Nâng cao "tính Đảng" của người đảng viên

Thái Sơn
20:59, ngày 10-05-2012
TCCS -  “Tính Đảng” của đảng viên được hiểu là sự thừa nhận một cách tự nguyện và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn: đó là sự tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật; là những chuẩn mực trong mọi hành vi, lời nói trong các hoạt động xã hội. Việc nâng cao “tính Đảng” của người đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo ra sự đồng thuận về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; sự thống nhất, đoàn kết trong hành động; sự tiên phong và là tấm gương sáng có sức thu hút dẫn dắt quần chúng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng...

1 - Thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa chứng minh “tính Đảng” là “thuộc tính căn bản, cốt lõi và bản chất” của Đảng Cộng sản. Đảng ta ngay từ khi thành lập đã mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, và cơ sở chính trị - xã hội là giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức tiến bộ mà Đảng là người đại diện lãnh đạo; chiến đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Với việc tự nguyện thừa nhận nền tảng tư tưởng, thừa nhận tính tổ chức và tính kỷ luật của Điều lệ Đảng, và khi trở thành đảng viên mang tính “đại diện” tiên phong đó, thì người đảng viên không ngừng gìn giữ và phát huy thông qua các hoạt động cụ thể từ lời nói, hành vi trong hoạt động xã hội cũng như thông qua hoạt động của tổ chức (tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật nghiêm) nơi cá nhân đảng viên đó sinh hoạt chính trị.

Như vậy, rõ ràng “tính Đảng” của Đảng Cộng sản được thể hiện thông qua tính đại diện của đảng viên cộng sản khi tham gia tổ chức chính trị và trong hoạt động xã hội. Đảng Cộng sản chỉ vững mạnh khi mọi đảng viên chấp hành nghiêm các yếu tố cấu thành nên “tính Đảng” - đó phải là sự chấp hành mang tính nội dung, chứ không phải là sự thừa nhận một cách hình thức.

2 - Các yếu tố cấu thành nên nội dung của “tính Đảng” bao gồm các mặt tư tưởng, tổ chức và hoạt động xã hội. Đây là ba mặt không thể tách rời, có quan hệ khăng khít với nhau khi xem xét đến “tính Đảng” của người đảng viên cộng sản.

Về mặt tư tưởng. Tính đảng trong tư tưởng là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, còn trong chính trị thì phải kiên quyết phấn đấu cho đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.  Mọi đảng viên đều phải thừa nhận và xem đây là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Phần đông cán bộ đảng viên của chúng ta đều thể hiện sự trung thành tuyệt đối với
nền tảng tư tưởng mà Đảng đã lựa chọn.

Tuy nhiên, cũng có không ít cán bộ, đảng viên do không vững trọn niềm tin nên đã dao động, không thể hiện sự trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, khi đất nước đã trong hòa bình, kinh tế đất nước có sự chuyển biến tích cực nhưng không phải không có những “phần tử” cơ hội chạy theo danh lợi mà đứng vào hàng ngũ của Đảng nhưng thực tế thì mặt tư tưởng của “tính Đảng” của người đảng viên cộng sản bị phai mờ hoặc cắt xén. Những phần tử này đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng.

Công cuộc đổi mới thời gian qua cho thấy, từ sự kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng; từ sự đồng thuận trong đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên đã “sáng tạo” ra đường lối đổi mới (dựa trên nền tảng tư tưởng và thực tiễn sinh động) đã góp phần vào việc giữ vững cũng như nâng cao “tính Đảng” trong mỗi cán bộ, đảng viên, nó là nhân tố quyết định tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII trước đây, cũng như Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang giúp cho cán bộ đảng viên có dịp nhìn nhận lại “tính Đảng” trong bản thân mình. Và sự đẩy mạnh thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng trong thời điểm hiện nay của Đảng ta theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI không nhằm ngoài mục đích là nâng cao nền tảng tư tưởng chính trị cho Đảng. Đây là một trong nhiều lý do mà Đảng quyết tâm thực hiện nhằm tạo ra những chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên.

