Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh sau ba năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Từ chuyển biến sâu sắc trong nhận thức...
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn được tăng cường, chú trọng đổi mới về phương pháp theo hướng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được ban hành, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu, quán triệt và chương trình hành động để thực hiện nghị quyết trên; đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung quy chế làm việc của Thành ủy; chỉ đạo ban hành và triển khai quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; ban hành quy trình, quy định về xử lý kỷ luật, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đối với cán bộ thuộc diện Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Cùng với đó, Đảng bộ Thành phố chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của Thành ủy theo Điều 30 của Điều lệ Đảng; tiến hành kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và có chiều sâu; giám sát chuyên đề được mở rộng ở nhiều lĩnh vực; chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát phù hợp với thực tiễn của địa phương. Toàn Đảng bộ Thành phố cũng nhận thức rõ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình lãnh đạo, điều hành của Đảng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, năng lực cầm quyền của Đảng. Khắc phục tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên. Một số ban thường vụ cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức của Đảng còn lúng túng trong thực hiện chức năng giám sát, hoặc một số cấp ủy thiếu quan tâm, nay đã nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Ba năm qua, Thành ủy lập 11 đoàn kiểm tra, phúc tra tại 28 đơn vị; các quận ủy và tương đương lập 138 đoàn, tổ thực hiện kiểm tra, phúc tra 384 cơ quan, đơn vị; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra 456 tổ chức đảng và 1.445 đảng viên. Nội dung chủ yếu là kiểm tra việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; sử dụng tài chính, tài sản công; quản lý tiền quyên góp khắc phục hậu quả thiên tai, các hoạt động xã hội; cải cách hành chính; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công tác cán bộ... Qua kiểm tra, đã xử lý nghiêm những trường hợp có sai phạm; chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm; đề ra hướng khắc phục, thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, quy định về công tác kiểm tra, giám sát. Giúp tổ chức đảng cấp dưới làm rõ, giải quyết dứt điểm những vấn đề, mâu thuẫn gay gắt kéo dài, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ tổ chức đảng.
Nhờ vậy, hằng năm số lượng đảng viên và tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật đều giảm (năm 2008 kỷ luật 523 đảng viên và 13 tổ chức đảng, đến năm 2010 giảm xuống còn 397 đảng viên và 04 tổ chức đảng); đơn thư khiếu nại kỷ luật đảng ngày càng ít (năm 2008 giải quyết 23 đơn, năm 2010 giảm xuống còn 16 đơn). Công tác kiểm tra, giám sát đã phát hiện những quy định về cơ chế, chính sách không phù hợp, không thuộc thẩm quyền, nên ủy ban kiểm tra các cấp đã kiến nghị Trung ương, Thành ủy bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các quy định phù hợp với thực tiễn. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những việc làm tốt, chỉ ra những mặt hạn chế, khuyết điểm và xử lý nghiêm vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng bộ,... Những kết quả trên đã góp phần xây dựng Đảng bộ Thành phố ngày càng trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, chỉ đạo trong tình hình mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Thành phố cũng còn một số hạn chế. Cụ thể là: công tác kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu còn ít, chất lượng tự kiểm tra ở một số đơn vị, địa phương có mặt còn chưa cao; việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi chưa đầy đủ, chưa sát hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị. Chất lượng một số cuộc giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu; nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề chưa sâu; công tác kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động chưa thật sự sâu sát thực tiễn. Sau các cuộc kiểm tra, việc theo dõi thực hiện kết luận của cấp ủy, ủy ban kiểm tra để khắc phục hậu quả sai phạm còn hạn chế. Nhân sự ủy ban kiểm tra một số đơn vị còn nhiều biến động, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác kiểm tra nhất là ở cơ sở chưa hợp lý.
Những hạn chế này do nhiều nguyên nhân. Đó là một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng, cũng như quy định, hướng dẫn của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Chất lượng thực hiện tự phê bình, phê bình ở một số cấp ủy, chi bộ chưa tốt; tình trạng thiếu tính chiến đấu, né tránh, giấu giếm khuyết điểm còn xảy ra. Các đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy, nhất là khối doanh nghiệp, cán bộ kiểm tra chuyên trách còn ít, đa số cán bộ kiểm tra cơ sở hiện nay là kiêm nhiệm, trong khi chế độ, chính sách tiền lương chưa phù hợp.
