EU sau bão táp chính trị

Phan Lang
21:11, ngày 10-05-2012
TCCSĐT - Cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp và bầu cử quốc hội ở Hy lạp ngày 6-5 vừa qua đã làm thay đổi hai thành viên EU này và làm cho cả EU cũng không còn được như trước nữa. Thắng cử của ông Francois Hollande ở Pháp và việc cử tri Hy lạp không tín nhiệm hai đảng phái chính trị lớn nhất thay nhau cầm quyền trong suốt mấy thập kỷ qua đều có liên quan trực tiếp tới chính sách tiết kiệm chi tiêu khắc khổ mà EU đã thỏa thuận và áp đặt các thành viên thực hiện.
Kết quả của hai cuộc bầu cử này có thể cũng có thể coi là làn sóng chính trị mới đối với EU và buộc họ phải giải lại bài toán đối phó khủng hoảng tài chính và nợ công trong bối cảnh tình hình thay đổi cơ bản so với trước.

 

Tác động của hai cuộc bầu cử này tới gói giải pháp thoát khỏi khủng hoảng của EU rất khác nhau. Khi tranh cử, ông F.Hollande cam kết sẽ đàm phán lại với EU về gói tài chính cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế giúp các thành viên EU thoát khủng hoảng và bảo vệ đồng euro, đưa ra cách tiếp cận giải pháp mới là không coi tiết kiệm chi tiêu là sự lựa chọn chính sách duy nhất mà bổ xung thêm những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn tại Hy lạp, hai đảng phái chính trị lớn nhất, chiếm hơn 80% phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2009, chấp nhận những điều kiện của EU và IMF để nhận viện trợ tài chính đã bị cử tri truất quyền và chỉ có được 33% phiếu bầu. Nếu cánh tả thành công với việc thành lập chính phủ liên hiệp mới thì không chỉ những điều kiện của EU và IMF không được thực hiện mà thành viên EU này r
còn có khả năng sẽ phải ra khỏi nhóm những thành viên EU sử dụng đồng tiền chung euro.

Khi đó, không chỉ toàn bộ đối sách của EU nhằm đối phó và ngăn ngừa khủng hoảng tài chính bị phá sản mà số phận của đồng euro cũng chẳng khác gì ngàn cân treo sợi tóc. Pháp là thành viên EU thứ 11 thay đổi chính phủ trong mấy năm qua. Kết quả hai cuộc bầu cử này đã buộc EU phải xem lại cách giải quyết khủng hoảng của mình đã được thỏa thuận đúng hay sai, khả thi đến đâu và còn có thể kéo theo những tác động chính trị, kinh tế và xã hội nào nữa.

Nếu cách giải quyết cũ không còn thích hợp thì EU sẽ phải định hướng ra những giải pháp như thế nào trong tương lai. Đằng sau đó còn là những biểu hiện rõ nét về mức độ phát triển không đồng đều, sự thiếu đồng điệu trong chính sách kinh tế và tài chính ngân sách và tình trạng không đồng thuận quan điểm giữa các thành viên EU. Tất cả đều là những vấn đề nan giải.

Sau cơn bão táp chính trị này, EU sẽ không chỉ xem xét và định hướng lại những biện pháp chính sách đối phó với khủng hoảng, mà còn phải nhìn lại mối quan hệ giữa thể chế chung và các quốc gia thành viên chung. Ông F.Hollande chưa chính thức nhậm chức tổng thống Pháp nhưng đã được nhiều lãnh đạo các nước thành viên EU tỏ thái độ đồng tình với việc kết hợp chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với chính sách tiết kiệm chi tiêu. Đó được xem như một
thắng lợi có ý nghĩa chính trị đặc biệt của tân tổng thống Pháp. Và để tránh bị cô lập, Chính phủ Đức của Thủ tướng Angela Merkel rồi cũng sẽ phải ngả theo chiều hướng ấy.

Đó là cách nhượng bộ một bước đối với tân Tổng thống Pháp Francois Hollande nhằm tránh việc phải đàm phán thỏa thuận lại toàn bộ gói cứu trợ tài chính đã được thông qua. Dự định của EU là sẽ tiến hành ngay trong tháng 5 này cuộc họp thượng đỉnh bất thường về chủ đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được vội vã quyết định trong bối cảnh ấy và nhằm mục đích ấy.

Theo các nhà phân tích, diễn biến tình hình chính trị nội bộ ở Hy lạp hiện còn nguy hiểm đối với đồng euro và cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp. Cánh tả ở Hy lạp đã tuyên bố không thành lập chính phủ liên minh với hai đảng chấp nhận sự áp đặt chính sách của EU. Và nếu cánh tả thành công với việc thành lập chính phủ liên hiệp và thực thi những gì đã cam kết trong tranh cử thì bão táp chính trị sẽ vẫn còn tiếp diễn đối với EU./.