Về mặt tổ chức và kỷ luật Đảng. Đối với người đảng viên cộng sản khi tự nguyện gia nhập hàng ngũ của Đảng đồng nghĩa với việc tuân thủ nghiêm ngặt tính tổ chức và tính kỷ luật của Đảng. Đây được xem là “hành lang pháp lý” của Đảng để người đảng viên rèn luyện và phấn đấu không ngừng. Trước hết, đó là sự không ngừng góp phần giữ vững và phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, trong đó người đảng viên cộng sản luôn tôn trọng và tuân thủ ý kiến tập thể, chấp hành nghiêm túc các nghị quyết của tổ chức đảng; luôn luôn tự giác trong tự phê bình và phê bình, để tránh sự vấp ngã dẫn đến phải chịu các hình thức kỷ luật của Đảng và hậu quả xử lý theo pháp luật... Chính điều này giúp cho Đảng ta không ngừng lớn mạnh về mặt tổ chức và giữ nghiêm được tính kỷ luật.

Xem xét về mặt này của “tính Đảng” trong cán bộ, đảng viên hiện nay, có một số chiều hướng rất cần được chấn chỉnh. Bên cạnh những hành vi mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán của một số cán bộ có chức, có quyền, cũng có không ít đảng viên đã lợi dụng nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt đảng để đả kích lẫn nhau, gây ra mất đoàn kết nội bộ. Một số đảng viên nhận thức yếu kém về vấn đề dân chủ nên vô tình đấu tranh nhưng sai sự thật, gây mất ổn định tình hình ở cơ quan, đơn vị.

Về mặt hoạt động xã hội. Phần đông cán bộ, đảng viên của chúng ta hiện nay ngoài việc gắn chặt hoạt động của bản thân mình với tổ chức đảng để rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu, còn lấy môi trường hoạt động xã hội làm thước đo đánh giá năng lực hoạt động thực tiễn chính trị - xã hội của mình. Thông thường chuẩn giá trị của người cán bộ, đảng viên được thể hiện không chỉ trong hoạt động của tổ chức mà còn thể hiện trong sức thu hút, tập hợp quần chúng nhân dân lao động, đó là sự tuân thủ các nguyên tắc của Đảng trong từng cử chỉ, lời nói và hành vi thể hiện tính đúng đắn và chuẩn mực trước nhân dân. Trên góc độ này, số đông cán bộ đảng viên của chúng ta luôn giữ vững tính đại diện tiên phong lãnh đạo.

Tuy nhiên, nếu xét trong tổng thể gắn với các mặt tư tưởng, mặt tổ chức thì có một bộ phận cán bộ đảng viên có biểu hiện lời nói không đi đôi với việc làm; không gương mẫu; phát ngôn và hành động ở ngoài xã hội không tuân thủ các nguyên tắc tổ chức đảng, đôi khi là nói trái đường lối, quan điểm của Đảng, xem thường ý kiến chỉ đạo của tổ chức... Điều này đặc biệt nguy hiểm khi nó được phát ra từ một số ít đối tượng có địa vị xã hội, nên đã gây bất bình và tạo ra suy nghĩ trái chiều trong nhân dân. Nếu không có sự chấn chỉnh kịp thời sẽ gây ra những tác hại xấu cho cả trong tổ chức đảng và ngoài xã hội.

3 - Nâng cao “tính Đảng” là xuất phát từ yêu cầu giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng và những nhiệm vụ mà Đảng phải thực thi trong điều kiện mới. Yêu cầu tự trưởng thành chính là luôn giữ vững bản chất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng luôn xứng đáng là đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. “Tính Đảng” cần được nhận thức không chỉ là giá trị của mỗi đảng viên cộng sản trong quá trình phấn đấu và trưởng thành mà còn là giá trị chung của Đảng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trong giai đoạn hiện nay, khi bối cảnh tình hình chính trị thế giới có sự thay đổi, chứa đựng sự phức tạp chưa thể lường hết được, nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước ta trước mắt đứng trước những thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thử thách mới, đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng và toàn dân tộc, hơn bao giờ hết “tính Đảng” của người đảng viên cộng sản  càng phải được đề cao hơn. Để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc”(1). Củng cố và nâng cao hơn nữa “tính Đảng” sẽ nhân thêm sức mạnh nội lực của Đảng, đồng thời tạo ra thế và lực mới trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục giành thêm những thắng lợi mới./.

-------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 9, tr. 285