... Tới một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
1 - Vai trò của các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và của đồng chí bí thư cấp ủy là nhân tố quyết định, nên phải được thường xuyên phát huy để lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy với việc đẩy mạnh kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp dưới.
2 - Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải bảo đảm phương châm: “giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai trong Đảng; thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời chỉ đạo kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm. Tăng cường phúc tra, giám sát việc thực hiện kết luận của cấp ủy và ủy ban kiểm tra sau các cuộc kiểm tra, giám sát.
3 - Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ về công tác xây dựng Đảng và nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát; có kiến thức về pháp luật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; có dũng khí đấu tranh với mọi hành vi tiêu cực, tham nhũng; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, kỷ cương pháp luật của Nhà nước và tình thương yêu đồng chí, trung thực, công tâm, vô tư, khách quan. Coi trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho cấp ủy, cán bộ làm công tác kiểm tra bằng các hình thức thích hợp.
4 - Ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động tham mưu kịp thời, có hiệu quả cho cấp ủy; chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để vận dụng phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị mình.
Những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và các văn bản của Thành ủy về công tác kiểm tra, giám sát gắn với việc thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 và Chương trình hành động số 13-CTr/TU, ngày 20-10-2006, của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Hai là, triển khai sâu, rộng đến các cấp ủy và đảng viên trong toàn Đảng bộ Thành phố Hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về thi hành Điều lệ Đảng. Tăng cường tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng theo Thông báo số 226-TB/TW, ngày 03-3-2009, của Ban Bí thư để nâng cao nhận thức của các cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp hằng năm xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị từng địa phương, đơn vị. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nội dung 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ Thành phố và những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bốn là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự ủy ban kiểm tra, bảo đảm về số lượng, chất lượng; không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cơ quan và cán bộ kiểm tra các cấp để tham mưu cho cấp ủy trong công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng ngày càng tốt hơn.
Năm là, trong sơ kết, tổng kết cần đánh giá hiệu quả công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng; chú ý rà soát, hoàn chỉnh các quy chế phối hợp với các ngành liên quan; chủ động xây dựng các quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị, xã hội và Ban chỉ đạo Thành phố về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng đạt hiệu quả cao trước yêu cầu thực tiễn đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới, xin có một số kiến nghị cụ thể sau đây:
- Trung ương cần xem xét, bổ sung, cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng về phương pháp, cách thức tiến hành chất vấn, việc bảo lưu ý kiến trong Đảng.
- Hướng dẫn cụ thể về bố trí cán bộ kiểm tra chuyên trách trong các tổ chức đảng tại cơ quan, doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên; ban hành quy định về tổ chức, bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra cấp quận ủy và tương đương (nghiên cứu cho tăng số lượng phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra quận, huyện lên 3 đồng chí, do có thêm chức năng giám sát) và mô hình tổ chức, số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra ở các đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc tỉnh, thành ủy.
Xem xét để các cán bộ chuyên trách công tác kiểm tra ở phường, xã, thị trấn được hưởng chế độ, chính sách như công chức cơ sở (không hưởng chế độ bán chuyên trách như hiện nay); có chính sách, chế độ phụ cấp trách nhiệm kiểm tra đối với chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở; phụ cấp trách nhiệm và thâm niên nghề cho cán bộ chuyên trách làm công tác kiểm tra tại các đảng ủy cấp trên cơ sở ở các tổng công ty; chế độ phụ cấp cho thành viên kiêm chức của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra của các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy./.
Góp phần giải quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay  (10/05/2012)
Nâng cao "tính Đảng" của người đảng viên  (10/05/2012)
Chính phủ kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đề ra cho năm 2012  (09/05/2012)
Đồng chí Lê Hồng Anh tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Lai Châu  (09/05/2012)
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực
- Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay