Đảng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương và lớp lớp con em của Gia Viễn lại hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích và kết quả đã đạt được, huyện Gia Viễn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và có 10 xã/21 xã, thị trấn là đơn vị Anh hùng.
Năm năm - một bước tiến quan trọng của vùng quê chiêm trũng
Năm năm qua, trong điều kiện có nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, gay gắt; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, nhất trí, phát huy ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra. Cụ thể là, hoàn thành vượt mức 10/11 chỉ tiêu; trong đó, có một số chỉ tiêu vượt mức cao như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm, đạt 18% (mục tiêu 13%). Giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 1994) đạt 2.465 tỉ đồng, tăng 1.853 tỉ đồng; trong đó, công nghiệp - xây dựng, đạt 1.621 tỉ đồng, tăng 1.367 tỉ đồng. Sản lượng lương thực hằng năm, đạt 72.700 tấn, tăng 7.700 tấn; bình quân lương thực 650 kg/người/năm, tăng 100 kg. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 88 tỉ đồng, tăng 61 tỉ đồng.
Về nông nghiệp, mặc dù diện tích đất trồng lúa giảm hơn 400 ha (dùng cho phát triển công nghiệp), nhưng huyện đã chỉ đạo tăng diện tích lúa cao sản, phát triển diện tích lúa tái sinh và mở rộng diện tích cây vụ đông. Đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông có giá trị kinh tế cao trên các diện tích đất hai vụ lúa nên tổng sản lượng lương thực có hạt vẫn tăng. Do đó, giá trị thu nhập từ cây vụ đông năm 2010 đạt trên 60 tỉ đồng. Bên cạnh đó, để phát huy thế mạnh là địa phương có diện tích đất ngập nước, ao hồ lớn, huyện đã chỉ đạo chuyển 1.994 ha trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản và phát triển trang trại. Do đó, sản lượng thủy sản đạt 2.230 tấn, tăng 1.200 tấn so với năm 2005. Tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng 300 ha canh tác đạt giá trị 100 triệu đồng/ha/năm.
Quy hoạch và chỉ đạo xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp và trang trại. Trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ gia đình, một năm xuất chuồng gần 1.000 tấn lợn hơi.
Chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống bão, lụt; nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt là năm 2008, đã bảo vệ an toàn các tuyến đê và đập tràn Lạc Khoái trước nhiều trận lũ lớn.
Về phát triển công nghiệp, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và bảo đảm tốt an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương, nhất là tại Khu công nghiệp Gián Khẩu. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, hiệu quả như: Nhà máy xi-măng The Vissai, Nhà máy ô-tô Thành Công, Công ty may Đài Loan, công ty gỗ Tài Anh… Tổng doanh thu năm 2009 tại Khu công nghiệp Gián Khẩu đạt 1.190 tỉ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng trung bình 37,4%/năm. Đặc biệt là các dự án về phát triển du lịch như chùa Bái Đính (Gia Sinh), khu sinh thái đất ngập nước Vân Long (Gia Vân), khu tắm ngâm nước nóng Kênh Gà (Gia Thịnh)…, bước đầu đã thu hút được khá đông khách trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương theo hướng tập trung vào những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh và là thế mạnh của huyện, tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho nông dân.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý quy hoạch từng bước đi vào nền nếp, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng kết cấu hạ tầng, do đó kết quả đầu tư xây dựng cơ bản đã có bước tăng trưởng khá, bình quân hằng năm đạt 23%.
Trong 5 năm, toàn huyện đã giải ngân được 1.977 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước các cấp và thu hút được 3.465 tỉ đồng vốn của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển khá toàn diện, chất lượng giáo dục ở các cấp học được duy trì và phát triển; văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tốt. Công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo được thực hiện tốt, đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện về nhiều mặt, nhất là gia đình chính sách, người có công, người nghèo được quan tâm thường xuyên. Các cấp, các ngành đã triển khai tích cực, có hiệu quả Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,68%. Hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 452 nhà cho hộ nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở. Năm năm qua đã giải quyết được trên 20.500 lao động có việc làm mới.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tội phạm được kiềm chế, không để xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen. Một số khó khăn phức tạp nảy sinh ở một số cơ sở đã được các cấp, các ngành tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để lại hậu quả xấu.
Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Công tác tư tưởng được triển khai đồng bộ, bám sát nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, có trọng tâm, trọng điểm. Tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định, lòng tin đối với Đảng được nâng lên, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội. Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và đạt được những kết quả thiết thực.
Công tác tổ chức, cán bộ bảo đảm dân chủ, công khai, chặt chẽ từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng đến việc thực hiện chính sách cán bộ. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được tập trung chỉ đạo; nền nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng được tăng cường. Hằng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh tăng, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm dần. Trong nhiệm kỳ qua đã kết nạp được 710 người vào Đảng, vượt 42% so với mục tiêu.
Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có chuyển biến tốt. Các đại biểu hội đồng nhân dân đã đề cao trách nhiệm, giữ mối liên hệ và thực hiện tốt chế độ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Công tác quản lý và điều hành của ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục được đổi mới, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc ở cơ sở. Công tác cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ, hoạt động của Trung tâm một cửa liên thông tại Ủy ban nhân dân huyện bước đầu đạt kết quả tốt.
Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với các đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở.
Tiếp tục trên đường đổi mới, hướng tới phát triển bền vững
Để thực hiện thắng lợi các định hướng cơ bản trên, trong những năm tới, Đảng bộ huyện Gia Viễn sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1 - Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, phát triển nhanh, bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; tạo điều kiện từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch; phấn đấu giá trị tăng thêm trong nông, lâm nghiệp và thủy sản 3,9%/năm. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng mô hình nông thôn mới văn minh hiện đại. Tập trung phát triển các ngành, nghề là thế mạnh của địa phương, như đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến và sản xuất hàng hóa phục vụ khách du lịch. Hoàn thành quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp và khu du lịch của huyện, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực làm dịch vụ du lịch; bảo đảm văn minh, trật tự ở các điểm du lịch. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh để hình thành và phát triển nguồn thu, chống thất thu thuế. Đẩy mạnh công tác đấu giá giá trị quyền sử dụng đất, giao đất sát với giá thị trường, trên cơ sở bảo đảm quy hoạch hợp lý để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư xây dựng mới một số công trình thật cần thiết, có nguồn vốn đối ứng. Các công trình phải được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, phát huy tác dụng lẫn nhau; có kế hoạch phân kỳ đầu tư hợp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu cả hiện tại và lâu dài.
2 - Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ, gắn với tăng trưởng kinh tế, nhằm hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giảm các tệ nạn xã hội, đi đôi với việc tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế. Phấn đấu để mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu có chất lượng. Hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học; quan tâm phát triển giáo dục mầm non; củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo tốt hơn đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, đó là: Khu công nghiệp Gián Khẩu, diện tích 93ha, sản xuất công nghiệp vật liệu cao cấp, hàng tiêu dùng, may mặc và dịch vụ thương mại, du lịch; Cụm công nghiệp Gia Sinh, diện tích 70ha sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón; Cụm công nghiệp Gia Vân, diện tích 20ha, phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan và dịch vụ du lịch. |
4 - Tăng cường công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn liền với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chú trọng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đề cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn và phát triển đảng viên mới; đặc biệt, là tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm triệt để các thủ tục không cần thiết. Nâng cao trách nhiệm, năng lực chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay”.
Trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm qua nhiều năm và huy động tối đa các nguồn lực kể cả trong và ngoài huyện, Đảng bộ, quân và dân huyện Gia Viễn tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, quyết tâm xây dựng Gia Viễn thành một huyện văn minh, giàu đẹp./.
---------------------------------------------------
(1) Tượng chùa Quỳnh Lâm ở chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; Tháp Báo Thiên được xây tại chùa Sùng Khánh Báo Thiên, làng Tiên Thị, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long (nay thuộc về khu phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); chuông Quy Điền ở chùa Một Cột (Hà Nội) và đỉnh/vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, xã Tức Mạc (nay là xã Vương Lộc) Nam Định.
Đột phá trong quy hoạch, quản lý việc sử dụng, tích tụ đất nông nghiệp  (30/05/2012)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu lực hệ thống chính trị cơ sở  (30/05/2012)
Châu Phi: Viễn cảnh lạc quan  (30/05/2012)
Thông cáo số 7, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII  (29/05/2012)
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp  (29/05/2012)
Thảo luận dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật  (29/05/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay